Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ba điều đặc biệt trong bát bún chả cá Quy Nhơn

Món bún chả cá Quy Nhơn cùng bún chả cá Nha Trang, Đà Nẵng đã góp phần tạo nên thương hiệu bún chả cá miền Trung nổi tiếng khắp đất nước và thế giới. Ai đã đặt chân đến Quy Nhơn đều muốn nếm thử món này.
Điều đặc biệt đầu tiên là nước dùng. Bún chả cá Quy Nhơn không dùng nước nấu từ xương heo mà nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là xương hoặc đầu cá thu, cá cờ, tạo cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh.
2-1377654639.jpg
Bát bún chả cả hấp dẫn với màu sắc bắt mắt. Ảnh: Chaca.vn
Điều đặc biệt thứ hai là chả cá, thành phần ngon nhất của tô bún.  Để có chả ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay. Chả cá miền Trung hoàn toàn không có thì là như ở miền Bắc nhưng miếng chả cá vẫn thơm ngon. Sau khi được đánh nhuyễn, cá xay được chia thành từng mảnh nhỏ, mỏng hoặc từng viên tròn, vừa miệng cho vào chảo dầu chiên vàng. Một phần khác đem cho vào khuôn để hấp cách thủy, khi ăn sẽ cắt nhỏ thành từng miếng. Khi thưởng thức tô bún chả cá Quy Nhơn, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị mềm, mịn, ngọt của chả cá viên, chả cá hấp và vị dai của chả cá chiên.
Điều đặc biệt thứ ba là các loại gia vị, rau sống ăn kèm. Rau sống là sự phối hợp hoàn hảo giữa màu xanh của xà lách, màu trắng của bắp cải bào mỏng, màu sậm của vài sợi bắp chuối, vài cọng giá, lá bạc hà tươi xanh. Khi ăn, chấm miếng chả cá vào chén tương ớt đặc trưng, kèm củ hành tím ngâm, kèm một ít rau, húp một tý nước dùng, bạn sẽ nghe vị thơm ngon của đồng quê và biển cả tan trên đầu lưỡi.
1-1377654639.jpg
Hương vị của biển đậm đà trong tô bún chả cá. Ảnh: bunchaca.net
Theo chân những người con Bình Định tha phương, món bún chả cá Quy Nhơn đã Nam tiến nhiều năm nay và được những người con phương Nam đón nhận nhiệt tình. Khi được thưởng thức một tô bún chả cá giữa lòng Sài Gòn, những người con xa xứ lại chạnh lòng nhớ về nơi mình sinh ra, lớn lên.
Duyên Mới

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Quán cháo bình dân siêu mắc ở Sài Gòn

Với mức giá 65.000 đồng/tô, thực khách khá "đau túi" khi đến đây bởi ăn ở nơi bình dân mà giá lại khá "sang trọng".
Sau một lúc chạy thẳng, quẹo phải, nhìn bên trái, chúng tôi cũng đến được quán cháo Tiều trên đường Cao Thắng (Q. 3), nơi mà cô bạn mới quen khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Quán cháo đó đông khách đến nỗi nhờ bán cháo mà từ một căn nhà lụp xụp "lên đời" thành nhà 5 tầng”.
Ấn tượng ban đầu là quán khá bình dân với chiếc bàn nhỏ bằng gỗ trước cửa đặt rải rác những chiếc hộp nhựa đựng các phần nội tạng heo đã nấu chín. Trong góc tường, cạnh nồi cháo nghi ngút khói là chiếc rổ tầm trung xanh mướt những cọng hành lá.
Bài trí đơn sơ như vậy, nhưng cả nhóm chỉ muốn rời khỏi quán ngay khi thấy giá các món cháo dán trên tường. Là quán bình dân, nhưng giá một tô cháo cơ bản, tức cháo thịt bằm là 27.000 đồng. Từ tô cháo ấy, cộng thêm tim, gan, cật... sẽ cho ra mức giá khác nhau. Đỉnh điểm là là tô cháo đặc biệt với giá 65.000 đồng.
Cháo thịt bằm, gan, tim... giá 42.000 đồng.
Cháo thập cẩm 52.000 đồng.

Cháo đặc biệt: 65.000 đồng.
Với mức giá ấy, người không hay ít sĩ diện hẳn sẽ kêu món rẻ nhất, ăn qua quýt rồi về.  Riêng học sinh, sinh viên hay những ai "lỡ đến" với bạn gái mà túi không “đầy”, có lẽ sẽ vừa ăn vừa “đánh lô tô bụng” vì lo.
Dặn lòng "không ghé quán lần thứ hai" nên mọi người trong nhóm đều thử kêu những tô “trội” một chút.  Để rồi thất vọng toàn tập trước tô cháo 65.000 đồng bởi nó "không có gì đặc biệt"
Cảm giác hơi yên tâm chỉ trở lại khi một trong những người bạn cho chiếc muỗng vào tô, quậy đều, và phát hiện những lát tim, lòng non, dạ dày, gan… ẩn sâu bên dưới. Nếu tính toán kỹ, tỷ lệ của phần "thịt thà" và cháo là 1:1. Riêng cháo, nhìn khá bình thường, song khi thưởng thức sẽ nhận ra gạo và thịt nạc băm được nấu theo công thức riêng nên không chỉ mềm, mịn mà còn khá dẻo. Nước cháo cũng ngọt thanh, thơm đậm do được nấu hoàn toàn bằng nước hầm xương ống trong thời gian dài. chứ không phải gia giảm bởi gia vị.





Cận cảnh phần "thịt thà" của tô cháo đặc biệt của quán. Phần thịt thà không hẳn là nhiều nên chúng tôi vẫn thống nhất giá của nó chỉ nên dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/tô.
Không chỉ thế, món cháo còn có vị cay nồng rất nhẹ của tiêu, cay ấm của hành lá. Ban đầu cái cay ấy chỉ thoáng qua nên phải là người sành ăn lắm mới cảm nhận được, nhưng càng ăn, vị cay càng đậm. Để rồi khi tô cháo đã cạn, mồ hôi sẽ tuôn ra như tắm, mọi căng thẳng, mệt mỏi cũng bị tiêu trừ.
Địa chỉ: Quán cháo Tiều Cô Út, 51/33 Cao Thắng, P. 3, Q. 3, TP. HCM (từ hẻm 51 Cao Thắng chạy thẳng vào khoảng 200m, quán nằm bên tay trái).
Huỳnh Hằng
Theo Tri Thức

Kỳ ảo hang động Pa Don

Hang rộng chừng 50 m2, những vòm đá cao vút, từng chùm nhũ đá đủ màu sắc, đủ hình thù uốn lượn quanh vòm hang, mọc lên, đâm ngang từ những vách đá.
Từ thị trấn Prao (Đông Giang, Quảng Nam), xuôi theo đường Hồ Chí Minh đúng 19 km, đến thôn A Sờ, xã Mà Cooi, rẽ xuống con đường về khu Tái định cư Palepachanh, đã có 3 học sinh bản địa dẫn đường cho chúng tôi.
Cả ba dẫn chúng tôi đổ xuống con dốc nhão nhoẹt bùn đất chừng 2 km nữa, bỏ xe máy ven đường, rẽ xuống một khe suối có tên Bhơm Lom, lội ngược lên thì gặp núi Pa Don sừng sững trước mặt. Vượt lên lưng chừng sườn núi chừng hơn 200m, thì tới một vách đá dựng đứng. Mấy thanh niên bảo, cửa hang núi nằm trên vách đá ấy.
Đường lên hang động Pa Don.
Nhờ mấy thanh niên đã chuẩn bị sẵn đèn pin và cả mấy cây sào để bắt dơi, chúng tôi xuống hang. Đường xuống hang chỉ vừa một người chui lọt. Vừa lọt xuống khoảng 2m, chúng tôi như rơi vào một khoảng không gian rộng lớn, qua ánh đèn pin lấp lóa, một hệ thống hang động hiện ra, lòng hang bằng phẳng, với những vòm đá cao vút. Tiếp tục luồn qua một ngách đá khác, chúng tôi lại lọt vào một hang động, qua ánh đèn pin hiện ra trước mắt chúng tôi một "cung điện" nguy nga rực rỡ.
Hang rộng chừng 50 m2, những vòm đá cao vút, từng chùm nhũ đá đủ màu sắc, đủ hình thù uốn lượn quanh vòm hang, mọc lên, đâm ngang từ những vách đá. Có dải nhũ đá như những dải lụa trắng hồng uốn lượn, có những chùm nhũ đá xoắn vào nhau từng cuộn từng cuộn, có nhũ đá buông từ trên vòm hang xuống như hình một buồng chuối hoặc mọc từ vách hang như hình người đang múa lượn... đủ màu sắc, trắng, hồng, tím, đỏ, lóng lánh, lung linh, lộng lẫy như một mê cung.
Tiếp tục luồn qua một ngách đá khác, chúng tôi lại lọt vào một hang động khác. Lần này thì tôi thật sự sững sờ trước một kỳ quan có một không hai, hang động này còn đẹp, lộng lẫy gấp nhiều lần hang tôi đi qua bên cạnh. Thật tiếc, khi đang mải mê ngắm từng nhũ đá, chiếc đèn bị tụt pin cứ yếu dần nên chúng tôi phải quay về.
Những nhũ đá tuyệt đẹp trong hang Pa Don, xã Cà Dăng, Đông Giang.
Chúng tôi vội vã tìm đường rút lên cửa hang, đứng giữa núi rừng ào ào đầy tiếng gió thổi, tiếng chim hót mà tôi vẫn như chưa bừng tỉnh, chưa hết bàng hoàng, không ngờ trong lòng núi thâm u này lại có những kỳ quan có một không hai như vậy..
Hang Pa Don kéo dài hàng trăm mét trong lòng núi với những nhũ đá vô cùng đặc sắc.
Theo Công An Đà Nẵng

Men nồng rượu cây ở Quảng Nam

Không pha chế, ủ nấu nhưng thứ rượu chiết từ quả cây tà vạt ở miền Tây xứ Quảng lại có vị ngọt đắng nhè nhẹ, cay cay tê tê đầu lưỡi, làm mê mẩn bất cứ ai có dịp ngang qua.
Tà vạt là loại cây thuộc họ cau dừa có mặt ở hầu khắp vùng rừng núi tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, thứ nước vừa trong vừa ngọt rỉ ra từ quả cây tà vạt, khi lên men cho thêm vài thứ lá nữa thành rượu lại là đặc sản riêng của đồng bào Cơ Tu, ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam.
Thường chỉ có dân địa phương hoặc người đi công tác biết tiếng dừng chân ghé lại thưởng thức. Bằng không bạn sẽ phải vượt hơn 100 km đường rừng hiểm trở, theo hướng Quốc lộ 14G từ Đà Nẵng nếu muốn một lần nếm thử hương vị rượu cây độc đáo này.
lang-Co-Tu-o-Quang-Nam-JPG-1377504190.jp
Một góc buôn làng Cơ Tu ở miền Tây tỉnh Quảng Nam. Ảnh: tuoitrequangnam.com.vn
Từ tháng 8 đến Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian cây tà vạt cho nhiều nước nhất. Vào thời điểm này nếu có dịp theo chân những người dân địa phương vào rừng thu hoạch, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những người đàn ông Cơ Tu vắt vẻo trên ngọn tà vạt trổ tài “nhử nước”. Đây là công đoạn rất quan trọng bởi nếu không làm đúng cách thì cây tà vạt đột nhiên không cho ra nước.
Để dòng nước cây rừng lên men thành rượu mà không cần ủ nấu, người Cơ Tu dùng vỏ cây chuồn dần cho mềm rồi cho vào. Tùy theo liều lượng vỏ cây mà rượu tà vạt có nồng độ cao hay thấp, đắng hay không. Lúc này, từ màu nước trong rượu tà vạt đã chuyển sang màu trắng đục, nhưng vẫn giữ được vị ngọt thanh, chan chát nơi đầu lưỡi.
Ở Quảng Nam, tà vạt còn là loại cây làm rượu phổ biến của đồng bào các dân tộc Ve, Tà Riềng. Tuy nhiên, người Cơ Tu mới là bậc thầy về chế biến loại rượu này. Đây không chỉ là loại rượu yêu thích của đàn ông Cơ Tu mà phụ nữ nơi đây cũng coi tà vạt như một loại đồ uống dễ dùng. Không những thế, du khách đến đây đều tỏ ra thích thú với loại rượu đặc biệt này.
cay-ta-vat-sai-qua-JPG-1377504190.jpg
Cây tà vạt đến mùa thu hoạch. Ảnh: bebeja.com
Rượu tà vạt được người Cơ Tu chủ yếu dùng trong các dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ tết và chiêu đãi khách quý. Bởi vậy khi đến với miền Tây xứ Quảng, bạn sẽ được những người Cơ Tu thân thiện và mến khách mời thưởng thức loại rượu cây mà nhiều du khách gọi vui là sâm panh tà vạt hay bia tươi đại ngàn. Ngồi dưới những tán cây tà vạt nhâm nhi từng ngụm rượu tinh túy của núi rừng, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết.
Nếu có thời gian ở lại qua đêm, bản làng vùng cao sẽ đón bạn trong ánh lửa bập bùng cùng những câu chuyện dân gian kỳ thú. Đặc biệt vào các dịp lễ hội Đâm Trâu hay Tết Nguyên Đán, bên bình rượu tà vạt đậm đà, bạn còn được chiêu đãi nhiều món ngon đặc sản từ tà vạt như lam tà vạt, gỏi tà vạt và nhiều món nướng, chiên, xào nấu khác, ngoài ra còn có chà rá, bánh sừng trâu. Bên ngôi nhà Gươl truyền thống, bạn sẽ cảm thấy say men tà vạt khi mình hòa trong điệu múa Tung Tung Dá Dá của đồng bào Cơ Tu cùng vũ điệu uốn lượn đầy quyến rũ.
Kim Anh

Những khu du lịch sinh thái đi về trong ngày gần Sài Gòn

Khám phá ẩm thực núi rừng, chèo xuồng trên sông hay tham quan khu bảo tồn thiên nhiên... là những hoạt động hấp dẫn mà bạn có thể trải qua trong các khu du lịch sinh thái gần Sài Gòn.
 
1. Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ
Nép mình ven sông Sài Gòn, khu du lịch sinh thái Bình Mỹ (Củ Chi) mang một màu xanh ngắt của cỏ cây, mây trời và sông nước. Ra đời vào năm 2007, khu du lịch nhanh chóng thu hút du khách với những vẻ đẹp còn quá đỗi hoang sơ và mộc mạc của mình. Với lợi thế kênh rạch bao bọc, đến đây, du khách cảm tưởng như đang đứng trong khung cảnh thanh bình của một làng quê Việt với những ngôi nhà tranh ẩn hiện sau rặng tre, những hàng dừa soi bóng xuống dòng kênh xanh mát hay tiếng ve kêu râm ran buổi trưa hè...
Binh-My-1377503130.jpg
Những dòng kênh xanh mướt uốn lượn mang đến cảm giác thanh bình cho khu du lịch Bình Mỹ. Ảnh: dulichbinhmy.
Không chỉ chinh phục du khách với vẻ đẹp nên thơ của mình, nơi đây còn đem đến một thế giới ẩm thực phong phú mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ và Tây Nguyên với những món đặc sản nổi tiếng như thịt heo rừng, gà rừng nướng, cá lóc nướng trui hay chuột đồng...
2. Khu du lịch Bửu Long
Nằm cách trung tâm thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) khoảng 6 km, khu du lịch Bửu Long được du khách ưu ái đặt cho tên gọi là "Vịnh Hạ Long của phương Nam". Nằm trên một khu đất rộng hơn 60 ha, đây là một địa điểm thơ mộng với núi, hồ bao bọc tạo nên một bức tranh thủy mặc tự nhiên hớp hồn du khách. Nổi bật nhất là hồ Long Ẩn và hồ Long Vân, với những tảng đá lớn ngay giữa hồ, tạo nên cụm đảo khá lạ mắt, khiến cả khu du lịch lung linh như một vịnh Hạ Long thu nhỏ bên những chiếc thuyền thiên nga lững lờ trôi, tiếng chim ríu rít, tiếng chuông chùa xa xa...
buu-long-1377513226.jpg
Vẻ đẹp hút hồn của "Vịnh Hạ Long phương Nam" trong ánh chiều tà. Ảnh: Dulichbuulong.
Khác với sự nhộn nhịp của thành phố công nghiệp Biên Hòa, khu du lịch Bửu Long tạo cảm giác thoải mái, thanh thản cho du khách với những những con đường trải dài, uốn lượn dưới màu xanh của cây, cỏ, những tảng đá to trầm mặc hàng trăm năm in bóng trên mặt hồ. Đến đây, du khách không chỉ được trở về với thiên nhiên mà còn được tham gia vào các trò chơi cảm giác mạnh như đu dây, leo núi...
3. Khu du lịch Đảo Dừa Lửa
Được tạo nên từ nhánh sông nhỏ của sông Đồng Nai, khu du lịch là một cù lao nhỏ nằm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Để đi đến đây, du khách không có phương tiện nào khác ngoài việc ngồi thuyền xuôi theo dòng sông khoảng 10 phút. Bước chân lên đảo, du khách như quay về tuổi thơ với các hoạt động thú vị như chèo xuồng, đi cầu khỉ hay tắm sông...
daodualua-1377513226.jpg
Tên gọi của khu lịch bắt nguồn từ loại cây đặc trưng trên đảo là dừa lửa. Ảnh: Daodualua
Khi đi du lịch ở đây cùng người thân hay bạn bè, bạn có thể thỏa sức tạo nên những buổi dã ngoại lý thú với những món ăn tự mang theo ở nhà. Ngoài ra, ẩm thực trên đảo cũng là một điều rất lý thú dành cho bạn khám phá, nổi tiếng nhất là món thịt bò đốt trái dừa với hương vị thơm ngon lạ miệng mà du khách nào cũng muốn thưởng thức. Bên cạnh đó là những món ăn mang đậm hương vị đồng ruộng như cá lóc nướng, ếch nướng, cá rô đồng, cua đồng rang me... hay món gỏi củ hũ dừa được chế biến từ chính những cây dừa trên đảo vừa ngon miệng vừa thanh mát. Với lợi thế nằm cách Sài Gòn chỉ 12 km, khu du lịch mang đậm nét hoang sơ này luôn thu hút du khách vào ngày cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ ngắn ngày.
4. Khu du lịch sinh thái Cần Giờ
Được mệnh danh là lá phổi xanh của thành phố, khu du lịch sinh thái Cần Giờ với nhiều địa điểm nổi tiếng như đảo khỉ, khu du lịch rừng ngập mặn Vàm Sát, Đầm Dơi, Tràm Chim hay khu du lịch 30/4 là những địa điểm thích hợp cho một chuyến dã ngoại đầy lý thú với gia đình và bạn bè.
tramchim-1377513226.jpg
Tràm Chim là địa điểm du khách không nên bỏ qua khi đến Cần Giờ. Ảnh: A.K.
Từ TP HCM qua phà Bình Khánh, du khách sẽ đến với khu bảo tồn thiên nhiên tự nhiên, là nơi cư trú của nhiều loài chim nước, chim di cư và một số loài động vật lưỡng cư trên cạn. Đến Cần Giờ, bạn đừng quên tham quan đảo khỉ với hàng ngàn con khỉ lớn nhỏ đi lại tự do trên đảo. Điều bạn cần lưu ý khi vào đây là phải giữ chặt các vật dụng của mình, những chú khỉ ở đây không ngần ngại giật khỏi tay bạn điện thoại hay máy chụp hình...
Rời khỏi đảo khỉ, bạn có thể đi thuyền vào khu du lịch Vàm Sát để câu cá sấu, ghé qua Đầm Dơi và trải nghiệm loại hình câu cua đầy thú vị. Bãi tắm 30/4 là điểm dừng chân cuối cùng dành cho bạn, không chỉ được đắm mình trong làn nước xanh trong, bạn còn được thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon ở đây như: tôm, cua, cá, ghẹ... Tuy nhiên, những địa điểm ăn uống ở Cần Giờ thường có giá cả thất thường nên bạn cần hỏi trước khi gọi đồ ăn.
Tiêu Phong

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Cưỡi ngựa sắt vượt Hải Vân quan

Chỉ cách nhau 100 km nhưng cảnh vật, khí hậu và con người của hai đô thị ở hai đầu đèo Hải Vân mang đến những cảm xúc thật khác nhau. Ghi chép của một người nước ngoài khi có dịp chạy trên con đèo nổi tiếng nhất Việt Nam.
Thức dậy rất sớm vào một sáng ở Huế, sau khi nuốt vội tô bún bò tại một quán vỉa hè ưa thích, chúng tôi bắt đầu lên đường tới Đà Nẵng. Thời tiết ấm áp và dễ chịu. Mẹ chồng tôi khuyên nên đi ôtô cho an toàn nhưng cuối cùng chúng tôi đã chọn đi bằng xe máy để được ngắm cảnh nhiều hơn.
Mải mê với những cánh đồng lúa xanh dập dờn, những người nông dân đang bận rộn gặt lúa và những chú trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ, chúng tôi phanh dúi dụi sau khi một chiếc xe tải bỗng nhiên phanh gấp trước mặt. Phía bên phải tôi là một sườn dốc thẳng đứng, bề mặt lô nhô đá, còn phía bên trái là biển Đông rộng lớn. Chúng tôi tới Phước Tượng, con đèo đầu tiên với những khúc lượn ngoằn nghèo. Xe hết xăng. May sao có một “trạm xăng” di động xuất hiện. Một cậu bé ngồi vắt vẻo ven đường, cậu ta cho cái phễu vào miệng bình xăng, xăng được đổ ra từ một  chai nước 1 lít cũ kỹ.
DSC-0390-JPG-1377056548.jpg
Cảnh sắc Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân. Ảnh: Lam Linh
Cảnh vật mỗi lúc một tráng lệ hơn. Sau những ngoằn ngoèo theo con dốc, chúng tôi cũng tới được đèo Hải Vân nổi tiếng. Con đèo cao nhất trong các đèo ở Việt Nam (khoảng 500 m so với mực nước biển), một danh thắng đã được ghi danh “Đệ nhất hùng quan” với cảnh đẹp đến xiêu lòng nhưng cũng chứa đầy hiểm nguy. Đôi lúc, chúng tôi nhìn thấy một vài bát hương ven đường để tưởng nhớ những người đã không may bỏ mạng. Hôm nay không có sương mù và đường thì khô thoáng. Thật là may mắn. Chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ ven đường và làm một lon bò húc. Một loại nước uống có vị như thuốc chứa đường, khá thú vị.
Đèo Hải Vân độ dốc chỉ 8% nhưng một bên là vách núi sừng sững và một bên dốc thẳng xuống biển với con đường ngoằn nghèo như một con rắn. Thật khó có thể tả hết những gì tôi thấy bằng những tấm ảnh chụp vội. Vượt tới đỉnh đèo, tôi đã bắt đầu cảm nhận rõ cái nóng ấm của không khí biển ở phía bên kia. Chúng tôi lướt xe ngang qua những cây thông đung đưa trong gió.
DSC-0363-JPG-1377056548.jpg
Đèo Hải Vân. Ảnh: Lam Linh
Mấy nhà máy của thành phố Đà Nẵng bắt đầu hiện ra trước mắt, lấp ló trong màn sương mờ như khói. Tới thành phố từ hướng này, không ai lại không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đầy ấn tượng của những rặng núi bao quanh. Trung tâm thành phố phát triển khá hiện đại và thật ồn ào. Nó khiến tôi bắt đầu nhớ không khí trong lành của Huế.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường trở lại Huế. Đà Nẵng lùi ra phía sau chúng tôi, con đường lại bắt đầu trở nên ngoằn ngoèo và chỉ còn thấy những đỉnh núi nhấp nhô thoáng hiện trong màn sương mù, rừng thông cùng với biển khơi. Hầu hết mọi người đều đi trong đường hầm được xây từ năm 2005. Nó rút ngắn quãng đường đáng kể cho giao thông giữa hai thành phố, nhưng xe máy không được phép chạy qua. Hơn nửa chặng đường trở về nhà, chúng tôi nhiều lần dừng xe nghỉ và cố gắng kéo dài thời gian dừng lại ven đường. Chúng tôi lại cầu cho mưa thuận gió hòa cho chuyến đi tốt đẹp. Huế lại đã hiện ra đằng xa.
3-3Hai-Van-1377057089.jpg
Cảnh quan trên đèo Hải Vân. Ảnh: centralcoastvietnam
Chris Galvin
Thanh Huyền dịch

Vẻ đẹp nguyên sơ của ngôi làng bỏ hoang ở Tây Nguyên

Ngôi làng Ba Na không một bóng người, không mùi khói bếp, không tiếng giã gạo, không giọng cười đùa trẻ thơ. Chỉ có tiếng gà trưa đôi hồi cất lên, lẻ loi đến nao lòng.
Mặt trời đã lên cao quá đầu khi ghé Kon Sơ Lăl. Những bóng cây rười rượi vẫn toả đều xuống các mái nhà, đây đó có vài giàn bí đang ra trái, nhưng tịnh không một bóng người.

Ngôi làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah, Gia Lai) vừa được nhắc đến chỉ là làng cũ. Làng mới đã dời đi từ năm 2002 về gần trung tâm xã, cách làng cũ chừng 4 km.
lang-1377143218.jpg
Những ngôi nhà im lìm ở Kon Sơ Lăl, ngôi làng đẹp đẽ nguyên sơ nhưng vắng tiếng người.
Ngôi làng cũ bị bỏ rơi. Những sinh hoạt ngày thường ngưng đọng, chỉ còn năm người già nhất ở lại với vắng lặng mênh mông. Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm.
Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng. Qua nhiều năm tháng không hơi người, chúng vẫn sống động lạ thường. Thoạt nhìn, chúng lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào. Song cuối cùng đều quây lấy nhà rông như gà con quây quần bên mẹ.
nharong1-1377143411.jpg
Ngôi nhà rông độc đáo.
Những ngôi nhà rông Ba Na truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng từ năm 1978 với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay. Thấp thoáng giữa làng là màu xanh tươi của những cây phượng vĩ, xoài, thanh long, mấy giàn bí… Toàn cảnh ngôi làng bật lên vẻ đẹp đẽ nguyên sơ, không sắp đặt – một vẻ đẹp hiếm gặp.
Làng cũ trước kia có 85 hộ với 454 khẩu. Những ngày làng vui nhất, rộn rã nhất là vào lễ mừng lúa mới, khi những bao lúa đã chạy về đầy kho. Lúc ấy, ngôi làng đã diễn ra nhiều lễ hội, những vòng xoan duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn… Chúng đã biến mất từ lâu, từ khi làng vắng tiếng người.
gia1-1377143511.jpg
Một ngôi nhà cũ vẫn bình yên giữa làng.
Dù sao thì, ai đã một lần đến Kon Sơ Lăl đều không khỏi tiếc nuối. Chợt nhớ cách đây nhiều năm, nhà văn Nguyên Ngọc cùng đoàn làm phim Đất nước đứng lên đã rất vất vả khi tìm bối cảnh tại Gia Lai, bởi đòi hỏi của bối cảnh phim thời kỳ đó là một ngôi làng “giống những làng Ba Na xưa, không có nhà xây, lợp ngói hay lợp tôn, chỉ toàn nhà sàn tre tranh, cũng không đơn điệu như nhiều làng định cư bây giờ mà lô nhô so le, tạo nên một thứ nhịp điệu riêng đầm ấm và thân thuộc”.
Bây giờ, một ngôi làng truyền thống đẹp đẽ như Kon Sơ Lăl cũ, một ngôi làng tìm đỏ mắt mới thấy, lại đang bị bỏ quên, đang lụi dần đi trước cái hiện đại, trước những tính toán có phần vội vã.
Theo Sài Gòn tiếp thị

Bước chinh phục con đường Hạnh Phúc ở cao nguyên đá

Du khách muốn thấy được cảnh sắc hùng vĩ cùng cuộc sống tươi đẹp ở cung đường này phải vượt qua những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời.
Quốc lộ 4C với chiều dài 185 km xuyên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang mang tên đường Hạnh Phúc vốn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50 – 60 thế kỷ trước.
Với dân phượt và những ai yêu thích khám phá vùng cao, đường Hạnh Phúc là một hành trình đặc biệt. Những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời, và đặc biệt là bức tường thành Mã Pì Lèng danh tiếng luôn là thử thách xứng đáng với họ.
ImageHandler-ashx-jpeg-1377073591.jpg
Những cung đèo đáng sợ trên đường Hạnh Phúc.
Bỏ lại thành phố Hà Giang bình yên với cột mốc Km 0 của quốc lộ 2 để chinh phục đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá. Sau 20 km tương đối bằng phẳng là đèo Cổng Trời Quản Bạ sừng sững chào mời với độ dốc lớn khiến xe phải bò số 1, số 2. Đứng trên Cổng Trời Quản Bạ, du khách sẽ chẳng khó nhận ra thị trấn Tam Sơn giàu có trải rộng giữa lòng thung lũng. Những mái nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát nhau kéo dài đến tận chân núi. Một thị trấn miền núi mà giàu đẹp không kém dưới xuôi.
Giữa những quả núi trùng trùng điệp điệp là núi đôi Quản Bạ, một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Sơn, cho cao nguyên đá. Quản Bạ thực ra xa xưa là núi đôi Cô Tiên, có hai chóp giống hệt đôi gò bồng đảo của thiếu nữ nằm nổi bật giữa cánh đồng Tam Sơn rộng lớn, bằng phẳng và màu mỡ.
phuot-1377073591.jpg
Đi trên những đoạn đèo dốc chốc chốc lại bắt gặp cảnh bình yên dưới lòng thung lũng. Những bản làng của các dân tộc những huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây đã đổi thay. Người dân không còn trồng hoa anh túc như xưa nữa, giờ họ biết trồng ngô trên những núi đá khô cằn.
Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là một công viên địa chất của thế giới, mà còn là một vùng đất chứa những chứng tích lịch sử rất tiêu biểu của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang. Trước khi có con đường Hạnh Phúc, từ mạn Quản Bạ ngược về phía biên giới gần như bị chia cắt với miền xuôi bởi Cổng Trời.
Nằm sát con đường Hạnh Phúc và cách thị trấn Đồng Văn 14 km ngày nay là chứng tích về một thời của gia tộc họ Vương. Ông Vua Mèo Vương Chính Đức là người đầu tiên đặt nền móng cai trị các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
da-jpeg-1377073592.jpg
Trẻ con đi học trên con đường Hạnh Phúc.
Sự giao thương giữa Vua Mèo với phương Bắc thể hiện rõ nét trong kiến trúc của khu dinh thự họ Vương.  Toàn bộ khu dinh thự rộng lớn được bao bọc bởi vòng tường đá dày 1 m, cao từ 2,5 – 3 m. Một khối lượng rất lớn gỗ lim, pơmu, sến… cùng với đá xanh khổng lồ đã dùng để xây lên khu vương phủ đồ sộ này.
Khi màu xanh của dòng Nho Quế khuất hẳn dưới khe núi cũng đến được Mèo Vạc, thị trấn với cột mốc Km185. Dẫu biết, cuộc sống của những con người vùng trời cực Bắc của tổ quốc vẫn còn nghèo đói lắm, gian nan lắm nhưng mầm “hạnh phúc” đang nảy nở giữa đá sỏi.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
 
.

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Một ngày ở thành phố vùng biên Móng Cái

Mua sắm và tắm biển là hai hoạt động chính của thành phố du lịch vùng biên Móng Cái, Quảng Ninh. Nếu không qua Cửa khẩu Bắc Luân sang Trung Quốc thì một ngày trọn vẹn ở thành phố này cũng đủ để lữ khách miệt mài khám phá.
7h: Thưởng thức cù kỳ
Thưởng thức một tô bún cù kỳ lạ miệng buổi sáng trên đường Trần Quốc Toản sẽ giúp bạn nạp năng lượng trước khi lên đường. Cù kỳ thuộc họ cua là đặc sản nổi tiếng Móng Cái mà bất kỳ du khách nào cũng muốn thử một lần. Ngoài bún, bạn có thể lựa chọn bánh đa hoặc miến cù kỳ tùy theo sở thích.
8h: Mua sắm ở chợ trung tâm Móng Cái
Chợ ở Móng Cái luôn thu hút đông khách du lịch đến tham quan, mua sắm bởi hàng hóa phong phú và đa dạng. Ở đây có 3 chợ chính và một chợ đêm, trong đó chợ trung tâm Móng Cái nằm trên đường Trần Phú là chợ lớn và tập trung nhiều du khách nhất. Chợ Trung tâm thường sôi động từ 4h đến 5 h và kết thúc vào 13 h, khi các chủ quầy kinh doanh người Trung Quốc quay về bên kia biên giới. Khách du lịch đến đây thường ưa chuộng các mặt hàng quần áo may sẵn, máy móc thiết bị và đồ gia dụng.
baocongthuong-JPG-1377316077.jpg
Chợ trung tâm Móng Cái là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: baocongthuong
10h: Khám phá chợ Móng Cái 2 và 3
Chợ Móng Cái 2 và 3 nằm ở phường Hoà Lạc, cách cửa khẩu Bắc Luân 1 km. Hai chợ này cũng bán các mặt hàng như ở chợ trung tâm, nhưng chợ Móng Cái 3 hay chợ Vinh Cơ còn nổi tiếng với đồ điện tử. Ngoài việc chú ý mặc cả, chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề bạn phải quan tâm.
12h: Ăn trưa
Sau khi vào chợ mua sắm hàng hoá, bạn có thể quay ra ăn trưa tại các nhà hàng quanh thành phố. Phần lớn các món ăn đều mang đậm nét Trung Hoa, trong đó vịt quay Bắc Kinh được nhiều du khách yêu thích nhất. Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ lỡ món đậu phụ cay tê và thịt khâu nhục nổi tiếng nơi đây.
13h: Khám phá các di tích ở Trà Cổ
Trà Cổ cách trung tâm thành phố Móng Cái 7 km. Trước khi xuống biển bạn nên dạo một vòng các di tích ở đây. Trước tiên là chùa Vạn Linh Khánh nổi tiếng vùng Đông Bắc với trên 50 pho tượng cổ quý giá. Trong khi đó đình Trà Cổ lại là công trình kiến trúc cổ quy mô và đồ sộ bậc nhất Quảng Ninh. Mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình lại gây ấn tượng bởi hoàn toàn mang dấu ấn của nền văn hoá Việt.
nguoimongcai-1377316077.jpg
Bình minh trên biển Trà Cổ. Ảnh: baoquangninh
15h: Tắm biển
Trà Cổ được mệnh danh là “bãi biển trữ tình nhất Việt Nam” với đường bờ biển kéo dài hơn 17 km. Do nằm cách xa thành phố và khu công nghiệp nên khí hậu ở đây rất mát mẻ và không gian yên tĩnh. Bạn có thể thoải mái vui đùa cùng những con sóng trong làn nước biển trong xanh, hay dạo chơi trên nền cát trắng mịn phẳng lỳ.
17h: Mũi Sa Vĩ
Khi nắng chiều nhạt dần là lúc bạn đón ánh hoàng hôn tuyệt diệu trên mũi Sa Vĩ điểm khởi đầu của chữ S Việt Nam. Từ đây có thể nhìn sang được nước bạn Trung Quốc để thoả mãn sự tò mò, đừng quên lưu giữ hình ảnh của mình nơi địa đầu Tổ Quốc.
19h: Ăn hải sản
Ở Trà Cổ có hệ thống nhà hàng dọc bờ biển nên không khó để tìm một nơi ăn tối ưng ý. Bạn có thể thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon hấp dẫn ở đây như cá trình, ốc hương, bề bề, tôm, ghẹ. So với hải sản ở Hạ Long thì Trà Cổ giá rẻ hơn nhiều.
20h: Trở lại chợ đêm
Chợ đêm Móng Cái họp từ 18h đến 22h với các mặt hàng chủ yếu là đồ tạp hoá, lưu niệm, may mặc sẵn, đồ gia dụng và đặc biệt có thêm khu hàng ăn đêm với các món ăn mang phong vị Trung Quốc. Chợ đêm khá đông và giá cũng được đẩy cao lên nhiều lần. Nếu không mua gì thì dạo một vòng chợ để cảm nhận nhịp sống sôi động về đêm cũng vô cùng thú vị.
Cau-KaLong-baoquangninh-1-1377316078.jpg
Cầu Ka Long - biểu tượng lịch sử của thành phố Móng Cái. Ảnh: baoquangninh
22h: Ngắm thành phố về đêm
Bạn có thể nhìn ngắm thành phố vùng biên lung linh trong ánh đèn vàng từ trên cầu Ka Long, biểu tượng lịch sử của thành phố Móng Cái và tình hữu nghị Việt Trung. Cầu Ka Long còn là cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây hoàn toàn bằng đá.
23h: Nghỉ ngơi
Thành phố Móng Cái không quá rộng nhưng hệ thống nhà nghỉ và khách sạn khá phong phú theo tiêu chuẩn từ một đến năm sao. Bạn có thể tìm phòng nghỉ qua đêm trên đường Trần Phú, đại lộ Hòa Bình, Tuệ Tĩnh, Hùng Vương, Nguyễn Du, Hòa Lạc.
Kim Anh

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Chốn quê giữa lòng phố thị

Họa sĩ Lý Khắc Nhu vốn nổi danh trong giới vẽ tranh thủy mặc Sài Gòn. Có lẽ, do gắn bó với loại tranh cổ điển này, nên ngôi nhà nhỏ “dưỡng già” của họa sĩ ở Q.2, Tp.HCM mang đầy dáng dấp truyền thống: nhà trệt ba gian, lợp lá dừa mát rượi.

Nói “ngôi nhà như ở ẩn” cũng đúng, vì toàn bộ khuôn viên được bao bọc bởi hàng rào cao lợp ngói âm dương kiểu thiền viện ngày xưa. Tuy ở ngoài không nhìn vào được nhưng bên trong chủ nhà vẫn có thể ngắm nhìn không gian xung quanh nhờ một ngôi nhà đặt trên cây cổ thụ, như trong truyện cổ tích vậy.

Ngôi nhà được thiết kế cho người thích sống chậm, tất cả nằm ngoài sự ồn ã của phố thị, thời gian chỉ tính bằng những bước chân dạo quanh thủy đình, hay đi bộ dưới giàn tóc tiên ngoài hiên vắng, hoặc thưởng trà nơi bàn đá cạnh bờ sông... Mọi náo nhiệt, gấp gáp vội vàng được giữ lại bên ngoài cửa, chủ nhà chỉ dành thời gian để chiêm nghiệm, tái tạo cảm xúc và vẽ nên những bức tranh sống động, có hồn.
Thủy đình đón gió những ngày oi bức
Góc thư giãn nhìn qua sông
Lối vào nhà như về lại chốn quê
 
Ngôi nhà nét xưa mộc mạc
(Theo iHay)

Dinh lãnh sự Pháp: Lịch duyệt dáng cũ hồn xưa

Dinh lãnh sự Pháp nằm ở góc đường Hai Bà Trưng (xưa là đường Nationale) và đại lộ Lê Duẩn (xưa là đại lộ Norodom) được xây dựng từ năm 1872. Đến ngày nay, ở đằng sau những bức tường cao vợi ngăn cách với góc phố nhộn nhịp bên ngoài, toà nhà trong dinh vẫn lưu giữ được nguyên vẹn vẻ lịch lãm và tĩnh tại.

Toà nhà mang những nét đẹp của kiến trúc Pháp thế kỷ 19 này thoạt đầu được dùng làm tư dinh của các vị tướng điều khiển quân đội Pháp tại Nam bộ. Vì lý do quan trọng đó nên dinh được thiết kế sang trọng vào hàng bậc nhất trong số các dinh thự thời bấy giờ. Sau hiệp định Genève, tòa nhà được dùng làm tư dinh của Đại sứ Pháp tại Sài Gòn và từ 1975 đến nay, nơi đây là tư dinh của các Tổng Lãnh sự Pháp tại Tp. HCM.

Ngay từ khi được xây dựng, dinh thự này đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển chung của khu vực trung tâm Sài Gòn thời bấy giờ. Vừa mang tính biểu trưng quyền lực vừa đáp ứng sự tiện nghi một nhà ở nên phần kiến trúc và nội thất của nơi này có nhiều chi tiết độc đáo. Tòa nhà cũng là một trong những ví dụ sinh động cho lối kiến trúc biết khai thác và ứng dụng tích cực những yếu tố thời tiết, khí hậu, văn hóa của bản địa. Nằm trong khu công viên đầy bóng mát, kiến trúc nơi này có cấu trúc hình chữ nhật bao quanh bốn cạnh là hành lang rộng với những khung cửa sổ lớn nhìn ra khu vườn yên tĩnh. Nhờ đó ánh sáng và không khí trong lành có thể lùa vào tất cả các phòng. Không gian bên trong được chia thành những phòng rộng để sử dụng làm các không gian chức năng. Dẫn lối lên tầng trên là chiếc cầu thang duyên dáng nằm ở góc tây bắc của căn nhà.

Hành lang dài, thoáng rộng với nhiều cổ vật trưng bày ở hai bên
 
Phòng ăn lớn với sức chứa tối đa cho 16 thực khách là một không gian sáng và ấm cúng nhờ vào những vật liệu ấm của bàn ghế và tủ gỗ, ban ngày căn phòng đầy ánh sáng từ những khung cửa lớn mở ra phía những hành lang thoáng đạt. Khi trào lưu sử dụng máy điều hòa bắt đầu thịnh hành những năm 60s, những song cửa sắt mang phong cách Art Deco mở ra hành lang đã được thay thế bằng những ô cửa kính. Phòng khách lớn với trần cao 6 mét và thoáng mở nên không gian lúc nào cũng thư thái và mát mẻ. Căn phòng này có trần được trang trí bằng motif các hình ô vuông, đây là chi tiết tạo ra nét riêng so với kiến trúc còn lại. Đồ nội thất được chế tác tinh xảo từ các lọai gỗ quý có nguồn gốc từ thời nhà Nguyễn và đã được phục chế một lần vào thời gian những năm 50s. Trong phòng còn có khá nhiều đồ trang trí mang nét dân dã cổ truyền Việt Nam như những đồ trang trí sơn son thếp vàng, những loại đồ sành sứ và các tác phẩm nghệ thuật giá trị như tranh sơn mài của họa sỹ Nguyễn Gia Trí.

Dẫu thế, qua tác động của dòng chảy thời gian, việc trùng tu cho dinh là điều cần kíp. Dinh được đại trùng tu vào năm 1959 và mới nhất là trong hai năm từ 1998 và 1999 do công ty Glauser thực hiện. Với nhiều nỗ lực trong tôn tạo và giữ gìn, kiến trúc của dinh vẫn giữ đúng theo nguyên bản và có rất ít sửa đổi so với bản đồ thiết kế gốc khi toà nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Công việc bắt đầu từ việc sửa chữa mái ngói, các thanh xà ngang đuợc thay mới cùng với những viên ngói được làm đúng như ban đầu. Những bức tường được xử lý lại để chống thấm tốt hơn, cải tạo hệ thống điện nước và sau đó là gia cố lại khung sắt của trần nhà - vốn được thiết kế với nhiều chi tiết khá tương đồng với các chi tiết tại Bưu điện Trung tâm Thành phố.  Thêm vào đó, phần mái che của cầu thang bên ngoài dẫn lên sảnh lớn đã được tháo dỡ để làm tăng thêm nét thanh nhã của mặt tiền. Khu vườn với những cây cổ thụ cũng được mở rộng và sáng hơn bằng việc chặt bớt cây và dời vị trí hồ bơi ra xa.

Cũng trong thời gian sửa chữa, những người thợ vô tình cạo lớp sơn bên ngoài lan can hai chiếc cầu thang ở hai góc tòa nhà thì lộ ra lớp gang bên trong. Nhờ đó mới phát hiện ra những chiếc thang này có xuất xứ từ trên những chiếc tàu thủy quân Pháp thời xưa. Chiếc cầu thang độc đáo bằng gang nhờ chi tiết thú vị về nguồn gốc lịch sử đó mà tăng thêm giá trị. Dù có một số thay đổi nhưng nhờ công tác bảo tồn đầy tính cẩn trọng nên diện mạo của dinh thự  vẫn nguyên vẹn những nét tinh tế như ban đầu và không gian kiến trúc cũng như nội thất vẫn đậm tinh thần của những ngày cũ.

Cầu thang cuốn bằng gang mang giá trị lịch sử thú vị
Bước qua cánh cổng cao là chúng ta như đi lạc vào một khu vườn nhiệt đới tươi mát với thảm cỏ và bóng cây. Những bức tường lớn ngăn cách giữ đã lại sự ồn ào và náo nhiệt bên ngoài để cho bên trong này luôn có được một không gian tĩnh tại và trang trọng. Và phần khám phá còn lại thuộc về không gian nội thất của dinh thự, vì thế, càng trở nên nhiều hấp dẫn.

Phòng khách lớn với trần cao 6m được trang trí bằng các motif hoa văn vuông và không gian luôn mát mẻ, thư thái
 
Khuôn viên rợp bóng xanh, yên tĩnh với tiếng chim hót và gió lao xao qua lá, toát lên hình ảnh hiền hoà của một khu vườn nhiệt đới đặc trưng.
(Theo Đẹp)

Cheo leo đèo dốc Lìm Mông

Đứng từ bên này con đèo Khau Phạ hiểm trở của tỉnh Yên Bái, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Ở nơi xa tít tắp ấy có ngôi làng nhỏ mang tên Lìm Mông.
Xuôi theo con đường mòn qua suối, giữa những bạt ngàn lúa đang độ chín vàng là con dốc thẳng đứng chạy lên Lìm Mông. Đường tưởng chừng như được bôi mỡ trơn tuột. Đất đỏ và đất sét quyện lại khiến những chiếc bánh xe trượt dài. Chiếc xe gầm gừ cố lao lên con dốc cho bằng được. Đường gập ghềnh cao cao thấp thấp khiến người ngồi trên xe tưởng như sắp nẩy ra ngoài. Người dân tộc chạy xe Win lao qua, con máy khỏe, leo dốc khỏe, bỏ lại đám khói bụi phía sau. Con đường như sợi chỉ thẳng đứng lên trời.
DSC-0428-JPG-1376367073_500x0.jpg
Đứng từ trên đèo Khau Phạ thấy được toàn cảnh đường lên Lìm Mông.
Theo tập quán, người Thái thường chọn những nơi bằng phẳng, gần nguồn nước để sinh sống, trong khi người Mông lại chọn những đỉnh núi cao, thoáng mát để làm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thói quen làm rẫy du canh du cư vẫn còn dù đã được chính phủ hỗ trợ nhiều. Người Mông xuất hiện đầu tiên ở Mèo Vạc, phía Hà Giang rồi di cư dần để có mặt ở khắp các vùng núi phía Bắc. Giờ thì số lượng người dân tộc này ở mạn Yên Bái đã sánh ngang với Mèo Vạc.
Rải rác trên khắp đất Yên Bái, trên những rẻo cao, lưng chừng giữa mây trời, những bản làng vắt vẻo. Mỗi bản người dân tộc Mông lại nằm khuất đâu đó ở một dãy núi. Để đi từ bản này sang bản kia, người ta phải vượt qua những ngọn núi cao. Bản làng cách nhau đến vài chục cây số đường đất.
DSC-0049-JPG-1376366895_500x0.jpg
Mùa lúa chín.
Được một hồi thì cánh con gái phải xuống xe đi bộ vì xe không đủ sức cho hai người nữa. Hai đứa con gái leo lững thững với mấy cô bé của bản Lìm Mông. Đây là ngôi làng nằm ở vị trí cao nhất. Mấy em nhỏ dắt tay nhau dung dăng dung dẻ trên con đường trong khi hai đứa chúng tôi thở phì phò mới bám kịp. Không thể nói chuyện được vì các em không nói được tiếng Kinh.
Gần 3 km đi bộ rồi cũng lên đến bản Lìm Mông. Vài nếp nhà gianh nằm ẩn hiện sau mấy gốc đào, lũ lợn mọi đen trũi ì oạp ăn bữa tối. Cả bản chỉ hơn chục nóc nhà lụp xụp. Công việc chính là làm ruộng. Quanh năm chỉ có một vụ gặt cấy.
DSC-0326-JPG-1376366895_500x0.jpg
Bà con dân tộc Mông nghỉ ngơi sau buổi gặt.
Vào mùa lúa chín, người ta lại rủ nhau đến với xứ Mù Cang Chải, leo lên tận trên những bản làng cao nhất mà ngắm nhìn xuống toàn cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất trời Yên Bái. Trên Lìm Mông, cả thung lũng vàng rực trong mùa lúa mới. Chúng tôi ngồi lại bên cây cầu bắc qua suối, ngắm trăng và hưởng hương thơm của mùa lúa mới. Hẹn gặp lại Lìm Mông một ngày gần đây, với nhiều sách vở mang lên cho các em nhỏ trong năm học mới.
Lam Linh
.
Bản Lìm Mông – Nơi có ruộng lúa đẹp nhất Mù Căng Chải

Nằm rải rác trên khắp đất Yên Bái, trên những rẻo cao, lưng chừng giữa mây trời, những bản làng vắt vẻo. Mỗi bản người dân tộc Mông lại nằm khuất đâu đó ở một dãy núi. Để đi từ bản này sang bản kia, người ta phải vượt qua những ngọn núi cao. Bản làng cách nhau đến vài chục cây số đường đất.
Đứng từ bên  này con đèo Khau Phạ hiểm trở, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Nơi xa tít tắp ấy có ngôi làng nhỏ mang tên Lìm Mông. Bản Lìm Mông (vì cư bản sinh sống tại đây là đồng bào dân tộc Mông) là một trong những nơi có ruộng lúa đẹp nhất tại Mù Cang Chải.
Bản Lìm Mông xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải -Yên Bái từ bao đời nay vẫn ẩn mình trong mây. Xưa nay, dân phượt vẫn thường rỉ tai nhau nơi đây là một trong những “tứ đại hiểm địa” Tây Bắc bởi độ khó hiểm trở của đường đi và cả bởi đó cũng là nơi… tận cùng, và Lìm Mông là một trong số ấy, đầy hấp lực đầy mời gọi và cũng đầy thách thức.
Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 32 tới Tú Lệ, qua Tú Lệ chừng 5km bạn sẽ gặp lối rẽ đi Lìm Mông. Bản Lìm Mông với những sống trâu, sống ngựa đan xen hiện ra đầy thách thức. Con đường đất đỏ bụi mù trong cái nắng hanh hao gợn lên những lớp bụi mờ, còn vào những ngày mưa sẽ trơn trượt vô cùng. Những góc cua gấp, dốc ngược sẽ khiến bạn có cảm giác như đang bị trôi tuột về phía chân dốc dù cho xe đã gài số 1 và tay lái đã gồng hết sức. Nhưng cảnh vật dọc đường lại kì thú vô cùng, bạn sẽ ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp không hai của những thửa ruộng bậc thang – những thành quả lao động tuyệt vời của bà con dân tộc Mông suốt một năm trời. Hương lúa mới dịu ngọt như xua tan cái nắng hanh khô gay gắt. Những cánh lúa dài, trĩu hạt, xanh mướt. Lúa cấy một mùa đang  mang trên mình tấm áo của trù phú và ấm no.
Ngược con đường dốc ngược vắt vẻo quanh sườn núi chừng 3km, bản Lìm Mông hiện ra yên bình với những gốc mai, gốc đào già cỗi uốn lượn với những thế những hình nom đến lạ. Tới Lìm Mông nghĩa là bạn cũng đã đến nơi tận cùng rồi, bởi từ đây trở đi sẽ không có đường dân sinh nữa, chỉ là những con đường đi nương đi rừng mà thôi. Lìm Mông là bản của người Mông, những con người tự do chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất
Vào buổi chiều, Lìm Mông trở nên thơ mộng và đẹp lạ thường, đặc biệt là vào mùa gặt. Những đám mây nối đuôi nhau ngả màu hồng nhạt nơi cuối chân trời. Đàn chim bay mải miết trên những cánh đồng óng ả, mênh mông của mùa gặt hái.  Bức tranh tuyệt mĩ ấy được tô điểm bởi những sắc xanh sắc vàng của lúa, của những bàn tay lao động ngày này qua tháng khác, năm nối năm cứ tích lũy, chắt lọc để tạo nên cuộc sống thanh bình và no ấm.
Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp