Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Hồi sinh cho Rối cạn Ru Nghệ

Múa rối cạn ở thôn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là “đặc sản” của văn hóa dân tộc Tày.


Sau một thời gian dài vắng bóng, nghệ thuật này đã được khôi phục vào 2012 và đang hồi sinh mạnh mẽ.

Nỗ lực khôi phục

Ông Nguyễn Văn Thụy- cán bộ Phòng Văn hóa, UBND huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, người trực tiếp thực hiện công tác khôi phục múa rối cạn Ru Nghệ cho biết, múa rối cạn Ru Nghệ là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Định Hóa.

Hồi sinh cho Rối cạn Ru Nghệ
Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, môn nghệ thuật này đã mai một và có nguy cơ biến mất. Đứng trước thực trạng đó, thực hiện Đề án số 579A/ĐA-UBND ngày 27.9.2011 của UBND huyện Định Hoá về “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hoá truyền thống các dân tộc huyện Định Hoá” giai đoạn 2011-2015, Phòng Văn hóa huyện đã bắt tay vào nghiên cứu và phục hồi nghệ thuật đặc sắc này. Ngày 18.7.2012, Phòng Văn hóa đã kết hợp với nhân dân Ru Nghệ thành lập tổ khôi phục phường rối cạn.

Hồi sinh cho Rối cạn Ru Nghệ
Tổ khôi phục đã tiến hành công tác ghi chép lời kể và các ý kiến, kiến nghị của nhân chứng, những người hiểu biết đến phường rối cạn Ru Nghệ. Từ cơ sở đó, tổ khôi phục phường rối cạn xóm Ru Nghệ giao cho trưởng phường rối tiến hành làm các con rối, các dụng cụ, chuẩn bị và mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn.

Sau một thời gian nghiên cứu cũng như phục hồi những con rối, Trưởng phường Rối và những người truyền dạy, hướng dẫn đã tổ chức tập luyện từ ngày 8.10.2012 đến ngày 18.10.2012. Những buổi luyện tập đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia và lượng khán giả đến xem lần nào cũng chật cứng nhà văn hóa thôn. Sau những buổi luyện tập đó, phường rối cạn đã thường xuyên biểu diễn và được quần chúng nhân dân hết sức đón nhận.

Hồi sinh cho Rối cạn Ru Nghệ
Lần theo sự chỉ dẫn của cán bộ Phòng Văn hóa huyện Định Hóa, chúng tôi có mặt tại Ru Nghệ để thực mục sở thị sự hồi sinh này. Ông Ma Văn Cười- Trưởng phường múa rối cạn Ru Nghệ vừa miệt mài chỉnh sửa những con rối vừa vui mừng kể lại: “Gia đình tôi trước đây đã có truyền thống biểu diễn múa rối cạn.

Bản thân tôi cũng được học môn nghệ thuật này từ cha tôi là cụ Ma Văn Lưu (SN 1917). Tôi đã từng theo chân cha và phường rối cạn đi nhiều nơi để biểu diễn và ở đâu cũng được chào đón nồng nhiệt”. Thông thường, một màn múa rối kéo dài khoảng nửa giờ. Mở đầu là màn diễn của các nghệ nhân mô phỏng hoạt động cày, bừa, câu cá, vòng đi vòng lại trên sân khấu. Cuối cùng và cũng là trung tâm của màn rối là tiết mục biểu diễn Tắc Kè leo cây”.

Hồi sinh cho Rối cạn Ru Nghệ
Tích trò kể rằng, con Tắc Kè, đại diện cho loài vật, có khả năng dự báo thời tiết tốt nên tranh công với Pú Cấy (con người) công làm ra các loại lương thực. Động tác của các nghệ nhân điều khiển con rối mô phỏng những động tác mạnh giữa con người và Tắc Kè như leo lên, tụt xuống chạy, nhảy, cào, cấu, giằng xé rất sinh động, mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái.

Múa rối cạn độc đáo là thế, nhưng do tác động của nền kinh tế thị trường, những diễn viên trong phường rối năm xưa cũng tạm ngừng biểu diễn để trở về với đồng ruộng lo kiếm kế sinh nhai. Ông Ma Văn Cười rất buồn vì điều đó nhưng cũng đành lực bất tòng tâm nhìn rối cạn mai một.

Năm 2012, được sự quan tâm của Phòng Văn hóa huyện Định Hóa khôi phục lại rối cạn, ông rất phấn khích và tham gia nhiệt tình. Ông Cười nói, trong thời gian tới mình và các thành viên sẽ nỗ lực hơn để làm cho múa rối cạn Ru Nghệ tiếp tục phát triển.

Hồi sinh cho Rối cạn Ru Nghệ
Gắn với du lịch

Năm 2012, khu ATK thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, vì thế chắc chắn đây sẽ là một địa điểm rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Để phát triển du lịch, ngoài việc hướng du khách tham quan các di tích lịch sử thì chính quyền cũng cần quan tâm phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét