Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Xên phắn bẻ của người Thái Điện Biên


Là dân tộc nằm trong nhóm tộc người nói tiếng Tày - Thái thuộc ngữ hệ Thái - Kađai, dân tộc Thái tỉnh Điện Biên là dân tộc còn lưu truyền được rất nhiều phong tục tập quán, lối sống, nếp sống, nghi lễ truyền thống, đặc trưng của dân tộc như: đám cưới, ma chay, lễ hội truyền thống như: lễ xên Bản, xên Mường, lễ xên phắn bẻ, lễ cầu mưa...
Những nghi lễ này đã thể hiện được những mong muốn, ước vọng đơn sơ trong tư duy của con người.
nguoi thai

Người Thái quan niệm rằng những người có mối tình tuổi trẻ sâu nặng mà không lấy được nhau, chẳng may có một người mất đi, hồn của người đó sẽ bay lên Mường Trời thành ma tình yêu “Chuông báo xao” và nhớ tình yêu từ thời trẻ, xuống quấy rối rủ rê hồn của người tình xưa đang sống hạnh phúc với gia đình vợ con (chồng con) theo lên Mường Trời. Ma sẽ làm cho người tình xưa dưới trần ốm đau, làm ăn không thuận, đêm ngủ không yên giấc, mơ thấy điềm gở.

Khi đó thân chủ bàn với gia đình mời thầy mo về làm “Xên phắn bẻ”  (Lễ chém cổ dê) là lễ cúng cắt đứt mối tình duyên (âm dương), tống khứ ma tình, trả lại hồn cho thân chủ, cho thân chủ khỏe mạnh hạnh phúc với gia đình.

Khác với nhiều lễ nghi khác, “Xên phắn bẻ” mời hai thầy mo, thầy mo chính cúng tìm ma và thầy mo phụ chuyên thổi sáo dẫn đường. Thầy mo cúng đầu đội khăn, đeo thắt lưng bằng vải khít đỏ khi cúng ngồi trên ghế mây, tay cầm quạt phe phẩy khi cúng lễ. Người Thái tin rằng thầy mo này có sức mạnh phi thường, thuộc nhiều bài cúng thì mới có thể nhờ các vị thần linh, tổ tiên tiếp sức thay mặt gia đình tìm hồn ma và chiến đấu với nó. Thầy mo phụ trong trang phục  truyền thống thổi sáo (pí lao) theo từng bài cùng, từng nghi lễ không được để đứt đoạn, theo từng bài cúng lúc dõng dạc, uy nghiêm, lúc tha thiết tình cảm.
Thời gian tổ chức “Xên phắn bẻ” không cố định, khi gia đình có người ốm đau, ngủ không yên giấc là gia đình tiến hành mời thầy mo về làm lễ. “Xên phắn bẻ” thường diễn ra từ 1- 2 ngày và gồm nhiều nghi lễ: cúng trong nhà, thả bè, chém cổ dê.

Nghi lễ cúng trong nhà cũng chia làm nhiều bước: “pông một”, “xên một chai phắn bẻ”, “pan pẩu”. Để chuẩn bị cho bước pông một gia đình người làm lễ chuẩn bị các nguyên vật liệu như: gạo nếp, gạo tẻ, trứng gà, 1- 2 đồng bạc trắng, khăn vải trang trí thắt lưng, rượu trắng, nước khoáng, bia và quần áo... của người ốm đưa đến bàn thờ cúng. Bàn thờ thường được đặt gần cửa sổ của nhà sàn người Thái. Khi đã chuẩn bị xong, thầy cúng mặc bộ lễ cúng, một tay cầm quạt, thắp nến rồi bắt đầu các bài hát cúng mang ý nghĩa tượng trưng để sao cho “thần” nhập vào hồn thầy cúng, sau đó xuất “thần” ra trị “con ma tình yêu”.



Bước 2 “Xên chai phắn bẻ”, lễ vật cho bước cúng này gồm: 12 con gà, 2 con vịt, 2 con lợn, 12 lá trầu và 12 quả cau gói thành 12 gói, cây mía, quả chuối xanh, bánh chưng, 3 loại cơm màu còn gọi là khẩu hang, khẩu cắm và khẩu lón, kẹo, bánh và hoa quả, rượu cẩm… ở nghi lễ này, thầy mo sẽ vừa cúng theo tiếng sáo vừa nhìn các lễ vật và người bệnh trong buồng, người Thái cho rằng thầy mo đang cầu khấn các vị thần để có sức mạnh sau đó hát đối đáp với ma xấu để thương lượng và tìm cách đuổi ma xấu đi.



Bước 3 “pan pẩu” là nghi lễ thầy mo sẽ vẩy nước, rửa mặt, soi gương cho người bệnh, đồng thời hát đối đáp với ma xấu, trong một số trường hợp người bệnh cũng phải hát với thầy mo, nghi lễ  thầy mo đóng vai trò như cầu nối để người tình cũ (ma xấu) nói chuyện với người yêu còn sống lần cuối để dứt duyên trần.



Nghi lễ thứ hai là lễ cúng thả thuyền bè “pe khọ” thường được tổ chức từ 2 - 4 giờ sáng. Người ta lấy tre hoặc nứa làm thành một chiếc thuyền bè tượng trưng rồi nặn hình người, hình con dê bằng đất sét, trang trí hoa văn, thức ăn ngon như: thịt nướng, cá nướng, rau ngon xếp vào lá chuối đặt lên bè sau mang chiếc thuyền bè này ra sông, suối thả. Theo quan niệm của dân tộc Thái, “pe khọ” là đưa tiễn, đuổi đi những gì không may mắn, cho “tà ma” đi theo sông, suối về trời để không đeo bám người ốm nữa và để cho họ được khỏe mạnh, thanh thản.

     

Nghi lễ được đón chờ nhất trong Xên phắn bẻ là nghi lễ chém cổ dê “đông khoóng phắn bẻ”. Để chuẩn bị cho nghi lễ này gia chủ phải có một con dê, tùy điều kiện có thể là dê to hay bé, nếu cúng cho người là nữ thì mua dê đực, cúng cho người là nam thì mua dê cái. Thời điểm này họ tin rằng thầy mo đã tìm thấy hồn của người ốm về và phải chém cổ dê để người tình cũ không thể quay lại nữa. Nghi lễ bắt đầu bằng việc người ta dắt dê ra sân buộc vào một cái cọc đóng sẵn, xung quanh là 4 cọc tre quấn quanh vải khít đỏ và bông lau chỉ để một đường vào. Sau đó họ dìu người bệnh từ trên nhà xuống ngồi cạnh con dê, thầy cúng ngồi ở cổng vào hát các bài hát cúng đối đáp với “hồn ma” đại để là họ đã tiến hành các nghi thức cần thiết, họ cũng đã cúng rất nhiều đồ lễ, mong ma từ này không về quấy nhiễu người bệnh và gia đình nữa. Sau lễ cúng, thầy cúng sẽ dùng dao chém đứt đầu dê. Khi dê bị thầy cúng chặt đứt đầu cũng có nghĩa là gia đình người ốm đã trả hết nợ với ma, con dê bị đứt đầu thì “hồn ma” không thể quay lại “nhập hồn” làm cho con người bị đau ốm nữa.



Có thể nói, “Xên phắn bẻ” của người Thái một phần nào đó giúp thân chủ và gia đình phấn chấn về tinh thần và yên tâm lao động sản xuất. Đây cũng là dịp để anh em, họ hàng thăm hỏi và động viên nhau, bà con lối xóm gặp gỡ, giao lưu tăng tinh thần đoàn kết.



Có nhiều ý kiến cho rằng nghi lễ này mang tính mê tín, dị đoan nhưng xét về góc độ nào đó thì đây vẫn là nghi lễ mang đậm tính dòng họ, thể hiện tính cộng đồng trong đời sống dân tộc Thái Điện Biên./.

Sở VHTT&DL Điện Biên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét