Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Sa kê - món ngon mùa Vu Lan

TTO - Góc vườn nhà nội tôi có cây sa kê cổ thụ, gốc cây to cỡ một người ôm không xuể. Mỗi khi vào Rằm lớn (tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch) cũng là mùa thu hoạch sa kê.
Nội sai các bác trèo lên cây hái sa kê đem cúng chùa, số còn lại để làm thức ăn.
Trái sa kê - Ảnh: T.Tâm
Tôi, lúc bấy giờ thường lựa những trái sa kê vỏ chín vàng để riêng một góc, chờ trưa đến để nội luộc ăn. Sa kê chín luộc có vị ngòn ngọt, deo dẻo, thơm ngon không trái nào sánh bằng. Hàng ngày, trong những bữa ăn chay đạm bạc, nội thường lựa những trái sa kê già để hầm dừa với bí rợ và chuối xiêm chín. Lâu lâu có chút đỉnh tiền bán trái cây thì có thêm món sa kê hầm xương heo...
Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất hằn ghi trong ký ức tuổi thơ tôi là khi theo nội đi chùa lễ Phật ngày rằm tháng bảy. Hành lễ xong, mọi người xuống nhà trù, thế nào tôi cũng được thưởng thức món kiểm rất ngon do các ni cô trong chùa khoản đãi. Trước khi ra về, nội còn xin các ni cô một ít “lộc kiểm” mang về...
Trái sa kê chế biến món ăn nào cũng ngon. Chính cái vị bùi bùi, deo dẻo, ngọt nhè nhẹ của sa kê làm say đắm khẩu vị biết bao thực khách. Với những ngày rằm hay lễ Vu Lan, sa kê làm món chay không chỉ bồi dưỡng tốt sức khỏe mà còn giữ tâm hồn thanh tịnh.
Sa kê khi chế biến chỉ cần gọt bỏ phần vỏ và cùi bên trong, giữ lại phần thịt, chỉ lưu ý trong quá trình rửa phải cho một ít muối vào nước để sa kê không bị sẫm màu do trái có có nhiều mủ.
Với món sa kê lăn bột chiên, chỉ cần cắt sa kê thành từng khoanh dầy cỡ 2 - 3 phân, cắt làm tư, rửa sạch, để ráo. Kế đến, pha bột gạo, bột mì ngang cùng ít nước và gia vị đánh đều cho bột hơi sền sệt rồi nhúng từng miếng sa kê vào. Bắc chảo dầu lên bếp, tăng độ lửa lớn cho dầu sôi, thả từng miếng chiên. Giảm độ lửa liu riu cho đến khi miếng sa kê chín vàng, vớt ra cho vào giấy thấm, gắp ra dĩa là xong.
Sa kê (còn có tên gọi là cây bánh mì) là một loại cây đặc thù ở miền Tây Nam bộ. Mỗi năm cây cho trái 2 lần (mùa xuân và mùa thu). Những năm gần đây, cây sa kê được trồng nhiều để lấy trái, lấy bóng mát hay trang trí cảnh quan ở những khu chung cư, biệt thự.
Trái sa kê có hình quả trứng, lớn cỡ miệng tô, vỏ màu xanh, có nhiều gai như trái mít, không có hạt, cơm thịt màu trắng. Theo phân tích, trái sa kê chứa 25% tinh bột, 3% protein, 0,5 % lipid, và nhiều chất bổ khác như: vitamin C (20mg/100gram), kali, kẽm, thiamin… Không những trái sa kê bổ dưỡng, mà cây sa kê cũng lắm hữu dụng. Theo Đông y, rễ sa kê có tính làm dịu, trị ho; vỏ sa kê có tác dụng sát trùng; lá sa kê có công dụng tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu…
Theo GS.TS Nguyễn Văn Luật, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Nam bộ (nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long), trước áp lực của tình trạng “biến đổi khí hậu” và “hiểm họa nước biển dâng cao” làm giảm diện tích trồng lúa ở ĐBSCL, ông đã đề nghị các nhà khoa học phải có trách nhiệm sưu tầm và phát triển loại “cây lương thực” có ích này.
Sa kê hầm dừa - Ảnh: T.Tâm
Kiểm chay ngày rằm - Ảnh: T.Tâm 
Riêng, món sa kê nấu kiểm phải dụng công một chút. Muốn có nồi kiểm ngon phải có dừa nạo lấy nước và lấy cùi dừa cắt thành sợi như con bánh canh. Dừa khô nạo lấy nước cốt và nước dão. Ngoài sa kê còn có thêm khoai lang, bí rợ, đậu đũa, mướp khía, nấm mèo, bột khoai, bột báng, táo đỏ, đậu phộng, hạt sen, tàu hũ ky…
Uớp muối, đường vào sa kê, khoai lang và bí rợ vào nồi cho ngấm. Cho nước dừa, nước cốt dão ngập xâm xấp vào sa kê, khoai lang, bí rợ nấu chín để sẵn ra nồi thứ nhất. Kế đến, cho đậu đũa, đậu phộng, hạt sen… đã sơ chế vào nồi thứ hai nấu chín. Đổ hai thứ cho vào chung một nồi rồi đổ cùi dừa nạo, tàu hũ ky, bột khoai, bột báng, táo đỏ… vào sau chót.
Cuối cùng, cho nước cốt đậm đặc vào. Nêm nếm lần cuối cho vừa khẩu vị, nhắc xuống. Múc ra tô dùng, thêm vào nhúm đậu phộng rang giã giập là xong.
Dùng muỗng múc một miếng kiểm cho vào miệng nhai chậm rãi. Vị béo, ngọt,  của nước cốt dừa, của khoai lang, bí rợ hòa lẫn vị bùi bùi, beo béo của sa kê lan tỏa vào vị giác, len xuống thực quản… tạo thành một “hợp khúc” rau quả thiên nhiên thuần khiết, vô cùng hấp dẫn...
THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét