Chúng tôi lên
tới Hà Giang khi mặt trời còn lấp ló sau đỉnh núi, những tia nắng đầu
tiên trong ngày chưa đủ để xua tan làn sương mờ ảo đang bao trùm khắp
nơi.
Thế nhưng, cả thành phố đã thức giấc từ lâu, người dân nơi địa đầu Tổ Quốc đang háo hức đón chào lễ hội lớn nhất trong năm của quê hương mình: Lễ hội Đền - một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại trung tâm thành phố Hà Giang.
Lễ hội lớn nhất tỉnh
Thành phố Hà Giang chào bình minh bằng một không khí nhộn nhịp khác thường. Từng đoàn du khách trong và ngoài nước lần lượt đổ về tham gia lễ hội. Những đồng bào dân tộc vùng cao rực rỡ váy áo hướng về trung tâm lễ hội với gương mặt hân hoan, phấn khởi, họ đã đi cả đêm trong núi rừng để kịp có mặt trong giờ khai hội. Đối với người dân miền núi, đây là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn đến các vị Thánh Nhân đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, hướng về cội nguồn…
Là miền đất địa đầu của Tổ Quốc, Hà Giang không có nhiều đền chùa như các tỉnh bạn. Đền Mẫu được coi là ngôi đền lớn nhất và có lịch sử lâu đời, tôn thờ vị Đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn Công Chúa Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương. Vì lẽ đó mà từ lâu Lễ hội Đền đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Hà Giang.
Nhiều năm trước đây lễ hội chỉ được tổ chức trong khuôn khổ nhà Đền, với quy mô nhỏ. Nhưng từ năm 2012, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Giang đã trực tiếp đứng ra tổ chức lễ hội Đền với quy mộ rộng, trang trọng về phần lễ, phong phú về phần hội, làm nổi bật nét văn hoá tâm linh truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo tầng lớp nhân dân mà còn nhằm mục đích khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng miền, đặc biệt là du lịch vùng cao biên giới.
Ông Đỗ Văn Như, Trưởng phòng văn hoá thông tin Thành phố Hà Giang cho biết, chỉ tính riêng trong dịp lễ hội 2013, đã có hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Đây có thể coi là thành công sau hai năm Thành phố trực tiếp tổ chức lễ hội. Hà Giang là một tỉnh có phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời, trong những năm tới thành phố sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động văn hoá tín nguỡng của nhân dân, đồng thời kết hợp với việc quảng bá xây dựng Hà Giang thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Lễ hội của sự đoàn kết, đậm đà bản sắc dân tộc
Lễ hội Đền năm nay diễn ra từ ngày 16/3 đến 18/3 dương lịch. Ngay sau khi khai hội, từng đoàn người đã tập trung trước của Đền Mẫu, họ đến để cầu khấn Đức Thánh ban cho họ một cuộc sống yên bình và no ấm.
Sau đó du khách sẽ được thưởng thức nhiều chương trình đặc sắc như dâng hương, tế lễ, biểu diễn giao lưu văn nghệ, hát văn, hát chèo, múa lân…Đặc biệt là màn rước kiệu qua phố, khi kiệu Thánh đi qua, mọi hoạt động khác của người dân đều dừng lại, các cửa hàng ven đường ngừng hoạt động kinh doanh, người đi đường vội vã dừng xe, trẻ em người lớn đứng chật ních hai bên đường, họ chắp tay hướng về Đức Thánh với tấm lòng thành kính cao độ…
Điểm nổi bật trong lễ hội là các trò chơi dân gian thể hiện rõ bản sắc văn hoá truyền thống từ ngàn đời của cộng đồng 22 dân tộc đang sinh sống trên vùng đất Hà Giang. Những trò chơi hấp hẫn người xem như đánh đu, đánh yến, trèo cột hái quả, chọi chim, vừa gánh nồi vừa nấu cơm... Trò chơi đánh sảng (hay còn gọi là đánh quay) được coi là một môn nghệ thuật lôi cuốn nhiều người xem.
Bên cạnh đó, phố ẩm thực, nơi có những gian hàng giới thiệu và bán các món ăn đặc sản của người dân vùng cao cũng thu hút hàng trăm người qua lại thưởng thức.
Một điều đáng ghi nhận đó là tình hình an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội rất đảm bảo, tuyệt đối không có tình trạng trộm cắp, móc túi, lừa đảo. Những hoạt động mê tín dị đoan cũng không hề xảy ra
Ủy ban nhân dân Thành phố đứng ra tổ chức lễ hội không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân, thu hút khách du lịch mà còn tạo nên sự đoàn kết giữa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Ông Lò Doãn Kiểu, một người dân sống lâu năm tại Hà Giang cho biết, hoạt động văn hoá và tôn giáo rất phức tạp. Hà Giang là vùng đất tập trung nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có một phong tục tập quán riêng. Việc tập trung quản lý các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng của các dân tộc là rất cần thiết trong việc tạo nên sự đoàn kết trong nhân dân, hướng đến ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Ngày cuối cùng diễn ra lễ hội, người dân Hà Giang cùng khách thập phương vui mừng tổ chức lễ khánh thành quả chuông đồng nặng hơn 500kg từ nguồn kinh phí do chính họ đóng góp. Tiếng chuông đầu tiên vang lên cũng là lúc lễ hội chính thức kết thúc, người dân cùng nhau ra về trong niềm hân hoan, phấn khởi…Họ cùng nhau hy vọng một năm mới bình yên và no ấm./.
vietnamplus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét