Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chất phóng khoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau

Cái văn hóa đậm chất phóng khoáng của người dân Nam Bộ được hiển hiện một cách tự nhiên. Người dân xóm Mũi bao đời nay vẫn sinh hoạt dưới mái nhà trong tán rừng đước mênh mông không có cửa.
.
Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, nằm trong khu vực ĐBSCL với thảm rừng tràm bạt ngàn và hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài, nối liền từ U Minh Thượng đến cửa Gành Hào (giáp tỉnh Bạc Liêu), lịch sử phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau gắn liền với việc khai hoang mở cõi của các cộng đồng lưu dân người Kinh, Hoa, Khmer.

Chất phóng thoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau
Đất mũi Cà Mau.
Việc khai phá vùng đất ĐBSCL bắt đầu từ Mạc Cửu. Mạc Cửu là người Lôi Châu, Quảng Đông, không chấp nhận triều đình nhà Thanh (bắt dân róc tóc) nên mang theo gia quyến đến đất Mang Khảm (thuộc phủ này mà người Hoa gọi là Phương Thành) và chiêu nạp lưu dân tứ xứ thành lập nên 7 xã thôn đầu tiên ở vùng đất này (gọi là Hà Tiên), trong đó có vùng đất Cà Mau hiện nay.
Tên gọi Cà Mau có xuất phát điểm từ cách đồng bào Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau", có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước.

Bề dày lịch sử

Chất phóng thoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau
Xứ Cà Mau - đạo Long Xuyên khi đó có Đốc Huỳnh cảng và Hàu Ky cảng là hai cảng biển sầm uất nhất trong khu vực. Đó là hai cảng biển giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó là những tên đất, tên sông như: Ông Do, sông Ông Đốc, vàm Cái Tàu, Cái Rắn, Ao Kho, Giếng Ngự, Chắc Băng... là những nơi còn lưu dấu của Nguyễn Ánh (tên tục của vua Gia Long) khi bôn ba chạy loạn.

Lịch sử của vùng Đất Mũi Cà Mau không thể không kể đến vai trò của các dân tộc có mặt nơi đây. Dân tộc Kinh, Hoa, Khmer hàng trăm năm nay đã cùng cộng cư và chung tay bồi đắp, xây dựng nên mảnh đất này. Với các ngành nghề truyền thống như: hầm than, đan đát, dệt chiếu, nấu rượu... đã tạo nên nhiều thương hiệu nổi tiếng như: chuối khô Kiểu Mẫu, đan đát Thới Bình, rượu đế Tân Lộc, chiếu Tân Thành, mật ong U Minh, than đước Năm Căn, ba khía Rạch Gốc...

Chất phóng thoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau
Lịch sử mở đất ở Cà Mau ngoài yếu tố con người thì yếu tố thiên nhiên cũng nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Cà Mau được 2 dòng hải lưu ở biển Đông và Vịnh Thái Lan đón nhận phù sa của dòng sông Mê-Kông hùng vĩ bồi đắp.

Vì đây là vùng trũng, thấp, chủ yếu do phù sa lắng đọng nên độ cao không hơn nhiều so với mặt nước biển. Bên trong đất liền, nhiều cánh rừng tràm nguyên sinh nối tiếp như khẳng định vị trí độc tôn của mình trên mảnh đất này. Nhưng bên ngoài, dọc ven hơn 200 km bờ biển là cây mắm, cây đước.

Cây mắm và cây đước là 2 loài cây đặc hữu tạo nên Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau vừa được tổ chức UNESCO công nhận. Cây mắm âm thầm lấn từng bước một vươn ra biển, chặn dòng phù sa, thu gom phù sa để cây đước bám theo sau giữ lấy. Chúng nhịp nhàng từng bước, từng bước một làm cho chót mũi Cà Mau ngày càng thêm rộng ra về phía biển.

Chất phóng thoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau
Những năm đầu thế kỷ XX, cánh rừng sác Cà Mau có đến hơn 300.000 ha, nhưng hiện nay do sự tàn phá của chiến tranh, sự biến đổi của sinh thái thiên nhiên và sự thiếu ý thức bảo vệ của con người mà diện tích chỉ còn lại gần 200.000 ha. Với diện tích và tầm quan trọng của rừng Cà Mau, các nhà khoa học xác định rằng thảm rừng ngập mặn này chỉ đứng sau cánh rừng sác bên bờ sông Amazon của châu Mỹ.

Những nét văn hóa đặc sắc

Bức tranh của sự phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau không thể không kể đến nét văn hóa trong nếp sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng cư dân nơi đây. Đến xóm Mũi, nơi có mỏm đất doi ra ngoài biển ở đất cực Nam Tổ quốc mới thấy đời sống cư dân ở đây vô cùng văn hóa.

Chất phóng thoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau
Cái văn hóa đậm chất phóng khoáng của người dân Nam Bộ được hiển hiện một cách tự nhiên. Người dân ở xóm Mũi từ bao đời nay vẫn sinh hoạt ngay dưới mái nhà của mình - mái nhà dưới tán rừng đước mênh mông không có cửa.

Ngôi nhà của cư dân Đất Mũi khá rộng về chiều ngang, nhưng hầu hết đều không có cửa. Nếu cần che nắng, gió họ chỉ sử dụng một tấm mành bằng ni-lông căng ngang mặt nhà. Không phải người dân nơi đây không có của ăn của để nên không sợ bọn trộm đạo đến viếng. Ngoài một số hộ dân vẫn còn khó khăn, đa phần người dân ở đây sinh sống bằng nghề đánh bắt ngoài biển và nuôi tôm nên kinh tế hộ gia đình cũng có phần nào khấm khá.

Nhưng làm nhà không có cửa như người dân nơi đây cốt là để được thoáng mát, được hưởng trọn luồng gió tươi từ mặt sông thổi vào, thậm chí ghe, xuồng (là phương tiện đi lại thuận tiện nhất xứ này) cũng chỉ cột tạm bợ vào trụ sàn nhà.

Chất phóng thoáng ở vùng Đất Mũi Cà Mau
Gần ba trăm năm trước, ông cha ta đã băng rừng, vượt biển mở mang bờ cõi. Từ một tên đất chỉ được gọi và ghi nhớ trong ký ức của mỗi người, nay vùng đất Cà Mau mang trong mình hơi thở của sức trẻ. Mỗi ngày một lớn thêm hơn không chỉ về tốc độ phát triển các ngành dịch vụ mà thực chất vùng Đất Mũi ngày nay mỗi năm còn vươn ra biển vài chục mét.

Chúng ta, những người hậu bối cần phải trân trọng giữ gìn những giá trị đó để khi lần giở những trang sử cũ mà giật mình, cố gắng học tập để biết được công sức của người xưa mà trân trọng hơn, yêu quý hơn vùng đất này để luôn thấm thía lời thơ của Nhà thơ Xuân Diệu đã ca ngợi "Tổ quốc ta như một con tàu/Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau".
Về thăm Đất Mũi

Đường đến Đất Mũi quả là diệu vợi. Đi tàu cao tốc từ thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đến đây mất hai tiếng đồng hồ vì phải vượt 120 cây số đường sông. Còn đường xe thì xa "dữ thần", như cách nói của người địa phương. Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Cà Mau đi Đất Mũi, đến thị trấn Năm Căn là dứt. Tại đây, phải mướn ca-nô hoặc tàu cao tốc để đi tiếp. Ca-nô khứ hồi 2,5 triệu đồng; tàu cao tốc khứ hồi giá 1,2 triệu đồng. Ca- nô chạy 1 giờ còn tàu cao tốc thêm 15 phút nữa là tới Đất Mũi.
Tàu rời thị trấn Năm Căn, vẹt nước lướt ào ào trên con sông Cửa Lớn. Sông Cửa Lớn có tên chữ Đại Môn Giang, là một con kinh dài 58km. Dù rộng chỉ 600m nhưng con sông nầy lúc nào cũng khiến người đi ca-nô hay tàu cao tốc lo âu với cái sự mênh mông, "hung dữ" của nó. Có lẽ sông Cửa Lớn là con sông duy nhất ở Việt Nam nối hai vùng biển: ra biển Đông ở cửa Bồ Đề và biển Tây ở cửa Mũi Ông Trang, gần mũi Cà Mau. Dù nối hai biển Đông và Tây nhưng Cửa Lớn là con sông nước lợ vì có ba con sông nhỏ (sông Đầm Dơi, sông Đầm Cùng và sông Cái Ngang) đổ nước ngọt vào. Sông Cửa Lớn là nơi ngư dân khai thác thủy sản nước lợ nên tàu thuyền phải lướt qua nhiều hàng đáy cắm trên sông. Đáy cắm được hình thành ở những đoạn nước sâu vừa phải. Người ta dùng gỗ cây kè lớn, dài trên 30m, cắm sâu xuống lòng sông, giăng thành hàng ngang rồi dùng dây néo vào nhau. Khi nước ròng thì thả lưới bắt tôm, cá.
"Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau".
Sông Cửa Lớn từ Năm Căn đến mũi Cà Mau là nơi nước chảy rất mạnh và nguy hiểm. Nước trong xanh. Chẳng thấy giề lục bình nào như đặc trưng sông nước miền Tây. Tàu cao tốc vượt qua những địa danh lạ lẫm như sông Ông Linh, biển Cá Mòi... Rồi thì rừng đước dày đặc trải ra trước mắt. Vậy là vô tới Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Ngày 26-5-2013, cùng với Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển. Ngày 13-4-2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, thứ 2 tại ĐBSCL và thứ 5 của Việt Nam.
Rừng đước mũi Cà Mau xanh um, được người ta ví là "tấm áo choàng xanh bao quanh mũi Cà Mau" với hàng trăm cây số toàn mắm, đước, sú, vẹt... Người địa phương có câu: "Mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát". Còn tác giả Đào Anh Dũng thì phân tích rành rọt hơn: "Cây mắm là loại cây tiên phong cư ngụ sớm nhất trên bãi bồi. Rễ mắm phát triển nhiều dạng tua tủa đâm thẳng lên không, mặt đất trông như một rừng chông dày đặc… Sau cây mắm là cây đước. Cây đước mới chính là linh hồn của rừng ngập mặn Cà Mau. Cây đước theo sau cây mắm trên bãi bồi giữ cho đất rắn dần, và cứ thế..." ("Cà Mau- Đất và người", trang 34, Sở Thương mại và Du lịch Cà Mau, 2002).
Nhà hàng thủy tạ.
Mũi Cà Mau hướng về phía Tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi. Không khí mát mẻ, thanh sạch bao trùm. Thích nhất là lên đứng trên đài quan sát cao 21m thấy toàn cảnh mũi đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bên trái, thấp thoáng trong rừng đước trăm mái nhà ngư dân xóm Mũi. Biển Đông bao la bị "chặn" lại bởi Hòn Khoai nổi tiếng, cách chừng 15 hải lý. Đây là cụm đảo đẹp gồm Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Đồi Mồi... và Hòn Khoai lớn nhất (rộng 4 cây số vuông) và cao nhất (318m), là nơi có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực biển Đông và vịnh Thái Lan. Nhìn bên phải, mũi Cà Mau "như một mũi thuyền" như Xuân Diệu ví von, vươn ra giữa bao la xanh của rừng đước và vịnh Thái Lan. Vì là nơi giáp mặt biển cả hai phía Đông và Tây nên mũi Cà Mau là nơi mỗi ngày người ta đều có dịp chứng kiến cảnh mặt trời mọc và lặn trên biển.
Đến đây, tôi cũng như bao du khách khác, hăm hở ghé thăm cột mốc tọa độ quốc gia, nơi được xem là mảnh đất cực Nam nước Việt. Và đâu chỉ thế. Ba mặt giáp biển, mũi Cà Mau là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu Bắc- Nam và Tây- Nam với hai chế độ thủy triều khác nhau, tạo nên một vùng lắng đọng phù sa rộng lớn hàng chục ngàn héc-ta. Mỗi năm đất lấn ra biển hàng trăm thước. Điều này thấy rõ những khi thủy triều xuống: bãi bồi hiện ra, dài hàng 4- 5 cây số. Du khách đến đây đều muốn có tấm hình lưu niệm trước biểu tượng mũi Cà Mau với hình chiếc tàu căng phồng cánh buồm lướt gió ra khơi.
Đến mũi Cà Mau, buổi trưa, du khách thường ghé nhà hàng thủy tạ, nơi phục vụ các món hải sản tươi ngon. Ngồi trong ngôi nhà bát giác nối với đất liền bằng một chiếc cầu, thưởng thức làn gió mát mặn mòi từ biển cùng những hải sản tươi ngon là kỷ niệm ngọt ngào. Nhưng kỷ niệm khó quên là từ "cửa rừng" đi trên chiếc cầu xi măng cốt sắt ngoằn ngoèo luồn vào rừng sâu với đước là đước bao quanh, mát rượi.
Bài, ảnh : PHÙ SA LỘC

Dân việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét