Gần 40 km dưới những tán tre là đà men
sát biên giới Việt Nam - Lào ít người biết đến cũng là tuyến đường thông
từ Hòa Bình qua Mai Châu, Co Lương sang với bên kia Tây Thanh Hóa.
Từ Mai Châu - Hòa Bình, 11 km đường tuyệt đẹp để chạy đến với Co Lương,
điểm rẽ tiếp theo. Những đồng lúa mướt xanh dập dềnh lướt qua trong ánh
hoàng hôn cuối chiều. Nhiều người biết đến đoạn đường chạy từ Co Lương
này vì đây là điểm bắt đầu vào với khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pu
Luông – nơi đã trở thành điểm đi trekking lý tưởng của cánh du lịch bụi
vào mỗi mùa lúa chín.
Đoạn rẽ bắt đầu từ chợ Co Lương, bản gần nhất trên con đường có tên
Thanh Sơn, cách ngã rẽ hơn 10 km. Những bản làng bình dị đầu tiên lướt
qua cũng là lúc những rừng tre đầu tiên xuất hiện. Suốt dọc con đường
độc đạo là những rừng tre bạt ngàn, và bên kia sông Mã cũng một màu xanh
của những cánh rừng tre. Cách khu chợ tại bản Mau không xa, một chiếc
cầu tre vắt ngang qua đoạn sông cạn.
Con đường sát dọc sông Mã anh hùng dưới tán tre xanh mát. Ảnh: Lam Linh.
|
Con đường nhỏ bắt đầu thử thách tay lái từ đây. Những con suối ngập
nước bất ngờ hiện ra sau mỗi khúc cua với độ dốc đáng kể. Điểm ra dọc
con đường hơn 100 km này có đến gần 30 con suối lớn nhỏ. Đường là những
tảng đá hộc xếp chồng lên nhau, những dải đất đỏ mà nếu chẳng may gặp
trời mưa sẽ trơn như đổ mỡ làm xe chỉ trực trượt bánh, những dải cát
trượt ngoằn nghèo vài trăm mét với một bên là vực thẳm sâu hút và một
bên là vách núi dựng đứng. Thời tiết tốt nhất để đi con đường này vào
khoảng đầu tháng 5, khi những cây phượng bắt đầu nở hoa rạng rỡ và tre
tốt tươi sau những đợt mưa xuân. Tầm tháng 11 - 12, khi trời đã hết mưa
bão và tre ngả sang màu vàng la đà.
Cách quãng chừng mươi, mười lăm km mới có một bản nhỏ, lác đác vài quầy
tạp hóa bán đủ mặt hàng thiết yếu từ bánh kẹo, mì tôm, trứng gà cho đến
bột giặt. Những bản làng lần lượt lướt qua mang những cái tên rất địa
phương: bản Mau, bản Tà Chánh, bản Kít, bản Nàng, bản Xì Lô, bản Chiềng
Nưa, bản Cha Lan, bản Póc... Người dân đến sống trên con đường mòn này
đa phần là người từ dưới xuôi lên, một số là người Thanh Hóa, số khác là
người Thái sống ở Co Lương. Con đường được người dân trong vùng gọi là
đường Suối Muống, vì con suối nhỏ nằm vắt ngang qua sông Mã gần đó mang
cái tên giản dị này.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Ảnh: Lam Linh.
|
Bù lại con đường vất vả là khung cảnh đất trời không giống với bất cứ
nơi nào. Dòng sông Mã uốn lượn theo con đường. Bên kia sông, những ghềnh
thác, hang động với những cảnh quan mỹ lệ, huyền bí ẩn hiện. Thác,
ghềnh trên sông Mã tại Bá Thước như: thác Suội, thác Cả, thác Long, thác
Ngốc Cùng… là những ghềnh nguy hiểm. Vượt lên đỉnh con dốc cao, thiên
nhiên hùng vĩ khiến bạn có cảm giác đang chạm tay tới mây. Một vài đoạn,
dòng sông Mã đi sát cạnh, có thể xuống dưới rửa chân.
Một đoạn đường tre cong vòng một cách hết sức tự nhiên đem lại hình ảnh
tuyệt đẹp. Những thân tre mảnh mai đan vào nhau kéo dài hàng trăm mét
tạo thành một chiếu nghỉ rất tự nhiên. Nhìn từ xa, vòm tre như đôi mắt
nhấp nhánh cười, hút sâu. Ánh nắng xiên xiên qua vòm tre, nhảy múa trên
thảm lá và đọng lại nơi khóe môi những nụ cười, nhảy nhót trên những
khuôn mặt và những chiếc xe đang được nghỉ ngơi sau một ngày chạy hết
khả năng kia tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục.
Khung cảnh ngoạn mục nhất của đường tre Suối Muống. Ảnh: Lam Linh.
|
Đường tre Suối Muống kết thúc tại Mường Lát, Thanh Hóa. Một vài người
đã chọn chinh phục nó bằng xe đạp. Con đường nhỏ hẹp này đang dần bị
quên lãng. Nhưng với những ai đã từng chạy qua, ấn tượng về đường tre
không bao giờ quên. Một con đường biên giới nhiều kỷ niệm trên lãnh thổ
đất nước Việt Nam thân yêu.
Lam Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét