Dệt vải chàm là
một nghề truyến thống, tồn tại lâu đời ở những vùng người Tày của tỉnh
Bắc Cạn. Trong nền kinh tế thị trường, mặc dù các loại vải sản xuất công
nghiệp đã len lỏi đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, nhưng nghề
dệt vải chàm truyền thống ở Bắc Cạn vẫn đang dược bà con các dân tộc nơi
đây gìn giữ.
Ở xã Cao Tân, huyện Pác Nặm ngày
xưa nhà nào cũng có một khung cửi dệt vải chàm. Vào mùa thu hoạch bông,
nhà nhà lại mắc khung cửi để dệt vải. Cả xã luôn nhộn nhịp bởi tiếng
thoi lách cách. Mọi đồ dùng như váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho
con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải chàm tự dệt. Nhưng mấy năm gần
đây nhiều hộ dân đã không còn trồng bông, những khung cửi cũng bị lãng
quên, một số hộ đã phá để làm củi. Số hộ gìn giữ được nghề dệt vải chàm
truyền thống còn rất ít.
Trong số ít hộ còn giữ được nghề dệt vải chàm có gia đình bà Mô Thị Ngọ ở bản Nà Quạng, xã Cao Tân. Bà Ngọ tâm sự: “Thời chúng tôi, con gái khi về nhà chồng mà có nhiều vải chàm thì được coi là giỏi giang, chăm chỉ và được mọi người quý mến. Đó là nét đẹp của người phụ nữ Tày với nghề trồng bông dệt vải. Năm nay con gái tôi đi lấy chồng, tôi muốn nó phải tự dệt một đôi chăn, đôi gối, màn, tấm ri đô và chiếc địu con bằng vải chàm làm của hồi môn khi về nhà chồng”.
Để dệt được những tấm vải chàm mất khá nhiều công sức và qua nhiều công đoạn. Bông thu hoạch về được phơi qua mấy nắng rồi đem cán để tách riêng phần hạt và phần bông. Sau khi bông đã được cán thì đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ. Tiếp đó là hồ sợi, công việc khá cầu kỳ. Hồ được làm từ ngô, 1 kg sợi dùng 1 kg ngô xay vỡ đôi, vỡ ba, đem ninh nhừ rồi vắt bỏ phần bã. Sợi bông được ngâm với tinh chất ngô khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đem phơi khô, đến khi nào những sợi bông tách nhau ra và cuốn thành những cuộn sợi dai và chắc. Tiếp đó là đưa lên khung cửi để dệt ra những tấm vải, tuy nhiên để có những tấm vải chàm thì cần phải qua bước nhuộm vải. Đây là công đoạn khá phức tạp, những cây chàm được lấy về ngâm cho nát nhừ và tinh lọc giữ lại phần tinh bột của chàm. Tinh bột chàm được đun sôi cùng với một số loại lá cây như cúc tần, chanh, thanh thảo, bưởi..., đến khi nước nhuộm nổi bọt mới được. Mỗi ngày vải được nhúng thuốc nhuộm ba lần, mỗi lần nhúng lại đem vải phơi khô rồi lại nhúng vào thuốc nhuộm. Sau ba lần nhuộm, vải được phơi khô và giặt sạch, sau một ngày lại lặp lại công việc nhuộm vải của ngày đầu tiên và cứ đủ 5 lần ngâm, giặt, phơi thì được một tấm vải chàm. Vải chàm tốt là vải có màu sắc đen ánh đỏ và rất bền.
Màu sắc và hoa văn vải chàm từ lâu đã làm nên nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những nghề truyền thống như nghề dệt vải chàm không chỉ là của một cá nhân, mà cần phải có định hướng của các ngành, các cấp Bắc Cạn, vừa nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, vừa giữ gìn những nét văn hóa độc đáo cho các thế hệ mai sau.
langnghe.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét