Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm hồn Huế.
Nằm bên dòng sông Như Ý, làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh
Thừa Thiên - Huế) từ lâu đã nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống.
Nghề chằm nón lá đã hình thành cách đây hàng trăm năm và nón bài thơ –
một nét đặc trưng của Huế cũng xuất phát từ làng nón Tây Hồ (vùng đất đã
từng nổi danh có nhiều cô gái xinh đẹp, làm say đắm biết bao chàng trai
trong vùng).
“Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”
Người dân Tây Hồ luôn tự hào vì quê mình là nơi xuất xứ của nón bài thơ xứ Huế.
Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ: Đó là vào khoảng
năm 1959 - 1960, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là
một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ
bằng cách, ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp
của chiếc nón (lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu được bán vào thị trường của
các tỉnh phía nam).
Hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón là:
“Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.
Con gái làng Tây Hồ chừng mười tuổi thì đã tự học chằm nón và có người
suốt đời chỉ theo nghề chằm nón. Còn đàn ông, ngoài việc đồng áng, họ
cũng phụ giúp phụ nữ làm công việc ủi lá hay chẻ tre để làm vành nón.
Với cây mác sắc, họ chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành một cách công
phu; sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa và bóng bẩy. Người phụ nữ thì
nức vành và ủi lá. Để có được lá đẹp, người thợ thường chọn lá nón vẫn
giữ được màu xanh nhẹ, ủi lá nhiều lần cho phẳng và láng.
Khi xây và lợp lá, người thợ phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị
chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng. Khâu (chằm) nón là
công đoạn quyết định đến sự hình thành và vẻ đẹp của cả chiếc nón.
Người thợ sẽ khâu từ trên xuống đến vành 15, cứ 1 cm 3 mũi cước trong
suốt. Vành cuối cùng khâu cước trắng, 2 mũi kim cách nhau 2 cm. Đường
chằm phải mềm mại, thanh nhẹ, dịu dàng.
Khi nón chằm hoàn tất, người ta đính thêm vào chóp nón một cái “xoài”
được làm bằng chỉ bóng láng để làm duyên, sau đó mới phủ dầu nhiều lần,
phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền. Điều làm nên nét đặc biệt nhất của
nón lá Tây Hồ so với sản phẩm cùng loại của nhiều làng nón khác ở xứ Huế
chính là dáng thanh mảnh, độ mỏng, màu nón nhã nhặn và đặc biệt nhất là
những bài thơ chất chứa tâm hồn xứ Huế được cài trong chiếc nón.
Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân, không
ngờ lại được mọi người yêu thích. Từ đó, những người làm nón ở Tây Hồ
bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường. Những câu
thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu
thơ về Huế.
Ngoài ra để làm đẹp thêm cho chiếc nón người ta còn ép vào đấy những bức
tranh về sông Hương, núi Ngự cạnh bài thơ. Trải qua một thời gian khá
dài, chiếc nón bài thơ là sản phẩm độc quyền của làng nón Tây Hồ. Rồi
theo lẽ thường tình, những cô gái làng Tây Hồ đi lấy chồng về các miền
quê khác, họ mang theo nghề nón lá truyền thống của mình và nghề làm nón
bài thơ được lan truyền rộng rãi khắp các miền quê.
Từ Tây Hồ, những chiếc nón bài thơ toả đi khắp nẻo đường và trở nên gần
gũi, thân quen trong cuộc sống thường nhật của mỗi phụ nữ Huế. Chỉ với
nguyên liệu đơn giản của lá dừa, lá gồi, những chiếc nón bài thơ vẫn trở
thành vật “trang sức” của biết bao thiếu nữ.
Với nhiều người, lựa nón, lựa quai cũng là một thú vui nên không ít
người đã kỳ công đến tận nơi làm nón để đặt cho riêng mình với dòng thơ
yêu thích. Buổi tan trường, các con đường bên sông Hương như dịu lại
trong cái nắng hè oi ả bởi những dáng mảnh mai với áo dài trắng, nón
trắng và tóc thề.
Những gương mặt trẻ trung ẩn hiện sau vành nón sáng lấp loá đã trở thành một ấn tượng rất Huế, rất Việt Nam.
Website Du lịch Huế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét