Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Độc đáo nét văn hoá người Cao Lan, Quảng Ninh


Người Cao Lan sống rải rác ở một số thôn bản của Ba Chẽ nhưng tập trung nhiều nhất là ở thôn Khe Pụt trong, thuộc xã Thanh Sơn và thôn Bắc Tập, thuộc xã Đạp Thanh. Những nơi này, gần như 100% là người Sán Chay, trong đó người Cao Lan chiếm khoảng một nửa. Bà con còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, thậm chí một gia đình còn giữ được căn nhà sàn cũ vốn là kiểu nhà cổ của người Cao Lan.
Người Cao Lan chiếm số lượng không nhiều trong các dân tộc thiểu số của tỉnh. Cùng với người Sán Chỉ, người Cao Lan là một nhánh của tộc người Sán Chay, nhưng vì phong tục tập quán của hai dân tộc khá giống nhau nên từ trước tới nay, chúng ta thường xếp họ vào cùng nhau. Trong Dự án kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh đợt này, Quảng Ninh đã có những điều tra riêng về văn hoá của tộc người Cao Lan trên địa bàn với nhiều phát hiện rất thú vị.

nguoi cao lan
Ngôi nhà sàn truyền thống duy nhất của người Cao Lan còn lại ở thôn Bắc Tập (xã Đạp Thanh, Ba Chẽ). Ảnh: Cao Đức Bình

Thạc sĩ văn hoá Cao Đức Bình, người trực tiếp điều tra tại thôn Bắc Tập cho biết: “Thôn này có 20 hộ người Cao Lan với khoảng 5, 6 dòng họ khác nhau. Các gia đình ở cách xa nhau, trước kia sống ở những ngôi nhà sàn nhưng tầng dưới thấp, chỉ để củi đóm chứ không chăn nuôi súc vật dưới sàn như một số tộc người khác. Bà con còn nghèo, sinh sống chủ yếu bằng nghề đi rừng và trồng lúa nước. Tuy vậy, người Cao Lan đến nay không có quan niệm thờ cúng thần nông, trời phật gì như các dân tộc sống phụ thuộc vào nông nghiệp khác; ngược lại, việc thờ cúng thổ địa, thần rừng có tính thiêng liêng rất cao với người Cao Lan. Việc thờ cúng này được tiến hành ở các gia đình và ở ngôi miếu của làng, gọi là thờ ông Thó quan và bà Nà Noóng. Người Cao Lan truyền tụng nhau việc kiêng kỵ không được chặt cây cối xung quanh miếu, không làm vấy bẩn miếu với nhiều tích, dạng như nếu ai xâm phạm vào sẽ bị điên, ngã suối hay sẽ tự ăn bẩn v.v.. Tất nhiên, những việc này có thể chỉ để làm thiêng hơn cho ngôi miếu của họ nhưng xét về góc độ khác, ngôi miếu này cũng nằm ở đầu nguồn nước, nơi cá đẻ... thì ý nghĩa lại khác hẳn. Bởi xét đến cùng, khi người Cao Lan đặt ra tục thờ những khu vực thiêng, tự giác bảo vệ, tránh việc xâm hại đến rừng đầu nguồn thì có ý nghĩa thiết thực cho môi trường, cũng là bảo vệ nguồn sống của chính họ”.

Bên cạnh việc thờ cúng thổ địa, thần rừng, người Cao Lan còn có một số nghi lễ hàng năm quan trọng khác. Tiêu biểu như lễ cúng cơm đen vào ngày 3-3 Âm lịch; lễ cúng ngày 5-5 với tục làm bánh gio chẳng hạn. Người Cao Lan không làm rằm tháng 7 mà cúng 14-7 giống như người Sán Dìu, vào ngày này, họ làm bánh vắt vai gói bằng lá bông ỏng. Bà con không có tục giỗ ông bà tổ tiên hàng năm mà thường thắp hương cho ông bà tổ tiên cũng vào ngày 14-7 và vào dịp Tết Nguyên đán. Tết của người Cao Lan diễn ra vào 3 ngày, ngày 28 Tết họ gói bánh, giết lợn, ăn Tết từ mùng 1 đến mùng 3. Ngày mùng 2 Tết, các gia đình làm lễ cúng động thổ để khởi đầu cho một năm, thầy mo được mời đến để cúng, sau đó các gia đình mới được cày cuốc, đi rừng, đi nương... Ngoài ra, vào tháng 8 bà con còn có tục cúng cơm mới. Họ không làm lễ hội, cúng cả làng mà cúng ở từng gia đình nhưng không nhất định là ngày nào. Tục này cũng không phải như cúng cơm mới ở các dân tộc khác là chỉ dùng thóc gạo mới mà người Cao Lan thường lấy 2 bông lúa non cho vào nồi cơm thóc cũ để tạo thành cơm mới. Điều này là để bà con không quên những ngày tháng nghèo khổ, vì theo tích cũ có những người quá nghèo, không có cơm gạo mới để cúng tổ tiên, phải đi ăn trộm 2 bông lúa cho vào nấu cùng với ngô, khoai để báo cho tổ tiên là có cơm mới. Ngày Đông chí, bà con cúng ngày 10-10 bằng bánh dày để tổng kết năm... Tuy lệ chung là vậy nhưng một số dòng họ lại có tục cúng hơi khác biệt. Như cúng cơm mới, các dòng họ khác không giã cốm, riêng có dòng họ Ban là luộc thóc, giã cốm; cúng ngày 3-3, các dòng họ đều chuộng cơm đen (xôi nhuộm lá màu đen) nhưng như họ Mông lại cúng bằng xôi trắng, bởi có tích người họ Mông trèo cây lấy lá làm cơm đen nên bị ngã chết, vì vậy từ đó họ không bao giờ cúng cũng như ăn cơm đen nữa...

Các nghi lễ theo chu kỳ trong vòng đời người của người Cao Lan khá giống các dân tộc khác nhưng một số lễ nghĩa được tiết giảm đi. Như đám cưới có ăn hỏi, đón dâu nhưng không có lễ so tuổi với nghi lễ ăn hỏi rất đơn giản, không có thách cưới, trong đám cưới có hát Soóng cọ. Sinh nở không có cúng đầy tháng, cúng mụ vốn là nghi lễ rất quan trọng với người Sán Chỉ. Đám ma có tục làm nhà táng và hóa ngay khi chôn cất nhưng không có tục cúng 49, 100 ngày, giỗ chạp mà làm đám tang xong là xong. Bà con cũng có tục cải táng nhưng nếu gia đình nhận thấy sau khi gia đình có người chết mấy năm mà vẫn làm ăn bình thường thì có thể không cần cải táng nữa...

Người Cao Lan có nhiều giá trị văn hoá độc đáo nhưng hiện nay, nhiều nét văn hoá ấy đã phần nào mai một theo nhịp sống mới, chỉ còn lưu giữ được ở những người già. Như ngôn ngữ, thứ khác biệt lớn nhất về văn hoá giữa người Cao Lan với Sán Chỉ thì hiện nay đa phần chỉ có những người già còn sử dụng, lớp trẻ một số thậm chí còn không biết tiếng Cao Lan. Tuy vậy, người Cao Lan ở Bắc Tập vẫn giữ gìn những nét văn hoá gắn với tâm linh như việc coi trọng thờ cúng thổ địa, thần rừng đã nói ở trên. Cùng với đó, vai trò của thầy mo trong tang lễ, đám cưới vẫn rất quan trọng với bà con. Gắn liền với các thầy mo chính là lễ cấp sắc. Khác với nhiều dân tộc, lễ cấp sắc là nghi lễ trưởng thành thì với người Cao Lan, nghi lễ này chỉ dành cho những người đàn ông đã có gia đình, thông qua đây, họ mới được làm thầy mo, thầy cúng. Lễ cấp sắc được làm theo từng bậc, thể hiện quyền lực tăng lên theo bậc của các thầy...

Báo Quảng Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét