Nói đến cây cách và lá cách, người dân miền Tây
không ai xa lạ gì. Cây cách là cây rất dễ trồng, thường mọc nơi bờ bụi,
mương vườn, ven sông rạch. Lá cách được các bà nội trợ nơi đây xem như
là một loại rau sạch không thể thiếu trong việc chế biến các món ăn
truyền thống như: ếch, lươn, bò (xào lá cách), nấm mối nướng lá cách,
bánh xèo cuốn lá cách… Ngoài ra, theo Đông y, lá cách có vị ngọt thơm,
hơi nhẩn, có tác dụng mát gan, lợi tiểu nữa.
Ảnh minh họa.
Tôi
nhớ hôm ấy, bữa cơm trưa được dọn lên có nhiều món ăn, mà trong đó “món
đinh” đối với tôi là món thịt gà nấu canh lá cách. Nhìn những miếng
thịt gà màu vàng ươm nằm sóng sánh cùng sả băm, bao quanh là lá cách xắt
nhuyễn có màu xanh sậm như những tảng rong biển, trông thật bắt mắt và
hấp dẫn. Tôi thong thả dùng đũa gắp miếng thịt gà cùng lá cách chấm vào
dĩa nước mắm sả ớt đưa vào miệng nhai chậm rãi.
Vị
ngọt, béo của thịt gà, vị nhân nhẩn, chua chua và mùi thơm đặc trưng
của lá cách cùng tinh dầu sả, ớt thấm dần vào vị giác, len xuống thực
quản. Và miếng cơm nóng có chan vài muỗng nước canh vào “lùa” một hơi,
khiến bao tử tôi làm việc quên thôi.
Được
biết, món này rất dễ làm. Nguyên liệu chính cần có là: gà, lá cách, sả,
ớt. Trước hết, gà phải chọn gà ta (trọng lượng khoảng 1,2 – 1,5 kg/con)
đem về làm sạch, để ráo. Dùng dao bén chặt vừa miếng ăn. Kế đến, ướp
gia vị (muối + đường + bột ngọt + sả ớt bằm) cho vừa khẩu vị khoảng 15
phút cho ngấm.
Bắc
chảo lên bếp, phi mỡ tỏi thơm rồi cho thịt gà vào xào săn lại. Tiếp
đến, cho thịt gà (đã xào) vào nồi cùng với nước lã nấu sôi cho tới khi
thịt gà chín hẳn. Nêm nếm gia vị (nước mắm + bột ngọt) cho vừa khẩu vị.
Sau đó, lá cách lựa lá vừa ăn (không già cũng không non) rửa sạch xắt
thật nhuyễn để sẵn vào tô. Cuối cùng, chỉ cần múc thịt gà lẫn nước canh
(còn nóng) trong nồi đổ vào tô lá cách dọn lên bàn là xong.
Tô canh thịt gà lá cách thơm lừng.
Theo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét