Sóc Trăng hiền hoà, bao dung dang cánh tay rộng
mở chở che cho cả 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống, thế nên
Sóc Trăng có được những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt và những sản vật
làm say đắm lòng người.
Cứ mỗi dịp về Sóc Trăng du khách lại được hòa mình vào không khí hào hứng, sôi nổi của Hội đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer hay tĩnh lặng nhìn ngắm những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng như: Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa Sà Lôn…
Bánh pía Sóc Trăng.
Để đáp ứng nhu cầu thiết thực của du khách gần xa, tỉnh Sóc Trăng cũng đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch từ các làng nghề truyền thống. Đây được xem là một vấn đề đang được đầu tư khai thác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị cao đẹp của từng sản phẩm.
Làng nghề đan lát ở Sóc Trăng.
1. Làng nghề Bánh Pía - Lạp Xưởng
Nói tới đặc sản Bánh Pía – Lạp Xưởng phía Nam là nói tới Sóc Trăng, và ở Sóc Trăng thì Làng nghề Bánh Pía, Lạp Xưởng Vũng Thơm tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành được xem là chiếc nôi nổi tiếng lâu đời về nghề này.
Bánh Pía là loại bánh dân dã rất độc đáo, với lớp bột trắng tinh mỏng nhiều lớp như giấy bao bọc phần nhân bánh ngọt thanh với hương vị sầu riêng thơm lừng, nhâm nhi cùng ly trà nóng thì thật tuyệt vời. Ngày nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách, bánh còn có nhân khoai môn, đậu xanh, bánh pía thập cẩm nhân thịt heo, bánh chay, bánh pía ít đường,… với nhiều mẫu mã đẹp và bắt mắt.
Bánh Pía Sóc Trăng
Nếu bánh Pía là món ăn có thể dùng được ngay khi mua về, thì lạp xưởng
lại là món ăn cần được chế biến sơ trước khi dùng. Chỉ cần chiên, nướng,
hấp rồi thái mỏng là đã có một món lạp xưởng màu nâu đỏ thơm ngon có
thể ăn kèm với cơm trắng.
Lạp xưởng Sóc Trăng
Để cho làng nghề bánh Pía vươn xa thế giới cũng như tạo điều kiện cho
thương hiệu Bánh Pía – Lạp xưởng ngày càng có uy tín, câu lạc bộ Bánh
Pía – Lạp xưởng Sóc Trăng được thành lập hiện có khoảng 30 thành viên,
hầu hết đã qua đào tạo lớp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP do
Sở Công thương tỉnh tổ chức, giúp cho các thành viên nhận thức được tầm
quan trọng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm giữ uy tín và thương
hiệu cho tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng gần xa chuyên sản xuất bánh Pía – lạp xưởng như Tân Huê Viên, Mỹ Trân, Quảng Trân, Công Lập Thành, Tân Hưng,…..trong đó, Tân Huê Viên và Công Lập Thành là 02 doanh nghiệp được công nhận là điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Bánh pía – Lạp xưởng Tân Huê Viên đã sử dụng máy móc và dây chuyền hiện đại để sản xuất sản phẩm. Khi đến cơ sở này, du khách có thể được hướng dẫn tham quan xưởng sản xuất cũng như dùng thử hương vị của các loại bánh. Sản phẩm bánh Pía – Lạp xưởng của Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng trong nước mà đang vươn xa trên thị trường thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia…
2. Làng nghề đan đát
Tiếp theo phải kể đến là làng nghề đan đát ấp Phước Quới, xã Phú Tân huyện Châu Thành, cách thành phố Sóc Trăng hơn 10km. Đến đây, du khách có thể tham quan cơ sở đan đát tre nứa để tìm hiểu thêm về nghệ thuật đan đát của bà con Khmer.
Với đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm rất phong phú và đa dạng chủng loại như cái rổ, thúng, xà ngom, bội nhốt gà, xà neng, cần xé nhỏ,… và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác như chiếc ghe ngo nhỏ, khay đựng trầu, rổ nhỏ…
Sản phẩm của làng nghề đan đát Sóc Trăng
Bằng nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc, từ bàn tay con người đã tạo nên những sản phẩm ngộ nghĩnh vừa sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày đến các vật trang trí làm quà cho du khách. Người dân ấp Phước Qưới luôn không ngừng học tập nâng cao tay nghề và sáng tạo nhiều mẫu mã đẹp mới lạ vừa phát huy nghề truyền thống của ông cha, vừa góp phần phục vụ khách hàng, góp thêm thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đầu tư kinh phí xây dựng mở rộng cơ sở, có phòng thực hành, nhà kho, nhà trưng bày, cổng rào, đồng thời thành lập hợp tác xã (HTX) làng nghề vào năm 2006 với 126 hộ thành viên đều là người Khmer, vốn gắn bó lâu đời với nghề đan đát. Hợp tác xã đang phát huy hiệu quả cao giúp làng nghề Phú Tân cất cánh.
Hiện nay, làng nghề Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm mỹ nghệ của làng phục vụ du khách về tham quan, mua hàng lưu niệm.
3. Làng nghề giã cốm dẹp
Từ xưa nghề giã cốm dẹp ở Sóc Trăng đã là một nghề truyền thống của nhiều làng có người Khmer, nhất là làng nghề Cốm dẹp xã Phú Tân, huyện Châu Thành gần như cung cấp quanh năm cho khách hàng loại thức ăn đặc trưng này.
Cốm dẹp Sóc Trăng
Cốm dẹp được giã từ loại lúa nếp vừa đỏ đuôi. Cốm mới giã khá giòn và
dẻo ăn rất thơm mùi nếp mới. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn
cốm dẹp với dừa rám, ít nước dừa và đường cát trắng. Trung bình khoảng 1kg cốm dẹp thì dùng một trái dừa rám đã nạo, nước dừa và ½ kg đường. Dùng một cái thau rộng bỏ cốm dẹp, đường và rưới nước dừa vào để khoảng 30 phút cho nước dừa và đường thấm đều vào cốm hơi mềm là dùng được. Khi ăn bỏ thêm một ít dừa nạo, đậu phộng rang giã nhuyễn hoặc mè sẽ tăng thêm phần hấp dẫn và độ béo.
Ngày nay, dù đã qua nhiều biến động và đổi thay kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều làng nghề truyền thống vẫn đang tồn tại và phát triển trở thành sản phẩm du lịch cho du khách mỗi khi về vùng đất Sóc Trăng. Để phát huy hơn nữa những tiềm năng vốn có của từng địa phương, tỉnh đã quy hoạch và định hướng phát triển làng nghề truyền thống theo cơ chế thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường sinh thái, phát triển làng nghề gắn với du lịch, văn hóa địa phương.
Trong quá trình hội nhập và phát triển như hiện nay, làng nghề truyền thống đã và đang được chú trọng đầu tư nhằm giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. Phát triển du lịch phải gắn với việc phát triển sản phẩm của các làng nghề truyền thống để có những sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng mà mỗi khi du khách đến Sóc Trăng sẽ phải tìm mua về làm quà sau mỗi chuyến đi./.
Du lịch Sóc Trăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét