Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Đạp xe đi thăm làng cổ Đường Lâm

(iHay) Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, làng cổ Đường Lâm là lựa chọn lý tưởng cho tour đạp xe dã ngoại cuối tuần, đặc biệt là với những ai thích khám phá về văn hóa và kiến trúc.

.
Lựa chọn một ngày hè nắng ráo, chúng tôi cũng làm một tour xe đạp đến thăm làng cổ. Để đảm bảo thời gian và sức khỏe, chúng hẹn nhau khởi hành từ 6 giờ sáng tại trường Đại học Thương Mại.
Giờ, quốc lộ 32 đã được hoàn thành nên đường đi rất đẹp và thông thoáng, nhiều đoạn có view cánh đồng lúa, ngô rất đẹp. Cả đoàn đạp rất nhanh ở đoạn đầu tiên như để thoát khỏi không khí ngột ngạt của thành phố, rồi sau đó chậm lại khi gặp những cánh đồng hoa màu bát ngát để hít thở không khí mát lành của buổi sáng.
Sau hơn 1 giờ ngồi trên yên xe không nghỉ, chúng tôi tới thị xã Sơn Tây, vừa kịp lúc các quán hàng ven đường đang hối hả chuẩn bị phục vụ bữa sáng, và cũng đúng lúc mọi người đều cảm thấy đói bụng.
  
Một anh trong đoàn thông thạo địa hình dẫn chúng tôi đến một quán bún và bánh cuốn chả mà theo anh quảng cáo là ngon nhất khu này để thưởng thức. Đúng như lời anh, chúng tôi đã có một bữa sáng rất ngon miệng, mỗi người còn ăn thêm một cái bánh tẻ Phú Nhi, đặc sản của Sơn Tây rất thơm và ngậy.
Sau khoảng 1 giờ ăn uống và nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục rẽ theo đường đi Trung Hà để đến làng cổ. Đoạn đường này chỉ khoảng 4-5km và hai bên phần lớn là các cánh đồng lúa xanh chạy dài tới cổng làng.
  


Chúng tôi dừng lại ở quán nước nằm dưới một gốc đa to ở cổng làng để uống nước chè tươi, ăn kẹo lạc, ngắm nghía xung quanh và chụp ảnh. Chiếc cổng làng với lối kiến trúc và phong cảnh xung quanh rất đặc trưng của Đồng bằng Bắc Bộ như cây đa, giếng nước đầu làng… mang đến cho chúng tôi một cảm giác thật mát mẻ, yên bình.
 
Tiếp đó, cả đoàn đi qua cánh cổng rộng, theo những con đường lát gạch nhỏ để vào thăm những căn nhà cổ. Một điều đặc biệt là tất cả các ngôi nhà đều quay lưng ra đường với các bức tường đá ong, mái ngói rêu phong rất bí ẩn.
  
Theo một người dân trong làng, ở đây có khoảng 45 căn nhà cổ được xây dựng bằng gỗ và đá ong có niên đại hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi đến thăm nhà ông Huyến và nhà anh Hùng là hai ngôi nhà rộng, đẹp và nổi tiếng nhất trong vùng.
Tại đây chúng tôi được nghe chủ nhà kể nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến lịch sử của các ngôi nhà và đời sống của người dân làng Đường Lâm hiện tại. Người dân ở đây ngoài nghề nông thuần túy còn có thêm nghề làm tương gia truyền với những hũ tương lớn để đầy khắp sân, tô điểm cho ngôi nhà thêm phần cổ kính.
  

Tham quan một vòng Đường Lâm, khoảng 1giờ trưa, chúng tôi trở lại nhà anh Hùng để ăn trưa. Nhà anh xây dựng một khu ăn uống nhỏ sau khoảng sân trước nhà để phục vụ khách tham quan.
Tuy nhiên, do khuôn viên hẹp nên chỉ phục vụ được một số ít khách. Chúng tôi may mắn đến vào hôm thưa khách nên đặt được cơm trưa tại nhà anh. Còn đa số các đoàn phải gọi đặt từ trước khi đến.
 
Bữa trưa là các món ăn dân dã làm từ nông sản của Đường Lâm với gà mía luộc, rau muống luộc chấm tương, thịt kho tàu, canh cua rau đay mướp, và cà pháo muối. Sau đó chúng tôi được mời tráng miệng với bánh tẻ, chè lam và nước chè tươi. Bữa trưa đơn giản nhưng hầu hết chúng tôi đều cảm thấy rất ngon và ăn được thật nhiều.
Chúng tôi tạm biệt Đường Lâm vào khoảng 4giờ chiều để trở về Hà Nội, không quên mua về một ít tương Mông Phụ, chè lam và kẹo lạc về làm quà cho người thân ở nhà, kết thúc một ngày dã ngoại thú vị.
Các điểm di tích nổi tiếng khác ở Đường Lâm là đình làng Mông Phụ, một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc bộ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh ở ngay trong làng.
Đi theo con đường phía bên trái đình làng khoảng hơn 1km là đến khu di tích lăng và đền của Đường Lâm bao gồm đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, chùa Mía.
Đền thờ Phùng Hưng mới được tu tạo lại, nằm trên một khu đất cao, xung quanh cây cối tỏa bóng xanh mát. Cách đó khoảng 500 mét là Lăng Ngô Quyền khá rộng rãi, nhìn ra một cánh đồng lúa rộng lớn rất thoáng đãng. Còn chùa Mía với các bức tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, và không gian thanh tịnh và êm ả mang đến cảm giác thật gần gũi cho du khách.


Bài và ảnhPhong Lan.

Hồn quê mộc mạc ở làng cổ Đường Lâm
Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng Đường Lâm hiện vẫn giữ được các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cây đa, giếng nước, sân đình và những ngôi nhà đá ong hàng trăm năm tuổi.
Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nhắc đến Đường Lâm, du khách không khỏi liên tưởng đến cổng làng Mông Phụ đã bạc màu sương gió nhưng vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc một ngôi nhà hai mái đốc.
 
Đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684 là một một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc Bộ. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng.
 
Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống. Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván.
 
Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.
 
Giàn cây tơ hồng phủ kín một khoảng sân quê yên bình, thơ mộng.
 
Nghề làm tương ở Đường Lâm có từ thời xa xưa và mỗi nhà đều có một vài vại tương phơi ngoài sân.
 
Chất lượng tương của làng không hề thua kém tương làng Bần (Hưng Yên), Cự Đà (Thanh Oai, Hà Tây...). Người ta dùng tương làm nước chấm cho rau muống luộc, thịt trâu, thịt bò, dùng để kho cá. Còn có cả món cà dầm tương, củ cải ngâm tương,...
 
Những chiếc giếng cổ là một phần không thể thiếu trong văn hóa di sản của làng Đường Lâm. Giếng không phải kè thành mà miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.
 
Sau cánh cổng thô mục là cuộc sống bình dị, đơn sơ của các hộ gia đình.
 
Và những vòng quay xe đạp vẫn lăn đều trên con đường làng ở Đường Lâm.
 
Bài: Vy An
Ảnh: Tuan Rau
Đường Lâm, còn đó nét xưa

Làng cổ Đường Lâm được bao bọc bởi các ruộng lúa và ao hồ, cách Hà Nội 50km về phía Tây và nằm trên vùng gò đồi phía Tây thị xã Sơn Tây. Từ xa xưa, nơi đây thuộc lưu vực sông Hồng, nơi có nghề trồng lúa nước rất phát triển và đến hôm nay Đường Lâm vẫn được coi là một làng nông nghiệp tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ. Dưới tác động của đô thị hóa, mặc dù có nhiều sự thay đổi, nhưng nơi đây vẫn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống.

Làm tương là nghề phổ biến ở Đường Lâm.

Ở Đường Lâm, nông dân trồng 2 vụ lúa một năm: Vụ xuân cấy lúa chiêm tháng 2 và tháng 3, còn vụ hè cấy lúa mùa khoảng tháng 6, tháng 7. Trong vụ đông, khoai được trồng rất phổ biến ở vùng này và được coi là đặc sản của vùng. Ngoài ra, người ta còn trồng lạc, rau muống và các loại rau, màu khác. Riêng làng Mía xưa còn nổi tiếng với một đặc sản tiến Vua - là gà Mía.
Làng cổ Đường Lâm có chợ Mía nổi tiếng, họp ngay trước cửa tam quan của chùa Mía. Xưa kia, chợ này người buôn kẻ bán tấp nập với những sản vật phong phú, đa dạng của địa phương. Ngày nay, chợ Mía đã được xây khang trang. Hàng chợ chủ yếu bán cho du khách thập phương những đặc sản như bánh tẻ, kẹo bột, tương nếp, chè lam...
Người dân Đường Lâm sống trong những ngôi nhà cổ có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII. Nhà ở Đường Lâm thường gồm ngôi nhà chính, ở giữa và nhà ngang hai bên. Ngôi nhà chính có 4 cột chính ở giữa và các cột phụ, chia ngôi nhà thành 3 gian. Phần hiên nhìn ra vườn thường mở nhiều cửa. Giữa nhà chính là ban thờ, hai bên là khu sinh hoạt. Bố mẹ thường ở nhà chính, con cái ở nhà ngang. Ngoài ra, nhà ngang còn được sử dụng như kho chứa hay nơi sản xuất.
Ba phía của ngôi nhà là tường gạch đá ong. Một phần các bức tường đá ong này bao ngăn khuôn viên nhà với đường làng và các ngôi nhà bên cạnh. Cổng được quét vôi, có trường hợp lợp mái ngói, cánh cổng bằng gỗ hẹp. Những bức tường đá ong của ngôi nhà, tường bao và cổng chạy dọc hai bên đường làng đã tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng lạ của làng cổ Đường Lâm.
Khuôn viên các ngôi nhà trong làng Đường Lâm có không gian khép kín, được bao bọc bởi các gian nhà và hàng rào. Giữa khuôn viên nhà là vườn. Nhà chính nhìn ra vườn và không mở trực tiếp ra đường. Một bên vườn thường là giếng nước. Khuôn viên nhà thường có hình chữ nhật, cổng mở thẳng trước cửa nhà chính hoặc mở bên ngách.
Trong đó, giếng là yếu tố không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của Đường Lâm. Đường Lâm giờ còn vài giếng, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giếng Đình ở làng Mông Phụ, có thành hình tròn xây bằng đá ong, rất đẹp và cổ kính. Trước kia, người dân ở đây thường sử dụng giếng chung của cả làng, ngày nay mỗi nhà đều có giếng riêng. Giếng được đào ở đất đá ong, nên mạch nước rất trong và mát. Nước giếng được dùng để giặt giũ, tắm rửa và nấu ăn. Gần đây, một số nhà sử dụng các thiết bị phụ trợ hiện đại như máy bơm, vòi sen, thiết bị vệ sinh... khiến cảnh quan truyền thống có sự thay đổi, đòi hỏi phải quy hoạch sao cho phù hợp với mục đích bảo tồn.
Trước kia, việc nấu nướng được tiến hành ở nhà phụ, sau đó thức ăn được bưng lên nhà chính. Ngày nay, một số nhà đã dùng bếp gas, bếp từ và chuyển bếp lên nhà chính để tiện cho sinh hoạt. Mặc dù dụng cụ nấu bếp đã có thay đổi, nhưng bếp củi vẫn được dùng phổ biến trong sinh hoạt, nhất là phục vụ cho việc nấu rượu, làm tương.
Các dụng cụ truyền thống ở Đường Lâm thường gồm bàn thờ tổ tiên, hoành phi, phản, rương để đồ. Những hình chạm khắc trên bàn thờ, phản thường được trang trí các màu đen đỏ, hay khảm trai, xà cừ, thếp vàng. Phản được làm rất chắc chắn, gồm một tấm ván phẳng và bộ chân có chạm khắc. Các bức hoành phi, rương để đồ tuy còn không nhiều, nhưng đều được giữ gìn cẩn thận.
Bàn thờ tổ tiên có nhiều kiểu, nhưng đều được làm theo phong cách truyền thống. Trong khi đó, bộ phản đang được thay bằng các bộ sô-pha hay các kiểu giường hiện đại, tủ, giá để đồ cũng được thay thế như vậy. Bát đũa bằng gốm sứ, chày, cối đá, tiền cổ hay đồ dùng bằng đồng gần đây được người dân ý thức giữ gìn.
Làng cổ Đường Lâm có giá trị văn hóa mang đặc trưng của nền văn hóa phương Đông với cội nguồn là văn hóa lúa nước. Nét sinh hoạt truyền thống trong không gian tổng thể cho thấy phương thức sống tự cấp, tự túc kết hợp với sản xuất nhỏ của người dân từ ngàn đời và không mấy thay đổi qua thời gian.
                                                                                             Theo:laodongthudo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét