Bà con nơi đây
không còn nhớ lễ hội Đình Cổi có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ già trong
làng kể lại. Thời ấy, Mẹ là quốc Mẫu Hoàng bà cùng các vua thường qua
lại đây dạy dân cách trồng trọt, khai phá ruộng nương, cấy lúa, trồng
bông dệt vải...Nhớ ơn công đức, lời dạy của quốc Mẫu và các vua, người
dân trong vùng đã lập miếu thờ.
Lễ
hội Đình Cổi bắt đầu từ đó và được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã
trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống
sinh hoạt của người Mường.
Lễ hội được bắt đầu bằng một hồi trống để báo hiệu cho con cháu
trong Mường về tụ họp ở Đình làng. Nghi lễ đầu tiên là rước kiệu, có
thầy mo đi đầu làm lễ, sau đó là đoàn khênh kiệu, cờ hội, đoàn cò ke ống
sáo, đội múa chèo và đoàn sắc bùa.
Tất cả đều ăn mặc theo đúng phong tục xưa. Khi thầy mo làm lễ mời
các thần về dự hội thì cũng là lúc đoàn múa chèo bắt đầu biểu diễn.
Điều đặc biệt là những người múa chèo
phải là con trai ở xóm Cành. Vì theo chuyện xưa những đứa trẻ chăn trâu ở
xóm Cành gặp quốc Mẫu cùng hai con gái là vua út, vua cả từ Ba Vì về
đến đồng Khâm Mụ, xã Bình Chân thì trời đã trưa, ba mẹ con ngồi nghỉ ăn
cơm gói.
Thấy trẻ trâu xóm Cành chia thành hai
bên để chơi trò chơi, quốc Mẫu và các vua biến thành kẻ ăn xin rồi cùng
tham gia môn nghệ thuật múa. Điệu múa đó, xóm Cành gọi là múa Chèo và
được dân làng Cổi tổ chức vào dịp lễ hội hàng năm, với nội dung phản ánh
về quá trình sản xuất nông nghiệp, hôn nhân gia đình và truyền dạy cho
đời về đạo lý làm người.
Sau một năm lao động vất vả, người dân
xã Bình Chân lại mong Tết đến, Xuân về để được đắm mình trong ngày hội
Đình Cổi rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang khắp bản làng, được
báo cáo với các thần, các ngài về thành quả lao động và cầu mong thần
thánh phù hộ cho dân làng làm ăn gặp nhiều may nắm, mùa màng tươi tốt.
Trong mâm cúng các vị thần (quốc Mẫu
Hoàng bà, vua và Thành Hoàng làng) ngoài các sản vật như xôi trắng, thịt
trâu, rượu còn có các món ăn chay như chuối luộc, đu đủ luộc, mía và
các loại bánh...
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa truyền
thống “uống nước nhớ nguồn”, mà còn là dịp để cầu phúc, cầu mùa “trồng
ngô có bắp to; trồng lúa có bông dài, hạt chắc; nuôi con cúi, con ca mau
lớn; con cháu được khỏe mạnh, học hành tiến bộ; ra đường gặp bạn bè
luôn hòa nhã; đi đường gặp bình an...”.
Kết thúc phần lễ cũng là lúc mặt trời
lên tỏ ngọn cây và trong không khí của lễ hội đầu xuân từ đường làng,
ngõ xóm nô nức dòng người trong và ngoài xã đi hội.
Trai tài sánh với gái sắc trong câu
hát thường rang, bọ mẹng, chơi những trò chơi dân gian đánh mảng, đánh
cù, ném còn và thi đấu các môn thể thao bóng chuyền, đẩy gậy, bắn nỏ,
kéo co...
Vượt lên cả ý nghĩa tâm linh, lễ hội
Đình Cổi của người dân Bình Chân còn mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là
khuyên răn, nhắc nhở con cháu yêu lao động sản xuất, quý trọng thành quả
của gia đình; sang năm mới mọi công việc phải hài hòa.
Chính từ những ý nghĩa sâu sắc trên mà
lễ hội Đình Cổi đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân xã
Bình Chân mà còn cả đất Mường Vang (Lạc Sơn - Hòa Bình)./.
Cinet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét