(iHay) Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vốn nổi tiếng với vải thiều, hồng không hạt, mật ong rừng,… nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới đặc sản rượu men lá (còn gọi là rượu Kiên Thành) của bà con dân tộc Nùng nơi đây.
Ông Lăng Văn Nam bên nguyên liệu và những quả men sắp ra lò |
Vượt qua hơn 200km để đến với huyện Lục
Ngạn, chúng tôi gặp được ông Lăng Văn Nam là người dân tộc Nùng ở thôn
Gai Tây (Lục Ngạn, Bắc Giang), một địa phương nổi tiếng với nghề làm men
lá.
Ông Nam cho biết: “Tôi làm nghề này đến nay đã ngót hai chục năm,
càng ngày việc đi tìm lá để làm men càng khó hơn. Tuy vất vả nhưng tôi
vẫn cố gắng kiếm bằng được lá, để cho ra những quả men ngon nhất”.Người Nùng ở đây làm men lá khá đông. Làm men lá được coi là một nghề ở Kiên Thành, đặc biệt ở thôn Gai Tây.
Chia sẻ về cách làm men lá ông Nam cho biết, làm men lá nhất thiết phải có đủ 5 loại lá: rời rời, trăm rễ, hoa vàng, tai chó và vạt hương. Trong đó lá vạt hương chính là lá quan trọng nhất giúp tạo ra hương vị đặc trưng cho rượu. Tiếng Nùng gọi là lá giá pèng.
Cây vạt hương rất quý và hiếm nên ông Nam đang trồng thử ở vườn. Người làm men phải có kinh nghiệm đi rừng thì mới nhận ra được những thứ lá này mà lấy cho đúng. Sai hay thiếu lá thì men không thành và rượu không ngon.
Cách làm được ông Nam hướng dẫn tỉ mỉ như sau: đem tất cả về xếp rồi phân loại, phần rễ, vỏ cây thì rửa sạch, để khô nước, sau đó mới xay nhỏ. Phần lá cây cũng xay nhỏ, riêng thân cây rời thì đem luộc thân cây lấy nước.
Tất cả xay nhỏ xong thì trộn với bột gạo nứt xay nhỏ và có dùng cả quả men cũ (đã lên mốc) trộn vào theo tỷ lệ bột gạo, rồi nhào nặn thành từng quả men to như quả trứng gà, sau đó hong phơi liên tục, để men được tráng qua lớp trấu, giúp men thẩm thấu hương lúa từ vỏ trấu, như thế rượu càng ngon hơn và cũng để tránh bị bẩn, bị chuột phá.
Điều đặc biệt, người dân ở đây bảo, men có tốt, có đạt chất lượng hay không còn do “vía” của người ủ, ai nặng vía, đi đám ma về ủ men thì men hỏng ngay, trời lạnh quá men cũng không lên.
Men có tốt, có đạt chất lượng hay không còn do “vía” của người ủ |
Anh Bình (thôn Bản Hạ, xã Kiến Thành, huyện Lục Ngạn) là khách hàng thường xuyên của ông Nam. Anh Bình cho biết nhà anh kinh doanh quán ăn nên thường xuyên phải có rượu cho khách, quán ăn nhà anh đông khách có lẽ một phần nhờ rượu men lá.
Nhiều người từ những vùng miền xa xôi đến tận nơi để mua men lá do ông Nam làm. Cứ 3 ngày 1 mẻ, mỗi mẻ gia đình ông làm khoảng 1.000 quả men thế mà ra mẻ nào là hết mẻ đấy, thậm chí có ngày không có men để bán.
Rượu men lá bán tại nhà với giá 22.000 đồng/lít, quả men thì 15.000 đồng/quả, men và rượu ra đến đâu bán hết ngay đến đó. Chịu khó làm mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu.
Nghề làm men của gia đình ông đã được tiền bối truyền lại suốt hơn 40 năm qua. Ông Nam tâm sự nghề của ông cha không thể bỏ được nên ông đang truyền nghề cho con trai là anh Lăng Văn Lực.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết xã đã đề nghị lên UBND huyện Lục Ngạn hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho rượu men lá Kiên Thành, và hướng tới khôi phục lại hợp tác xã sản xuất rượu (trước đây đã giải thể) để quản lý hoạt động sản xuất cũng như ổn định tiêu thụ.
Bài, ảnh: Phong Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét