TT - Dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng những danh thắng như Bà Rá - Thác Mơ, Bù Lạch, sóc Bom Bo và trên 10 ghềnh thác trải dài suốt 10km của sông Đồng Nai... là những địa chỉ mà những ai yêu thích du lịch khám phá không thể bỏ qua khi đến với Bình Phước.
Thôn nữ người đồng bào Stiêng sóc Bom Bo giã gạo - Ảnh: Bùi Liêm |
Với những khu rừng nguyên sinh, sông hồ rộng lớn, tạo nên một bức tranh kỳ vĩ và đa màu sắc, du khách đến với Bình Phước sẽ như được trở về với thiên nhiên hoang sơ, thoáng mát, trong lành.
Về với thiên nhiên hoang sơ
Từ thị xã Đồng Xoài theo quốc lộ 14 đi về hướng huyện Bù Đăng khoảng 60km, đến thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) rẽ phải khoảng 10km du khách sẽ tới trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) rộng gần 500ha được hợp thành của gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau, trảng lớn nhất có diện tích tới 140ha đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái độc đáo, tạo cho du khách được gần gũi hòa mình cùng thiên nhiên: cắm trại, đốt lửa trại, chơi thể thao..., tìm cho mình một không gian thư giãn, nghỉ ngơi thú vị. Tại đây, không những được khám phá đời sống của đồng bào dân tộc bản địa Stiêng, M’Nông, du khách còn được hòa mình trong tiếng reo vui của thác Voi. Từ độ cao 15m, thác nước đổ xuống trắng xóa, quanh co và chảy dài ra sông Đồng Nai.
Ngoài những khu du lịch đã được tổ chức bài bản và ít nhiều được du khách ngoài tỉnh biết đến như đã đề cập, Bình Phước còn có những điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn khác như: thác Đứng, thác Đắk Mai (huyện Bù Gia Mập), thác số 4 (thị xã Bình Long), căn cứ miền Tà Thiết (huyện Lộc Ninh), hồ Suối Lam (huyện Đồng Phú)...
|
Cũng từ thị xã Đồng Xoài theo quốc lộ 14 đi về hướng Bù Đăng khoảng 50km, rẽ trái 6km du khách sẽ tới thôn Bom Bo, hay còn gọi là sóc Bom Bo (thôn 1, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng), nơi tập trung phần lớn đồng bào Stiêng. Đến với sóc Bom Bo hôm nay du khách sẽ có dịp nghe già làng kể chuyện, xem các sơn nữ biểu diễn vũ điệu của người Stiêng..., trải qua những giây phút khó quên cho chuyến đi về miền sơn cước.
Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ (huyện Bù Gia Mập) được biết đến như một điểm hẹn rất đặc trưng vùng Đông Nam bộ. Khu du lịch có diện tích rộng hơn 70ha, là một trong số ít khu du lịch còn giữ được hệ sinh thái nước ngọt, sự đa dạng của hệ sinh học và tính nguyên sơ của tài nguyên thiên nhiên. Toàn bộ khu du lịch trải rộng qua hai bờ suối, được phủ xanh bằng cánh đồng chè, cây ăn trái và nhiều loại cây rừng xanh bạt ngàn tạo không khí trong lành, mát mẻ, yên tịnh.
Đặc biệt, khu du lịch này được bao bọc bởi những con đường nhỏ rợp bóng cây trái, các loại cây rừng và hương thơm đồng nội, đẹp như các cô gái chân quê chưa quen mùi thị thành. Du khách được thỏa thuê lựa chọn, thích mạo hiểm thì đi cầu khỉ qua các lòng ao hồ, nếu có sức khỏe thì tự tản bộ vì ngoài những đoạn đường bằng để xả hơi, còn lại là “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” (thơ Quang Dũng). Có kinh nghiệm “chăn dắt” thì cưỡi lên xe trâu, xe ngựa.
Du khách cũng có thể ngồi bệt bên các bờ ao để câu cá. Quanh ao hồ có sẵn các loại rau phục vụ cho chế biến “chiến lợi phẩm”. Khi đã mệt, khách có thể nghỉ ngơi ngay tại những khu nhà sàn, nhà gỗ được thiết kế theo kiểu nhà truyền thống của các dân tộc bản địa miền núi hoặc nghỉ ngơi trong biệt thự tọa lạc nơi triền dốc.
Lên đỉnh Bà Rá ngắm thị tứ Thác Mơ về đêm
Nhắc đến du lịch tỉnh Bình Phước không thể không nhắc đến cáp treo núi Bà Rá (thị xã Phước Long). Núi Bà Rá có độ cao gần 750m so với mực nước biển, để leo lên tới đỉnh của ngọn núi, du khách phải vượt qua 1.767 bậc tam cấp tính từ đồi Bằng Lăng. Thay vì phải vượt qua các bậc tam cấp, hiện nay du khách có thể thoải mái ngồi trong những cabin của hệ thống cáp treo Bà Rá ngắm nhìn cả một khu vực rộng lớn, bao gồm thị trấn Thác Mơ xinh đẹp, toàn cảnh hồ Long Thủy, hồ thủy điện Thác Mơ mà vào mùa mưa diện tích nước bao chiếm tới 12.000 ha như một biển nước xanh thẳm xa tít, hòa quyện chập chờn giữa rừng núi, tạo cho du khách cảm giác thân thiện, đắm đuối, được trở về cùng thiên nhiên hoang sơ.
Lên đỉnh núi Bà Rá bằng cáp treo vào những ngày đẹp trời, mây bay nhởn nhơ, tản bộ nơi đỉnh cao chót vót vào buổi bình minh hay chiều tối du khách sẽ tận hưởng những giọt sương nơi vùng núi lãng đãng rơi lấm tấm trên tóc, đậu ướt vai áo. Khí hậu trên núi vừa mát mẻ, vừa se lạnh rất nên thơ của khí hậu vùng ôn đới hệt như cao nguyên Đà Lạt. Suốt hành trình trải dài từ chân núi lên đỉnh, ngoài việc ngắm cảnh rừng nguyên sinh, du khách còn được “hộ tống” bởi đàn khỉ rừng hàng trăm con. Chúng hú hí, nối đuôi nhau chuyền cành cây dọc theo hành tung đường cáp di chuyển với hi vọng có được “một bữa no”.
Buổi tối, thị tứ Thác Mơ qua ánh điện lung linh huyền ảo từ những ngọn đèn nhà máy thủy điện hòa lẫn trong sương đêm. Quanh núi Bà Rá được bao bọc bởi khu rừng đặc dụng với đủ loại gỗ quý hiếm đặc trưng của rừng nhiệt đới như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao, dầu, bằng lăng... và nhiều loài động vật quý hiếm khác. Núi Bà Rá, người Stiêng gọi là Bơnom Brah hay Yumbra (đỉnh núi thần), không chỉ thơ mộng, hùng vĩ mà còn là nơi chốn linh thiêng.
Hướng về Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, rộng 2.600ha), nằm trong vùng địa lý sinh vật Đông Nam bộ, đây là nơi bảo tồn động thực vật của tỉnh và lưu giữ nhiều loại thực vật quý hiếm đặc trưng của vùng như: cẩm lai, trắc, gụ, giáng hương, da đá, cây họ dầu... và nhiều loại động vật quý như: hổ, sư tử, tê giác, bò rừng, voi, gà so cổ hung, ngan cánh trắng, các loài khỉ... Nơi đây có cảnh quan đẹp, phong phú về hệ động thực vật, nơi nổi tiếng đa dạng về các loài chim.
BÙI LIÊM
Núi Bà Rá - địa danh lịch sử của Bình Phước
0