Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Mẫu Ỷ Lan và đền Tạm Thương ở Hà Nội

Trong giao tiếp và trong huyền thoại, văn học, tôn giáo từ Mẫu để chỉ một nhân vật nữ được suy tôn do đức hạnh và công sức đóng góp cho đời, cho dân.

    Ở nước ta, từ các làng vùng đồng bằng cho đến miền núi, miền biển tại khắp các phủ, đền, chùa đều có thờ Mẫu Liễu Hạnh với 3 ngôi; đã có nhiều ý kiến, công trình, sách, truyện nghiên cứu, mô phỏng nhân vật hư, thực trên. Riêng Mẫu Ỷ Lan đã được thờ tại hàng trăm đền, chùa lại là một nhân vật có thật trong lịch sử nước ta, một nữ lưu kiệt xuất được lưu danh, ghi nhận trong sử sách từ cổ tới nay với đền thờ ngay giữa thủ đô Hà Nội.


    Mẫu Ỷ Lan: từ thôn nữ đến Hoàng thái hậu - hai lần nhiếp chính

    Theo sử sách ghi rõ: Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Khiết, sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân 1044, mất ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu 1117; con ông Lê Công Thiết, mẹ là bà Vũ Thị Tỉnh ở làng Thổ Lỗi (tên Nôm là làng Sủi), năm lên 10 tuổi mẹ mất, bố lấy vợ kế; có tiếng là người con gái xinh đẹp và chăm ngoan, hiếu học và thông minh (được bố và sư chùa làng dạy chữ).

    Theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), vào năm Quý Mùi 1063, bấy giờ vua Lý Thánh Tông tuổi đã 40 mà chưa có con trai nối dõi, đi chùa Dâu Keo cầu tự, dân đổ đến chúc, xem xa giá, duy có một người con gái hái dâu vẫn đứng nép bên bụi cỏ lan, vua truyền gọi đến nàng ứng đáp linh hoạt, lại thùy mị, xinh đẹp, được vua ưng ý nên đưa về kinh đặt tên là Ỷ Lan. Lúc đầu cho ở ngoài cung trong một dinh cơ ở làng Yên Thái (nay là phố Yên Thái thuộc phường Hàng Bông - Hà Nội).

    Ba năm sau, tháng giêng năm Bính Ngọ 1066, Ỷ Lan sinh được con trai, vua mừng rỡ ngay hôm sau lập làm Hoàng thái tử Càn Đức và phong Ỷ Lan làm Nguyên phi. Từ khi vào cung, Ỷ Lan rất chăm lo học tập lại chăm chỉ công việc, hướng dẫn các cung nữ, phi tần trong việc thêu thùa, dệt may; xếp đặt mọi việc trong cung nên chẳng bao lâu được trong cung và các triều thần tôn trọng, vị nể, nhà vua rất yêu. Năm Kỷ Dậu 1069, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, giao cho Nguyên phi Ỷ Lan làm nhiếp chính cùng Thái sư Lý Đạo Thành thay vua lo mọi công việc của đất nước.

    Năm ấy có lụt lớn, dân đói sinh nạn trộm cướp nhiều nơi; nguyên phi quyết định mở kho lấy thóc cấp cho dân bị nạn, qua đó hết trộm cướp, dân tình được yên bình, ca ngợi công đức của Ỷ Lan coi như Phật bà Quan âm tái thế. Trong khi đó, vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm, lại lo tình hình trong nước nên đem quân về, đến châu Cự Liên (nay là Hưng Yên) nghe nhân dân ca ngợi nguyên phi nội trị được vững vàng yên ổn, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao” (ĐVSKTT), bèn quay lại đánh Chiêm, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Tháng 7 năm ấy, Chiêm xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (nay là đất Quảng Bình, Quảng Trị) nên vua tha cho Chế Củ về.

    Năm Canh Tuất, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu (còn tồn tại đến nay) và đưa Hoàng thái tử Càn Đức đến đó học, năm sau xây tháp và chùa trên núi Tiên Du (Bắc Ninh) được cho là có công sức lớn của Ỷ Lan vì bà không chỉ là người sùng đạo Phật mà cũng rất trọng Nho giáo và việc học hành.

    Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông mất, Hoàng thái tử Càn Đức lên nối ngôi tức vua Lý Nhân Tông, lúc đó mới lên 7 tuổi, Hoàng hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, giữ quyền nhiếp chính cùng Thái sư Lý Đạo Thành. Trước tình hình vua còn nhỏ, tình hình trong nước không ổn định, Chiêm Thành đã mang quân chiếm lại 2 châu cũ, Vương An Thạch là tể tướng nhà Tống cho rằng nước ta đang suy yếu nên sai Thẩm Khởi và Lưu Di tập hợp quân mã, đóng thuyền bè tại Quế Châu chuẩn bị sang xâm chiếm. Ỷ Lan đã giành lại quyền chính, tự làm nhiếp chính; đưa Lý Thường Kiệt làm Thái úy, tổng chỉ huy quân đội để đảm bảo an ninh đất nước, tuy sau đó đã bức tử Thượng Dương hoàng hậu và hơn 70 cung nữ, để lại vết đen phải sám hối đến cuối đời; theo lập luận của Hoàng Xuân Hãn đây là cuộc đảo chính thực sự cần thiết và kịp thời…

    Thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) cũng quên việc riêng lại đưa Lý Đạo Thành về kinh làm Thái phó Bình Chương quân quốc trọng sự, chăm lo nội trị để Lý Thường Kiệt chuyên lo về quân sự. Để ngăn phá âm mưu xâm lược của nhà Tống, theo ĐVSKTT, Lý Thường Kiệt đã chủ động đưa 10 vạn quân đi đánh châu Khâm, châu Liêm và vây châu Ung trên đất Tống; Đô giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đi giải cứu, bị Lý Thường Kiệt đón đánh ở ải Côn Lôn chém chết Thủ Tiết tại Nam Ninh ngày nay. Sau 40 ngày cố thủ, thành Ung Châu bị hạ, tri châu là Tô Giám tự tử theo thành; quân ta bắt được hàng vạn tù binh.

    Năm sau, Bính Thìn 1076, nhà Tống lại sai Quách Quỳ (một tướng nổi tiếng được viết thành truyện Chinh đông, chinh tây ở Trung Quốc) cùng Triệu Tiết hợp với quân Chiêm Thành và Chân Lạp sang đánh báo thù. Quân ta lập chiến tuyến trên sông Như Nguyệt (tức sông Cầu) cố thủ. Sau gần tháng trời, quân Tống suy yếu, đến đêm tại đền thờ Trương Hống, Trương Hát vang lên bài thơ thần: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

    Sáng hôm sau Lý Thường Kiệt đưa quân qua sông phản công, quả nhiên trước khí thế quân ta, quân Tống thua phải rút chạy về nước. Năm sau ta lại đưa quân sang đánh châu Khâm và châu Liêm, bắt được hàng vạn tù binh. Năm Mậu Ngọ, vua Tống phải trả cho ta châu Quảng Nguyên (tức Cao Bằng) để đổi lấy tù binh. Sau đó Lý Thường Kiệt lại đánh Chiêm Thành, buộc vua nước ấy là Chế Ma Na phải nộp lại đất Quảng Bình, Quảng Trị (xưa Chế Củ đã dâng nộp cho ta); từ đấy đất nước mới trở lại thái bình.

    Trong suốt nhiều năm nhiếp chính lần thứ hai này, từ khi Lý Nhân Tông còn nhỏ cho đến khi vua trưởng thành đã thể hiện rõ rệt tài năng, đức độ và những đóng góp to lớn của Mẫu Ỷ Lan tức Linh Nhân hoàng thái hậu với đất nước, tạo nên một thời kỳ thịnh trị triều Lý với những chiến công hiển hách phá Tống, bình Chiêm rực rỡ nhất trong lịch sử nước ta mà có nhà sử học còn gọi là thời đại Ỷ Lan; thái hậu cũng thể hiện đức độ, tài năng trong việc trị nước.

    Trên cương vị sử thần, Ngô Sĩ Liên ghi lại việc mùa xuân năm Quý Mùi 1103, Mẫu Ỷ Lan lấy tiền ở kho Nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo phải bán đi ở, đem gả cho đàn ông nghèo không có vợ, đã viết: “…Thái hậu đổi đời cho họ thật là việc làm nhân chính” (ĐVSKTT). Cũng theo Mẫu Ỷ Lan, một số làng ở Bắc Ninh nay còn giữ tập tục: mồng 1 Tết thưởng công cho trâu một miếng bánh chưng sau khi cúng; theo truyền thuyết nhân ngày tết Mẫu Ỷ Lan đến thăm một gia đình nông dân, gia chủ dâng Thái hậu bánh chưng, Mẫu xuống chuồng cho mỗi con trâu một miếng bánh rồi mới ăn với giải thích vì “trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông”.

    Để giải thích việc Thái hậu ở ngôi cao tuyệt đỉnh mà vẫn thông cảm, gần gũi với tầng lớp bình dân nghèo khổ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngoài đức độ cần lưu ý đến nguồn gốc và lòng mộ đạo của Ỷ Lan.

    Trong sử sách và truyền thuyết đều nêu rõ Mẫu Ỷ Lan rất sùng đạo Phật, không chỉ thể hiện thường xuyên đến cầu kinh tại các chùa mà còn xây dựng nhiều chùa chiền ở khắp nơi mà có người cho là để sám hối về việc giết Dương hoàng hậu và hơn 70 cung nữ (theo sưu tầm đã phát hiện đến gần 100 ngôi chùa do Mẫu Ỷ Lan xây dựng).

    Ngoài việc xây dựng chùa, Mẫu còn có đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu, xác định nguồn gốc đạo Phật ở nước ta. Theo Thiền uyển tập anh, cuốn sách cổ về đạo Phật nước ta, nêu rõ qua cuộc đàm đạo giữa Mẫu Ỷ Lan với các vị quốc sư thời Lý Nhân Tông tại chùa Trấn Quốc đã tạo cơ sở cho việc hình thành cuốn sách nói về đạo Phật thời Lý và các thời trước nữa. Sách còn ghi sau khi đàm đạo với quốc sư Thông Biện về những tôn chỉ của đạo Thiền, Ỷ Lan đã viết bài kệ, còn gọi là Kệ Sắc Không.

    BÀI KỆ SẮC KHÔNG

    Phiên âm Hán-Việt:

    Sắc thị không, không tức sắc,

    Không thị sắc, sắc tức không

    Sắc không quân bất quản,

    Phương đắc khế chân tông.

    Bản dịch:

    Sắc là không, không tức sắc,

    Không là sắc, sắc tức không.

    Sắc không đều chẳng quản,

    Mới được hợp chân tông.

    Với bài kệ trên Mẫu Ỷ Lan đã được các nhà nghiên cứu văn học Việt xếp vào hàng tác gia văn học thời Lý-Trần.

    Đền, đình Tạm Thương, Yên Thái

    Đền Tạm Thương nay là đình Yên Thái, nơi thờ Mẫu Ỷ Lan có liên quan đến chuyện Thái giám Nguyễn Bông.

    Thái giám Nguyễn Bông vừa là truyền thuyết vẫn còn phổ cập đến nay, vừa là chuyện thật được ghi chép trong chính sử từ gần 1.000 năm trước. Theo ĐVSKTT quyển III, năm Quý Mão - Chương Thánh Gia Khánh thứ 5 (1063) ghi: “Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, muốn có con trai, sai Bông (Thái giám Nguyễn Bông) đem hương cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng huyện Từ Liêm…”.

    Ỷ Lan khi được vua đưa về kinh, chỉ ở tạm tại làng Yên Thái, gần cửa Nam thành và giao cho Thái giám Nguyễn Bông phục vụ, vua vẫn thường xuyên lui tới với Ỷ Lan. Một hôm Ỷ Lan tố giác với vua Nguyễn Bông đã lén nhìn trộm khi nàng đang tắm. Vua bèn kết tội Bông bị chém như trong Toàn Thư đã ghi. Trước khi chết Bông tâu do nhà sư hướng dẫn thuật đầu thai thoát xác để mong vua có con trai chứ không dám phạm thượng; vua cho triệu đến, nhà sư xác nhận và để làm tin sau này xin ghi chữ “càn” trên lưng xác Bông (theo một truyền thuyết khác là rạch một vệt ở ngón chân phải để làm dấu). Sau đó Ỷ Lan có mang, được đưa vào cung và sinh con trai, khi mới sinh ra đã có chữ “càn” trên lưng nên vua đặt tên là Thái tử Càn Đức.

    Sáu năm sau, Lý Thánh Tông băng hà, Thái tử Càn Đức nối ngôi là vua Lý Nhân Tông, Mẫu Ỷ Lan thành Linh Nhân hoàng hậu. Thái giám Nguyễn Bông được giải oan và vua cho làm lễ xá tội. Thần tích làng Sủi (tên Nôm làng Thổ Lỗi) ghi: vua cho sứ về Lỗi hương mang sắc minh oan cho ông Bông vào ngày 3 tháng 3. Nhân dân đã lập miếu thờ, hiện nay không còn, nhưng hàng năm vào ngày 3 tháng 3 làng Sủi (nay là làng Phú Thị) vẫn tổ chức ngày hội Bông - Sòng với ý nghĩa chúc mừng Thái giám Nguyễn Bông được sòng phẳng xóa bỏ tội.

    Chuyện Nguyễn Bông - Ỷ Lan nguyên phi và vua nhà Lý nằm trong mô típ chuyện dân gian Việt Nam về “mang thai tâm linh” phổ cập từ lâu: Mẹ Gióng chỉ ướm chân mình lên vết chân trên tảng đá mà có thai sinh ra Thánh Gióng, bà Man Nương ngủ ở sân chùa Dâu Keo, nhà sư Ấn Độ lỡ bước qua người mà sinh ra một bọc với 4 phật: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện và ngay thời nhà Lý, vua Lý Thần Tông cũng là hóa thân của Từ Đạo Hạnh nên chuyện Nguyễn Bông cũng dễ dàng được dân ta tiếp nhận.

    Chuyện Thái giám Nguyễn Bông và câu chuyện tình giữa vua Lý Thánh Tông và cô thôn nữ làng Sủi không chỉ đưa đến Mẫu Ỷ Lan, Linh Nhân thái hậu, nữ lưu nổi danh trong lịch sử với hai lần thay vua nhiếp chính mà để lại cho Thăng Long - Hà Nội một di tích còn lưu lại đến nay.

    Ta đã biết vua Lý Thánh Tông trên đường đi cầu tự gặp được cô thôn nữ đem lòng yêu mến đưa về kinh thành nhưng chưa thể hay chưa dám đưa ngay vào cung, nên cho xây lầu Động Tiên ở cạnh đình làng Yên Thái để sớm tối gặp gỡ chờ dịp đưa vào cung. Không rõ có phải khi biết vua để Ỷ Lan ở tạm trước khi vào cung nên dân gọi nơi đó là tạm thương và đến nay tại phố Yên Thái có ngõ Tạm Thương?

    Theo Nguyễn Vĩnh Phúc thì tên ngõ Tạm Thương do đây là nơi các thương gia xưa để hàng trước khi đưa ra bán; cũng có ý kiến đây là nơi tạm để thương binh khi Pháp đánh thành Hà Nội trước khi chuyển về các làng xa. Tuy nhiên cả hai ý trên đều không đưa ra nguồn tư liệu; tôi cũng cố gắng tìm hiểu trên thư tịch và hỏi mấy vị đã ở lâu năm tại đây nhưng cũng chưa thể xác định được nguồn gốc cũng như thời gian xuất hiện địa danh nên mạnh dạn đưa ra: nơi thờ Mẫu Ỷ Lan: đền - đình Yên Thái ở ngõ Tạm Thương nay liên quan đến câu chuyện tình thi vị mà có thực trong lịch sử từ ngàn năm trước.

    Làng Yên Thái (còn gọi là An Thái) có từ thời Lý nằm gần cửa Nam của thành Thăng Long xưa, phố Yên Thái ở chính ngay vị trí của làng, trước thuộc tổng Thuận Mỹ - huyện Thọ Xương; nay thuộc phường Hàng Gai - quận Hoàn Kiếm, thuộc khu phố cổ của Hà Nội, gần với các phố Hàng Gà, Hàng Mành, Hàng Hòm…, ngay trước chợ Cửa Nam, là phố nhỏ không có vỉa hè, cũng như các phố cổ của thủ đô rất đông đúc chật hẹp, các nhà đều mở cửa hàng: ăn uống, quần áo, tạp dụng… bày cả ra lòng đường.

    Đi từ chợ Cửa Nam vào chừng 100m là ngõ Tạm Thương nằm bên phải. Ngõ Tạm Thương cũng là ngõ nhỏ, hẹp dài không đến 100m tuy nhiên không hiểu sao trong ngõ có đến gần chục khách sạn mini, nhà khách, nhà nghỉ cho người nước ngoài và một số cửa hàng lưu niệm. Đình nằm cuối ngõ bên phải, mới được trùng tu trong dịp “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” trang nghiêm, tôn kính. Do nằm sâu trong ngõ nhỏ diện tích hạn hẹp nên không có cổng, qua mấy bậc thềm vào thẳng cửa đình; trước cửa đình ghi rõ tên “Đình Yên Thái”, ngay chính giữa là bức hoành phi cổ sơn son thếp vàng với bốn chữ Nho đại tự “Lý đại mẫu nghi” cho biết rõ đình thờ Mẫu Ỷ Lan – Linh Nhân hoàng thái hậu nhà Lý.

    Tuy địa thế nằm sâu trong ngõ của phố cổ, diện tích hạn hẹp nhưng vẫn giữ gìn được sự sạch sẽ, tôn nghiêm của di tích lịch sử cấp quốc gia, xứng với vị thế của nhân vật lịch sử Mẫu Ỷ Lan, một nữ kiệt dân tộc, mẫu nghi của nước Việt; đền Tạm Thương - đình Yên Thái mãi là nơi trân trọng, tự hào của đất Thăng Long .

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét