Bên bờ rạch Cái Muối tấp nập thuyền ghe, nhà cổ Cai Cường (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) được biết đến như một công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa. Ngôi nhà hiện là điểm dừng chân hấp dẫn của du khách trên hành trình khám phá miệt vườn Tây Nam bộ.
Ngôi nhà cổ này nguyên là của gia đình ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ ở địa phương xưa. Theo hướng dẫn viên Mỹ Hạnh, công ty Cổ phần Du lịch Vĩnh Long thì ông Phạm Văn Bổn vốn là người giàu có nhất vùng này nên người dân còn gọi ông là Cai Cường.
Nhà cổ Cai Cường được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh bao gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc, đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước, mặt chính quay về hướng Bắc nhìn ra rạch Cái Muối. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông - Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất. Đây là kiểu thiết kế theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúc Việt-Pháp cùng “nội ứng ngoại hợp”, tức nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn ngoại thất bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.
Nhà cổ Cai Cường được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh bao gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc, đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước, mặt chính quay về hướng Bắc nhìn ra rạch Cái Muối. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông - Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất. Đây là kiểu thiết kế theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúc Việt-Pháp cùng “nội ứng ngoại hợp”, tức nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn ngoại thất bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.
Nhà cổ Cai Cường là công trình kiến trúc mang dáng dấp Châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa trong không gian của miệt vườn Tây Nam Bộ. Hành lang của ngôi nhà với hàng cột mang dáng dấp kiến trúc Châu Âu thời kỳ Phục Hưng. Phù điêu đậm kiến trúc Châu Âu thời kỳ Phục Hưng trên mặt tiền nhà cổ Cai Cường. Hàng con tiện kiểu Pháp trên cầu thang dẫn lên nhà. |
Nhà cổ có bề ngang 15m, với hàng cột cái gỗ lim cao đến 6m nâng đỡ lớp mái ngói âm dương và lớp mái ngói hình vảy cá cổ kính của các gian nhà. Phía trước ngôi nhà là một hành lang có cửa thông hai bên với cầu thang hình cánh cung tao nhã, các cột, tường nhà đều được trang trí phù điêu của thời kỳ Phục Hưng, vừa mang yếu tố thẩm mỹ cao, vừa giảm thiểu tác động của nắng, mưa. Phần hiên lộ thiên bên ngoài, hai cầu thang đối xứng hình cánh cung để lên nhà, ở giữa có một ngôi miếu nhỏ với mặt tiền nhìn vào trung tâm ngôi nhà là nét kiến trúc, văn hóa đậm chất Nam Bộ. Cửa ra vào trong ngôi nhà xây theo hình vòm bán nguyệt, thể hiện chủ nhân ngôi nhà là một người giàu sang và có tầm “ảnh hưởng” trong xã hội.
Bên trong căn nhà, toàn bộ kết cấu chính đều được làm bằng gỗ quý và bài trí theo phong cách phương Đông. Ngôi nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa và nhà sau. Nhà trước và nhà giữa là khoảng trống rộng, nơi gia chủ đặt bàn ghế tiếp khách. Ngăn cách giữa chúng là một bức tường gỗ đồ sộ, trải dài để phân tách hai nhà. Gian trung tâm của nhà giữa treo tấm hoành phi lớn viết chữ Hán “Phạm Phủ Đường”, tức nhà của họ Phạm. Hai bên gian giữa là các bàn thờ gia tiên của gia đình ông Cai Cường. Bên trong nhà sau lại được chia làm 3 gian, gian giữa để trống có cửa thông ra sau vườn, hai gian bên cạnh là hai phòng ngủ đối xứng nhau với tường bao toàn bộ bằng gỗ lim. Vì thế, tuy những nét chạm trổ nơi đây không cầu kỳ và sắc sảo nhưng không vì thế mà thiếu đi tính thẩm mỹ và độ công phu. Điểm xuyến thêm vào vẻ đẹp của ngôi nhà cổ này là số cửa lớn, nhỏ được mở ra khá nhiều, đồ đạc bài trí rất gọn gàng, ngăn nắp, tôn thêm vẻ quý phái của nhà cổ.
Nét lộng lẫy nhất của nội thất ngôi nhà là bộ bao lam bằng gỗ kết dính cả ba gian nhà, trên khắc chạm tinh tế hình long, phụng, chim muông, cây cối…tất cả đều sơn son thếp vàng rất bắt mắt. Ngoài ra, các vật dụng như tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, bộ đi văng, phản nằm...đều làm bằng gỗ lim hoặc căm xe từ cuối thế kỷ XIX được gia đình lưu giữ gần như nguyên vẹn. Nền nhà cao hơn so với mặt sân 1m với gạch lát nền cẩn đá xanh được chủ nhân kỳ công đặt mua từ Pháp về khiến ngôi nhà toát lên vẻ sang trọng, lạ lẫm cho người thưởng ngoạn.
Bao lam và các bức hoành phi được chạm trổ hoa văn công phu và được sơn son thếp vàng bắt mắt. Bàn thờ gia tiên trong nhà cổ Cai Cường. Một trong nhiều bức tranh thủy mặc tả cảnh thiên nhiên trưng bày ở gian phòng khách. Thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ ngay bên trong nhà cổ Cai Cường. |
Ngày nay, nhà cổ Cai Cường do ông Võ Huỳnh Long (64 tuổi), con cháu đời thứ 3 của dòng họ Phạm kế thừa, quản lí. Cách đây 15 năm, ông cho công ty Cổ phần Du lịch Cửu Long thuê để phục vụ hoạt động du lịch. Công ty đã tiến hành trùng tu, sửa chữa và đưa các dịch vụ du lịch như: tham quan, biểu diễn đờn ca tài tử, hái trái cây tại vườn...phục vụ du khách. Đặc biệt, du khách có thể nghỉ qua đêm tại hai phòng ngủ của gia đình ông Cai Cường, ban đêm uống trà, nghe kể tích xưa hoặc tham gia nấu ăn cùng con cháu gia chủ để tường tận thêm về nếp sống lâu đời của người Nam Bộ. Du khách còn được hướng dẫn viên thuyết trình tận tình về cấu tạo, cách chơi các nhạc cụ truyền thống Nam bộ để hiểu thêm về đời sống văn hóa của người dân nơi đây./.
Bài: Đỗ Văn - ảnh: Nguyễn Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét