Khác với dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh chủ yếu để treo chơi ngày Tết, tranh làng Sình mang đậm văn hóa tâm linh của người Huế.
Từ trung tâm thành phố Huế đi thêm 9 km về phía đông là bạn đã
đặt chân đến làng Sình với dòng tranh dân gian nổi tiếng. Làng còn có
tên gọi khác là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa
Thiên - Huế. Tranh làng Sình xuất hiện cách đây gần 400 năm về trước,
trải qua bao thăng trầm và ngày nay ngôi làng đã trở thành điểm du lịch
hấp dẫn.
Tranh làng Sình được làm hoàn toàn thủ công đến từng chi tiết. Ảnh: Văn Nguyễn
|
Cũng là dòng tranh dân gian mộc bản nhưng tranh làng Sình khác với
tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) vì chỉ được dùng để
thờ cúng và hóa sau khi lễ. Theo quan niệm của người dân, dùng tranh để
thờ cúng thì sẽ gặp rất nhiều may mắn trong cuộc sống. Bởi vậy, không
chỉ người Huế, các vùng lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam...
cũng thường chọn tranh làng Sình để sử dụng trong dịp Tết.
Cuối năm là dịp lý tưởng để tham quan làng Sình và chứng kiến không khí
hối hả làm tranh phục vụ cho Tết cổ truyền. Khác về mục đích sử dụng
nhưng về kỹ thuật và chất liệu, tranh Sình không khác tranh Đông Hồ,
Hàng Trống là mấy với lối in tranh mộc bản. Người dân làng Sình cũng sử
dụng loại giấy dó hoặc giấy mộc quét điệp để in tranh và nguyên liệu tự
nhiên để tạo nên màu sắc.
Tranh Đông Hồ chỉ có 4-5 màu cơ bản gồm đen, xanh, vàng, đỏ thì tranh
Làng Sinh lại nhiều sắc hơn. Màu vàng nhẹ làm từ lá đung giã với búp hòe
non, màu xanh dương từ hạt mồng tơi, hạt hòe làm nên màu vàng đỏ, nước
lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm, bột gạch để có màu đơn, tro rơm nếp hòa tan
trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng.
Xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục là những gam màu chủ đạo tạo nên
sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình. Tranh không in chồng màu trong nhiều
ngày như Đông Hồ mà chỉ in thô bằng một bản khắc đen, phơi khô rồi tỉ
mẩn tô màu vào các chi tiết.
Hội xuân trong tranh làng Sình.
|
Quá trình tô màu làm theo dây chuyền, mỗi người phụ trách một hai màu,
tô xong lại chuyển cho người khác. Lúc này, nghệ nhân thả mình theo cảm
hứng và tưởng tượng của bản thân, để những bàn tay tô màu như múa thoăn
thoắt trên bản in đen trắng. Có người còn kẹp hai, ba cây bút ở đầu ngón
tay để tô cùng một lúc hai, ba mảng màu như nghệ sĩ xiếc biểu diễn bút
lông điêu luyện.
Màu sắc tươi tắn cộng với đường nét và bố cục tự nhiên đã làm nên vẻ
đẹp rất riêng cho dòng tranh dân gian xứ Huế. Người ta thường mua những
bộ tranh của làng Sình vào dịp lễ nghi đặc biệt như Tết Nguyên đán, lễ
thôi nôi, động thổ, cầu mùa, xây nhà dựng cửa...
Mọi người cúng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở
được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi. Chính vì
thế tranh làng Sình chia thành tranh để thờ và tranh để hóa như hóa
vàng.
Có khoảng 50 đề tài được thể hiện trong tranh ở làng Sình, chia 3 chủ
đề: tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật, phản ánh tín ngưỡng
cổ xưa của người Việt. Qua đó, du khách có thể hiểu thêm phần nào về văn
hóa đất cố đô.
Trẻ em làng Sình được học vẽ tranh từ bé. Ảnh: Văn Nguyễn
|
Bộ Bát Âm với 8 thiếu nữ chơi đàn trong chiếc áo mã tiên là tranh điển
hình làng Sình. Chỉ là những nét vẽ thô sơ, mộc mạc, nhưng trang phục
của các tố nữ có sự cầu kỳ đến từng chi tiết, như huê cài áo, huê giắt
đầu, văn đồng tiền, chữ thọ hay đôi hài dưới chân và nhạc cụ cầm trên
tay. Tùy dịp lễ hay Tết và quy mô cúng bái mà khách mua chọn tranh với
kích cỡ khác nhau, khổ 25x70 cm, hay pha đôi (25x35 cm), pha ba (25x23
cm) hoặc pha tư (25x17 cm).
Ngày nay, làng Sình không chỉ là nơi mua tranh cúng Tết mà còn trở
thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch tham quan và tự tay
in tô màu tranh. Nhờ đó, những bức tranh làng Sình đã theo chân khách du
lịch đi khắp nơi.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét