Chỉ cần dành khoảng 3 tiếng ghé thăm Nhà hát Lớn, cầu Bính, chợ Đổ... du khách đã có thể thực hiện chuyến khám phá một vòng thành phố hoa phượng đỏ.
Cách Hà Nội khoảng 100 km về phía đông bắc, trung tâm thành phố Hải Phòng là nơi du khách có thể dừng chân khám phá trên đường đến Đồ Sơn hoặc Cát Bà dịp hè này.
Tượng đài nữ tướng Lê Chân nằm trước trung tâm triển lãm là một trong những biểu tượng của thành phố hoa phượng đỏ. Công trình được khởi công ngày 30/11/1999, là sự tôn vinh với nữ tướng Lê Chân, người có công gây dựng nên Hải Phòng ngày nay.
Nhà hát Lớn khởi công năm 1904 theo lối kiến trúc Baroc. Công trình từng là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của người giàu bản xứ và quân đội Pháp. Ngày nay, các hoạt động chủ yếu là kỷ niệm, mít tinh, biểu diễn... Các buổi hòa nhạc định kỳ phục vụ người dân được tổ chức tại vườn hoa Nhà Kèn gần đó.
Cầu Bính nối trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên. Đây là cây cầu dây văng có chiều dài 1,3 km, khởi công ngày 1/9/2002.
Công trình này cũng là một trong nhiều điểm du lịch của Hải Phòng. Nhiều khách thường tới đây vào bình minh hay hoàng hôn để ngắm bức tranh toàn cảnh thành phố trong ánh mặt trời.
Chợ Đổ là tên thường gọi của chợ Tam Bạc vì được xây dựng trên nền đất cũ của một khu nhà đổ trong chiến tranh. Chợ là đầu mối trái cây và nông sản lớn. Thời điểm đông nhất là sáng sớm, tiếng người mua bán hòa nhau tạo không gian huyên náo.
Nằm gần chợ Đổ là hồ Tam Bạc, điểm nhấn của dải trung tâm thành phố. Là điểm các cụ già đánh cờ, thanh niên tập thể dục hay trẻ nhỏ vui chơi, du khách ghé thăm hồ có thể cảm nhận nếp sống thường ngày của người dân.
Jang Sơn Đông
Kinh nghiệm khám phá thành phố hoa phượng đỏ
Ngoài ghé thăm những điểm đến nổi bật ở Hải Phòng như Nhà hát lớn, khu phố Tây, chợ Hàng với các món ngon đậm chất xứ cảng, du khách có thể tới thêm Cát Bà hay biển Đồ Sơn.
Hải Phòng cách Hà Nội khoảng 102 km, là thành phố cảng lớn nhất miền bắc và có nhiều điểm du lịch cho du khách lựa chọn. Dưới đây là một số gợi ý và kinh nghiệm giúp bạn tham khảo.
Thời gian
Thời điểm phù hợp để ghé thăm Hải Phòng là tháng 4 - 10. Lúc này, khí hậu khô thoáng, phù hợp những chuyến dã ngoại, tắm biển và khám phá thành phố.
Khoảnh khắc lung linh của thành phố khi đêm về .Ảnh: Jang Son Dong.
|
Di chuyển đến Hải Phòng
Ô tô: Từ Hà Nội, các chuyến tới thành phố hoa phượng đỏ thường khởi hành tại bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Hà Đông. Một vé có giá trung bình khoảng 80.000 đồng.
Tàu hỏa: Vé tàu từ Hà Nội tới Hải Phòng dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng, tùy loại ghế. Thời gian khởi hành vào 6h, 9h20, 15h35, 18h10.
Xe máy: Tại Hà Nội, bạn đi theo đường 5 tới thẳng trung tâm thành phố. Thời gian chạy xe gần 3 tiếng.
Máy bay: Sài Gòn và Đà Nẵng đều có các chuyến bay tới sân bay Cát Bi. Giá vé một chiều trung bình một triệu đồng.
Di chuyển tại Hải Phòng
Ngoài taxi và xe ôm là hai phương tiện dễ tìm, du khách có thể thuê xe máy, xe đạp tại khách sạn mình đang nghỉ hoặc một số website. Giá thuê khoảng 80.000 - 200.000 đồng tùy loại.
Điểm nghỉ trong thành phố
Điện Biên Phủ, Trần Phú, Bạch Đằng, Trần Quang Khải là những con đường tập trung nhiều khách sạn lớn, nhỏ khác nhau với mức giá từ 200.000 đến 2 triệu đồng một phòng. Các điểm du lịch như Đồ Sơn, Cát Bà, nhà nghỉ thường dễ tìm hơn với giá tương đương.
Điểm tham quan trong thành phố
Nhà hát lớn xây dựng từ năm 1904 theo lối kiến trúc Baroque. Ảnh: Jang Son Dong.
|
Nhà hát lớn hay còn gọi là Nhà hát thành phố gồm hai tầng, sân khấu chính cùng hành lang, phòng gương, hội trường 400 ghế... Không gian trước cổng là một quảng trường, thích hợp cho các hoạt động vui chơi, dạo mát hay chụp ảnh.
Cầu Bính là cầu dây văng dài 1,3 km nối trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên. Đây là điểm tham quan yêu thích của nhiều du khách. Bạn nên tới vào buổi chiều tà để tận hưởng khoảnh khắc màu đỏ cam của mặt trời cuối ngày phản chiếu xuống mặt sông Cấm.
Phố Tây là tên gọi chung của các đường Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Minh Khai, Lê Đại Hành... Không giống phố Tây ở Hà Nội hay Sài Gòn, đây là nơi tập trung những ngôi nhà có kiến trúc Pháp cổ giữa hàng cổ thụ xanh mát.
Chợ Hàng nằm tại phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và có lịch sử hoạt động lâu đời. Thời Pháp thuộc, chợ họp các ngày 5,10,15 âm lịch nhưng hiện nay chỉ mở vào sáng chủ nhật hàng tuần. Các loại hàng hóa bày bán gồm giống cây, vật nuôi, nông cụ... và những món đồ thân thuộc với làng quê như chõng tre, rổ rá mây, điếu cày.
Điểm tham quan ngoài thành phố
Quần đảo Cát Bà cách trung tâm thành phố 30 km. Nơi này từng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các điểm du lịch nổi tiếng ở Cát Bà gồm đảo Khỉ, Vườn quốc gia Cát Bà, động Trung Trang, Hùng Sơn...
Đồ Sơn là khu nghỉ mát gồm nhiều bãi tắm, cách trung tâm thành phố 20 km. Bạn có thể tới đảo nhân tạo Hoa Phượng, đảo Dáu để tham quan thêm.
Ngoài ra, Tràng Kênh, Quán Hoa, núi Voi, chợ Sắt, tượng đài Lê Chân... cũng là những điểm du lịch nổi tiếng khác của Hải Phòng.
Ăn uống
Bánh đa cua Hải Phòng luôn dậy mùi thơm nhẹ của cua đồng. Ảnh: Khánh Hòa.
|
Ẩm thực ở đây đa dạng với các món gồm bánh đa cua, chè giun, bánh mì cay, sủi dìn và những loại hải sản đặc trưng theo từng khu du lịch như sam nướng (Cát Bà), còng (Hòn Dấu)...
10 món ngon phải thử khi đến Hải Phòng
Với ẩm thực phong phú và mang nét riêng trong từng hương vị, bạn đừng bỏ lỡ bánh đa cua, nem cua bể hay bánh mì cay khi đến đất Cảng.
Chỉ cách Hà Nội 100 km, thành phố Hoa Phượng Đỏ bắt đầu vào hè bằng những đường phố ngập sắc hoa học trò và đông đảo khách du lịch ghé thăm.
1. Bánh đa cua
Nhắc đến Hải Phòng, là nhắc đến bánh đa cua- món ăn trứ danh theo người xứ Cảng đi khắp đất nước. Một bát bánh đa cua có sợi bánh đa đỏ, nước cua vàng sánh, gạch cua béo ngậy, chả lá lốt, chả thịt… ăn kèm rau sống, hoa chuối mang đến vị đậm đà nhưng vẫn thanh mát. Bạn có thể lựa chọn bánh đa cua đồng ở đường Minh Khai, cổng Bệnh viện Da liễu trên đường Trần Phú, đường Đà Nẵng… hoặc bánh đa cua bể ở đường Cầu Đất.
Bánh đa cua.
|
2. Nem cua bể
Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông bằng lòn bàn tay, nên còn được gọi là nem vuông. Nhân nem gồm có thịt cua loại ngon, mình dày, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, giá… được tẩm ướp gia vị. Nem cua bể ăn kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm nên sức hấp dẫn của đặc sản biển nem cua bể. Nem Hải Phòng nổi tiếng nhất là ở đường Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo).
Nem cua bể.
|
3. Bún cá thập cẩm
Bún cá Hải Phòng có hương vị đặc trưng của vùng biển lại có nét bình dị của đồng quê bởi nó được chế biến từ cả hai loại cá: cá biển (cá thu) và cá đồng. Một tô bún cá thập cẩm thường có trứng cá, chả cá, cá chiên giòn, dạ dày cá, thậm chí là bong bóng cá, tạo nên vị ngon độc đáo. Những quán bún cá ngon ở Hải Phòng ở các đường Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Lê Quýnh, Tô Hiệu…
4. Bánh mì cay
Bánh mì cay là món khoái khẩu của học sinh, sinh viên đất Cảng. Điều đặc biệt là những chiếc bánh mì ở đây chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Người bán hàng xẻ dọc chiếc bánh mì, quết vào ruột bánh một lớp patê, một chút mỡ rồi cho vào lò nướng để bánh đạt độ giòn, đồng thời lớp mỡ tan ra, quyện vào patê tỏa một mùi thơm quyến rũ. Yếu tố quyết định và làm nên độ cay nổi tiếng là chí chương, một loại tương ớt đặc biệt, cay nồng và đỏ tươi. Bánh mì cay được bán ở nhiều đường phố như Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi…
5. Bánh bèo
Bánh bèo Hải Phòng từ hình dáng đến mùi vị khác hoàn toàn với bánh bèo miền Trung. Bánh làm từ bột gạo, nhân thịt băm mộc nhĩ xào thơm, đổ trong lá chuối, gói hình chữ nhật, khi ăn cắt 6, ăn nóng kèm nước mắm vắt chanh. Các quán bánh bèo ngon ở đường Cát Dài, Lê Đại Hành, chợ Cát Bi, chợ Lương Văn Can…
6. Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng có những đặc trưng không thể lẫn với nơi khác. Nồi nước dùng đậm đà và nhiều gạch, đồ nhúng phong phú, gồm thịt bò, giò sống, lòng non, chả cá, rau sống, hoa chuối, mồng tơi và ăn kèm bánh đa đỏ. Địa chỉ ruột của món này là đường Văn Cao.
7. Cơm cháy hải sản
Vẫn là cơm cháy giòn giòn, thơm gạo ngon nhưng nét đặc trưng của đất Cảng thể hiện qua nước sốt hải sản và tôm, cua mực. Mùi vị đậm đà nhưng không hề ngấy tạo cho người ăn nhớ mãi nếu có dịp thưởng thức món cơm cháy hải sản được bán ở phố Tam Bạc, Phan Đình Phùng…
8. Bánh cuốn chả
Bánh cuốn được tráng mỏng, trắng mịn, rắc ít ruốc và vài lát hành khô thơm phức lên trên, chấm với nước mắm Cát Hải pha loãng thêm dấm, ớt, tỏi băm nhuyễn. Trong bát nước chấm có thêm chả lụa và chả thịt viên đậm đà. Bạn có thể ghé đường Cát Cụt, Lạch Tray (đoạn gần Đại học Hàng hải) để ăn bánh cuốn ngon.
Bánh cuốn chả.
|
9. Sủi dìn
Đây là món ăn vặt đường phố dân dã, có nguồn gốc từ những người Hoa sống tại Sài Gòn. Viên sủi dìn nho nhỏ trong nhân có vừng đen, lạc giã, cùi dừa nạo, được thả vào nồi nước đang sôi, khi chín vớt ra ăn cùng nước dùng sóng sánh thơm mùi mật mía. Bạn có thể ghé các gánh hàng rong bán sủi dìn ở đường Kỳ Đồng, cổng trường Ngô Quyền ở đường Mê Linh, chợ Ga…
10. Chè giun
Thức quà giải nhiệt này khá giống bánh lọt ở miền Nam, hoặc chè Thái. Sở dĩ có tên gọi độc đáo bởi những sợi bột gạo sau khi thành hình hơi giống… giun. Chè giun ăn cùng nước cốt dừa, đá bào, thêm ít hạt trân châu, có vị ngọt thanh, xua tan nóng nực của mùa hè. Bạn có thể ghé đường Đinh Tiên Hoàng, hoặc ngõ Đặng Kim Nở để thưởng thức món này.
Thanh Tuyết
Lịch trình tham khảo
Ngày 1: Hà Nội - Nhà hát Lớn - Vườn hoa Nguyễn Du - Tượng đài Lê Chân - Đền Nghè - Đồi Thiên Văn - Cầu Bính - Hồ Tam Bạc.
Ngày 2: Chợ Hàng - Phố Tây - Bảo tàng Thành phố - Nhà thờ Lớn - Hà Nội.
Các ngày 9 - 13/5, Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ lần 4 và Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng thành phố. Các hoạt động diễn ra trong chương trình gồm:
Ngày 9/5: Biểu diễn kèn đồng, diễu hành Carnival, chương trình nghệ thuật chào mừng (quảng trường Nhà hát thành phố), bắn pháo hoa lúc 22h tại sân sau Nhà hát thành phố, khu công nghiệp VSIP, quảng trường thị trấn Cát Bà, đầm Vuông, bờ hồ huyện Vĩnh Bảo...
Ngày 10/5: Thả chim hòa bình (hồ Tam Bạc), biểu diễn pha chế cocktail (nhà Kèn, vườn hoa Nguyễn Du)...
Ngày 11/5: Diễu hành mô tô và xe đạp thể thao, biểu diễn khiêu vũ nghệ thuật (khu vực sân vận động Cảng), chương trình kịch nói (vườn hoa Nguyễn Du).
Ngày 12/5: Biểu diễn Hiphop (khu vực sân vận động Cảng), chương trình ca múa nhạc quần chúng (trung tâm Triển lãm Mỹ thuật)...
Ngày 13/5: Chương trình "Tôi yêu Hải Phòng" (quảng trường nhà hát Thành phố), biểu diễn thể dục Aerobic (khu vực sân vận động Cảng).
|
Diệu Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét