(LV) - Giống như nhiều tộc người khác ở Việt Nam và đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái Tết to nhất, quan trọng nhất trong năm. Họ còn tin rằng, Tết là thời gian kết thúc cho một năm làm ăn vất vả đã qua và chào đón một năm mới có thêm nhiều điều tốt lành.
Dựng cây nêu
Người Mường ở Cúc Phương bắt đầu dựng cây nêu vào ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp, Âm lịch. Vào ngày này, người đàn ông, con trai trong gia đình sẽ được giao nhiệm vụ tìm kiếm những cây Vầu đẹp, cao khoảng 4 đến 5 mét, có thân thẳng, không cành, nhánh, có ngọn lá tủa ra đem về dựng ở trước cổng nhà. Xưa họ còn treo một số nông cụ trên cây nêu như cày, quốc, liềm...được đan bằng tre, nứa để tượng trưng nhằm góp thêm sức mạnh xua đuổi ma quỷ cũng như cầu mong cho vụ mùa năm mới bội thu.
Ngoài nêu ra, người Mường cũng không thể thiếu một loại cây đó là Đào. Đào này không phải mua, mà trong rừng của mỗi gia đình thường trồng rất nhiều. Đây là loại đào ăn quả nhưng vào dịp tết hoa đào nở đỏ cả một mảnh rừng. Mỗi gia đình chỉ cần chặt một cành đào đem vào nhà cắm là không gian đã tươi mới, đầy sắc xuân . Có lẽ tục lệ chọn đào làm loại hoa cho ngày Tết của người Mường Cúc Phương cũng được bắt nguồn từ quan niệm của người Trung Quốc từ thời kỳ Bắc thuộc. Đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Lễ cúng tất niên
Lễ cúng Tất niên thường diễn ra vào ngày 30 tháng chạp. Sau khi mổ lợn xong xuôi vào buổi sáng, gia đình người Mường ở Cúc Phương sẽ làm một mâm cơm cúng đặt trên chiếu mới trước bàn thờ để mời các vị ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Đồ cúng thường là thịt, lòng lợn luộc, thịt gà luộc, thịt lợn nướng, cá nướng thường là cá chép, cá trôi (các loài cá có vẩy), xôi đồ và một chai rượu trắng. Tất cả sẽ được xếp gọn gàng trên lá chuối xanh, trong đó thịt, lòng lợn luộc được xếp ở giữa, xung quanh là thịt gà luộc, cá nướng, thịt lợn nướng và một chai rượu.
Trong lễ cúng này, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ chủ trì, trực tiếp đọc những bài khấn đơn giản để mời ông bà tổ tiên từ thế giới bên kia về ăn Tết cùng con cháu. Sau khi hương cháy hết thì con cháu cùng nhau sum họp lại để ăn cơm. Từ đó cho tới ngày đưa chân các cụ (giống như hóa vàng của người Kinh), trên bàn thờ lúc nào cũng phải để hương cháy, không được tắt.
Lễ cúng giao thừa
Đối với người Mường nói riêng và các dân tộc ở Việt Nam nói chung thì giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa- thời khắc trời đất chuyển giao.
Để ghi nhận thời điểm này, người ta thuờng làm một mâm cỗ cúng trời đất, cúng gia tiên tại bàn thờ ở nhà mình. Mâm cỗ cúng gồm có một con gà luộc, thịt lợn luộc, một chai rượu trắng. Để cúng lễ này gia đình phải mời thầy cúng (mo) về khấn, gia đình nào không mời được hay trong họ có người đàn ông lớn tuổi biết cúng thì mời về nhà làm lễ cúng.
Các nghi lễ trong những ngày Tết
Sáng ngày mùng một, mùng hai, mùng ba các gia đình người Mường ở Cúc Phương sẽ làm các mâm cỗ cúng vào mỗi bữa trưa. Mỗi cặp ông bà tổ tiên thì được cúng một mâm cơm riêng, bàn thờ ông Công, ông Táo một mâm cỗ riêng, có gia đình có tới 7 mâm cỗ cúng. Riêng ngày mùng 1, trong lễ cúng phải mời thầy Mo, thầy cúng tới để làm lễ chứ người nhà không được làm vì chỉ có thầy mo mới biết đọc các bài mo Mường dài, đúng và hay được. Sau khi thầy cúng xong, gia đình phải chuẩn bị lộc cho thầy Mo mang về, thường là thịt lợn, lòng lợn và xôi.
Đối với những người không đặt bàn thờ tổ tiên ở nhà mình hay những người con gái đi lấy chồng thì giao thừa và mùng một Tết sẽ cúng trên bàn thờ ông Công ông Táo những lễ vật y như cúng tổ tiên, đồng thời phải đem lễ về cúng ở nhà bố mẹ mình. Lễ đem về cúng ở nhà bố mẹ gồm hai phần là phần thịt và phần lòng. Thường là thịt gà và để cả con, không bỏ lòng, cùng với bốn chiếc bánh trưng, một chai rượu cất.
Vào các bữa khác trong ba ngày Tết thì gia đình chỉ cần lần lượt thay cơm cúng đặt lên bàn thờ, sau một lúc thì bê xuống để cả nhà cùng ăn. Liên tục trong những ngày tết cho đến lúc đưa chân các cụ hoặc đưa chân ông Công, ông Táo thì không được để hương tắt và phải thắp sáng liên tục trên bàn thờ cả ngày lẫn đêm.
Vào ngày mùng ba hoặc mùng bốn Tết thì hầu hết các gia đình sẽ làm lễ đưa chân các cụ. Các mâm cỗ cúng vẫn như bình thường nhưng lần này sẽ có thêm một thúng gạo, tiền hoặc không có tiền thì đặt ngô, lạc...vào quang gánh trước bàn thờ để cúng. Người Mường ở Cúc Phương quan niệm việc này nhằm để vun vén lương thực cho các cụ mang đi về thế giới bên kia được no đủ, và đây cũng là cách để thể hiện tấm lòng của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.
Tết lại
Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng ăn Tết lại là một phong tục cổ truyền của người Mường ở Cúc Phương. Đồng bào thường tổ chức ăn Tết lại vào bất cứ ngày nào trong tháng Giêng, tính từ ngày mùng 10 trở đi.
Tết lại có ý nghĩa để cho những ai đi xa, bận việc mà không về ăn Tết kịp thì sẽ được cùng ăn tết lại với gia đình. Tuy nhiên Tết lại chỉ tổ chức trong một bữa ăn trong một ngày với đầy đủ các thức ăn như Tết thật. Cũng bánh trưng, cũng thịt lợn nướng, cá nướng và xôi đồ ...
Với những gia đình đã đầy đủ con cháu về trong Tết chính thì gia đình đó vẫn ăn Tết lại với ý nghĩa thể hiện sự hoàn toàn kết thúc của dịp Tết nguyên đán.
Tố Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét