Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Sung mãn món thỏ nướng quán cũ Bảy Nở ở Sài Gòn

Bài, ảnh: Ngữ Yên (Thế giới Tiếp thị) 

(Dân Việt) Quán nướng ấy mới đầu lập ra vào năm 1972 là quán càphê. Thế rồi những người lính quen biết với gia đình chủ quán chán cà phê đòi nhậu. Thế là quán chuyển sang quán nhậu với các món chả đùm, gà thố. Phiên bản cuối cùng và kéo dài đến nay là quán nướng.

Những người hay lui tới quán bây giờ cảm thấy buồn đi một chút và nhớ. Một chú Bảy chủ quán kiêm hoạt náo viên, cứ thấy bàn nào khách chờ lâu là buông một câu thật to: “Sao kỳ dại?” Bây giờ chú đã 89 tuổi và đôi chân yếu không còn đi lại được, nên ở yên trên lầu. Khách quen vẫn nhớ chú, vẫn nuối câu cửa miệng: “Sao kỳ dại?” Chị Tám nói: “Hai năm nay ông già chân bị yếu, nên không còn xuống quán”.
 sung man mon tho nuong quan cu bay no o sai gon hinh anh 1

Những người năm cũ

Độ năm 1973 – 1974, tướng Nguyễn Cao Kỳ vẫn thường ghé quán này, đi cùng vợ con. Đây cũng là nơi mấy ông không quân chế độ cũ thường lui tới. Và không chỉ họ mà còn những người lính khác. Nhất là những ngày lĩnh lương. Bây giờ quán nướng Bảy Nở lại trở thành nơi lui tới của một số người Việt định cư ở nước ngoài. Họ đến vì hoài cổ cũng có mà vì phong cách nướng ngon của quán cũng có. Trước quán gồm hai căn, nằm ở Lý Nam Đế, bây giờ dời vào một con hẻm ở cuối đường Nhật Tảo – khu thương phế binh cắm dùi ngày cũ.

Sau 1975, quán nghỉ mấy tháng cho đến 1976, bắt đầu bán lại, rồi 1989 hợp doanh cùng với quận cho đến 1994. Sau đó quán trở thành tư nhân từ bấy đến nay. Lúc đầu bán cả gà và thỏ nướng. Dịch cúm gà, bỏ gà chuyển sang bán thỏ và các món khác là chính. Món ăn thích nhất là thỏ nướng.
Chiều chiều, quán tưởng đâu chỉ toàn mấy ông nhậu, nhưng thực tế, trong buổi chiều mới đây nhất, nữ đông không kém gì nam. Cái lò nướng được đặt giữa những chiếc bàn kê ngoài trời. Khói nghi ngút. Hàng xóm cũng quen với cái ồn ả của quán bấy lâu nay, nên họ chẳng lấy gì làm phiền hà.
Một anh bạn tên Minh, thường lui tới quán này nên được “chứng nhận” là rể hụt của quán. Mỗi lần Minh tới, cô gái út thường mắc cỡ ở mãi trong nhà. Cô là người con thứ 15 của thím Bảy. Cô sinh ra sau cả tuổi đời của quán. "Bộ sử sống" của quán chính là cô gái thứ tám – người chứng kiến những thăng trầm của cái quán lâu đời. Chị Tám con chú Bảy kể: mấy người lính bạn của ba nói dân nhậu mà uống cà phê riết chán chết. Và quán theo nhu cầu đó ra đời.

Không khí barbecue

Thịt thỏ ở đây ướp thật thấm. Chị Tám Đồng Thị Bạch Yến cho biết: “Thịt ướp chừng hai ba tiếng màu mới đẹp, ướp lâu nó xuống màu, trông không ngon. Thỏ gồm hai món – nướng muối ớt, nướng ướp chao. Sài Gòn cũng có khu thỏ nổi tiếng ở Hoàng Hoa Thám, Tân Bình, nhưng không có không khí bằng quán Bảy Nở.

Dân Sài Gòn biết ăn thỏ không biết là do kế thừa người Hoa hay người Pháp. Món thỏ vốn nổi tiếng ở châu Âu. Nhưng con vật này lại nằm trong 12 con giáp của người Hoa – năm con mèo của người Việt lại là năm con thỏ của người Hoa.
Với người Công giáo thời còn ăn chay kiêng thịt suốt 40 ngày mùa chay, thỏ toàn thịnh, vì nó được Đức Giáo hoàng Gregoire I vào năm 600 đã phê chuẩn thịt thỏ không phải là thịt, nên ngày thứ sáu kiêng thịt, thỏ được ăn bình thường.
Thỏ là biểu tượng của sự sung mãn. Vì vậy mà tạp chí Playboy nổi tiếng của Mỹ chọn nó làm biểu tượng chăng? Và biểu tượng đầu thỏ với đôi tai dài xuất hiện trên tờ báo này kể từ số 2, do giám đốc mỹ thuật Art Paul thiết kế. Chỉ cần mười thỏ cái và một thỏ đực là ta có 200 thỏ con mỗi năm. Nhưng với người Việt, thỏ biểu tượng cho sự nhút nhát, hiền lành. Theo lý thuyết ăn gì bổ nấy, có lẽ ăn thịt thỏ cho người ăn trở nên chuộng hoà bình cũng có lý.
Lại nữa, chiều chiều ngồi trước sân quán chú Bảy, gió luồn vào con hẻm hiu hiu, khói cùng hương thịt nướng quyện nứt cả con hẻm rộng. Không khí barbecue làm cho món thỏ ở đây đạt tới sự hoàn hảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét