S.T
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, chỉ có duy nhất 1 triều đại áp dụng vạc dầu và hổ dữ để trị tội phạm nhân.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Ông cũng ban thưởng phẩm bậc đầy đủ cho các công thần như Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trương Ma Ní và Lê Hoàn...
Bộ máy nhà nước dần được hình thành nhưng đội ngũ các quan thường giỏi võ hơn văn vì thường xuất thân từ võ tướng. Cũng vì thế mà trong lĩnh vực hình pháp, các văn bản luật chính thống vẫn chưa xuất hiện, triều đình xét xử dựa trên luật tục trong dân gian là chủ yếu. Mãi đến thời Lý (1009-1225) bộ luật thành văn đầu tiên mới ra đời, tên là Hình thư (1042).
Tất nhiên, vua Đinh Tiên Hoàng có chú ý đến vấn đề này, ông cũng muốn hạn chế tối đa những tội phạm lớn nhỏ, những vụ án cướp của giết người...
Và cuối cùng, đã có 1 phương án được đưa ra. Theo sách sử có ghi: "Vua (Đinh Tiên Hoàng) muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn" (Đại Việt Sử ký Toàn thư)".
Trong cuốn Việt Sử Toàn Thư cũng có lưu lại: "Tiên Hoàng Đế ban hành nhiều luật lệ rất khắt khe. Ngài đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo trong vườn, dựng cột đồng nung đỏ để trừng trị những kẻ gian ác và phản bội".
Trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, đặc biệt là các triều đại sau nhà Đinh, có rất nhiều cách để thực thi tội tử hình: Trảm (chém đầu), giảo (thắt cổ), khiêu (chém rồi bêu đầu) hay đáng sợ như lăng trì (tùng xẻo)... nhưng không một thời nào áp dụng vạc dầu và hổ dữ, đó thực sự là những hình phạt độc nhất vô nhị,
Có thể nói, đó là những hình phạt vô cùng hà khắc, nghiêm minh, có đôi phần tàn bạo kể cả nếu so với những hình phạt đáng sợ nhất như đã nêu trên.
Năm xưa, hành hình bằng vạc dầu cũng là cách ưa thích của Tần Thủy Hoàng mỗi khi muốn trừng phạt những kẻ chống đối hay mầm mống phản loạn. Khi đó, nạn nhân sẽ bị bỏ vào vạc dầu lớn, sôi sùng sục ngay giữa sân điện suốt mấy ngày mấy đêm khiến ai ai cũng sợ hãi.
Vậy còn Đinh Tiên Hoàng thì sao?
Ông quyết định sử dụng những hình pháp nặng nề, nghiêm khắc không phải bởi sở thích mà muốn sử dụng biện pháp thật mạnh, khiến dân chúng sợ mà không dám phạm phải. Kể ra, đối với thời đại của Đinh Tiên Hoàng, cách làm này không những hợp lý mà còn đem lại hiệu quả lớn.
Trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, đất nước vừa thành lập, ngôi vị vừa ngồi lên, hơn nữa, loạn 12 sứ quân vừa dẹp, mầm mống, những tư tưởng phản loạn vẫn còn đâu đó trên khắp đất nước. Với hình phạt nghiêm khắc, Đinh Tiên Hoàng đã chủ động dập tắt những mầm mống đó.
Và lịch sử đã chứng minh điều đó là đúng, trong suốt triều đại nhà Đinh, chưa từng có trường hợp nào bị cho vào chuồng hổ đói hay ném vào vạc dầu cả. Những biện pháp mạnh của Đinh Tiên Hoàng chủ yếu là để ngăn ngừa hơn là thực thi.
* Rút gọn từ: Những điều lạ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê, tác giả: Trần Đình Ba - NXB Văn Hóa & Thông Tin - Tr 12-21
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét