S.T
Không chỉ là một vị tướng tài, Hồ Nguyên Trừng còn được coi là ông tổ của nghề đúc súng thần công Việt Nam.
Việc ông lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400km, đã tỏ rõ ông là một nhà quân sự kiệt xuất.
Hồ Nguyên Trừng cũng sáng tạo ra cách đánh độc đáo: Ông cho đục nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh, từng khiến cho thủy binh giặc nhiều phen khiếp đảm.
Tuy vậy, nói đến Hồ Nguyên Trừng người ta thường nhắc nhiều đến công sáng chế ra súng "thần cơ" của ông.
Thời ấy, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải tổ chức gấp những xưởng đúc súng lớn.
Nhờ thông minh tuyệt vời và khả năng suy nghĩ phi thường, Hồ Nguyên Trừng đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền, trên cơ sở đó, phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét.
Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn, Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng "thần cơ".
Súng thần cơ của Nguyên Trừng có đầy đủ các bộ phận cơ bản của loại súng là một ống đúc bằng sắt hoặc bằng đồng. Phía đuôi súng được đúc kín có bộ phận ngòi cháy ở chỗ nhồi thuốc nổ.
Khi bắn, người ta nhồi thuốc súng phía đáy rồi đặt mũi tên vào giữa và nhồi loại đạn ghém bằng sắt và chì. Súng thần cơ có nhiều loại: Loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa áng chừng 700 mét.
Hồ Nguyên Trừng đặc biệt cho chế tạo nhiều loại thần cơ lớn gọi là "thần cơ pháp". Thần cơ pháo thực chất là súng thần cơ cỡ lớn được đặt cố định trên thành hoặc xe kéo cơ động.
Quân Minh bao phen kinh hoàng về loại súng này mà không hiểu nổi. Nhưng cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại vì không được dân ủng hộ, trong lúc quân giặc giương cao cờ "Phù Trần diệt Hồ".
Giặc Minh bắt được nhiều súng thần cơ, bắt được cả nhà sáng chế ra nó. Trong Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn nhắc đến một tình tiết: "Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng".
Nếu nhớ lại rằng vào thời Hồ Nguyên Trừng, thế giới còn đang thai nghén về súng đại bác thì chúng ta càng tự hào về những sáng chế của ông.
Triều Hồ tồn tại trong 7 năm (1400-1407) với 2 đời vua:
1. Hồ Quý Ly (1400)
2. Hồ Hán Thương (1401-1407).
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Các triều đại Việt Nam", trang 144-146, , NXB Thanh niên.
*Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét