Theo Ngữ Yên/TGTT
(Dân Việt) Miền Tây đón mời tôi món gà nướng cà phê đêm đầu tiên ghé lại trong chuyến du khảo cuối tuần. Nghe quá lạ lẫm về sự kết hợp giữa một danh sản ẩm đủ sức đứng một mình thành một món, và một danh sản thực thường được lấy làm chuẩn ngon cho nhiều thứ thịt khác.
Gà Bà Bộ nướng cà phê có một màu nâu khác thường. (Ảnh: Hồ Trần)
Ví dụ như để tả cái ngon của nấm mối chỉ cần đổi tên cho nó thành nấm thịt gà. Như cá sơn gà lại giải thích vì thịt nó trắng và ngon như thịt gà nên gọi là cá sơn gà. Một mình gà luộc cũng đủ thành một món.Hương vị không chỏi
Một người trong nhóm năm của chuyến du khảo, Trần Tiến Dũng vừa cắn miếng thịt gà nướng cà phê đã phải thốt lên: “Cà phê ướp gà tạo ra cái hương vị không nghe chỏi chút nào. Lại ngon à nha”. Dọn món gà nướng cà phê có lẽ là cung cách quen thuộc của ông bạn Đỗ Khuê: “Mày hả bưởi, tao sẽ cho mày biết Cần Thơ luôn luôn mới và lạ”.
Tôi nghĩ vậy và lại nghĩ thêm như một thứ tật cố hữu: phải mấy ông cai quản Cần Thơ luôn luôn mới thì Cần Thơ đã ngon hơn Sài Gòn nhiều.
Món gà nướng cà phê tối hôm 22/1 vừa lạ miệng vừa ngon. Mới nghe, ta tưởng miếng thịt gà sẽ thơm lừng mùi càphê. Quả như vậy thì hỏng bét! Thật ra, ta đã không còn nghe mùi đặc trưng của càphê. Thứ hương riêng ấy đã cộng hưởng với những thứ gia vị khác đem lại một hương vị mới khó tả. Màu thịt nướng cóđộ nâu trông đẹp hơn.
Quán dọn món này tên là Gà Bà Bộ, nằm sát bên kia cầu Bà Bộ nếu ta từ Sài Gòn đi vào thành phố. Cái tên này có thể gặp vấn đề về hình ảnh đối với người tiêu dùng.
Đỗ Khuê kể: Lộ 91B này chưa làm xong, mà cầu đã làm xong trước. Người dân địa phương ở đây mới đem sản vật của mình nuôi trồng ra bán. Mới đầu chỉ vài ba người. Vài con gà, vài trái cây, rau quả của miệt vườn dọc con rạch Bà Bộ. Thời gian đó, sản vật nhà vườn vừa tự nhiên vừa rẻ, ai đi ngang cũng thích dừng chân mua vài thứ mình cần.
Lâu dần, đông lên, nơi đây biến thành chợ chạy. Vì nhóm chợ không phép nên gặp nhân viên công lực là chạy. Thời gian ban đầu của khu chợ sớm ấy làm cho giống gà vườn nổi danh.
Tiếng thơm đồn xa về một thứ “gà Bà Bộ” ngon lắm. Nhưng dần dà, nơi đây trở thành chợ gà tứ xứ, thượng vàng hạ cám. Bị thú y kết luận là gà không kiểm dịch, gà không rõ nguồn gốc, v.v. Cái tiếng thơm gà Bà Bộ bị ố bởi gà tứ xứ, chất lượng bát nháo, thương lái gà “dùng cái chân quê giả” gạt người mua. Tiếng xấu tràn lan.
Nên nói tên quán là Gà Bà Bộ có thể đã bị hỏng. Vì niềm tin của người tiêu dùng đối với gà Bà Bộ đã mất. Tuy thịt gà của quán tối hôm ấy ngon lắm. Nhưng niềm tin không còn, coi bộ tương lai của món gà nướng càphê cũng èo uột theo.
Cà phê miền Tây
Nhân cà phê ướp nướng gà, lại nhớ đến cà phê dọc đường miền Tây. Lần đầu tiên chúng tôi ghé vào một cái quán dừng chân. Kêu cà phê đá không đường. Ly cà phê đem ra ngọt lừ.
Hỏi lại nhân viên, được trả lời là càphê không đường mà. Cứ tưởng người ta dọn cà phê pha sẵn bỏ một ít đường. Lần sau, ở một chặng nghỉ khác, chúng tôi cẩn thận gọi cà phê phin. Ngỡ rằng sẽ được uống một thứ càphê đăng đắng. Lại thất vọng. Cà phê pha phin cũng ngọt lừ.
Một sáng, cẩn thận hỏi thăm nhân viên lễ tân của một khách sạn lớn nằm bên sông Tiền: cà phê ở đâu ngon. Họ chỉ cặn kẽ một cái quán. Mấy người bạn uống đá đều gọi cà phê phin với cái tẩy. Cà phê chảy xong, đổ vào ly đá. Ngọt lừ.
Phải chăng như thế là ngon theo cái lưỡi miền Tây? Phạm Bình, dân Bảo Lộc, một người trong nhóm, hạ quyết tâm: lần sau có đi, tôi sẽ mang cà phê theo pha cho mọi người uống khi cần. Ít nhất là buổi sáng. Suốt chuyến đi, chỉ có ly cà phê vợt ở cái quán hủ tíu không tên bán đã ba đời ở góc đường Lê Lợi và đường vào chợ hàng bông Mỹ Tho, không đường mới thật sự không ngọt.
Tôi chắc, những con gà nướng cà phê của quán Gà Bà Bộ đã không được tẩm bằng thứ cà phê chúng tôi bị uống suốt chuyến du khảo. Còn người đàn bà có tên đặt cho con rạch – được giới chuyên môn gọi là một thứ “văn bia” lịch sử về địa danh – tôi tìm hoài không thấy tông tích. Trong tài liệu của PGS.TS Lê Trung Hoa, tôi còn thấy tên bà này cũng đặt tên cho một con rạch ờ Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét