Nhật Minh
Đầu thế kỷ VIII, bằng tài thao lược, uy tín của mình, Mai Thúc Loan đã đoàn kết được nhân dân trên toàn cõi An Nam, thiết lập một liên minh quân sự khổng lồ, lên tới 40 vạn người.
Ách đô hộ hà khắc của nhà Đường
Sau thất bại của Lý Nam Đế, nhà nước Vạn Xuân (tên Việt Nam dưới thời Tiền Lý) rơi vào vòng đô hộ của nhà Tùy (603), tới năm 622, nhà Đường thay thế nhà Tùy tiếp tục nền thống trị.
Trung Quốc dưới thời Đường là một đế chế thịnh đạt cả về vật chất và văn hóa, đó một phần là kết quả bóc lột nặng nề nhân dân trong nước và áp bức các nước ngoài biên cương, trong đó có Vạn Xuân.
Về chính trị: Nhà Đường bãi bỏ các quận, khôi phục các châu, đổi tên nước Vạn Xuân thành An Nam đô hộ phủ (vùng đất ngoại địa phía Nam thuộc quyền cai trị của nhà Đường) nhằm dập tắt và làm mai một ý chí đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nơi đây.
Để chống lại các phong trào đấu tranh trên vùng đất An Nam bấy giờ, nhà Đường huy động quân đội, dân phu, tiền của ra sức đắp lũy xây thành phòng thủ ở Tống Bình (Hà Nội), ở châu Hoan (Nghệ Tĩnh), châu Ái (Thanh Hóa).
Kinh tế: Chủ trương tăng cường khai thác kinh tế ở thuộc quốc, đẩy mạnh bóc lột các dân tộc nhỏ và mở mang buôn bán với bên ngoài.
Hàng năm, nhân dân An Nam phải cống nạp cho triều đình nhà Đường nhiều lâm thổ sản quý (ngà voi, sừng tê, đồi mồi, trầm hương, vàng, bạc....) nhiều sản phẩm thủ công địa phương (tơ lụa, đồ mây, bạch lạp...) và nhiều thứ thuế vô lý, hà khắc khác.
Đời sống của các tầng lớp nhân dân ngột ngạt, khổ cực, kinh tế hao mòn.
Xã hội: Do chính sách khai thác, bóc lột của nhà Đường, một bộ phận đông đảo dân chúng đã bị bần cùng hóa, chiến tranh liên miên, thiên tai, dịch bệnh càng làm cho đời sống nhân dân khổ cực, khó khăn.
Điều này càng góp thêm phần nuôi dưỡng ý chí anh dũng, sẵn sàng vùng lên lật đổ ách áp bức, bóc lột của nhà Đường trong trái tim mỗi người An Nam.
Anh hùng áo vải họ Mai
Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc Trừng (nay thuộc xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An), ông sớm phải chịu cảnh mồ côi, phải đi ở cho những gia đình giàu có trong vùng.
Là người có sức khỏe hơn người, mưu trí, một đô vật nổi tiếng khắp cả vùng và tay săn thú dữ cừ khôi. Đây là những "ưu điểm" góp phần làm tên tuổi và uy danh của ông trong vùng.
Chứng kiến cuộc sống lầm than của nhân dân trong làng, trong tổng dưới ách cai trị hà khắc của nhà Đường, năm 713, Mai Thúc Loan tập hợp lực lượng đông đảo, dựng cờ khởi nghĩa tại làng Vạn An (Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An).
Liên minh quân sự chống nhà Đường
Nhà Đường không chỉ tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân An Nam, mà còn âm mưu dùng nước ta làm công cụ xâm lược và nô dịch các nước ở phía Nam bấy giờ nói chung.
Thêm vào đó, từ lâu, giữa An Nam và các nước phía Nam đã có những quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa. Các sứ giả, thuyền buôn của Java và một số nước phía Nam khác thường xuyên qua lại buôn bán ở các cảng thuộc Trung và Bắc Bộ.
Cũng trong thời kỳ này, nhiều vị cao tăng An Nam trên đường hành đạo sang Ấn Độ thỉnh kinh cũng đã ghé thăm các nước ở vùng Nam hải.
Quân đội của Java, Chăm Pa, Côn Lôn đều có những mối thâm thù với quân đội nhà Tùy, Đường lúc bấy giờ, họ chỉ thuần phục trên danh nghĩa nhưng luôn muốn tìm cách thoát khỏi sự kiềm tỏa này.
Đây là một thuận lợi để các lực lượng quân sự trong khu vực cùng đoàn kết với nhau đánh tan quân đội nhà Đường trên đất An Nam vào đầu thế kỷ VIII.
Mai Thúc Loan được sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân ở lưu vực sông Lam, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cả hệ thống đồn lũy bao quanh thành Vạn An đã được xây dựng hoàn thiện.
Cùng với việc xây dựng các đồn lũy, ông cũng không ngừng liên kết với các thế lực, nhân dân ở 32 châu quanh vùng, hơn thế, Mai Thúc Loan còn mở rộng quan hệ với các nước Java, Xảo Oa, Chân Lạp, Kim Lân lúc bấy giờ để xây dựng một đạo quân mạnh đông tới 40 vạn người (tức 400.000 quân).
Theo như những ghi chép của sử sách để lại cho thấy Mai Thúc Loan ở vào đầu thế kỷ VIII với tài năng và uy tín của mình đã thiết lập được một liên minh quân sự và tập hợp được một lực lượng quân sự lớn bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Đại Việt.
Tiếc rằng, tài liệu ghi chép về liên minh này quá ít ỏi, và không cho biết những điều kiện, những ràng buộc của các bên gồm những gì. Nhưng một điều chắc chắn là, liên minh quân sự này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đặt ra là lật đổ ách thống trị của nhà Đường trên nước ta.
Lật ách thống trị xưng đế đất An Nam
Từ Vạn An thành trên đất Nam Đàn (Nghệ An), Mai Thúc Loan cùng liên quân các nước và ba quân tướng sĩ lật đổ ách thống trị của nhà Đường trên địa bàn Nghệ Tĩnh, đánh thẳng ra phủ thành Tống Bình (tên thành Thăng Long bấy giờ) đập tan toàn bộ nền thống trị của nhà Đường, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc sau nhiều thế kỷ bị phong kiến phương Bắc cai trị.
Khác với nhiều người trước đó và cả về sau, Mai Thúc Loan xưng đế mà không xưng vương, sử gọi là Mai Hắc Đế, đây là 1 trong những cách ông dùng để khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước.
Ông chọn Vạn An làm vùng đất đế đô, tiến hành sắp xếp bộ máy quan lại, tiến hành nhiều chính sách tích cực mang lại lợi ích cho các tầng lớp nhân dân trong vòng một thập kỷ.
Lời bình
Truyền thống yêu nước là sợi chỉ đỏ và dòng chảy chủ lưu xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Cùng với tinh thần yêu nước, đoàn kết giúp duy trì sức mạnh và phát huy thế lực của quốc gia Đại Việt trong những hoàn cảnh cấp bách lịch sử yêu cầu.
Phát triển và vận dụng sáng tạo, Mai Thúc Loan đã đoàn kết lân bang cùng toàn thể nhân dân vùng dậy quét sạch hoàn toàn ách đô hộ của quân xâm lược, giành lại quốc thống cho dân tộc, mở ra một thời kỳ độc lập mới.
Tài liệu tham khảo chính
- Lê Thành Khôi (2016), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, HN, Tr. 136.
- Ngô Sỹ Liên và các sửa thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký Toàn thư tập Ngoại Kỷ, Quyển V, Kỷ thuộc Tùy, Đường, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr. 190.
- Nguyễn Quang Hồng (2013), Địa danh di tích lịch sử-văn hóa lễ hội vua Mai ở Nam Đàn, Nxb Nghệ An, NA, Tr 121-122.
- Trương Hữu Quýnh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Giáo dục, HN, Tr. 94.
- Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr. 118-125.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét