S.T
"Đinh Tiên Hoàng, họ Đinh, tên húy là Hoàn. Người ở động Đại Hoàng Hoa Lư (thuộc Ninh Bình), là con Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ".
Lâu nay, khi nói về vị vua cờ lau Đinh Tiên Hoàng, chính sử các triều đại cũng như các nguồn sử liệu khác đa phần đều thống nhất về tên húy của ông là Đinh Bộ Lĩnh. Điểm qua chúng ta có thể thấy sự nhất trí ấy.
Đại Việt sử lược, quyển I, phần Chép về nhà Đinh, tiểu sử Đinh Tiên Hoàng được cho hay: "Tên húy là Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư".
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, quyển VI, mục Dòng chính thống các đế vương, khi viết về Đinh Tiên Hoàng, nhà sử học Phan Huy Chú ghi:
"Họ Đinh, tên là Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (Ninh Bình), là con Đinh Công Trứ, làm Thứ sử châu Hoan".
Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải trong Chương thứ ba ghi chép về thời kỳ nhà Đinh, có viết: "Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Bộ Lĩnh, là người ở động Hoa Lư (nay thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình)".
Hay Việt sử diễn âm có đôi dòng thơ:
Chẳng ngờ có Gia Viễn nhân,
Tên là Bộ Lĩnh tranh quyền làm vua.
Trong Thiên Nam ngữ lục, phần Đinh Kỷ cũng ghi tương tự như Việt sử diễn âm:
Trần ai khôn kẻ biết hay,
Đất lành Gia Viễn trời rày giáng sinh.
Tên là Bộ Lĩnh thông minh,
Cha xưa Thứ sử nhậm thành Hoan Châu.
Và nhiều cuốn sử khác đều thống nhất tên húy của vị vua đầu triều Đinh là Bộ Lĩnh cùng với hành trạng, bản quán. Dù vậy, một số nguồn tư liệu khác lại cho hay tên thật của ông không phải thế.
Tên gọi Bộ Lĩnh chỉ là một chức quan mà sứ quân Trần Lãm, tức Trần Minh Công phong cho khi ông cùng con trai Đinh Liễn sang nương nhờ ở vùng Bố Hải Khẩu (nay thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) thời loạn 12 sứ quân.
Theo dã sử ở vùng đất Hoa Lư thì tên gọi của Đinh Bộ Lĩnh có xuất xứ rất thú vị. Thân phụ ông là Đinh Công Trứ được phong làm Thứ sử, giữ vùng đất Hoan Châu (thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).
Năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị nghĩa tử là Kiều Công Tiễn giết hại để cướp quyền, Đinh Công Trứ cùng nhiều tướng lĩnh khác đem quân theo Ngô Quyền diệt tên phản bội và tham gia trận đánh Bạch Đằng.
Khi nhà Ngô thành lập, Đinh Công Trứ tiếp tục giữ chức trấn thủ Hoan Châu, về sau do thuộc hạ bất cẩn làm cháy kho lương nên ông bị cách chức.
Buồn phiền, chán cảnh quan trường nên Đinh Công Trứ đưa người vợ đang mang thai của mình là bà Đàm Thị cùng một số tùy tùng thân tín khăn gói về đất Hoa Lư sinh sống.
Đoàn người bộ hành hàng tháng trời về đất viễn xứ Hoan Châu ngược Bắc. Khi về đến gần làng thì dừng chân nghỉ ngơi dưới chân núi Bái Lĩnh (còn gọi là núi Đính, nay gọi là núi Bái Đính, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).
Chính bởi chặng đường vất vả đó mà Đinh Công Trứ nói với vợ rằng nếu sinh con trai sẽ đặt tên là Bộ Lĩnh để ghi nhớ chuyến đi bộ gian nan, vất vả và lần nghỉ dưới chân núi Bái Đính khi đặt chân về đến đất quê nhà.
Riêng về tên gọi Đinh Hoàn, vua Tự Đức trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, quyển chín, phần Giai sự bổ vịnh (thượng), bài Lô hoa trượng, có cho chúng ta biết:
"Đinh Tiên Hoàng, họ Đinh, tên húy là Hoàn. Người ở động Đại Hoàng Hoa Lư (thuộc Ninh Bình), là con Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ".
Nếu như tên Hoàn vua Đinh là đúng, thì bà Dương Vân Nga quả lại rất đặc biệt nữa. Không chỉ là hoàng hậu duy nhất của hai vua ở hai triều đại khác nhau trong sử nước Việt, mà còn có hai người chồng đều cùng một tên Hoàn: Đinh Hoàn và Lê Hoàn.
Nguồn sưu tầm: Cuốn"Những điều lạ thời Ngô – Đinh – Tiền Lê", trang 186-188 , NXB Văn hóa – Thông tin.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét