Rặng duối có từ bao giờ, không ai rõ. Chỉ biết rằng khi vua Ngô Quyền sinh ra, lớn lên rồi dựng nghiệp lớn, rặng duối này đã có. Ngàn năm qua, dân Cam Lâm luôn một lòng tôn kính, coi rặng cây này là bậc thánh linh với bao huyền tích
18 cây duối cổ thụ nay vẫn tốt tươi, đứng sừng sững một hàng thẳng tắp ở làng Cam Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), cách đền - lăng Ngô Quyền chừng 100 m. GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - cho biết theo tính toán của các nhà khoa học, rặng duối này đã có tuổi thọ ngàn năm. Tháng 4-2011, sau khi tiến hành thẩm định, VACNE đã phối hợp với chính quyền địa phương gắn biển công nhận rặng duối là Cây di sản Việt Nam.
Gắn với sự nghiệp của Ngô Vương
Tương truyền, rặng duối này là nơi Ngô Quyền từng buộc voi chiến, ngựa chiến sau những lần tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh đuổi quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, cho biết những huyền tích về rặng duối của vua Ngô Quyền vẫn được dân trong làng kể lại cho cháu con nghe từ đời này sang đời khác. “Bố tôi, nay đã hơn 80 tuổi, bảo rằng từ khi còn bé, ông đã được nghe các cụ kể về những chuyện linh thiêng của rặng duối rồi” - ông Thành nhớ lại.
Rặng duối ngàn năm tuổi ở Cam Lâm
Thủ từ trông coi đền Ngô Quyền ở làng Cam Lâm hiện nay là ông Dương Hữu Số. Tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông Số cho biết mình là hậu duệ đời thứ 80 của dòng họ Dương (cụ Dương Đình Nghệ, bố vợ vua Ngô Quyền). Theo ông Số, rặng duối không chỉ là chỗ Ngô Quyền tập trận khi chưa lên ngôi mà còn là nơi phân định ranh giới giữa phần đất của vua với các dòng họ, gia đình khác trong vùng.
“Từ rặng duối trở vào khu vực trong đền hiện giờ là đất của vua Ngô Quyền. Quy ước ấy thực hiện từ năm 944 (năm vua Ngô Quyền mất) cho đến tận bây giờ. Từ xưa đến nay, người dân trong làng đều tự giác tuân thủ, không ai dám phạm. Đó cũng là cách mà người dân nơi đây thể hiện lòng tôn kính đối với Ngô Vương. Người dân tự bảo nhau không làm nhà ở, không xây mồ mả trên phần đất ấy” - ông Số khẳng định.
Người già trong làng luôn một lòng tôn kính rặng duối của Ngô Vương. Họ coi những cây duối này là bậc thánh linh, là những vị thần bao bọc, bảo vệ, canh gác cho lăng Ngô Vương và cả người dân Cam Lâm. “Gặp những điều trắc trở trong cuộc sống, người dân Cam Lâm lại đến bên rặng duối để cầu xin phù hộ. Khi ấy, ai cũng cảm nhận được sự che chở trong tâm hồn” - ông Số cho biết.
Không chỉ gắn với những huyền tích, rặng duối cổ thụ còn rất gần gũi với đời sống tinh thần của người dân Cam Lâm. Bao đời nay, vào những đêm trăng sáng, nam thanh, nữ tú trong làng thường đến đây hò hẹn. Vào những buổi trưa hè, đám trẻ chăn trâu hay những người làm ruộng lại tề tựu bên rặng duối nghỉ ngơi, tránh nắng dưới những tán lá sum sê.
“Trước đây, lúc còn chiến tranh, thanh niên trai tráng của làng trước khi nhập ngũ cũng được gia đình dẫn đến bên những gốc duối làm lễ cầu an, lên đường may mắn, đánh thắng quân thù...” - một người dân Cam Lâm kể.
Rặng cây cứu người
Ông Dương Hữu Số cho biết người dân Cam Lâm thường truyền tai nhau nhiều câu chuyện huyền hoặc liên quan đến rặng duối cũng như đền Ngô Quyền.
Chẳng hạn, trước đây, một số trẻ chăn trâu từng đến rặng duối phá phách, chặt cây bẻ cành, khi về nhà, không rõ ngẫu nhiên hay sao mà đau thập tử nhất sinh. Người nhà phải mang lễ đến rặng duối cúng tạ, đám trẻ mới khỏi bệnh. “Nhiều người tin rằng rặng cây ấy thiêng lắm, ai thất kính mới bị bắt tội” - ông Số nói.
Người dân Cam Lâm còn kể rằng cách đây mấy năm, có kẻ vào đền Ngô Quyền lấy trộm đồ thờ rồi về cũng bị ốm nặng, chạy chữa mãi mà không khỏi. Sợ quá, người đó và gia đình mang đồ lấy trộm trả lại, rồi làm lễ lên tạ nên mới khỏi bệnh.
Cụ bà Nguyễn Thị Doanh, ngụ làng Cam Lâm, cũng kể chuyện trước đây, nhiều người chẳng tin, khi thiếu củi đun bèn đến rặng duối chặt cành khô về nấu. Chẳng biết sao mà gia đình họ từ đấy liên tiếp gặp phải ốm đau, tai họa. Rốt cuộc, họ phải soạn lễ, đến rặng duối cúng xin xá tội mới hết bệnh, tai qua nạn khỏi...
Theo nhiều người dân Cam Lâm, lá duối và những cây leo bám trên thân rặng cây này có tác dụng chữa một số bệnh. Phụ nữ sinh con, nếu bị tắc hay mất sữa thì chỉ cần hái một nắm lá duối non đem về sắc uống sẽ có sữa trở lại ngay... Thế nhưng, không mấy ai tự ý bẻ cành, vặt lá mà đều làm lễ xin. Người mới ốm dậy muốn có lá duối xông giải cảm cũng xin phép làng chứ không được tự ý đến đây chặt phá.
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng những huyền tích về rặng duối của vua Ngô Quyền thường được các cụ cao niên trong làng lưu truyền chứ sổ sách hay văn tự cổ không còn gì nên không thể xác thực. “Dù chỉ là những câu chuyện truyền miệng nhưng tôi nghĩ mục đích chính là để giáo dục, răn đe trẻ em và dân làng sống tốt hơn mà thôi” - ông Thành nhìn nhận.
Vinh danh Cây di sản Việt Nam
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết bằng sự trường tồn, cổ kính gắn liền với những dữ liệu lịch sử và khoa học, rặng duối ở Đường Lâm đã đáp ứng được các tiêu chí về cổ thụ, cây di sản. Rặng duối này có từ cách đây khoảng 1.000 năm, là nơi Ngô Quyền buộc, giữ ngựa chiến để rồi tiến về cửa Nam Triệu, sông Bạch Đằng đánh tan quân đội hùng mạnh của phương Bắc, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc.
“Việc công nhận Cây di sản Việt Nam cho rặng duối 18 cây này là một hoạt động cụ thể, thiết thực để bảo vệ di tích, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao ý thức, trách nhiệm và vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường” - GS Huỳnh nhận xét.
Bài và ảnh: Văn Duẩn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét