Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Foodtour Phú Yên


Ngày 1 - Những đặc sản nức tiếng ở “xứ Nẫu”

FOOD 

Hãy cùng theo chân tụi mình khám phá những món ngon của vùng đất "Hoa vàng trên cỏ xanh" này nhé.

Tạm rời xa Sài Gòn tấp nập vài ngày, mình cùng nhỏ bạn đến với vùng đất Phú Yên để khám phá những điều tuyệt vời nơi đây. Vừa bước xuống sân bay, cảm nhận đầu tiên là cái nắng của vùng đất miền Trung chạm vào người nhưng hoà cùng làn gió biển lồng lộng thật sự rất sảng khoái. Và tụi mình đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình khám phá rồi.
Bữa sáng: Bánh ướt lòng heo 
Nếu Đà Lạt nổi tiếng với món Bánh ướt lòng gà thì Phú Yên cũng không kém cạnh với món Bánh ướt lòng heo. Món ăn đầu tiên ở đây cũng là món khiến mình nhớ nhất khi về lại Sài Gòn. Một phần ăn được trình bày hấp dẫn với những lát bánh ướt dai, mỏng lót phía dưới phần lòng heo luộc thơm ngon.
Bánh ướt được làm từ bột gạo có độ dày hợp lí khiến bạn không ngấy khi ăn. Rau hẹ phi dầu sẽ làm món bánh thơm hơn, hấp dẫn rất nhiều khi ăn kèm với các món ăn phụ khác. Còn lòng heo thì được làm sạch sẽ, luộc chín để ráo nước. Phần lòng bao gồm đầy đủ các bộ phận: phèo, tim, gan, cật,… ăn vào rất ngọt và không có mùi tanh.
Cái đặc biệt khiến cho món ăn trở nên đậm đà là phần nước chấm. Khi ăn, vị thơm ngon, mềm mềm của bánh ướt cùng với vị đậm đà của nước chấm đã làm mình lưu luyến nhất khi trở về.
Ở đây có nhiều quán phục vụ món này, nhưng mình ưng ý nhất là quán Yến trên đại lộ Hùng Vương. Vào gọi món, cô biết mình là khách du lịch nên đã nhiệt tình giới thiệu cho tụi mình nên ăn món nào, chấm mắm sau cho ngon. Một phần ăn no căng tới trưa chỉ 20.000 đồng, rất rẻ đúng không?
Bữa trưa: Bún chả cá biển
Sau khi tham quan một vòng các điểm ở phía Nam thành phố, tụi mình quay trở về trung tâm vào chọn món Bún chả cá cho bữa trưa nhẹ nhàng.
Bún chả cá thì cũng không còn xa lạ với chúng ta vì Sài Gòn có nhiều quán đã bán món này rồi. Nhưng khi ăn ở vùng biển thì đương nhiên bạn sẽ tận hưởng được độ tươi của chả cá chiên. Chả cá được nhồi từ các loại cá biển như cá thu, cá mối, cá cờ,… rồi hấp chín sau đó chiên để tạo lớp vỏ vàng bao bên ngoài.
Phần nước dùng trong veo và có vị ngọt thanh của thơm và cà chua nấu cùng. Một tô bún chả ăn vừa đủ no với lượng bún vừa phải những lại đầy ắp những lát chả cá dai ngon. Món này mà thiếu dĩa rau thì sẽ hụt đi hương vị đấy.
Bữa xế: Bánh bèo
Vì lúc chiều có ghé đến núi Nhạn tham quan nên tụi mình dành bụng cho những chén bánh bèo nhỏ nhỏ ăn chơi. Bánh bèo mỗi vùng có phần nhân đặc trưng. Ở “xứ Nẫu”, bánh bèo không dùng sốt như các tỉnh khác mà chỉ ăn cùng chà bông và bánh mì chiên.
Chén bánh nhỏ vừa cỡ lòng bàn tay, được đổ sẵn khi khách gọi sẽ hấp lại cho nóng. Về phần bột, mình thấy lớp bột khá dày và không được mềm cho lắm nên ăn mau ngán. Phần nhân cũng khá khô nên  “vị cứu tinh” cho phần bánh bèo là nước chấm chua ngọt, khi ăn bạn chỉ cần rưới vào chén và múc trọn phần bánh để thưởng thức.
Dưới chân núi Nhạn có nhiều quán bánh món này và giá rất rẻ, chỉ 1.500 đồng một chén bánh. Nếu có dịp hãy gọi cho mình một phần để thưởng thức nhé.
Bữa tối: Mắt cá ngừ đại dương
Vì sáng giờ ăn cũng khá nhiều món nên tụi mình chọn một món ăn chơi nữa để thưởng thức, mắt cá ngừ đại dương. Đây là món mà nhắc đến Phú Yên ai cũng bảo nhất định phải thử dù cái tên có vẻ “hơi dị”, và tụi mình cũng liều mình thử món này xem sao.
Phải nói là món này khiến mình thích thú từ phần trình bày đến hương vị. Môt phần mắt cá ngừ được đựng trong thố tròn làm bằng đất sét để giữ độ nóng dai. Bên trên miệng thố, hành và ớt được sắp đầy để khử mùi tanh của món.
Mình tò mò không biết ẩn bên trong đó mắt cá ngừ sẽ như thế nào. Phần mắt cá to, nhìn ban đầu hơi sợ nhưng khi can đảm thử rồi thì đảm bảo bạn sẽ phải ngất ngây với hương vị đặc biệt của nó. Cảm nhận đầu tiên là cái ngọt béo đặc trưng của cá biển, hoà cùng hương thơm thanh nhẹ của nước dùng nấu từ các vị thuốc bắc. Bạn đừng ngại ăn cay nhé, chính cái cay nồng của ớt và hành đã làm át đi mùi tanh vốn có của cá biển.
Nhớ bỏ kèm thêm rau sống và chấm miếng bánh đa nướng nóng giòn ăn cho đúng vị. Quán nổi tiếng nhất ở Phú Yên phục vụ món này là quán Bà Tám. Khi mình đến tầm 7 giờ tối mà quán đã đông kín khách nên món ăn chờ cũng khá lâu. Ngoài mắt cá ngừ đại dương thì thực đơn còn nhiều món cá ngừ khác bạn cũng nên thử: lườn cá nướng, gỏi bao tử cá,… Một phần ăn to đầy dĩa mà giá rất hợp lí, đây là nơi lí tưởng cho bạn kết thúc một ngày tham quan vùng đất miền Trung này đấy.
Tráng miệng: Kem trộn
Món này có tên khá hài hước, Kem trộn, được bán ở nhiều quán chè hay sinh tố khắp Tuy Hoà. Buổi tối, tụi mình dạo vài vòng thành phố thì thấy đủ món tráng miệng nhưng lại ghé vào thưởng thức món này vì cái tên của nó.
Gọi kem trộn là vì nó kết hợp giữa kem và bánh flan, cũng khá ăn ý. Kem có hai vị là nhãn và dừa, một dĩa khoảng hai hoặc ba viên kem nhỏ cùng một bánh flan trứng. Flan khá mỏng và cũng không được béo cho lắm. Nhìn chung món này ăn tạm được và không có gì đặc biệt lắm, nhưng một phần tráng miệng cho buổi tối mát trời cũng khá ổn chứ nhỉ. Giá một phần rẻ bèo, chỉ 12.000 đồng.
Kết thúc ngày đầu tiên ở Phú Yên hành trình ẩm thực của tụi mình đã khám phá được nhiều món đặc trưng của vùng đất này, mỗi món đều mang lại một cảm giác riêng. Điều mình ấn tượng nhất là đồ ăn ở đây khá rẻ nhưng chất lượng rất ổn, người dân thì vô cùng nhiệt tình, hiếu khách. Hẹn gặp bạn vào hành trình ngày thứ hai nhé, sẽ có nhiều khám phá mới rất thú vị đấy.

Mộc mạc hương vị biển

FOOD 

Ngày thứ hai không biết Phú Yên sẽ đãi mình món gì đây, hãy lấy sổ tay ghi lại mau mau nào.


Một ngày nữa lại bắt đầu, tụi mình háo hức thức dậy từ sớm để kịp thời gian khám phá hết Phú Yên xinh đẹp này và cũng chuẩn bị cái cụng to để thưởng thức các món ăn nơi đây.
1.Ăn sáng: Cơm gà - Miến gà
Nghe bảo Phú Yên là một trong ba nơi có món Cơm gà nổi tiếng là ngon và đặc biệt nhất cả nước cùng với Tam Kỳ và Hội An. Quán là một căn nhà rộng vừa, bảng hiệu nhìn cũng lâu năm rồi. Được giới thiệu đây là quán cơm gà có tiếng tại vùng này nên tụi mình đến để kiểm chứng xem sao.
Quả thật lời khen không ngoa, cơm gà nơi đây đã “hút hồn” mình ngay từ những muỗng đầu tiên. Mình gọi một cơm gà và một miếng gà. Nói về phần cơm, cơm được nấu cùng với nước luộc gà nên từng hạt cơm dẻo và óng mượt lại còn thơm mùi gà ngất ngây. Còn thịt gà thì lại bỏ xa những loại gà công nghiệp mà ở Sài Gòn thường dùng. Thịt gà luộc chín vừa tới, đậm màu và ăn rất chắc, có độ dai vừa phải và vị ngọt tự nhiên của thịt tươi. Món này ăn sẽ không ngon nếu thiếu đi phần giá và củ hành ngâm chua và ăn kèm cũng rau răm the the.
Phần miếng thì nước dùng chắc do muốn giữ sự nguyên chất của nước luộc gà nên vị khá nhạt nhưng vẫn có độ ngọt thanh. Điều đáng nói nhất lại là nước chấm. Dường như người dân Phú Yên với một món ăn thì lại sáng tạo ra một vị nước chấm riêng biệt. Nước chấm đậm màu của ớt, tỏi băm, nước mắm,… và đặc biệt trong nước chấm còn có một chút thịt gà xây để tạo nên độ béo ngọt. Khi chấm gà cùng nước chấm hay rưới lên cơm, vị chua cay nhẹ của nó đã làm cho phần cơm gà tăng thêm hương vị.
2. Ăn trưa: Nem nướng - Chả dông
Thật sự lúc đầu khi ăn mình cũng không biết con dông là con gì cả, có nghĩ là một loại thịt bình thường. Khi tìm hiểu về nó thì mới nghĩ là “Giả sử nếu biết trước thì mình có dám thử không?”. Nhưng chắc chắc nếu không thưởng thức món này chắc mình sẽ phải tiếc lắm.
Bạn đừng lo vì phần thịt dông đã được xay nhuyễn rồi xào cùng sả, nêm gia vị rất vừa miệng. Phần nhân được cuốn trong một lớp bánh tráng mỏng rồi đem đi chiên trong dầu nóng giòn tan. Khi ăn, bạn sẽ gói cùng rau sống, giá chua để kích thích vị giác hơn. Và nước chấm dùng cho món này vị mặn nhẹ hoà cùng đậu phộng rang thơm bùi.
Một phần ăn dành cho hai người khá chất lượng chỉ có 70.000 đồng thôi, bạn sẽ cảm nhận được hương vị núi rừng của Phú Yên rất tinh tế qua món ăn này.
3. Ăn chiều: Bánh canh hẹ
Ẩm thực Phú Yên dường như dùng hẹ để thay thế cho hành của miền Nam. Món bánh canh hẹ thơm nồng này là một ví dụ rõ ràng nhất.
Bánh canh được làm từ bột lọc hoặc bột gạo có độ dày cỡ sợi mì. Bánh do tự tay làm nên vẫn còn vương lớp bột bên ngoài khiến cho nước dùng trở nên sền sệt hơn. Món này khá đơn giản, nước dùng được ninh từ các loại cá biển nên có vị ngọt thanh. Còn phần đồ ăn thì gồm vài lát chả cá chiên, thịt cá biển và trứng cút.
Cái đặc biệt là lớp hẹ được cắt nhuyễn, rải đầy cả tô bánh. Hẹ có hương hơi nồng nhưng dễ ăn hơn hành nên sẽ giúp cho bánh canh giảm được mùi của cá biển và tạo hương thơm nơi cổ họng.
Có hai quán bánh canh hẹ được yêu thích nhất ở Phú Yên. Mình thấy quán nào cũng ngon, cũng mang lại một hương vị của biển trong mỗi tô bánh. Và giá thì khỏi phải bàn vì độ ngon - bổ - rẻ rồi.
4. Ăn tối: Bánh xèo hải sản.
Đến miền Trung mà bạn chưa ăn bánh xèo hải sản thì đó là một thiếu sót lớn rồi.
Bánh xèo ở đây được đổ liền tay phục vụ cho khách nên bạn sẽ được ăn những phần bánh nóng nổi, lớp bột giòn ngon nhất. Phần bột bánh xèo khác với miền Nam, bột chỉ đơn giản là bột gạo chứ không có thêm dừa tạo độ béo. Tuy nhiên nhờ vật nên khi ăn cùng hải sản bạn mới cảm nhận được vị ngọt tươi của tôm, mực. Còn nếu bạn gọi bánh trứng thì phần trứng đánh sẽ hoà cùng lớp bột, ăn vào vừa thơm lại vừa giòn.
Lại nói về phần nước chấm, ngoài loại nước chấm ớt như bình thường thì bạn nên thử loại mắm nêm. Khi gói cuốn bánh xèo cũng rau và bánh tráng, chấm một chút vào mắm nêm có mùi đặc trưng nhưng lại rất “bắt vị”.
Đây là quán lề đường nhưng lại rất đông khách vào mỗi tối. Bạn sẽ phải đợi khá lâu để thưởng thức một chiếc bánh xèo nóng hổi, giòn rụm mới ra lò. Giá chỉ từ 5.000 đến 7.000 cho một chiếc bánh xèo đầy ắp nhân bên trong.
5. Ăn vặt: Bắp nướng mắm nêm.
Còn gì bằng một buổi tối mát trời ngồi lai rai một trái bắp nướng thơm lừng phải không nào?
Dọc trên con đường Hùng Vương nhộn nhịp những xe bắp nướng, khoai lang nướng ấm áp. Bắp nướng thì khỏi phải bàn về độ thơm ngon rồi. Điều làm nó trở nên đặc biệt là nước sốt mắm nêm cùng với hẹ rưới lên trên. Nước mắm được nêm gia vị vừa miệng hoà cùng hẹ tạo ra độ béo và nồng nàn hương thơm.
Những trái bắp nướng nóng hổi trên lò sẽ là cái kết hoàn hảo cho một ngày dài trải nghiệm tại Phú Yên.
Có thể nói, ẩm thực Phú Yên cũng mộc mạc, giản dị như chính người dân nơi đây. Tuy nhiên ở mỗi món ăn lại tạo nên một cảm giác riêng biệt, đặc trưng riêng. Nếu món bánh canh hẹ thoang thoảng hương biển thì chả cá dông là mang về cảm giác núi rừng cho thực khách. Ẩm thực Phú Yên là sự giao hoà với thiên nhiên và đời sống người dân nơi đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét