Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Phiêu du trên vùng đất tâm linh

Từ nhiều năm nay, người dân và các nhà khoa học phát hiện nhiều chứng tích đền chùa, miếu mạo nằm dọc hai bờ sông Hồng và sông Chảy thuộc tỉnh Yên Bái.
Qua đó nói rằng vùng đất nơi đây một thời phát triển rực rỡ. Ngược dòng sông Hồng chúng tôi phiêu du trên vùng đất tâm linh theo dấu chân mẹ Âu Cơ đã dẫn đàn con lên ngàn lập trang ấp, mở mang bờ cõi…  

Những chuyện ly kỳ

Trời tháng 5 chợt mưa chợt nắng, lúa ngoài đồng đã bắt đầu trỗ bông, ông Đào Văn Hân, Phó Chủ tịch xã Vân Hội, huyện Trấn Yên dẫn chúng tôi tới cái mom đất nằm cạnh đầm Vân Hội bảo rằng: Cách đây chục năm một nhà ngoại cảm đã lần theo ngòi Vần đổ ra sông Hồng cạnh đền Âu Cơ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ tới đây.
Bà nói rằng chính chỗ này mẹ Âu Cơ đã đặt bước chân đầu tiên khi xuống thuyền khi dẫn đàn con lên rừng sinh cơ lập nghiệp, mở mang bờ cõi. Chỗ này là nơi ngòi Vần và ngòi Mon gặp nhau, trên kia là núi Bụt, còn rặng núi xanh mờ phía xa là núi Kìm, tiếp đến là núi Lả. Trước đây, nơi này là vùng rừng rậm núi cao ma thiêng nước độc. Chính vì thế mẹ Âu Cơ đã dẫn đàn còn quay lại hạ trại trên đất Hiền Lương bên dòng sông Hồng, một vùng đất thoáng đãng, bằng phẳng...
Năm 2016, Bảo tàng tỉnh Yên Bái tiến hành khảo sát sơ bộ đã phát hiện 7 di tích đình, chùa và miếu tại xã Vân Hội. Ngoài ngôi miếu ngòi Mon mà gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên đang trông coi, thờ tự thì còn nguyên vẹn, còn lại 6 ngôi đình, chùa nằm rải rác trong xã thì đã trở thành phế tích. Dấu vết người ta tìm thấy là nền nhà, một số tảng đá kê chân cột, bình hương và những câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian thì bất tận.
Cụ Trần Thị Nuôi, đã xấp xỉ 90 tuổi chui vào gầm lán để củi và chuồng gà lôi ra những chiếc bình, lọ sành to nhỏ khác nhau: Những chiếc lọ, bình này chúng tôi nhặt quanh nhà khi cuốc đất trồng khoai sắn. Lúc đào chiếc ao cạnh lối vào cổng kia cũng tìm thấy rất nhiều. Chả hiểu các cụ ngày xưa làm gì, vét trong thì thấy toàn tro.
17-32-19_1
Cụ Trần Thị Nuôi mang những chiếc bình hương nhặt dưới chân Đình Cả, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên ra cho khách xem
Chỉ tay lên Gò Cấm, cụ Nuôi bảo: Nghe các cụ nói ngày xưa trên ấy có một ngôi đình, gọi là Đình Cả. Khi tôi về làm con nuôi ở đây còn thấy rất nhiều cây cổ thụ to mấy người ôm, sau hợp tác xã chia đất cho mọi người phát trồng ngô, lúa thì thấy rất nhiều bình, lọ như thế này. Người ta bảo đấy là bình hương của Đình Cả.
Ngồi xuống thềm hè cụ Nuôi kể rằng vào những đêm tối trời cụ nhìn thấy rất nhiều đom đóm to bằng cái bát ăn cơm bay chan chan quanh đồi cứ như người ta rước đèn khi làng vào ngày hội.
Cụ Nuôi và những người già ở đây không mấy ai biết những ngôi đình, chùa kia dựng thời nào. Nhưng mỗi ngôi đình, chùa đều có một câu chuyện kỳ bí. Ví như ngôi chùa ở thôn 4, thì kể rằng: Một con voi đói muối lên ngôi đình trên Gò Cấm đã đổ nát, thọc vòi vào bát hương liếm tro, chiếc bát hương dính chặt vào vòi, nó tha chiếc bát hương tới thôn 4 thì thả ra ở đó. Người dân dựng ngôi chùa ở nơi tìm thấy bát hương.
Đình Đồng Hạ nằm trên quả đồi hình mâm xôi nhìn ra nơi hợp thủy giữa ngòi Hạ và ngòi Lãng trước khi chảy ra ngòi Vần. Dấu tích ngôi đình chỉ còn mặt bằng của nền nhà nằm trên đỉnh đồi và một số tảng đá kê chân cột nằm rải rác khắp nơi.
17-32-19_2
Cụ Nuôi kể chuyện gặp trên Gò Cấm
Ông Nguyễn Hữu Giáp kể: Năm 1968 bị vỡ đập đầm Vân Hội, tôi khi đó khoảng 8-9 tuổi xuống đầm mò cá vớt được hai quả chuông đồng to bằng chiếc ấm ủ, lũ trẻ trâu dùng múc nước vác lên đồi đổ vào đường rãnh để trượt máng, ngoài ra còn nhặt được quả chuông to bằng chiếc cốc uống nước, bố tôi buộc vào cổ trâu kêu binh boong, binh boong thả trên rừng cho dễ tìm. Ít sau, anh chị tôi tự nhiên phát rồ, con trâu nửa đêm lồng lên đội cả chuồng đi xa khoảng 200m. Đi xem, người ta bảo gia đình tôi phạm vào của đình chùa, bố mẹ tôi phải mời thầy về làm lễ anh chị tôi mới khỏi. Ông Giáp lắc đầu: Chuyện xảy ra gần 50 năm, mỗi lần nghĩ lại tôi lại thấy rùng mình...  

Truyền thuyết về Vua Áo Đen

Dọc sông Hồng từ xã Minh Quân tới xã Châu Quế Thượng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái có rất nhiều đền, đình, chùa được người dân dựng lên từ nhiều thế kỷ thờ Mẫu Thượng Ngàn, quốc mẫu Âu Cơ, Vua Hùng, công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa và những người có công với nước. Trong đó phải kể đến đền Tuần Quán, chùa Am, chùa Bách Lẫm (thành phố Yên Bái), đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn (huyện Văn Yên), hai ngôi đền này năm nào cũng tổ chức hiến tế trời đất, thần linh bằng một con trâu trắng.
17-32-19_3
Vật tế lễ đền Đông Cuông, huyện Văn Yên
Ngược dòng sông Chảy bắt gặp đền Thác Bà, còn gọi đền Mẫu Thác Bà xây dựng trên núi Hoàng Thi nhìn ra sông Chảy, phía xa là núi Cao Biền. Đền thờ Tam Phủ: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, cùng Ngũ Vị Tôn Ông trấn giữ 4 phương Đông Tây Nam Bắc và phương chính giữa. Ngoài ra còn thờ hai ông Hoàng Bảy Hoàng Mười và Đức thánh Trần Hưng Đạo, hậu cung thờ Mẫu Thác Bà và Tam Tòa Thánh Mẫu. Đây là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng người dân dựng lên cầu mong các vị thánh thần diệt trừ yêu ma, quỷ quái quấy nhiễu dọc sông Chảy, mang sự bình an cho những người dân sống hai bên bờ sông và thuyền bè đi lại trên sông.
17-32-19_4
Miếu thờ hai công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa xã Đại Minh, huyện Yên Bình
17-32-19_5
Tượng thờ hai công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa
Có một vùng đất dày đặc đình chùa, miếu mạo được xây dựng từ thời Lý-Trần cách nay chừng 10 thế kỷ nằm trên xã Tân Lĩnh thuộc huyện Lục Yên. Đó là quần thể di tích khảo cổ Hắc Y-Đại Cại nằm cạnh bờ sông Chảy.
Ông Nguyễn Kim Kỳ nhà ở thôn Làng Sâng dưới chân núi Bạch Mã, năm nay đã ngót 80 tuổi chỉ dãy núi đá trước mặt: Nghe cha ông chúng tôi truyền lại Vua Áo Đen là một người rất giỏi võ nghệ, có tài bắn cung, mặc dù ngồi trên lưng ngựa đang phi ông vẫn bắn trăm phát trăm trúng…
Truyền thuyết về Vua Áo Đen được kể lại rằng: Vào thời Hùng Vương thứ 18 một vị thần rắn mặc y phục màu đen đã giúp nhà vua đánh giặc phía Bắc sông Chảy, nhưng vì quân ít lại đương đầu với quân giặc mạnh và đông gấp nhiều lần, Vua Áo Đen phải lui về chân núi đá xã Tân Lĩnh, bị bao vây rồi bại trận, ông hoá cùng con ngựa trắng bay về trời. Để lại tấm áo đen trên đỉnh núi. Tưởng nhớ công lao đánh giặc giữ nước của ông, nhân dân lập miếu thờ. Tại núi Vua Áo Đen hiện hình trên vách đá trên đỉnh núi là tấm áo màu đen. Đối diện với núi Vua Áo Đen là núi Bạch Mã, nơi con ngựa trắng của ông cũng hoá đá…
17-32-19_6
Đầu chim phượng Hoàng khai quật chùa Thượng Miện trong khu vực di tích Hắc Y-Đại Cại, huyện Lục Yên
Dẫn tôi ra xem cây thị hơn 700 tuổi bên con đường lên nhà ông, vỏ cây sần sùi, những chiếc rễ và bạnh cây nổi gân trên mặt đất như những búi chão. Ông Kỳ vỗ vào thân cây: Các cụ bảo, cây thị này trồng từ xa xưa, cùng với ngôi chùa Thượng Miện bên cạnh bờ sông Chảy. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nay đã gần đất xa trời vẫn thấy cây thị bốn mùa lá xanh tốt, chắc cây còn sống vài trăm năm nữa?
Ông Vi Trung Thuận, người được giao chìa khoá giữ khu di tích khảo cổ Phật giáo Hắc Y cho tôi biết: Tôi sinh ra ở đây, dưới chân núi Vua Áo Đen có nhiều chùa chiền, như chùa Thượng Miện, chùa Vàng, chùa Dõng… tất cả những ngôi chùa đó đến nay đều đã sập đổ. Khi tôi lớn lên thấy nơi này là một khu rừng rậm rạp có nhiều cây to năm sáu người ôm mới kín gốc, trong đó có hổ báo và rất nhiều rắn to.
17-32-19_7
Ông Vi Trung Thuận (đứng) kể chuyện ly kỳ bên khu di tích
Hai người xã Yên Thắng tới đây phát nương trồng ngô, họ lấy đá ở đây về nhà làm đá mài, sau đó bị ốm đau liên miên, chữa mãi chẳng khỏi mới đi xem bói, thầy nào cũng bảo: Các ông có lấy vật gì ở chùa thì mang trả đi, khi đó các ông mới nhớ ra mình có lấy một hòn đá kê cột chùa về nhà. Sau đó họ phải mời thầy cúng làm lễ trả hòn đá về chỗ cũ. Người dân bản xứ chúng tôi, chẳng ai dám lấy một vật gì ở đây cả. Từ đời xưa các cụ dặn con cháu: Không được lấy vật gì ở chùa về, chết đấy…
THÁI SINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét