Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp

Thành lũy 'thử lửa'

TTO - 160 năm về trước, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ những phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam tại cửa biển Đà Nẵng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy thử lửa - Ảnh 1.
Sắc phong chức quan trấn thủ Thành Điện Hải của vua Minh Mạng năm 1840
Lần đầu tiên đối diện với quân đội phương Tây trong cuộc chiến kéo dài hơn 18 tháng, Đà Nẵng đã làm thất bại âm mưu đánh thắng nhanh của Pháp.
Việc cửa biển Đà Nẵng bị tấn công có thể dự liệu được chứ không có gì bất ngờ, vì năm 1845 chiến thuyền Constitution của hải quân Mỹ từng đến đây với ý định buộc triều đình Huế thả một giám mục người Pháp bị tuyên án tử hình.
GS Ngô Vĩnh Long
"Tai nghe súng nổ cái đùng/Tàu Tây đã tới Vũng Thùng bữa qua?"- đó là câu ca dao của người dân xứ Quảng vào thời điểm những tay súng thực dân nổ súng vào Đà Nẵng 160 năm trước. 
Vũng Thùng, tên gọi của vịnh Đà Nẵng xưa kia, chính là nơi đầu tiên chứng kiến dã tâm xâm lăng vào dải đất hình chữ S.
Đà Nẵng đã trở thành thành lũy "thử lửa" của cả nước!
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy thử lửa - Ảnh 3.
Hình vẽ trung tướng Rigault de Genouilly, người chỉ huy cuộc tấn công vào Đà Nẵng năm 1858
Hệ thống phòng thủ ven vịnh
Ngược về quá khứ, vùng thị cảng xứ Quảng từng là cửa ngõ giao thương thế giới của xứ Đàng Trong nhiều thế kỷ liền. 
Hội An sau thời kỳ phồn thịnh dần bị thay thế bởi cảng Đà Nẵng cách đó không xa. 
Lý do này được nhiều lữ khách phương Tây nhận định vào đầu thế kỷ 19: vì vịnh cảng Đà Nẵng rộng và đẹp, ngoài kín gió, cảng này là nơi nước sâu đủ sức dung tàu cỡ lớn.
Vai trò "giao du" với người Tây của cảng Đà Nẵng tương quan nghịch biến với cảng Hội An một phần cũng từ lời khẩu dụ của vua Minh Mạng năm 1835, rằng: "Lệ tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn, phép nước rất nghiêm, chẳng nên trái... 
Từ nay về sau, người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu mới cho vào cửa biển buôn bán; người Tây phải đi tàu Tây vào cửa Hàn thông thương, không được ghé vào cửa biển khác".
Có lẽ nhận thấy tầm quan trọng của cửa Hàn mà một hệ thống đồn lũy phòng thủ chặt chẽ vịnh Đà Nẵng đã được nhà Nguyễn xây dựng trong một thời gian dài. 
Nhất là khi nhận diện được mối nguy hiểm từ phương Tây, hệ thống này được "đẩy lên" thành nơi có đồn lũy lớn nhất nước lúc bấy giờ.
Trải qua bao thời cuộc, vết tích đồn lũy xưa nay đã biến mất. Ngoài Thành Điện Hải (tòa thành học phong cách phòng thủ của phương Tây), còn có một tấm bản đồ chiến sự mà Pháp còn lưu giữ ở Viện Viễn Đông Bác Cổ. 
Tấm bản đồ được chú thích bằng tiếng Pháp có nghĩa "Tịch thu ở nhà một vị quan An Nam vào ngày 15-9-1859" cho thấy thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược với những mô tả khá rõ về bố phòng như chiến hào, công sự, thành, đồn, trạm tuyền tin...
Theo nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, nếu như có hơn 100 chú thích địa danh trên bản đồ thì có tới 80% là chú thích vị trí quân sự như các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh... 
"Đây là tấm bản đồ do chính người Việt vẽ, sau đó người Pháp chú thích bằng ba ngôn ngữ. Điểm đặc biệt quý giá của nó là chúng ta hôm nay có thể hình dung được thế trận mà quân dân Đà Nẵng chống giặc. Hầu như toàn bộ Đà Nẵng xưa là thành lũy, chiến hào chiến đấu" - ông Tú nhận xét.
Đối chiếu tấm bản đồ với những sử liệu ghi chép, thạc sĩ Võ Nguyên Phong cho rằng việc phòng thủ vịnh Đà Nẵng trước đây có thể chia thành bốn khu vực. 
Trong đó vùng núi Sơn Trà (có pháo đài, ụ pháo) với chức năng quan sát vịnh, kiểm soát mặt nước; 
Khu vực ven sông Hàn với hai thành chủ lực An Hải và Điện Hải, sau này có các trường lũy nối từ sông vào núi và các hệ thống đồn dọc đường thiên lý; khu vực phòng thủ sông Cu Đê và khu vực đèo Hải Vân mang nhiều chức năng về truyền tin.
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy thử lửa - Ảnh 4.
Tấm bản đồ chiến sự do nhà Nguyễn vẽ được người Pháp tìm được Ảnh: TRường Trung chụp lại
"Tàu Tây đã tới Vũng Thùng"
Hơn một thế kỷ trước khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, giáo sĩ Pierre Poivre, một người nhiều lần đặt chân đến vùng Viễn Đông, đã nhìn thấy được vị trí chiến lược của thương cảng Đà Nẵng. 
Ông viết: "Đặt trong xứ Đàng Trong và nhất là ở Đà Nẵng, nơi rất dễ phòng thủ một đồn binh nhỏ. 
Từ đó có thể làm ra "pháp luật" và cắt đứt giao thông từ tỉnh này qua tỉnh nọ thì sự kháng cự của người bản xứ sẽ rất yếu".
Theo GS Ngô Vĩnh Long (ĐH Maine, Hoa Kỳ), lý do chính mà chính phủ của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đưa ra trong việc hợp tác đánh vào cửa sông Hàn là vì một năm trước đó, nhà Nguyễn đã xử tử hai nhà truyền giáo Tây Ban Nha. 
Họ chọn Đà Nẵng vì vị trí địa lý của cửa Hàn trong thế kỷ 19 quá đặc biệt do rất thuận lợi cho tàu chiến tiến sát bờ cũng như cắm neo lâu ngày. Đà Nẵng cũng gần kinh thành Huế nên rất thuận tiện để "dọa nạt" triều đình.
Thông qua cớ "mở cửa tự do buôn bán và truyền đạo", người Pháp tấn công đất Đà Nẵng hướng tới thiết lập một nền bảo hộ lâu dài tại vùng đất mới. 
Theo GS Nguyễn Văn Kim (ĐH Quốc gia Hà Nội), lúc bấy giờ thương cảng Đà Nẵng đã có một vị trí địa lý và quân sự trọng yếu của cả khu vực. 
Sự dòm ngó của các cường quốc hàng hải phương Tây là tất yếu, nhất là đối với người Pháp.
Trước sự cạnh tranh của Anh và Hà Lan, lúc bấy giờ mặt dù thương thuyền, chiến hạm Pháp thường xuyên qua lại vùng biển Đông Á nhưng hải quân Pháp chưa có một "điểm dừng chân" lâu dài chắc chắn nào ở vùng Viễn Đông. 
GS Kim nhận định: "Tấn công Đà Nẵng để xác lập một cứ điểm có thể đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật hàng hải, thế phòng thủ - tấn công và nhu cầu tìm kiếm nguồn lợi kinh tế. 
Nếu cuộc đổ bộ được thực hiện tại cảng Đà Nẵng thì sẽ ít tốn phí tổn để thiết lập một cửa ngõ vững chắc và tiện lợi nhằm bảo vệ lối vào cảng, đảm bảo đường lui trong trường hợp cần thiết".
Pháp tấn công Đà Nẵng bằng 14 chiếc thuyền
Sử Việt ghi rằng tháng 8-1858, đoàn chiến hạm 14 chiếc với 2.500 quân viễn chinh gồm liên quân Pháp - Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của trung tướng Rigault de Genouilly từ đảo Hải Nam đến cập cảng Đà Nẵng.
Sau khi ra tối hậu thư cho viên trấn thủ Đà Nẵng yêu cầu giao nộp pháo đài cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha không thành, đầu tháng 9-1858, Rigault đã lệnh cho 14 chiến thuyền chia làm hai cánh đồng loạt tiến vào cửa Hàn bắn phá các pháo đài của người Việt.

Chặn bước liên quân

TTO - Nhờ sự đồng tâm hiệp lực của người dân mà ý định "lấy thủ làm tiến" của tướng Nguyễn Tri Phương đã giúp quân dân Đà Nẵng kéo dài cuộc chiến với liên quân Pháp - Tây Ban Nha hơn 18 tháng, làm thất bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân - Ảnh 1.
Hình ảnh Pháp tấn công vào thành Điện Hải được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG chụp lại
Trong bản điều trần gửi Pháp hoàng Napoléon III, đô đốc Rigault de Genouilly (người được ủy quyền khởi động cuộc tấn công vào Đà Nẵng năm 1858) phải thú nhận rằng: "Chính phủ Pháp đã nhầm lẫn về tính chất cuộc chiến can thiệp ở Việt Nam.
Người ta nói rằng xứ này không có binh lính, quân đội nhưng thật sự thì quân đội ở đây rất dũng cảm và dân quân gồm tất cả những người khỏe mạnh nhất trong dân chúng".
Từ bài học của cha ông
Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô, tác giả cuốn sách Buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), thì ngay trong những cuộc giao tranh đầu tiên với quân nhà Nguyễn đầu tháng 9-1858, quân đội viễn chinh đã chiếm ưu thế hoàn toàn.
Đơn giản bởi đội quân nhà nghề có các chiến hạm hỏa lực mạnh và độ chính xác cao nhờ sự chuẩn bị chu đáo, quá trình do thám bằng khinh khí cầu.
Sau trận bắn phá mở màn ngày 1-9, ngày hôm sau đồng loạt 5 chiến hạm của Tây Ban Nha cùng nổ súng vào thành Điện Hải khiến hệ thống phòng ngự ở tả ngạn sông Hàn gần như tê liệt. Quân Pháp bắt đầu đổ bộ lên bờ đánh chiếm thành Điện Hải và các đồn phụ cận.
Lợi thế "tàu đồng đạn sắt" giúp liên quân Pháp - Tây Ban Nha nhanh chóng đổ bộ chiếm lấy toàn bộ bán đảo Sơn Trà. Vua Tự Đức liền cử đô thống Lê Đình Lý và tham tri Phan Khắc Thận đem 2.000 cấm binh tăng cường cho mặt trận.
Mất các vị trí trọng yếu ven sông, một sở chỉ huy mới được lập tại làng Nghi An dọc đường thiên lý. Đến khi tình thế khó khăn, vua Tự Đức quyết định cử thống chế Nguyễn Tri Phương làm thống chế quân vụ.
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân - Ảnh 2.
Tranh vẽ quân Pháp bị quân và dân Đà Nẵng bắt được - Ảnh tư liệu
Sử sách nhà Nguyễn ghi lại các cuộc thọc sâu vào phía trong sông Hàn vào tháng 12-1858 của quân Pháp đã bị "bẻ gãy" tại các đồn Nại Hiên và Hóa Khuê.
Từ những kinh nghiệm chống trả này, quân tướng nhà Nguyễn cho xây thành đắp lũy kiên cố, nhờ vậy mà quân Pháp nhiều lần tấn công đều bị đánh lui.
Đối mặt với một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, ông Lưu Anh Rô cho rằng vua quan triều Nguyễn đã vận dụng rất khéo bài học từ cha ông là vận động nhân dân thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống".
Theo ông Rô, rất nhiều các ghi chép của quân viễn chinh đều có điểm chung là ở những nơi bị chiếm trên khắp Đà Nẵng, khi người dân di tản, thời gian kéo dài nhưng liên quân không thể tìm thấy thực phẩm tươi sống cần thiết cho sức khỏe của binh lính.
"Có rất nhiều báo cáo mà sau này tôi tìm hiểu được, chính viên chỉ huy Rigault de Genouilly trong báo cáo gửi về Pháp cũng xác nhận khi tiến ngược dòng sông hướng về Faifo (tức ngã ba sông Cổ Cò dẫn vào Hội An), họ chỉ gặp cảnh vắng lặng không một bóng người ở hai bên bờ sông" - ông Rô kể.
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi lại tư duy đánh giặc này thông qua phương kế thống chế Nguyễn Tri Phương trình vua Tự Đức. Đó là "Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy để dần dần tiến gần giặc" cũng như "giữ cho kỹ để làm kế giằng dai".
Muôn nẻo cầm chân giặc
Chúng tôi tìm về ngôi làng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), nơi một thời sách sử triều Nguyễn ghi nhận đây là sở chỉ huy quân nhà Nguyễn sau khi thất thế ở các đồn ven sông Hàn.
Người xưa đã khuất và cảnh vật ghi chép 160 năm về trước này không còn nữa. Chỉ còn đó những câu chuyện nửa hư nửa thực được truyền miệng trong làng nhiều đời nay.
Ông Nguyễn Ban, một người cao niên trong làng, khi nghe tôi hỏi về những di tích ở đây bất chợt đọc lên câu vè: "Sơn Trà - Cẩm Lệ - Miếu Bông/Cùng nhau nghĩ cách sang sông giết giặc/Hội ni ngó bộ không xong/Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng".
Ông Ban kể từ thời thơ ấu đã nghe chuyện "mù u đánh giặc" từ người lớn kể lại.
Chuyện như sau: Để tham gia cùng binh lính nhà Nguyễn đánh ngoại xâm, nhiều nhân sĩ, dân nông trong làng nghĩ ra nhiều phương kế.
Ở làng Phong Lệ, người ta dùng gióng rải ra đường, quân Pháp đi lùng ban đêm không thấy rõ đường làng tre trảy um tùm nên vướng gióng té ngã. Gần đó là bót Liên Trì, người dân còn nghĩ ra kế dùng bè gắn bùi nhùi để cản chân vịt những chiếc thuyền quân viễn chinh đi trên sông.
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân - Ảnh 3.
Súng thần công của quân đội nhà Nguyễn sử dụng trong buổi đầu đánh Pháp năm 1858 ở thành Điện Hải - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Làng này nghĩ kế này thì làng kia nghĩ kế khác. Ông bà người làng Nghi An nghe tới việc quân Pháp đi giày da trơn bóng nên tìm cách rải trên đường đầy trái mù u (loại cây mọc ở làng) để làm quân thù té ngã. Nhờ thế quân ta có dịp nhảy ra đánh giáp lá cà khiến quân Pháp bỏ chạy.
Dù Nghi An nay không còn gốc mù u nào, nhưng những bậc cao niên như ông Ban đều tin rằng câu chuyện mù u là có thật.
"Với lòng yêu nước ngàn đời thì kiểu gì khi giặc đến nhà ông bà mình cũng nghĩ ra muôn vàn cách đánh giặc. Có lẽ cũng vì được hun đúc từ tinh thần như thế mà chính ngôi làng này đã sản sinh ra những nhân vật yêu nước chống lại ách thống trị của Pháp như Thái Phiên, Trịnh Long, Trịnh Mai..." - ông Ban nói.
Theo chính những ghi chép của viên tướng chỉ huy liên quân Rigault de Genouilly thì ngoài lực lượng quân nhà Nguyễn trực tiếp tham gia chiến đấu, dân quân Quảng Nam lúc bấy giờ cũng là một lực lượng góp sức hùng mạnh.
Kế hoạch kêu gọi "nội ứng" từ những người Việt theo đạo Thiên Chúa giáo ban đầu của quân viễn chinh cũng không như tính toán, dù Rigault đã chiếm Đà Nẵng trong thời gian dài nhưng không có dân Công giáo nào nổi dậy hưởng ứng.
Không những vậy, người dân xứ Quảng còn cùng quan quân thực hiện những cuộc chặn bước liên quân trên đường thủy bằng cách chở đất đá về ngăn sông Vĩnh Điện để đánh chiếm La Qua mà sau này được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại.
Ý đồ "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp thất bại
Chính nhờ sự đồng tâm hiệp lực của người dân bản xứ mà ý định "lấy thủ làm tiến" của tướng Nguyễn Tri Phương đã giúp quân dân Đà Nẵng kéo dài cuộc chiến với liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong hơn 18 tháng, làm thất bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của chúng.
Sau thời gian dài không khuất phục được quân dân ở Đà Nẵng, quân viễn chinh Pháp buộc phải rút bỏ và phá hủy các cơ sở đồn trú tại bán đảo Sơn Trà ngày 23-3-1860 để tìm hướng tấn công khác.

Chứng tích máu xương

TTO - "Ân triêm khô cốt di truyền cổ/ Trạch cập tàn hồn tái kiến kim" (Vua ban nhặt cốt truyền dấu cũ/Giữ được tàn hồn lại thấy nay) - đó là lời khắc trên trụ đá ở nghĩa trủng Hòa Vang có từ năm Tự Đức thứ 19 (1866).

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương - Ảnh 1.
Tưởng niệm những người ngã xuống vì chống Pháp để bảo vệ độc lập tại nghĩa trủng Hòa Vang - Ảnh: TRIỀU SA
Đây là nơi an nghỉ của hơn 1.000 nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng Pháp.
Những "nghĩa trủng"
Dẫn chúng tôi đi đúng một vòng nghĩa trủng rộng hơn 4.000m2, cụ bà Nguyễn Thị Hai, người dân làng Khuê Trung, dừng lại trước phần bia cổ có ghi chữ "Nghĩa trủng Hòa Vang". "Đó là văn bia khắc tên và lời dụ của vua từ năm 1866" - bà Hai nói.
Ban đầu nghĩa trủng (tức nghĩa trang theo tiếng Hán) được lập tại làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), nơi đóng trại của đại quân triều Nguyễn. Sau đó di dời về làng Khuê Trung năm 1920 khi người Pháp làm sân bay Đà Nẵng.
Khi quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía nam, lại phải dời nghĩa trủng đến chỗ hiện nay cũng thuộc phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ).
Thắp nắm nhang nghi ngút khói, bà Hai nói đây là nghĩa trang đầu tiên trên cả nước chôn cất những anh hùng, nghĩa sĩ đầu tiên chống Pháp.
Những người lớn tuổi ở làng Khuê Trung và Nghi An như bà Hai không biết đến ghi chép trong chính sử nhưng với họ, ngày 16-3 âm lịch hằng năm là ngày làng làm lễ tế Tiền hiền làng và dâng hương tưởng niệm vong linh nghĩa sĩ hi sinh trong buổi đầu đánh Pháp.
Trong bảng chỉ dẫn thông tin về di tích cấp quốc gia (được công nhận năm 1999) có ghi do trong điều kiện chiến tranh, việc quy tập mai táng nghĩa sĩ hi sinh lúc đó chỉ tạm thời.
Khi Đà Nẵng được yên bình, nhân dân đã lập các nghĩa trủng và quy tập các hài cốt, xây đắp mộ cho những chiến sĩ, nghĩa quân vong trận.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, việc thành lập nghĩa trủng này là theo ý tưởng của vua Tự Đức, vị tổng tư lệnh cuộc chiến Mậu Ngọ (1858-1860).
Cái độc đáo nhất chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh Việt - Pháp không lâu, lần đầu tiên ở nước ta, hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - nghĩa trủng Phước Ninh và nghĩa trủng Hòa Vang với gần 3.000 phần mộ - được thành lập để làm nơi yên nghỉ cho các quan quân triều đình và một số thường dân Đà Nẵng đã vị quốc vong thân.
Không như nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh nay đã được dời một phần để nhường đất cho công cuộc mở mang thành phố.
Nhưng vẫn còn đó, ngay bên trục đường đắt giá nhất một không gian tôn vinh khí phách của những người vị quốc vong thân.
"Cần làm sao để trải qua thời gian dâu bể, dẫu cái nghĩa trủng xưa có thể chỉ còn một chút dấu tích nhưng người đời vẫn nhận ra đây không chỉ là di sản máu xương của quân dân Đà Nẵng 160 năm trước, mà còn là tấm lòng và trách nhiệm của người Đà Nẵng hôm nay đối với những bậc tiền nhân" - ông Tiếng nói như tâm sự.
Nghĩa địa quân viễn chinh
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương - Ảnh 2.
Nghĩa địa Y Pha Nho theo cách gọi của người dân Đà Nẵng là chứng tích cho cuộc xâm lăng bất thành vào Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nằm dưới chân núi Sơn Trà ngay lối ra cảng biển Tiên Sa là một nghĩa địa đặc biệt nằm lẫn khuất dưới những bóng cây sứ già. Nó độc đáo, khác biệt với mọi nghĩa địa trên dải đất hình chữ S này không chỉ bởi lối kiến trúc xây mộ mà còn vì danh tính của những người nằm dưới ba tấc đất.
Bên dưới hàng chục ngôi mộ thập tự giá có bia khắc rất rõ thời điểm qua đời của những người quá cố: năm 1858-1959-1960.
Đó là năm mà những chiến thuyền nổ súng bắn phá vào mảnh đất bên sông Hàn. Còn những người ngã xuống ở đây không ai khác chính là những sĩ quan và binh lính của liên quân viễn chinh.
Ở chính diện nghĩa địa này là một nhà nguyện chưa đầy 30m2, bên trong chỉ có một cái bàn thờ đơn giản theo nghi thức Công giáo. Bên trong có khắc ghi dòng chữ tiếng Pháp: "Tưởng nhớ những chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault de Genouilly. Chết những năm 1858, 1959, 1960 và đã chôn tại nơi này".
Bước đến bậc tam cấp dẫn vào nhà nguyện, ông Hồ Tấn Tuấn, giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết phía sau khu vực này trước đây có lối đi vào hầm chôn tập thể của những binh sĩ tử trận được hốt hài cốt từ các nơi mang về. Riêng khu vực phía trên khuôn viên là nơi chôn của các sĩ quan.
Ông Tuấn kể: "Ngày trước đây là hầm mộ có lối vào, hài cốt binh sĩ các nơi được mang về trong các hòm kẽm chôn chung. Sau này xương cốt lộ ra nhiều quá, người dân mới trám ximăng lấp hầm lại".
Với người Đà Nẵng, lâu nay họ vẫn dùng cách gọi "nghĩa địa Y Pha Nho" (español - Tây Ban Nha) để chỉ khu vực này. Nhưng lần giở những tư liệu lịch sử, đây lại là mồ chôn tập thể của hơn 1.000 quân viễn chinh đa phần đến từ Pháp.
Đây có thể xem là chứng tích của cuộc xâm lăng VN sau hơn 18 tháng gây chiến. Sau khi quân Pháp cuốn gói khỏi VN đã để lại chứng tích "một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá" này - theo cách nói của sử gia người Pháp P. Héduy trong cuốn Lịch sử Đông Dương.
Không có con số thống kê đầy đủ tổn thất của giặc, nhưng những nấm mồ quân viễn chinh chôn rải rác khắp chân núi bán đảo Sơn Trà với số lượng lên tới hàng ngàn là có thể hiểu cuộc chiến của Pháp gây ra tại Đà Nẵng đã gây thiệt hại về người như thế nào cho họ.
Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô, có nhiều sử liệu có thể khẳng định đây là một "đồi hài cốt" qua thư của hiệu trưởng Trường Viễn Đông Bác Cổ gửi toàn quyền Đông Dương ngày 25-5-1921.
Trong thư có đề nghị cho tu sửa khu nghĩa địa này: "Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng".
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương - Ảnh 3.
Hình tư liệu về quân nhà Nguyễn trong buổi đầu đánh Pháp
Theo bi ký của nghĩa trủng Phước Ninh lập năm Tự Đức thứ 29 (1876), thì án sát Quảng Nam Nguyễn Quý Linh và lãnh binh Trương Tải Phú đã chọn đất ở làng Phước Ninh để làm nơi quy tập hài cốt của những nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hi sinh ở trận Pháp đánh chiếm Đà Nẵng trong những năm 1858-1860.
Quản cơ Nguyễn Lân cùng hiệp quản Nguyễn Đồ đã chỉ huy quân lính tìm được hơn 1.500 ngôi mộ, bốc hài cốt vào những quách bằng sành, đưa về mai táng tại đây.

Phục dựng thành Điện Hải

TTO - Thành Điện Hải - thành lũy phòng thủ cuối cùng còn sót lại của buổi đầu kháng Pháp - nay đang được thành phố Đà Nẵng trả lại không gian xứng đáng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối:  Phục dựng thành Điện Hải - Ảnh 1.
Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khuôn viên thành Điện Hải - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Hồi trước đường nối bờ sông với công trình lịch sử thành Điện Hải tên là Lê Văn Duyệt nhưng mới đây thành phố Đà Nẵng đã đổi tên thành đường Thành Điện Hải. 
"Sự thay tên này vô cùng ý nghĩa, nhằm mục đích tôn vinh một di tích quốc gia đặc biệt của một sự kiện đặc biệt" - ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cho biết.
Thành Điện Hải là địa điểm biểu tượng cho một Đà Nẵng gan lì kìm chân quân viễn chinh Pháp.
Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai
Chứng tích chống Pháp
Thành Điện Hải - thành lũy phòng thủ cuối cùng còn sót lại của buổi đầu kháng Pháp - nay đang được thành phố Đà Nẵng trả lại không gian xứng đáng. 
Những người nghiên cứu lịch sử như ông Tiếng như được mở cờ trong bụng khi thấy di sản gần 200 tuổi này được "sống lại".
Cuối tháng 3 vừa qua, cũng tại khuôn viên tòa thành này diễn ra buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký. 
Trong buổi sáng đặc biệt đó, có một người vui vẻ ra mặt là ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng. 
Ông là người quyết liệt "đòi đất", trả lại nguyên trạng không gian vốn có của thành Điện Hải.
Vốn là giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng, ngay những ngày đầu nhậm chức giám đốc sở, một trong những kế hoạch được đặt trên bàn làm việc của ông Hùng chính là hồ sơ liên quan đến di tích thành Điện Hải. 
"Được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là thêm một cơ hội để thành Điện Hải được chăm sóc kỹ hơn. Với vai trò đặc biệt trong buổi đầu chống Pháp, những dữ liệu liên quan trong sử liệu và hiện trạng thành Điện Hải quá ư xứng đáng là di tích đặc biệt" - ông Hùng nói.
Sách sử chép rằng thành này trước gọi là đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. 
Năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835 được đổi tên là thành Điện Hải. 
Người Pháp gọi đây là pháo đài phía Tây để phân biệt với pháo đài phía Đông (tức thành An Hải, nằm phía bên kia sông nhưng nay không còn dấu tích).
Chính trong buổi đầu chặn đánh liên quân xâm lược, thành Điện Hải giữ vai trò là cơ sở phòng thủ kiên cố nhất so với các đồn, đài... 
Nơi đây được trang bị tới 30 khẩu đại bác. Trong những trận đánh kéo dài suốt 18 tháng giữa ta với Pháp, thành Điện Hải trở thành điểm giằng co đẫm máu. 
Nhiều lần quân Pháp chiếm được nơi này, đặt đại bác tại đây để làm đà tấn công vào hệ thống đồn lũy của nhà Nguyễn trong thành phố. 
Chính nơi đây vẫn được ghi nhận là thành trì giúp danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đội đánh lui liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
Theo nhà nghiên cứu Hà Phước Mai - nguyên giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, trong những lần đi tìm tài liệu ở Pháp ông đã tìm thấy nhiều tư liệu về tòa thành này trong Viện Viễn Đông Bác Cổ. 
Quý nhất là các bản đồ thành Điện Hải được vẽ sau thời điểm Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp.
"Thành Điện Hải là địa điểm biểu tượng cho một Đà Nẵng gan lì kìm chân quân viễn chinh Pháp, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của họ. 
Để xóa đi phần di tích khó chịu này, người Pháp đã chuyển đổi công năng tòa thành như bản vẽ năm 1888 cho thấy bệnh viện quân đội Pháp được xây dựng tại đây" - ông Mai nói.
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối:  Phục dựng thành Điện Hải - Ảnh 3.
Sửa sai với tiền nhân
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù hư hại nhưng thành Điện Hải vẫn may mắn giữ được một số thành phần xây dựng cho phép hình dung được quy mô, nhận diện kiến trúc. 
Năm 1988, dù thành được xếp hạng là di tích cấp quốc gia nhưng một thời gian dài vẫn không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề.
So với trước đây, tòa thành cao hơn 5m được xây dựng theo kiểu Vauban này (có dạng hình vuông với bốn góc lồi ra) đã không còn được bề thế như ngày nào vì đã bị lấy mất không gian. 
Một phần không gian chu vi hơn 556m với hào sâu 3m nằm giữa hai lớp tường đã bị người dân lấn chiếm.
Để sửa sai, những năm qua Đà Nẵng đã làm cuộc đại tu để "trả lại tên cho em". Một kế hoạch trăm tỉ đã được triển khai song song hai nhiệm vụ: giải tỏa một số hộ dân và đầu tư tôn tạo phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước... 
Về lâu dài, địa phương này cũng chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực thành Điện Hải để chuyển về trụ sở của tòa thị chính cũ (42 Bạch Đằng) nhằm trả lại diện tích 2,6ha cho di tích thành Điện Hải.
Theo TS Hoàng Đạo Cương, viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), để phục hồi và phát huy giá trị thành Điện Hải cần phải lưu ý tham khảo các tòa thành kiểu Vauban được dựng cùng thời nay vẫn còn ở Bắc Ninh, Tây Sơn. 
Đặc biệt, vì các hạng mục nguyên gốc dường như đã mất hết nên khi phục hồi cần nghiên cứu, đối chiếu đầy đủ ghi chép trong chính sử.
Việc di dời các hộ dân xung quanh đến nay đã hoàn tất, hạng mục tôn tạo thành quách và chiến hào đã được khởi động. 
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, ngành văn hóa sẽ tính toán cẩn thận, nhất là khi tiến hành phục hồi, tôn tạo các công trình trong vùng lõi như nhà chỉ huy, kỳ đài, nơi bố trí súng đại bác và các công trình phụ trợ khác.
"Chúng tôi nhận thấy rằng sau khi giải tỏa đây là một vị trí rất đẹp nên đề nghị thành phố có kế hoạch thiết kế quy hoạch quảng trường ở khu vực này và lấy thành Điện Hải làm trung tâm. 
Giữ được di tích, nơi đây sẽ trở thành tâm điểm nghiên cứu, giáo dục truyền thống và đặc biệt là phục vụ khách đến tham quan" - ông Hùng kỳ vọng.
160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối:  Phục dựng thành Điện Hải - Ảnh 4.
TP Đà Nẵng đang triển khai nhiều hạng mục khôi phục thành Điện Hải - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo “Đại Nam thực lục chính biên” của triều Nguyễn: “Tháng 2 năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ 4 (1823), dời đài Điện Hải ở Quảng Nam, bắt 5.000 người dân làm việc hằng tháng, cấp tiền gạo. Sai Phó đô thống chế Tả dinh quân thần sách là Nguyễn Văn Tri và Tham tri bộ binh là Nguyễn Khoa Minh trông coi công việc”.
Sau khi bình định được nước ta, Pháp lấy thành Điện Hải để xây bệnh viện quân y chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính ở khu vực Trung Kỳ.
Sau ngày thống nhất đất nước, trên tòa thành vẫn còn các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2004, Bảo tàng Đà Nẵng mới chính thức được xây dựng ở đây.
TRƯỜNG TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét