Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Chuyện lạ của người Tà Ôi

Tình duyên lạ lùng



TTO - Một người chồng có ba người vợ là ba chị em ruột, họ cùng có 17 người con đang chung sống quây quần bên nhau. Đó là gia đình ông Kareng Pềnh ở thôn A Bả, xã Nhâm thuộc huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

Chuyện của người Tà Ôi - kỳ 1: Tình duyên lạ lùng - Ảnh 1.
Ông Kareng Pềnh và hai bà vợ - Ảnh: TH. LỘC
Trường hợp lấy nhiều chị em ruột làm vợ như ông Pềnh khá phổ biến trong cộng đồng người Tà Ôi ở huyện A Lưới.
Trường hợp lấy mấy chị em ruột làm vợ như mình nhiều lắm, nhất là thế hệ bố mẹ ông bà mình.
Ông KARENG PỀNH
3 chị em ruột
Quây quần cùng con cháu và hai bà vợ trong căn nhà nhỏ, ông Pềnh kể đời ông có ba vợ là ba chị em ruột.
Người vợ đầu là bà Ker Thị Ngôi (đã mất) sinh cho ông 7 đứa con. Vợ thứ hai là bà Ker A Don, có với ông 6 đứa con và người em út là bà Ker A Teat sinh cho ông 4 đứa con.
Ông Pềnh kể hồi ông 20 tuổi, ở A Reng gần nơi ông sinh sống, gia đình bố vợ ông có ba người con gái, chị cả là Ngôi đã đến tuổi cập kê. "Mình hỏi lấy Ngôi làm vợ thì người bố mừng lắm".
Ông Pềnh về báo gia đình chuẩn bị các lễ vật mà nhà gái yêu cầu theo tập tục của người Tà Ôi gồm thanh la, heo, gà, hạt não...
Cưới bà Ngôi được vài năm, cô em kế là Ker A Don cũng đến tuổi lấy chồng. Bố vợ ngỏ ý cho Pềnh luôn và ông gật đầu.
"Cô em út A Teat cũng vậy. Bố vợ cho thì cũng cho luôn nên mình đưa về làm vợ thôi. Rứa là mình có ba vợ", ông Pềnh kể.
Theo lời ông Pềnh, ba chị em cùng ở, cùng sống chung hiển nhiên có những hục hặc, tị nạnh hay cãi vã nhất định. Nhưng vì đều là chị em ruột nên cả ba đều yêu thương, đùm bọc nhau; con cái các bà nhờ thế cũng đoàn kết, gắn bó, thương yêu và bảo vệ lẫn nhau.
Ông Pềnh cho biết bố mình là ông Kareng Chát cũng cưới hai chị em ruột làm vợ là mẹ ông - bà Ploong A Tet và dì ông là Ploong Kai. Chưa hết, bố vợ của Pềnh cũng lấy ba chị em ruột làm vợ.
"Mà trường hợp lấy chị em ruột làm vợ như mình nhiều lắm, nhất là thế hệ bố mẹ ông bà trước đây", ông nói.
Ông Pềnh giải thích những mối tình duyên lạ lùng này là do ngày xưa, các dòng họ của Tà Ôi thường sống cùng với nhau tạo thành một veel (buôn làng). Do địa hình rừng núi hiểm trở nên các veel thường sống tách biệt, ít người lạ lui tới.
"Người trong một dòng họ thì không thể lấy nhau được đâu. Làm thế Yang sẽ trách phạt cho dịch bệnh, mất mùa. Vì vậy phải lấy người khác họ, thường là khác làng. Nhưng các làng thường lại cách rất xa, nên đã lấy được cô chị thì trong nhà vợ thường cho lấy thêm cô em, nếu có nhiều cô thì cho thằng rể lấy hết luôn" - ông Pềnh giải thích.
Chuyện của người Tà Ôi - kỳ 1: Tình duyên lạ lùng - Ảnh 3.
Vợ con của ông Pềnh đón nhận quần áo cũ của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: THÁI LỘC
Đi sim, thoải mái... phần trên

Trước khi cưới ba chị em, việc ông Pềnh làm trước tiên là "đi sim" với cô chị đầu - bà Ker Thị Ngôi.
Khi được hỏi đi sim là như thế nào và làm gì, ông Pềnh bảo: "Đi sim là hẹn hò nhau, tìm hiểu nhau, qua đêm với nhau, có thể làm đủ thứ với nhau ở... phần trên cơ thể chứ không được làm... ở phần dưới!".
Trước khi quyết định thưa với cha mình đi cưới Thị Ngôi làm vợ, ông Pềnh từng đi sim với khá nhiều cô gái trong làng và nhiều làng khác.
Đi đến làng nào, biết gia đình có con gái chưa chồng và thấy thinh thích là ông tán tỉnh, đi sim. Cô gái đồng ý thì hẹn ra bìa rừng, ven sông hoặc trong túp lều cất giữ đồ vật làm rẫy của một gia đình nào đó, họ chuyện trò, tìm hiểu, thậm chí ôm nhau ngủ qua đêm.
Việc cô gái đi qua đêm gia đình chẳng hề có ý kiến vì đó là quyền riêng, là tập tục, miễn là đừng có làm cái... phần dưới là được.
A Viet Trao, một thanh niên người Tà Ôi ở xã Nhâm, 29 tuổi, đã cưới vợ và có một con gái. Vợ Trao, chị Karieng Thị Mẫn, cũng là người Tà Ôi. Họ sống với nhau trong một căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong thôn A Bả.
Trao kể ngày trước anh chú ý đến Mẫn trong mấy lần đi hội và làm nương rẫy. Trao hẹn Mẫn đi sim. Khi Mẫn đến tuổi lấy chồng thì anh nói với bố mẹ sang dạm hỏi nhà Mẫn để cưới cô làm vợ.
Chúng tôi tò mò hỏi về chuyện đi sim thì Mẫn nhoẻn miệng cười và nói một cách bông đùa: "Đi sim chỉ là đi hẹn hò thôi. Không như các anh nghĩ đâu!".
Mẫn giải thích: "Nếu quan hệ tình dục thì sẽ bị veel phạt bò, dê, heo... để cúng Yang!".
Tôi thắc mắc: "Nếu quan hệ mà cả hai không khai ra thì ai mà biết để bắt phạt?". Mẫn trả lời: "Đã quan hệ thì phải khai chứ. Nếu không khai thì Yang bắt phạt bệnh tật cả làng thì sao, cho nên có lỡ quan hệ, làng hỏi thì phải khai ra, làng cúng để Yang khỏi trách phạt".
Chuyện của người Tà Ôi - kỳ 1: Tình duyên lạ lùng - Ảnh 4.
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tà Ôi - Ảnh: THÁI LỘC
Tà Ôi là dân tộc ít người sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi và các thung lũng ven sông A Sháp, một chi lưu sông Mekong, xuất phát từ huyện A Lưới, chảy về phía tây sang nước bạn Lào. Trước đây, số đông người Tà Ôi sống sâu trong đất Lào.
Theo ông Kareng Pềnh, toàn bộ người dân bản A Bả ở xã Nhâm hiện nay từng nhiều đời sinh sống giữa những cánh rừng sâu bên dòng sông Một (hạ lưu sông A Sháp) thuộc huyện Kà Lùm của Lào, cách vị trí thôn A Bả của xã Nhâm (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) hiện nay hai ngày đi bộ.
Hồi đó, đây là vùng rừng thiêng nước độc, cách rất xa phố thị, không chợ, bệnh viện và trường học.
Vào năm 1973, để thoát khỏi cảnh đói kém dịch bệnh, một số bản Tà Ôi cùng nhau vượt biên giới, băng rừng, ngược dòng sông tìm đến thung lũng bằng phẳng ven dòng A Sháp (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) lập veel, phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Cho đến hiện nay, nhiều dòng họ người Tà Ôi từ các bản làng phía bên kia dãy Trường Sơn thuộc Lào vẫn băng rừng, vượt suối sang A Lưới của Việt Nam để trao đổi hàng hóa hay thăm viếng thân tộc, họ hàng.

Xin là phải cho

TTO - Xin là phải cho khi đã là bằng hữu. Tập tục độc đáo đó được truyền đời xa xưa, cho đến nay vẫn tiếp tục duy trì trong đời sống cộng đồng của người đồng bào Tà Ôi trượng nghĩa...

Chuyện của người Tà Ôi - kỳ 2: Xin là phải cho - Ảnh 1.
Người Tà Ôi ở xã Nhâm, A Lưới cùng thu hoạch củ mì giúp hàng xóm - Ảnh: THÁI LỘC
Qua ka lơ, ta thấy được người Tà Ôi rất thật thà, trượng nghĩa. Người Tà Ôi đã hứa là phải làm, đã xin là phải cho dù mình rất nghèo khó
TS NGUYỄN THỊ SỬU
Trên rẫy mì nằm ở lưng chừng một quả đồi tại xã Nhâm, chúng tôi gặp một nhóm khoảng 20 người Tà Ôi già có, trẻ có đang chặt gốc, bới củ, làm sạch củ bỏ vào bao.
Giúp tới tận cùng
Những thanh niên khỏe mạnh thay phiên vác từng bao tải mì băng con đường mòn ra ngoài lộ dùng xe máy chở ra trung tâm xã để bán... Điều ngạc nhiên là trong nhóm người thu hoạch ấy, không ai là chủ nhân của rẫy mì nói trên.
Chủ nhân của rẫy là vợ chồng ông Kareng Trong ở cùng thôn, đang bị bệnh và điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Một người phụ nữ cho biết vợ chồng ông Trong bị trọng bệnh từ ba năm nay: người chồng bị bệnh ung thư, còn vợ đi theo chăm nuôi một thời gian cũng đổ bệnh theo nên gia đình khánh kiệt, nợ nần chồng chất.
Thế là người trong thôn bàn nhau lại góp tiền, nhưng tất cả đều nghèo nên tiền góp có hạn. Họ cùng phân công chăm nom nhà cửa và nuôi hai đứa con người bệnh, một lên 6 và một lên 8 tuổi ăn học.
Rẫy mì của người bệnh mọi người cùng trồng, đến mùa thì họp nhau lại cùng thu hoạch, đem bán rồi gửi tiền về cho người chủ để trị bệnh...
Cứ thế mấy năm nay, gia đình ông Trong sống chủ yếu nhờ vào tình làng nghĩa xóm của cả buôn làng. "Ai trong hoàn cảnh này cũng vậy thôi. Gặp hoạn nạn mọi người chung tay giúp đỡ. Đó là truyền thống bấy lâu nay của người Tà Ôi mình mà" - bà A Đon nói.
Những ngày lang thang trong cộng đồng Tà Ôi, chúng tôi chứng kiến và được nghe nhiều câu chuyện giúp người rất hào hiệp. Có những gia đình rất nghèo, ăn còn chưa đủ no nhưng thấy cảnh ngộ người khác nghèo hơn mình thì cũng giúp đỡ đến tận cùng mà không ngần ngại.
Kareng Thị Mìu, một cô gái trẻ, nói: "Mai mốt mình bị như vậy sẽ có người giúp đỡ lại. Giúp nhau là chuyện phải làm thôi".
Ka lơ
Sự hào hiệp, giúp nhau của người Tà Ôi có căn nguyên sâu xa từ phong tục ka lơ tồn tại từ lâu đời. Ka lơ - theo tiếng Tà Ôi có nghĩa là bạn bè, là bằng hữu, là kết nghĩa. Mỗi khi kết nghĩa bằng hữu thì họ rộng lòng cho mà không tiếc nhau điều gì.
Biết chúng tôi quan tâm đến ka lơ, đám thanh niên tranh nhau diễn giải, rằng khi người nào đó muốn ka lơ với mình thì họ sẽ dẫn mình về nhà nấu cơm, làm gà cho mình ăn, bày rượu cho mình uống và bố trí chỗ cho mình ngủ lại qua đêm.
Nếu trong cái gùi mình đem theo có hạt mã não, tấm thổ cẩm zèng hay vật gì có giá trị thì mình cho lại người ta, như vậy là đã ka lơ với nhau rồi, không cần phải nói nhiều bằng lời.
Ông Piriu Văn Đoan, một cụ ông người Tà Ôi hơn 60 tuổi ở thị trấn A Lưới, kể rằng mỗi lần đi làm, đi đổi hàng xa mấy ngày đường thì không cần phải đem theo gạo, muối, thức ăn; có khi đi cách xa bản cả tuần đường cũng không cần phải đem theo thứ gì vì đã có ka lơ nuôi mình.
"Vì đi đến đâu mình cũng có ka lơ, mà đã ka lơ với nhau rồi thì mình cần cái gì là được giúp ngay thôi. Thậm chí trong nhà bạn có thứ gì giá trị như thanh la, ché, cả tivi nữa, nếu mình ngỏ ý xin thì chắc chắn bạn cho.
Nếu biết điều mình sẽ ka lơ lại thứ gì đó có giá trị cho bạn như tấm zèng, hạt mã não, thỏi bạc" - ông Đoan nói.

Cũng theo ông Đoan, có trường hợp xin của nhưng không cần phải đổi lại thứ gì cả, cả hai cùng ngầm hiểu lần này chưa có, khi nào bạn có sẽ ka lơ lại cho mình...
Chuyện của người Tà Ôi - kỳ 2: Xin là phải cho - Ảnh 3.
Chum chóe, bình cổ được người Tà Ôi cất giấu cả ở trong bếp - Ảnh: T.LỘC
Căn nguyên giấu của
Vào sâu trong một bản thuộc xã Hồng Thượng, chúng tôi gặp gia đình cụ Ker L., một gia đình người Tà Ôi trong căn nhà làm bằng các tấm ván "cốppha" khá tạm bợ, tuềnh toàng.
Vào bên trong, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên bởi rất nhiều rương, tủ kệ chất đầy. Nằm sâu trong góc bếp đầy bụi tro là một cái thống bằng sứ lớn, vẽ cặp rồng rất đẹp, quý giá. Cạnh đó có một cái tráp sơn son thếp vàng có vẽ rồng cuộn mây tuyệt đẹp.
Chưa hết, chúng tôi phát hiện nằm ẩn sau bức màn cũ trong buồng ngủ của bà L., trên tường gỗ treo hàng loạt chiêng, thanh la, trong khi bên dưới là rất nhiều nồi đồng, mâm đồng...
"Nhà cụ L. nhiều đồ lắm. Nghe nói là tích trữ từ thời xưa" - một cậu bé sống gần nhà cụ L. "mách lẻo". Tôi thắc mắc hỏi cụ L. tại sao không chưng ra cho đẹp như những nhà giàu dưới phố, cụ chỉ cười và im lặng.
Cậu bé hàng xóm tiếp tục nhanh nhẩu: "Phải giấu đi chứ. Chưng ra thì bạn bè tới thấy rồi xin thì làm sao?".
Giải thích về việc này, TS Nguyễn Thị Sửu cho hay hiện tượng giấu của của người Tà Ôi bắt nguồn từ tập tục ka lơ.
Theo bà Sửu, khi đã ka lơ với nhau thì xin là phải cho, bất kể thứ gì có giá trị, thậm chí ngày xưa có trường hợp người ta xin... vợ thì mình cũng phải cho.
Theo bà Sửu, trong ka lơ người Tà Ôi không bao giờ xin những thứ mà họ không nhìn thấy trong nhà của bạn mình. Chính vì vậy để tránh bạn xin những đồ giá trị, người Tà Ôi thường giấu chúng đi.
"Vì ka lơ đặt nặng mối quan hệ tình nghĩa, tức xin là phải cho mọi thứ nên tất nhiên người ta phải giấu của. Vậy nên dù ở đâu, thời nào thì người Tà Ôi đều ít nhiều phải giấu của" - bà Sửu nói.
Chuyện của người Tà Ôi - kỳ 2: Xin là phải cho - Ảnh 4.
Người Tà Ôi làm việc giúp người làng giống như làm việc cho chính mình - Ảnh: THÁI LỘC
Tập tục đẹp
Đi sâu vào tập tục ka lơ ở đồng bào Tà Ôi, các nhà nghiên cứu nhận ra đó là sự thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng một cách đặc biệt của người đồng bào dân tộc thiểu số này.
Nhờ vào những mối quan hệ này, các gia đình, cộng đồng đã cố kết nhau, tăng thêm sức mạnh chiến đấu trước kẻ thù hoặc trước thiên nhiên.
Riêng về góc độ văn hóa, ka lơ là một tập tục đẹp của người Tà Ôi.

Những nhà buôn năng động

TTO - Trong lịch sử cũng như đến ngày nay, người Tà Ôi được biết đến với nhiều nhà buôn xuyên biên giới rất năng động trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng bắc Trường Sơn...

Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 3: Những nhà buôn năng động - Ảnh 1.
Người thiểu số ở huyện A Lưới bán các loại nông sản nuôi trồng hoặc khai thác được từ rừng - Ảnh: THÁI LỘC
Giữa màn đêm dày đặc sương mù, từng nhóm người từ các nẻo đường gùi hàng về phía trung tâm thị trấn A Lưới.
Chuyên nghiệp như người Kinh
Khu chợ vùng cao nằm trên đường Hồ Chí Minh này đông từ khoảng 4h sáng, nơi tập trung nông sản quanh vùng. Họ bày hàng sát cạnh nhau thành dãy dài hai bên đường, ngoài những sản vật nuôi trồng được, có khá nhiều thứ khai thác từ rừng như măng tươi, hoa chuối, tiêu hay các loại rau rừng cho đến các loại tôm, cua, cá đánh bắt từ các khe suối...
Trước giờ, chúng tôi vẫn tin chủ yếu thương lái người Kinh từ miền xuôi gom hàng đưa về phố thị. Thực tế cho thấy nhiều người thiểu số mua bán hàng chuyên nghiệp, trong đó có nhiều người Tà Ôi.
"Người Tà Ôi buôn bán ở đây nhiều lắm, mà họ buôn giỏi có khi hơn cả người Kinh dưới xuôi của mình lên đây nữa đó!" - bà Đoàn Thị Hoa, một dân buôn gốc ở chợ Tuần, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) đang buôn bán ở A Lưới, nhận xét.
Chúng tôi tìm gặp "nậu Nghệ" là chủ một vựa nông sản vùng cao có tiếng, chuyên gom nông sản không chỉ tại khu chợ này mà còn ở nhiều xã của huyện A Lưới dọc dài trên tuyến Hồ Chí Minh gần cả trăm cây số.
Tên thật chị là Ker Thị Nghệ, người Tà Ôi, ở xã A Ngo, nay ngoài 50 tuổi nhưng có đến 40 năm kinh nghiệm buôn bán.
Từ nhỏ, chị Nghệ đã ra chợ phụ mẹ buôn bán để nuôi nấng đàn em. Chị cũng biết rằng người Tà Ôi xưa vốn có nhiều người buôn bán tài ba, đặc biệt là đàn ông, họ đi như con thoi giữa miền ngược và miền xuôi nên rất giàu có.
Ban đầu thấy người miền xuôi lên gom hàng, Nghệ nảy ý thu mua thơm (khóm) rồi thuê xe tải chở về Huế, trải bên vỉa hè ở trung tâm thành phố bán cho người đi đường, to cũng như nhỏ đều đồng giá. Trật tự đô thị đến, Nghệ vờ không biết tiếng, cứ ấm ớ, khua tay khua chân một hồi, chán họ bỏ đi.
Những lần buôn chuyến đầu tiên ấy đem lại những kinh nghiệm quý là phải định giá theo to/nhỏ, tốt/xấu, ngon/dở, không như cách bán đồng giá của bà con buôn làng Tà Ôi lúc ấy. Dần dà, chị liên hệ mối lái chợ Đông Ba và các vựa nông sản lớn của Huế, tự mình chọn gom hàng, thuê xe chuyển cho họ.
Cho đến nay, bạn hàng thường xuyên của chị Nghệ ở rất nhiều nơi, kể cả Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Mặt hàng của chị đủ các loại đặc sản, từ nông thủy sản tự nhiên vùng núi như tiêu, măng, hoa chuối, rau rừng, cua, tôm cá, ốc... đến các loại nông sản của người miền thượng như gà qué, gạo nếp, đậu mè, các loại củ quả...
Khi có hàng gì ngon, chỉ cần bạn hàng "alô" là chị "ok" chuyển hàng đi ngay.
Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 3: Những nhà buôn năng động - Ảnh 2.
Bé A Tiêng Thị Hà, mới học lớp 8 nhưng đã biết buôn bán - Ảnh: THÁI LỘC
Buôn xuyên quốc gia

Đi sâu trong các bản làng của người Tà Ôi, chúng tôi nghe kể rất nhiều câu chuyện về những chuyến hàng xuyên biên giới từ Campuchia, Lào băng rừng núi sang Đà Nẵng, Quảng Nam hay Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và ngược lại...
Ông A Có ở xã A Đớt kể hơn 40 năm trước khi còn ở bản I Reng sâu trong đất Lào, ông mấy lần theo cha mẹ và mấy người bạn đi buôn. Hàng hóa đưa đi gồm: thuốc lá, ớt, tiêu rừng, vỏ quế, vỏ cây "troi" (ăn trầu), cau khô, có khi thêm thổ cẩm zèng, vàng cám, trầm hương...
Họ gùi hàng ngược sông A Sháp mất 3-4 ngày lên thung lũng A Lưới để gặp bạn bè biết tiếng Kinh rồi cùng băng rừng đi thêm 4-5 ngày nữa mang hàng đến chợ Tuần, chợ Đông Ba và khu Gia Hội để đổi hoặc bán.
Họ mua nhiều loại trang sức bằng đá quý (chuỗi hạt cườm, vòng hạt mã não...), một số loại "của cải" (bạc thỏi, chum, ché, nồi đồng, mâm đồng, chiêng, thanh la...) cùng vải vóc, sợi dệt, đặc biệt là mắm muối và bột ngọt...
Xong, cả đoàn tiếp tục men ngược sông Hương, băng rừng lên A Lưới rồi về sâu đất Lào. Mỗi chuyến đi như vậy dài hơn nửa tháng trời.
Trong công trình nghiên cứu công bố gần đây của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và TS Rie Nakamura (ĐH Utara, Malaysia), các tác giả ghi nhận chuyến đi buôn của ông Quỳnh Hoàng, một người Tà Ôi ở A Lưới, vào thập niên 1940:
"Ông Hoàng được một người bạn báo tin có người ở tỉnh Attapeu bên Lào cần một cái nồi đồng lớn, ông đã đi xuống chợ Tuần (Huế) tìm mua cái nồi đồng. Sau đó, ông cùng một nhóm người Tà Ôi khác đi bộ đến Attapeu ở Nam Lào (mất khoảng hai tuần).
Khi gặp người cần mua nồi đồng, ông đổi nồi lấy một ché cổ quý rồi gùi về lại mường Tà Ôi ở tỉnh Salavan để đổi lấy 50 tấm thổ cẩm zèng. Ông mang số thổ cẩm về làng và chia cho những người bà con nghèo vì họ không có khả năng mua được zèng".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế), "kết quả khảo sát ở khu vực phía tây Thừa Thiên - Huế cho thấy những tộc người thiểu số nơi đây (Tà Ôi, Pa Hy, Bru - Vân Kiều...) là các "thương nhân giàu truyền thống".
Từ nhiều thế kỷ trước, họ đã tham gia và thủ đắc một cấp độ quan trọng trong mạng lưới giao thương mang tính liên vùng, liên khu vực. Mạng lưới này, trong nhiều giai đoạn là sinh lộ, là nền tảng cho sự tồn tại của giao thương ven sông vốn được điều phối bởi những người miền xuôi!".
Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 3: Những nhà buôn năng động - Ảnh 3.
“Nậu” Nghệ - chủ vựa hàng nông sản ở A Lưới - Ảnh: THÁI LỘC
"Năng động"
Học giả người Mỹ Bennet Bronson cho rằng nền tảng kinh tế/sự giàu có của các quốc gia "Đông Nam Á hải đảo" căn cứ trên sự lưu thông hàng hóa dựa vào mạng lưới giao thương tập trung ở các chợ miền xuôi nằm bên những dòng sông lớn, rồi chuyển dần về các cảng thị vùng cửa sông để hòa vào mạng lưới thương mại Biển Đông.
Tuy nhiên, qua quá trình thực địa ở chợ Tuần ven đầu nguồn sông Hương của Huế và vùng người Tà Ôi ở A Lưới, hai tác giả Trần Kỳ Phương và TS Rie Nakamura đã phát hiện một số điểm khác biệt với nhận định nói trên khi cho rằng người miền thượng "là những nhà buôn năng động, họ không trung thành với chỉ một hệ thống giao thương ven sông nào, mà bản thân họ đã sở hữu các mạng lưới trao đổi khác với nguồn hàng và những bạn hàng đa dạng hơn".

Tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi

TTO - Chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) là điểm son lịch sử của người Tà Ôi vì là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của họ cho đến thời điểm hiện nay.

Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 4: Tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi - Ảnh 1.
Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu (bìa trái) với các phụ nữ Tà Ôi - Ảnh: NVCC
"Cấu tạo từ tiếng Tà Ôi (trong sự so sánh với tiếng Việt)" là đề tài luận án tiến sĩ của chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu), người mang hai dòng máu, nửa Kinh nửa Tà Ôi, hiện là bí thư Huyện ủy A Lưới. Chị đã bảo vệ thành công luận án này năm 2009 và nhận bằng năm 2010.
Chúng tôi tự hào về Sửu vì cô ấy là tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi. Sửu là người có trình độ, năng lực và phương pháp lãnh đạo quyết liệt nên chúng tôi rất kỳ vọng.
Ông PIRIU ĐOAN (Hồ Văn Đoan) - nguyên bí thư Huyện ủy A Lưới
Tiến sĩ đầu tiên
Chị kể về ngọn nguồn học hành rất gian nan của mình cũng từ cái đói, cái nghèo cố hữu của người đồng bào. 
Cha chị ở huyện Phong Điền, hoạt động cách mạng tại địa bàn A Lưới giữa thập niên 1950, đến năm 1971 thì phải lòng bà Kê Doaiq người Tà Ôi ở xã A Ngo và sinh ra chị (1973), đặt tên Tà Ôi là Kê Sửu, tên "giấy tờ" là Nguyễn Thị Sửu.
Trải qua tuổi thơ túng thiếu trong cộng đồng Tà Ôi, đến năm 9 tuổi chị mới đi học lớp 1. Học hết phổ thông, chị vào ngành ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế. Năm cuối ở giảng đường, chị được kết nạp vào Đảng và ra trường với luận văn đề tài về ngôn ngữ Tà Ôi.
Trở lại huyện, chị được bố trí dạy ngữ văn Trường dân tộc nội trú A Lưới. Trong sự động viên của nhiều người, chị tiếp tục theo chuyên ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học Huế để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ.
Chị Sửu là điểm son lịch sử của người Tà Ôi vì là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của họ cho đến thời điểm hiện nay.
Luận án ngôn ngữ của chị trở thành cơ sở cho tài liệu dạy tiếng Pa Cô (có người cho rằng Pa Cô và Pa Hi là những "nhánh" của dân tộc Tà Ôi) cho người miền xuôi; góp phần chuẩn mực hóa công tác biên tập, dịch và đọc cho chương trình phát thanh tiếng đồng bào, giúp người Tà Ôi mạnh dạn hơn trong việc dùng "tiếng của mình" làm việc, giao dịch...
Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 4: Tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi - Ảnh 3.
Chị Nguyễn Thị Sửu nhận bằng tiến sĩ - Ảnh: NVCC
Học để thay đổi
Khi làm giáo viên ở A Lưới và theo học cao học, chị đi sâu sưu tầm và nghiên cứu văn hóa tộc người Tà Ôi. Công trình nghiên cứu đầu tay của chị Sửu tìm hiểu về "Đặc trưng văn hóa trên các họa tiết thổ cẩm zèng của người Tà Ôi".
Từ đề tài này, vào năm 2003 chị phối hợp với thầy dạy của mình in cuốn sách đầu tay về văn hóa Tà Ôi. Cũng kể từ đó, gần như năm nào Nguyễn Thị Sửu cũng ra sách về người Tà Ôi. Chị được mệnh danh là "nhà Tà Ôi học", là một trong những người có nhiều công trình về văn hóa Tà Ôi bậc nhất hiện nay.
Là người "con lai", sinh ra và lớn lên trong vùng Tà Ôi, chị thuần thục tiếng bản địa, nhưng việc thực địa văn hóa của chị gặp không ít chông gai. Kể cả việc học lên cao của chị cũng gặp không ít lời đàm tiếu, ngay trong chính người Tà Ôi.
Chị chia sẻ lý do học lên cao của mình như sau: "Khi đào sâu trong vốn văn hóa Tà Ôi, những câu hỏi cứ lơ lửng trong đầu chị. 
Trước tiên là người Tà Ôi đang đứng ở đâu trong cộng đồng các dân tộc anh em? Vì sao những giá trị văn hóa của họ đậm sâu và tồn tại lâu bền như vậy? Và vì sao họ lại đói và nghèo một cách cố hữu đến như thế? Có cách gì để thay đổi hay không?".

Chị Sửu cho rằng muốn người ta thay đổi thì mình phải thay đổi trước và chỉ có mỗi con đường học vấn. Muốn cộng đồng mình tươi sáng hơn thì phải lao vào tìm xem thực tế và nguyên nhân cực khổ như thế nào để cùng họ tìm cách thay đổi!
Trở lại núi rừng
Chúng tôi gặp chị trong căn nhà riêng tại phường Thủy Xuân, TP Huế trong một đêm mưa. Chị nói: "Phải tranh thủ gặp nhà báo trong bữa ăn vì không có tí thời gian nào, mai phải đi Hà Nội học ba tuần liền và cả núi công việc khác nữa".
Chị chia sẻ rất nhiều về chuyện núi rừng, về đời sống đồng bào thiểu số của huyện A Lưới, nơi chị là người lãnh đạo cao nhất.
"Tôi nhớ những lần thực địa sưu tầm văn hóa Tà Ôi, vào những làng nằm sâu trong núi. Phần lớn các gia đình ở trong căn nhà tuềnh toàng, xơ xác, thậm chí nhếch nhác nữa, nhưng đời sống tinh thần của họ sao phong phú đến thế. 
Mình cứ ám ảnh cảnh một số hộ chỉ ăn có một bữa trong ngày, bữa còn lại không có chi để ăn. Cái đói, cái nghèo sao cứ bám lấy họ hoài như vậy!" - chị nói.
Đó cũng là lý do, động lực để chị nhận lên A Lưới làm bí thư huyện ủy. Nhưng mọi chuyện không đơn giản tí nào, ngay bản thân chị cũng thấy phân vân, từ năng lực quản lý, trình độ của mình, trong hoàn cảnh huyện nhà có quá nhiều vấn đề "nóng" đang diễn ra và rất khó xử lý dứt điểm.
Chị nhớ như in trạng thái ngổn ngang ấy, nhất là nhiều luồng ý kiến hoài nghi, kể cả lời ra tiếng vào trong chính cộng đồng Tà Ôi rằng "con lai thì chẳng làm được cái gì đâu". Người ta còn cho rằng sở dĩ người Pa Cô không được công nhận dân tộc chính vì luận án tiến sĩ của chị.
Tiếp đến, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều lời bóng gió nhắm thẳng chị mà dọa: "Muốn cho cây đổ thì phải tập trung nhau mà đốn đi thôi!"...
Tuy vậy, chị vẫn được sự ủng hộ của nhiều già làng trưởng bản và các vị lãnh đạo có uy tín. Ở đâu đó trong các buôn làng, các già làng cho rằng cần phải tự hào vì đã có "người của mình học đến tiến sĩ" và người tiến sĩ ấy đã quay trở lại để giúp bà con ổn định cuộc sống.
"Tin ở việc làm và ý chí của mình"
ky 4 - tien si 1
Nguyễn Thị Sửu với sử thi A Chất của người Tà Ôi do chị sưu tầm, biên soạn - Ảnh: THÁI LỘC
Hiện nay, huyện A Lưới đang trên đà thay đổi từ chính trị - xã hội cho đến đời sống của người dân dù chậm. Chị nói việc cần làm trước mắt là phải giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là an ninh dân tộc, bởi huyện biên giới vùng cao này không ít chuyện được ví như phần chìm tảng băng.
Ưu tiên lớn nhất của chị vẫn là làm sao đưa đời sống bà con vùng cao thoát đói nghèo một cách bền vững, chậm mà chắc, làm thực chất, tiến triển về mặt định lượng chứ không phải hô hào khoa trương thành tích.
Chị dừng câu chuyện trong một thái độ dứt khoát, mạnh mẽ và quyết liệt: "Dù sao thì thời gian tôi lãnh đạo mới hơn một năm, quá ngắn để nói được điều gì. Nhưng tôi vẫn vững tin ở việc làm và ý chí của mình!"
.

Zèng

TTO - Nghề dệt zèng của người Tà Ôi khiến rất nhiều nhà nghiên cứu kỹ thuật dệt say mê, bởi sự "cổ xưa", kỳ lạ và độc đáo của nó, mà bộ phận chính yếu nhất chính là cơ thể con người.

Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ cuối: Zèng - Ảnh 1.
Các nhà thiết kế trầm trồ trước những hoa văn hiện đại của zèng - Ảnh: THÁI LỘC
Những người phụ nữ Tà Ôi trong trang phục thổ cẩm zèng truyền thống bước ra sân khấu, cầm theo bộ khung rất gọn; họ cùng ngồi khom lưng và cùng dệt zèng. Phía trước là mấy cậu, mấy cô người mẫu vận zèng hoặc dùng hoa văn zèng cách điệu...
Đó là chương trình biểu diễn thời trang tại Festival nghề truyền thống Huế tháng 4-2015, lấy zèng của người Tà Ôi làm trang phục đã gây ngỡ ngàng và thích thú cho hàng ngàn khách xem trong và ngoài nước.
Theo tôi, độ quý giá của zèng, cả phần hồn lẫn phần xác, cao hơn hẳn so với nhiều loại thổ cẩm khác
Nhà thiết kế MINH HẠNH
Vừa cổ xưa vừa hiện đại
Để có cảm hứng lẫn chất liệu cho sáng tạo, nhóm các nhà thiết kế nhiều vùng miền, dẫn đầu là nhà thiết kế Minh Hạnh, đã đến thực địa trong các bản làng Tà Ôi.
Bên trong ngôi nhà gươl của veel Ka Vin, xã A Đớt, có hàng chục tấm zèng treo xung quanh, ở giữa là hơn 20 người phụ nữ, từ 10 đến hơn 60 tuổi đang khom lưng ngồi dệt.
Các nhà thiết kế, người thì đo từng tấm vải, săm soi từng hoa văn; người thì chú tâm đến từng động tác dệt; trong khi người khác thì chú ý khung cửi lạ lùng, những mảng màu, những hình "kỷ hà" và hoa văn trên những tấm zèng.
Đó là những hoa văn có từ cổ xưa, được giải thích là mặt trời, ngọn núi, con sông, con dốc, loại cây, các loài muông thú hoặc linh vật mà người dân ở đây có cách gọi tên riêng. Chúng được dệt bằng sợi hoặc hạt cườm, trên nền màu đậm như đen, đỏ và xanh...
Các nhà thiết kế cảm thấy bất ngờ. Một người nói: "Có cả hoa văn hình máy bay, ôtô và xe máy nữa kìa!".
Người đang dệt là một phụ nữ chừng 50 tuổi, diễn giải: "Thì cả xe hơi, nhà lầu, cây cầu hay cái máy tính... ai ở đây cũng dệt được cả mà!".
Nhà thiết kế Minh Hạnh nói: "Để sử dụng loại thổ cẩm này vào thời trang là không đơn giản, đòi hỏi nhà thiết kế phải rất chắc tay. Song zèng chính là chất liệu rất phù hợp với thời trang hiện đại".
Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ cuối: Zèng - Ảnh 3.
Zèng của người Tà Ôi với kỹ thuật xâu cườm khi dệt độc đáo - Ảnh: T.LỘC
Kỹ thuật độc đáo
Chúng tôi gặp chị Blup Thị Loan, 38 tuổi, người Tà Ôi, ở thôn A Roàng 1, xã A Roàng khi chị đang ngồi dệt zèng trong quán tạp hóa nhà mình. Bộ khung dệt đơn giản với nhiều thanh gỗ lớn nhỏ khác nhau. Phía trước là thanh ngang lớn "nhả sợi" được đẩy bởi hai bàn chân.
Chị Loan tỉ mỉ chia từng hạt cườm màu trắng cho đúng với hình của hoa văn rồi làm nhiều thao tác dệt, bằng tay.
Thực ra, nghề dệt zèng của người Tà Ôi khiến rất nhiều nhà nghiên cứu kỹ thuật dệt say mê, bởi sự "cổ xưa", kỳ lạ và độc đáo của nó, mà bộ phận chính yếu nhất chính là cơ thể con người.
Các nhà nghiên cứu từng ngạc nhiên ở chỗ, độ rộng của khổ vải tỉ lệ thuận với chiều cao của người dệt; phụ nữ chân càng dài thì khổ zèng được dệt càng rộng...
Chị Loan cho biết mỗi tấm zèng dệt siêng thì "cong lưng" trong khoảng một tuần, nếu làm thêm vài việc khác nữa thì trong 10 ngày, có khi nửa tháng. Mỗi tấm có xâu cườm, tùy vào tính chất và mật độ hoa văn mà được bán từ 800.000 đến hơn 1 triệu đồng.
Trừ chi phí vật liệu trong khoảng 200.000 đồng, mỗi ngày công bình quân khoảng 100.000 đồng.
Đó là đối với những phụ nữ tuổi trung niên như chị Loan, còn trẻ quá, hay người càng già thì dệt càng chậm hơn, tiền công cũng ít hơn. Tuy vậy, mức thu nhập như vậy kể ra đã là khá so với người dân vùng rẻo cao này.
Cho dù kỹ thuật dệt, hoa văn cũng như hình thức tấm zèng là "thuần Tà Ôi", song chất liệu của nó, từ cườm và các loại sợi, ngày nay toàn là "hàng công nghiệp" - theo lời chị Loan.
Các loại vật liệu như những hạt cườm đang được xâu thì bằng nhựa và sợi dệt cũng là sợi công nghiệp vì người Tà Ôi đã từ bỏ các vật liệu dệt truyền thống...
Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ cuối: Zèng - Ảnh 4.
Bà A Viết Hợp (thứ ba từ phải) tham gia trình diễn thời trang zèng tại Nhật Bản - Ảnh: HIỀN ĐẶNG
Zèng đi muôn phương
Bà A Viết Hợp, chủ nhiệm HTX dệt zèng thổ cẩm A Lưới, nghệ nhân lành nghề bậc nhất người Tà Ôi hiện nay. Bà Hợp không biết mình học nghề từ bao giờ, bởi ăn nằm bên những khung dệt của mẹ, của bà và các cô dì từ bé. Công việc dệt zèng cứ thế "thấm vào máu".
10 tuổi bà đã tập dệt và trở nên thành thạo từ năm 14, 15 tuổi. Bà Hợp nói đầy tự hào rằng, zèng của dân tộc bà "đi tới mô, trong nước hay quốc tế người ta cũng rất thích thú!".
Bà Hợp kể về Minh Hạnh, người "chắp cánh" cho zèng Tà Ôi "đi muôn phương", tạo điều kiện cho bà trình diễn khắp nơi.
Bà chia sẻ về lần đầu được tham gia trình diễn dệt zèng trước hàng ngàn quan khách tại Festival nghề truyền thống Huế 2013, cho đến những lần trình diễn trên sân khấu thời trang tại các kỳ festival khác ở Đà Lạt, Lâm Đồng...
"Nhưng đặc biệt hơn cả, bạn biết không, tôi đã trình diễn nghề dệt của mình ở nhiều thành phố của Nhật Bản, Pháp và Thái Lan. Chỗ mô họ cũng xem rất đông, mình không bán nhưng mấy bà Tây năn nỉ mua cho bằng được.
Người ta quay phim, chụp ảnh, quan sát, hỏi han liên tục. Thì ra, zèng của người Tà Ôi mình rất đặc biệt mới nhận được sự quan tâm đến mức như vậy!" - bà Hợp tự hào.
Dệt bằng vật liệu truyền thống, zèng sẽ rất đắt
Tại thôn A Roàng 1, chúng tôi gặp được cụ bà Klum Cân Nơ, 70 tuổi. Bà cho biết thế hệ của bà ai cũng biết cách làm ra các loại vật liệu dệt truyền thống ngày xưa.
Theo bà, trước đây người Tà Ôi từng trồng bông kéo sợi để dệt. Họ có hẳn một công nghệ nhuộm hoàn toàn bằng các loại cây cỏ. Trong đó, ngoài sợi bông đã có màu trắng không cần nhuộm; để tạo màu đỏ, người ta vào rừng đào củ achat (một loại cây leo) về xắt lấy nước nhuộm.
Tương tự, củ cây leo prac thì tạo màu vàng. Màu đen thì dùng vỏ ốc suối giã nhỏ, ủ với cây tarom. Màu nâu thì được tước từ vỏ cây leo a-ngươn, phơi khô rồi se lại thành sợi. Riêng hạt cườm thì người ta dùng chì nấu và đổ thành từng hạt nhỏ tạo lỗ để xâu…
"Ngày nay thì người mình không thấy ai dùng những cách làm xưa như vậy vì làm rất lâu và nếu tạo được một tấm zèng, giá sẽ rất đắt!" - cụ Cân Nơ nói.
THÁI LỘC - NHẬT LINH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét