Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Lên chợ vùng biên "săn" hàng đặc sản

(Baonghean.vn) - Đất trời Kỳ Sơn chìm đắm trong màn sương mờ ảo, cái lạnh như thấm vào da thịt. Đó cũng là lúc bà con chuẩn bị cho những phiên chợ vùng biên vào dịp cuối năm.
Chặng đường từ Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) lên chợ biên Đỉnh Đam (huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, CH DCND Lào) chừng 20km. Đây là phiên chợ thắm tình hữu nghị Việt - Lào, là nơi để nhân dân 2 nước giao thương kinh tế và văn hóa- xã hội. Con đường quanh co, uốn lượn, núi rừng vẫn còn yên giấc, dòng xe vẫn đi một cách trật tự, không mấy ai tỏ vẻ vội vàng.
Vào ngày diễn ra phiên chợ vùng biên, rất đông người dân Kỳ Sơn và du khách gần xa qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Căn để đi chợ.
Tuột dốc Tiền Tiêu, trời vừa hửng sáng, lúc này chúng tôi mới cảm nhận hết không khí nhộn nhịp, đông vui của đồng bào Kỳ Sơn trong ngày vui phiên chợ. Chỉ còn cách vài trăm mét, bước qua cửa khẩu, bên kia cầu Nậm Cắn đã là nước bạn, chợ biên Đỉnh Đam cũng nằm ở ngay vị trí này.
Mỗi tháng họp 3 phiên nên chợ vùng biên luôn tấp nập người và các loại xe cộ.
Chợ biên mỗi tháng 3 phiên (vào các ngày 10, 20, 30 Dương lịch hàng tháng) thay vì 2 phiên (vào ngày 15 và 30 Dương lịch hàng tháng) như trước. Điều này thể hiện rõ nhu cầu giao thương hàng hóa, giao lưu tình cảm giữa 2 bên ngày càng lớn.
Chợ biên nổi tiếng với các món ăn đặc sản vùng cao nên các gian hàng ẩm thực luôn có rất đông khách.
Món thịt gà đen và lợn đen nướng ăn với xôi nếp rẫy luôn được thực khách ưa chuộng.
Người Việt đã đi chợ biên không thể bỏ qua những món ăn đậm đà hương vị của núi rừng.
Sự hấp dẫn của chợ biên trước tiên ở các món ăn đặc sản. Khu vực dành cho các gian hàng ẩm thực luôn đông đúc, nhộn nhịp, những làn khói xanh tỏa ra từ những chiếc bếp khổng lồ, mùi thịt nướng thơm lừng vương vấn theo làn sương. Những món đặc sản của đồng bào vùng cao như thịt gà đen, lợn đen nướng ăn cùng xôi nếp rẫy thơm phức thực sự hấp dẫn, không mấy ai có thể chối từ.
Mặt hàng được nhiều người tìm mua mỗi khi đi chợ biên chính là gà đen, mặt hàng này có chừng nào bán hết chừng ấy.
Gian hàng thịt cũng luôn tấp nập người mua, kẻ bán.
Trong giao dịch, có thể thanh toán bằng cả tiền Lào và tiền Việt. Người Lào thường chọn mua quần áo ấm, cá biển và hàng thực phẩm đã qua chế biến. Còn người Việt không thể bỏ qua các mặt hàng đặc sản như nếp Lào, gà đen, lợn đen và cải Mông, dường như ai đến chợ cũng tìm cách khuân cho được một trong những thứ ấy về.
Những bó cải Mông cũng được nhiều người tìm mua.
Nếp Lào, loại nếp dẻo, thơm và chắc hạt được nhiều người Việt chọn mua về hông xôi, làm bánh trong các dịp lễ, tết.
 Công Kiên- Hồ Phương

Thắm tình phiên chợ vùng biên


(Baonghean.vn) - Dù đã mấy lần đi chợ vùng biên (chợ Hữu nghị Lào- Việt) nhưng mỗi lần lên Kỳ Sơn vào dịp có phiên chợ (ngày 14 - 15 và 29 - 30 hàng tháng), tôi lại hòa vào dòng người đổ về Cửa khẩu Nậm Cắn để được tận mắt chứng kiến không khí tấp nập, đông vui và thắm tình hữu nghị Việt - Lào.
Những lần trước, tôi đến chợ biên vào mùa Đông và mùa Xuân, tức là vào điểm trước và sau Tết Nguyên Đán. Lần này, tôi quyết định đi vào mùa Hè với hy vọng sẽ được khám phá thêm những điều mới mẻ. Đoạn đường Quốc lộ 7A từ Thị trấn Mường Xén lên Cửa khẩu Nậm Cắn (khoảng 20 km) ngày thường vốn lặng lẽ và thưa vắng nhưng hôm nay đông đúc khác thường. Từng đoàn xe ô tô, xe gắn máy và dòng người đi bộ nối đuôi nhau tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. Con đường vòng vèo, uốn lượn giữa non ngàn và trập trùng trong mây núi càng tôn thêm nét thi vị và huyền ảo, khiến cho những người khách đến từ phương xa thêm dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của cảnh vật và núi rừng biên cương xứ Nghệ. Thị trấn Mường Xén nóng bức là thế, nhưng ngược lên chừng 10 cây số, đến bản Noọng Dẻ, chạm đến đất Nậm Cắn, người đi đường đã bắt đầu cảm nhận được không khí mát mẻ, dễ chịu. Càng ngược lên độ cao càng lớn, mức chênh lệch nhiệt độ càng cao nên không khí càng mát lạnh. Qua các bản Trường Sơn, Tiền Tiêu, thấy nhà nhà đã đóng cửa then cài, bởi lẽ bà con người Mông đã dậy đi chợ từ sáng sớm, lúc con gà bắt đầu cất tiếng gáy gọi ánh sáng mặt trời. Không riêng gì bà con Nậm Cắn mà gần như hầu như người dân khắp các bản làng thuộc xã Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Tây Sơn, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Na Ngoi, Nậm Càn và Thị trấn Mường Xén đều mong đến phiên chợ để đến mua bán và trao đổi.


Nhộn nhịp phiên chợ vùng biên
Đến Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, mọi người đều dừng chân làm thủ tục xuất nhập cảnh rồi đi tiếp chặng đường gần 1 km để đến chợ biên. Chợ biên nằm ở lưng chừng dãy núi giáp đường biên, thuộc bản Đỉnh Đam, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (CHDCND Lào). Khi chúng tôi có mặt, chợ đã tấp nập kẻ bán, người mua. Các hoạt động giao dịch có thể trao đổi bằng cả hai thứ tiếng và cả hai loại tiền (Lào, Việt). Dạo quanh phiên chợ, dễ dàng nhận thấy sản vật đặc trưng của nước bạn vào mùa này là quả đào. Không biết có phải thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mà những quả đào được bày bán ở chợ biên trông thật bụ bẫm, ngon mắt. Còn khi đã thưởng thức bằng miệng, dễ dàng cảm nhận được vị ngọt và thanh. Đến chợ biên, nhiều người Việt tìm mua các loại dụng cụ sản xuất nông nghiệp (dao, cuốc, xuổng...), các loại vật dụng gia đình được làm từ nhựa (xô, chậu). Còn người Lào, hầu hết tìm đến các quầy hàng cá biển và các loại hoa qua được vận chuyển sang từ Việt Nam.

Điểm nhấn tạo nên vẻ hấp dẫn của chợ biên là cảnh những thiếu nữ Lào với váy áo sặc sỡ. Người dân Lào, đặc biệt là nam nữ thanh niên rất yêu ca hát. Bằng chứng là ở những gian hàng bán đĩa nhạc luôn chật ních người. Tại đây, luôn vang lên những ca khúc có giai điệu đằm thắm, rộn ràng.

Đã mấy lần đến chợ biên, tôi biết nếu chưa đến gian hàng ẩm thực thì coi như mới đi được nửa đường. Gần trưa, tôi cùng Vi Thị Lan, cô gái Thái ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, người bạn đường và nhận làm chân phiên dịch, đến gian ẩm thực. Khi còn ở Mường Xén, tôi e ngại rằng thưởng thức món thịt gà và thịt lợn nướng vào mùa hè chắc không hấp dẫn lắm. Nhưng đến nơi mới vỡ lẽ rằng thời tiết ở đây mát mẻ, dễ chịu nên các gian hàng ẩm thực vẫn luôn tấp nập thực khách người Việt. Chúng tôi vào quán bà Mè Nang, một phụ nữ người Lào. Có vẻ như bà nhận ra tôi đã một vài lần vào quán nên nở nụ cười thân thiện và nói “Lâu ngày quá!”. Tôi say sưa để thưởng thức mùi hương nếp cẩm tỏa ra ngào ngạt và món thịt gà nướng béo ngậy. Còn người bạn đường thì vừa ăn vừa trò chuyện với Mè Nang. Trước lúc lên đường đi chợ biên, Lan cho tôi biết cô có thể nói và hiểu được khoảng 70% tiếng Lào. Tôi hỏi Lan đang trò chuyện gì với Mè Nang, cô giải thích: “Mè Nang nói hàng tháng bà rất mong đến ngày chợ phiên, một phần là để bán hàng. Đồng thời, để được gặp gỡ, thăm hỏi những người thân quen ở cả Noọng Hét và Kỳ Sơn. Phiên chợ nào bà cũng rất vui vẻ…”.

Mặt trời đã nằm trên đỉnh đầu, đến lúc người mua, kẻ bán chia tay và hẹn gặp lại ở những phiên chợ sau. Niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt…

Công Kiên

Phiên chợ vùng biên


(Baonghean) - Những bông hoa pà tâu trắng muốt rủ trắng lưng chừng núi trong màu nắng mới chớm, thoáng trông như người thiếu phụ cúi đầu trầm ngâm bên những nếp nhà của “bản không chồng” một thời. Dưới màu trắng dĩ vãng ấy, những cặp vợ chồng người Mông bây giờ quấn quýt như đôi cá dưới khe, như đôi chim trên rừng, rảo bước sau đàn con thơ tung tăng như những con nai nhỏ. “Mù cá kìa nó! (Ta đi chợ đây)”, tiếng gọi nhau í ới len lỏi vào từng nếp nhà, khiến núi rừng Nậm Cắn đang ngủ say trong làn chăn mù trắng phải trở mình, hoà tiếng chim muông vào những thanh âm nhộn nhịp của phiên chợ vùng biên.

Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Kỳ Sơn tấp nập người lại qua. Chợ biên xưa họp trên địa phận Nậm Cắn, nay chuyển sang địa phận tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào, cách cửa khẩu khoảng một cây số, họp vào ngày 14 và 29 hàng tháng, được bà con hai bên biên giới ngóng chờ như ngày hội. Những bà cụ người Mông với chiếc bế sau lưng, giữ bằng sợi dây đeo trước trán, tụm thành nhóm năm, nhóm ba, cặm cụi đi cho kịp buổi chợ.

Một chiếc xe máy Win chở khẳm người chạy vè vè phóng vụt qua, để lại sau lưng đám mây bụi màu đất đỏ, khiến các bà phải nhắm tịt mắt. Trong thoáng chốc, hình ảnh người con trai thắt lưng lủng lẳng con dao Mẹo, tay nắm đuôi ngựa trèo lên dốc hiện ra chớp nhoáng rồi tan biến theo làn bụi đỏ, để lại tiếng nhạc ngựa văng vẳng xa dần về phía những kí ức đã chìm trong mây mù.

Xe vừa đỗ, đập vào mắt là những quả đào Lào nhỏ nhắn, những bắp ngô nếp non luộc thơm lừng, những quả đi rua (một loại dưa chuột của người Mông) xanh ngắt, mọng nước khiến người mua không thể không sà vào sạp hàng của cô em gái Mông với đôi gò má ửng hồng hây hây dưới nắng.

Bên cạnh là một bà già đầu đội khăn xanh, vai đeo túi thổ cẩm, bán dứa và rau rua, thứ rau cải xanh ngon, ngọt nổi tiếng của người dân tộc Mông nơi đây. Một bà lão mặc áo đen với những dải khăn quấn hồng và xanh rực rỡ đang hướng dẫn cho anh khách dưới xuôi lên cách tra con dao Mẹo vào vỏ. Một đứa con nít gục gặc ngủ thiếp trên lưng người mẹ đang bận tay bán hàng. Lại có cả hàng cá, với những con cá biển ướp muối và những con cá chim to bằng bàn tay còn mặn mòi mùi biển cả được đưa về từ miền xuôi.



                                                               Mua thuốc tây



                                                                    Bán dao.

Nếu như bên ngoài là những sạp hàng nông sản thì phía trong chợ tập trung chủ yếu những mặt hàng nhu yếu phẩm như quần áo, giày dép, thuốc, dầu cao…  Bên cạnh là gian hàng ăn uống, với ông chủ phốp pháp người Lào không lúc nào ngơi tay quạt những con gà nhép, những con cá nướng thơm lừng trên bếp. Tiếng người chúc tụng, ăn uống xì xụp và làn khói bốc lên từ những bếp nướng khiến người ta không khỏi cồn cào.



                                                           Hàng thịt nướng.

Dừng lại hỏi mua một đĩa gà nướng và một đĩa xôi Lào, ông chủ nói tiếng Kinh trả lời với những thanh âm vui nhộn như bản chất người Lào ưa đàn nhạc, hát ca. “Bao nhiêu tiền? - 50 nghìn. - Tiền Lào hay tiền Việt? - Tiền Lào, nhưng trả bằng tiền Việt cũng được. - Thêm một đĩa xôi thì hết bao nhiêu tiền Việt? - Một trăm bảy mươi nghìn”.

Ngỏ ý muốn được phụ lại bằng tiền Lào làm kỉ niệm, ông chủ vui vẻ rút ra một xấp tiền cả Lào cả Việt, đưa cho chúng tôi mấy tờ tiền Lào mệnh giá khác nhau. Chợ biên này và ở mấy bản sát biên giới của Lào, người ta sử dụng cả tiền Lào và tiền Việt. Những người Lào Lùm và những người Mông Việt vốn là anh em, chỉ sống cách nhau một con khe, một ngọn núi, gần gũi đến độ văn hoá, ngôn ngữ, kinh tế hai bên biên giới gần như hoà trộn vào nhau, khăng khít như bánh dúa phỏ làm từ ngô nếp xay cối đá, bọc lá chuối hông lên của người Mông, ăn dẻo, dính và bùi.

Phiên chợ vùng biên không chỉ là dịp để người dân nơi đây trao đổi hàng hoá mà trở thành một ngày hội đầy màu sắc và âm thanh, cho con người chốn rừng núi phủ mây mù này được say trong tiếng hát, tiếng nhạc, trong men rượu Lào thơm nồng, trong khói thịt nướng trù phú và no ấm. Đổ về chợ biên không chỉ có bà con sinh sống sát biên giới mà còn có cả những đoàn khách Lào hay những người dân Mường Xén, Na Loi, Phà Đánh, Tà Cạ.

Đã thành thông lệ, cái thú uống rượu, ăn đồ nướng ở chợ biên là nét văn hoá đẹp, điểm thêm màu sắc cho cuộc sống của đồng bào vùng núi miền Tây. Trong tiếng nói cười râm ran ồn ã, giữa bạt ngàn sắc màu tươi vui của phiên chợ ấy, lại nhìn ra một khoảng lặng êm ả giữa màu rừng xanh hiền hoà. Rời khỏi phiên chợ của một vùng biên giới yên bình thắm tình hữu nghị, trong miệng chúng tôi còn ngòn ngọt vị nếp Lào...

Thục Anh

Đi chợ phiên xuyên quốc gia ở huyện vùng cao xa nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Khi sương còn chưa tan, đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú ... tại vùng biên Kỳ Sơn lại í ới gọi nhau, sắm sửa đi chợ. Phiên chợ đặc biệt ở bên kia cửa khẩu Nậm Cắn.
Chợ biên hay còn gọi là chợ Hữu Nghị, chợ Đoàn Kết, là một khu chợ đặc biệt nằm trên phần đất của bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Chợ biên được hình thành từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thương mại của 2 quốc gia. Ảnh: Thành Cường
Trước đây, chợ chỉ họp một tháng 2 lần vào các ngày 14 và 29 dương lịch. Để tăng cường giao lưu giữa hai nước, năm 2018, chính quyền hai tỉnh vùng biên Việt Nam và Lào đã tăng phiên chợ biên tới 4 lần/tháng, vào Chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Thành Cường
Hàng hóa ở đây rất phong phú: hàng Lào, Thái Lan, Việt Nam đều có. Ảnh: Đức Anh
Điều đặc biệt nhất ở khu chợ vùng biên chính là những sản vật được cư dân Kỳ Sơn và Noọng Hét thu hái từ chính vùng núi non kỳ vỹ này. Ảnh: Thành Cường
Bên cạnh đó là những món nướng đặc trưng ẩm thực của người Lào. Ảnh: Đức Anh
Các gian hàng ẩm thực ở đây nằm sát bên nhau, trên lò than, những miếng thịt quay xì xèo tỏa mùi thơm phức, níu chân thực khách giữa cái lạnh đầu mùa. Ảnh: Đức Anh
Ở chợ biên, người mua, kẻ bán có thể dùng cả tiền đồng Việt Nam và tiền kíp Lào. Ảnh: Đức Anh
Chợ phiên Nậm Cắn là nơi quy tụ muôn sắc về văn hóa của các đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ mú... Từ các sản vật ẩm thực cho đến trang phục hay đồ dùng vật dụng đều được bà con dân bản mang ra trao đổi, mua bán. Ảnh: Đức Anh
Không chỉ là hoạt động giao thương buôn bán, chợ biên còn là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt - Lào. Ảnh: Thành Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét