Chỉ với trên 1,6 triệu đồng trọn gói cho tour du lịch 2 ngày 1 đêm Hà Nội - Vân Hồ, du khách không những được trải nghiệm nét đặc sắc về truyền thống văn hóa đồng bào các dân tộc nơi đây mà còn được thăm quan, trải nghiệm các danh lam, thắng cảnh, trong đó có thác Tạt Nàng, ở bản Phụ Mẫu I, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ. Một dòng thác biểu tượng cho tình yêu thủy chung của người con gái Thái xinh đẹp nổi tiếng một vùng.
Nét đẹp thác nước Tạt Nàng, Vân Hồ.
Theo chỉ dẫn của lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ, để đến thác Tạt Nàng có thể đi bằng đường thủy hoặc đường bộ, tùy thuộc vào điểm xuất phát. Theo đó, khởi hành từ Hà Nội tới ngã ba Đồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình) rẽ tay phải đi theo quốc lộ 6 cũ khoảng 20 km là tới thác. Còn đi bằng đường thủy đến bến Suối Rút, huyện Mai Châu (Hòa Bình) rẽ tay phải, đi khoảng 18 km là tới thác. Nếu đi từ Sơn La theo quốc lộ 6 đến ngã ba rừng già, theo đường liên bản Nà Bai, bản Niên mất khoảng 30 phút đến bản Phụ Mẫu 1, xã Chiềng Yên (Vân Hồ). Tuyến đường liên xã, qua các bản đã được rải nhựa, bê tông hóa, khá thuận lợi cho du khách di chuyển cả 4 mùa trong năm.
Tại đây, chúng tôi tìm gặp già làng Vì Văn San. Ngôi nhà sàn truyền thống đơn sơ nằm ở giữa bản. Năm nay ông San 82 tuổi, giọng nói đôi khi bị ngắt quãng bởi cơn ho của tuổi già, nhưng câu chuyện về nguồn gốc thác Tạt Nàng được ông kể vẫn thật hấp dẫn và sâu lắng. Cụ bảo: Chiềng Yên ngày xưa vốn là vùng đất hoang vu, bạt ngàn cây cối. Chủ nhân của vùng đất là người Thái, Mường. Ngày đó, có một gia đình dân tộc Thái sinh được cô con gái đẹp người, đẹp nét, đến khi trưởng thành cô đem lòng yêu chàng trai làng bên. Từ đó, đôi trai gái thường hẹn hò bên thác nước, gửi gắm những lời hẹn ước cho tương lai. Lúc này, ở phương Bắc có giặc ngoại xâm đến quấy nhiễu, chàng trai tạm biệt người yêu lên đường. Sau ngày chia tay, cô gái trở về bản sớm hôm tần tảo ruộng vườn. Thời gian trôi đi hết ngày này, qua ngày khác nhưng chàng trai mãi không trở về, chiều nào cô gái cũng ra thác, xõa tóc xuống dòng nước ngóng chờ người yêu. Nhiều chàng trai trong bản đem lòng yêu thương, muốn lấy cô về làm vợ, nhưng cô nhất mực từ chối, một lòng chờ đợi người yêu trở về. Rồi bốn mùa rẫy trôi qua, một hôm, cô gái nhận được tin người yêu tử trận, nàng âm thầm ra thác nước ngồi khóc, không biết bao nhiêu ngày tháng trôi qua, cuối cùng, nàng hóa đá ngay bên dòng thác. Xúc động trước lòng thủy chung của cô gái, bà con dân bản đã đặt thác là thác Tạt Nàng hay thác Nàng tiên. Ngày nay, dòng thác trở thành nơi hò hẹn của biết bao đôi lứa, là nơi để những người muốn tìm được ý trung nhân đến để cầu nguyện.
Nghe xong câu chuyện về mối tình chung thủy của người con gái Thái, tôi tìm đến thác Tạt Nàng. Dọc hai bên đường, những ruộng lúa đang thì trổ bông, thỉnh thoảng những làn gió thổi qua thoang thoảng mang hương vị của cỏ cây, hoa lá, cảm nhận một vùng quê thật yên bình, trù phú. Nhìn từ xa, thác Tạt Nàng như bức tường nước khổng lồ, tung bọt nước trắng xoá tạo nên màn sương mờ lung linh, huyền ảo. Nước từ trên cao đổ xuống, reo vang trầm hùng, lan tỏa cả không gian rộng lớn của núi rừng. Giữa thác có dải mô đá rộng, phủ đầy cây đã xẻ dòng chảy thành 3 luồng nước, như ba dải lụa trắng.
Du khách đến với thác Tạt Nàng cũng đa dạng, từ bạn trẻ đam mê khám phá đến nhóm gia đình tìm đến vẻ đẹp thiên nhiên, rồi những nghệ sĩ nhiếp ảnh đến lấy cảm hứng sáng tác, ghi lại những bức ảnh đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Cùng hòa mình vào đoàn du lịch đến từ Hà Nội, tôi và du khách được hướng dẫn viên giới thiệu về ngọn thác. Làm quen với du khách tên là Huyền, Huyền cởi mở nói: Em và các bạn đều ở độ tuổi 9X đến từ Hà Nội, có cùng sở thích yêu thiên nhiên, thích khám phá. Trước khi tới đây, nhóm em đã đi thăm quan rừng thông bản Bó Nhàng, khu đồi chè bản Suối Lìn, khu chăn nuôi bò sữa, suối cá bản Bướt. Trước khi quyết định tham gia tour, em và nhóm bạn lên mạng để tìm hiểu qua về danh thắng thác Tạt Nàng. Nhưng khi đặt chân đến đây, ngọn thác đẹp hơn tưởng tượng. Huyền vừa nói vừa chỉ tay về phía cạnh thác: Chị nhìn xem, hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt, khu rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với những cây dây leo mọc đan xen nhau. Tiếng nước từ thác chảy ầm ì, hòa với tiếng chim hót tạo thành âm thanh của núi rừng. Một khung cảnh mà nơi phố thị không bao giờ có.
Cảm nhận của Huyền về thác Tạt Nàng cũng là cảm nhận chung của hầu hết thành viên trong đoàn. Đến thăm quan thác Tạt Nàng, du khách yêu thiên nhiên còn có thể thả bộ theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh, ngắm nhìn những gốc cây đại thụ hàng trăm năm tuổi, có bộ rễ ôm chặt những tảng đá lớn, hay chờ đợi hoàng hôn buông xuống để ngắm đàn dơi hàng ngàn con bay vào hang trú ẩn. Ngoài ra, xung quanh thác Tạt Nàng, còn có hệ thống các hang động đẹp với các nhũ đá do thời gian đã tạo thành những khung cảnh đẹp.
Chia tay Huyền và nhóm bạn trẻ còn tiếp tục hành trình trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp Vân Hồ, tôi trở về trung tâm huyện Vân Hồ. Qua trao đổi với ông Phạm Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Văn Hóa - Thông tin huyện, được biết: Năm 2016, thác Tạt Nàng được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Để phát huy tiềm năng du lịch danh thắng thác Tạt Nàng, huyện Vân Hồ đã giao cho UBND xã Chiềng Yên quản lý, khai thác. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo địa phương bảo tồn, phát huy các điểm du lịch suối khoáng, suối cá bản Bướt, khu du lịch cộng đồng các bản: Nà Bai, Phụ Mẫu 1, Phụ Mẫu 2 (xã Chiềng Yên). Đồng thời, cử đơn vị chức năng kết nối với khu du lịch Mai Châu (Hòa Bình), khu du lịch Mộc Châu, Thành phố Sơn La tạo ra những Tour du lịch thú vị để ngày một đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Thời điểm “vàng” để du khách tới thăm quan, trải nghiệm vẻ đẹp của danh thắng thác Tạt Nàng là vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm. Khi đó, dòng nước lớn đổ từ trên đỉnh núi xuống tạo thành 3 dòng thác như ba dải lụa mềm mại, nhất là những hôm trời nắng, làn hơi nước còn tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo như minh chứng cho mối tình bất tử của người con gái Thái xinh đẹp, thủy chung, mãi trường tồn với thời gian và trong đời sống tinh thần của người dân Chiềng Yên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét