Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã thể hiện khí tiết của mình bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Ảnh: Internet
Xuất phát từ tình cảm đối với một con người lịch sử, đã tạo nên lịch sử, khẳng định được tinh thần yêu nước, thể hiện khí phách anh hùng, tài năng quân sự hơn người cùng cái chết bất tử của một người anh hùng, nhân dân Nam bộ dành cho Nguyễn Trung Trực sự kính ngưỡng sâu sắc như một vị thần có công vì dân, vì nước - một vị thần do chính nhân dân phong tặng, tôn vinh và thờ phụng.
Cái chết bất tử của người anh hùng
Thất bại trước sự kiên gan của Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông về Rạch Giá xử chém vào ngày 27-10-1868 (nhằm ngày 12-9 năm Mậu Thìn). Tương truyền, ngày ông bị xử chém, dân chúng thương tiếc người anh hùng đã làm lễ tế tiễn ông dọc 2 bên đường. Trước khi hành quyết, Pháp hỏi ông có cần gì không, ông chỉ xin uống một trái dừa tươi và ngâm bài thơ tuyệt mệnh:
Theo việc binh nhung thuở trẻ trai/ Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất/ Thù hận chang chang chẳng đội trời.
(Thi sĩ Đông Hồ dịch)
Một hình ảnh thật bi tráng, đầy sức nặng của một thời “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”, thật sự là “anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”.
Hay tin Nguyễn Trung Trực hy sinh, Đức Cố Quản Trần Văn Thành - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Bảy Thưa (An Giang), tổ chức cho nghĩa quân tưởng niệm 3 ngày và lập hương án thờ phụng ở quân doanh.
Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực đã ca ngợi hai chiến công bất hủ và khí phách của người anh hùng:
Thua được ở chiến trường không cần bàn đến/ Chỉ nhớ người dân chài đã làm cột đá trong lúc sóng lở;
Lửa đỏ Vàm Nhựt Tảo vang động trời đất/ Gươm vung lên ở Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc;
Một buổi sáng phi thường nêu cao gương tiết nghĩa/ Không sợ báo đền Vua và cha mẹ không vẹn toàn;
Anh hùng cứng cổ tiếng thơm dài lâu/ Làm cho bọn chưa chết chịu sống cúi đầu thẹn chết được.
(Triệu Dương dịch)
Cụ Nghè Trương Gia Mô hết lời khen ngợi, tạm dịch:
Sợ thay người chài/ Hùng thay quốc sĩ/ Nhựt Tảo đốt thuyền/ Kiên Giang san lũy/Căm thù giết giặc/ Thề chết cũng cam/ Khói hương nghi ngút/Trung nghĩa rõ ràng.
Truyền thuyết rằng, lúc ra pháp trường đã xảy ra điều chưa từng có là tên đao phủ quỳ lạy xin lỗi ông, vì nghèo khó nên phải đi làm nghề chém mướn. Câu chuyện dù xuất phát từ lòng ngưỡng vọng, tôn kính ông như thần thánh của nhân dân nhưng toát lên thần thái, khí phách hiên ngang của Nguyễn Trung Trực nơi pháp trường. Trước khi đao phủ hành quyết, ông còn yêu cầu đừng bịt mắt...
Sanh vi tướng, tử vi thần
Những chiến công oanh liệt, hành động anh hùng của Nguyễn Trung Trực nơi pháp trường đã tạo nên ấn tượng sâu sắc với lòng cảm phục khôn cùng, sự kính ngưỡng sâu sắc trong lòng người dân Nam bộ, vốn quan niệm “sanh vi tướng, tử vi thần” ăn sâu trong tiềm thức, thần hóa và phụng thờ người có công vì dân, vì nước. Nhân dân tôn kính, tôn thờ ông như một vị thần để gửi gắm hy vọng trong cuộc sống tinh thần, hàng trăm năm nay kiêng gọi tên húy mà gọi bằng “Ông Nguyễn”, “Cụ Nguyễn”. Vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhân dân thêu dệt, sáng tạo ra truyền thuyết pha lẫn giữa đời thật và sự huyền hoặc nhuốm màu thần thánh, làm cho ông trở thành huyền thoại, có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân.
Xuất phát từ lòng biết ơn và công lao, việc phong thần cho vị anh hùng dân tộc (AHDT) là chuyện thường có ở thời phong kiến, nhưng những nghiên cứu gần đây còn cho thấy một Nguyễn Trung Trực biểu tượng của “trung hiếu vẹn toàn” rất phù hợp với tôn chỉ Tứ Ân Hiếu Nghĩa nên trở thành vị thần được phụng thờ trang trọng của Bửu Sơn Kỳ Hương. Phật giáo Hòa Hảo tôn phong ông là “Quan Thượng đẳng đại thần”.
Ngoài đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá là đình thần chính để hàng năm, cứ đến ngày lễ hội, người dân hành hương về đây dự lễ, chiêm bái với tâm niệm đóng góp tiền của, công sức vun bồi nơi thờ tự ông như là một bổn phận, trở thành lễ hội có tính chất tự nguyện cộng đồng cao nhất cả nước, đến nay chưa thể thống kê cơ sở thờ tự có phối thờ Nguyễn Trung Trực với thần Thành Hoàng Bổn Cảnh hoặc vị thần khác cũng như trong nhân dân. Riêng việc thờ tự Nguyễn Trung Trực là chính thần, bước đầu cho thấy có ở 6 tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long An với 24 nơi, trong đó Kiên Giang là 13 nơi và Long An là 2 nơi: Di tích Vàm Nhựt Tảo (Tân Trụ) và di tích Xóm Nghề (Bến Lức). Tuy nhiên, người viết được biết qua nghiên cứu điền dã, hiện còn một nơi phối thờ Nguyễn Trung Trực với thần Thành Hoàng Bổn Cảnh là tại đình thần ấp 1, xã Long Định, huyện Cần Đước, cúng cùng ngày Lễ Kỳ yên (15, 16 tháng Giêng). Đây là quê hương của Phó Quản cơ Huỳnh Khắc Nhượng - người cùng với Nguyễn Trung Trực chỉ huy đánh chìm tàu L’Espérance trên Vàm Nhựt Tảo (10/12/1861). Tình cảm của người dân dành cho AHDT Nguyễn Trung Trực thật vô cùng sâu đậm.
Sống mãi trong lòng nhân gian
Sự kính ngưỡng sâu sắc của người dân dành cho AHDT Nguyễn Trung Trực ngoài việc thờ cúng ở rất nhiều nơi là những truyền thuyết dân gian giàu chất huyền thoại gắn liền với những chiến công và tấm gương yêu nước, hy sinh oanh liệt của người anh hùng dân chài.
Dòng họ Nguyễn ở Xóm Nghề còn tương truyền câu chuyện về lời nguyền của Nguyễn Trung Trực lúc ra đi theo đuổi sự nghiệp chống giặc. Số là dòng họ làm nghề chài lưới ở Quy Nhơn nên có lệ cúng cầu ngư vào ngày mùng 10-3 âm lịch hàng năm. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (25/02/1861), Nguyễn Trung Trực đưa nghĩa quân trở về Tân An tiếp tục chống giặc, đã tổ chức khao binh, xuất quân tại nhà vào dịp cúng cầu ngư năm Tân Dậu. Hôm ấy, trước mọi người, ông khẳng khái bảo với gia đình rằng khi nào thắng Pháp mới về, gia đình có nhớ đến ông thì đến ngày mùng 10/3 hãy rót rượu cúng. Lệ này được dòng họ duy trì cho đến ngày nay.
Dù hiện nay vẫn nghiêng về việc nghĩa quân tiếp cận tàu L’Espérance là bằng cách ngụy trang làm ghe buôn xin giấy thông hành nhưng trong dân gian vẫn luôn tin rằng là một đám cưới giả mà Quản Lịch trong vai chú rể. Cùng lúc ấy, trên bờ, một trận đánh khác cũng được tổ chức tại chùa Ông (xã An Nhựt Tân), mời lính Tây đến dự đám hát bội và tiệc tùng để tiêu diệt khi có hiệu lệnh của người cầm chầu (Hương thân Hồ Quang Chiêu - con ông Hồ Văn Chương) theo quy ước phối hợp với cánh dưới sông. Phải chăng vì lòng yêu mến mà người đời luôn có xu hướng thi vị hóa chiến công của AHDT Nguyễn Trung Trực dù giữa chốn binh đao.
Giặc Pháp trả thù bằng cách đốt nhà, đốt chợ. Dân làng vùng lân cận như làng Đái Nhựt (nay thuộc xã Nhựt Ninh) cũng bị đốt, phải chạy vào phía trong, lập nên chợ Xóm Mới ngày nay. Người dân chài ở Xóm Nghề và làng Nhựt Tảo dọc theo sông Vàm Cỏ Đông đã sát cánh cùng Nguyễn Trung Trực trong nhiều trận chiến, cả trận chiến cuối cùng ở Kiên Giang mà tên làng Nhựt Tảo ở Rạch Giá là bằng chứng. Dù cần được kiểm chứng đầy đủ hơn nhưng tác giả trong lần gặp gỡ trao đổi với Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là ông Lê Hữu Phước (ngày 06/10/2018) được biết rằng, tại ấp 4 (người dân ở đây gọi là ấp Tư), còn xóm Nhựt Tảo và con kênh Nhựt Tảo (nay thuộc xã Thuận Hòa, xưa là Thuận Hưng, huyện Long Mỹ) là dấu vết của người dân Nhựt Tảo (Long An) bỏ chạy về đây.
Về Kiên Giang, chúng ta sẽ được nghe câu chuyện về đồng bào Tà Niên (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) đẫm lệ dệt chiếu bông nâng bước chân người anh hùng. Hay tin Nguyễn Trung Trực sẽ bị hành quyết, đồng bào Tà Niên - nơi có nhiều người tham gia nghĩa quân Nguyễn Trung Trực và nổi tiếng với nghề dệt chiếu, ngày đêm dệt những chiếc chiếu hoa để trải trên đường đi đưa cụ Nguyễn vào cõi thiên thu và cũng để đầu cụ không rơi xuống đất. Xưa, trên đường vua đi mới trải chiếu. Ở đây, lòng kính trọng của người dân đã vượt khỏi thường tình của tục lệ. Tương truyền, khi lưỡi đao của kẻ thù bổ xuống, máu từ cổ người anh hùng phun xuống mặt chiếu Tà Niên, đọng thành hình chữ Thọ. Thương nhớ cụ Nguyễn, người Tà Niên đã mang chiếc chiếu thấm máu người anh hùng về lưu thờ và cũng từ đây, nghề dệt chiếu hoa với chữ Thọ không thể thiếu ở làng chiếu Tà Niên được hình thành (dù nghề dệt chiếu ở đây có từ trước năm 1880). Đằng sau yếu tố huyền hoặc, thậm chí hoang đường của truyền thuyết, câu chuyện dân gian chiếu Tà Niên thấm máu người anh hùng vị quốc vong thân đầy chất bi tráng trong giờ khắc ra pháp trường hiển hiện sự yêu thương, lòng ngưỡng mộ, tôn kính sâu sắc của đồng bào với anh hùng Nguyễn Trung Trực: Chữ Thọ ở đây có ý nghĩa dù mất đi nhưng cụ sống mãi trong lòng nhân dân. Và phải chăng, có sự liên hệ nào hay không khi mà hai câu kết trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực của thà thơ Huỳnh Mẫn Đạt lại đầy xúc cảm về điều đó:
Anh hùng cương cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Hiện nay, tại đình Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang, có treo tấm chiếu mà người ta luôn cho là do dân làng Tà Niên dệt tiễn cụ Nguyễn tại pháp trường.
Đơn cử vài câu chuyện trong biết bao nhiêu truyền thuyết về ông để thấy rằng AHDT Nguyễn Trung Trực bất tử trong nhân gian. Cuộc đời, sự nghiệp với những chiến công oanh liệt và cái chết đầy dũng khí của AHDT Nguyễn Trung Trực trở nên chói lòa trong lịch sử, là biểu hiện cụ thể và sinh động nhất hình tượng người nông dân Việt Nam anh hùng mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu khắc họa hết sức đẹp đẽ và bi tráng trong áng văn bất hủ Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc... Đó là đại biểu ưu tú cho giai cấp nhận lấy sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc về sau này./.
ThS. Nguyễn Tấn Quốc