Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Chùa Hương Thủy

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Đại Trạch xã thời cổ có các thôn Tứ Kì, Ư Trì, tên nôm (Chằm Chỉ) là một làng có bề dày truyền thống lịch sử văn hiến và cách mạng, xưa thuộc tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là một trong 4 thôn thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Nằm trong khu vực vùng Dâu, Luy Lâu, nên từ xa xưa nơi đây nổi tiếng với hệ thống các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đền, đình, chùa, miếu. Chùa Đại Trạch có tên chữ là Hương Thủy tự, vốn là danh lam thắng tích được nhân dân xây dựng từ lâu đời, tọa lạc trên một khu đất đẹp ở giữa làng, không gian thoáng đãng, u tịch thâm nghiêm. Trải qua thời gian thiên nhiên, chiến tranh tàn phá, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được dáng vẻ bề thế trang nghiêm. Hiện chùa có kiến trúc hình chữ công, được tạo dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ 19), gồm một tòa Tiền đường 5 gian 2 chái, Thiêu hương 3 gian, Thượng điện 3 gian, bộ khung gỗ lim chắc khỏe, kết cấu kiểu chồng rường kẻ chuyền, lợp ngói mũi hài, tường gạch xung quanh.
Trên các bộ vì, bức cốn, con rường, bẩy hiên được chạm khắc tinh xảo nghệ thuật đề tài “Tứ linh, Tứ quý” hoa lá vân mây cách điệu. Cùng với giá trị kiến trúc, chùa Hương Thủy còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị của hai triều Lê - Nguyễn, như: Hệ thống tượng phật, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bia đá và các đồ thờ tự… Điều đặc biệt là ở đây còn bảo lưu được một bản thần tích bằng chữ Hán, viết trên nền giấy dó, phụng sao năm Khải Định 9 (1924). Nội dung bản ngọc phả tóm lược như sau:
Xưa ở thôn Xuân Lan, xã Phương Lan, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc có ông Nguyễn Thành, lấy bà Nguyễn Thị Nga, người xã Đại Trạch cùng huyện. Vợ chồng chung sống hòa hợp, nhưng trải qua hơn 20 năm mà vẫn chưa có con. Một hôm vào tiết mùa thu hai vợ chồng ngồi bàn chuyện cổ kim, nói rằng: Nhờ ơn trời phật nên gia đình được giàu có. Nhưng vợ chồng nay tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Nếu tán tài làm phúc thì sẽ sớm được toại nguyện. Từ đó ban phát tiền của, tìm những nơi danh lam cổ tự cầu đảo mong trời đất chứng cho. Một hôm mộng thấy một vị đại quan đầu đội mũ có hàng trăm ngôi sao, mình mặc hồng bào nghiêm trang phán rằng: Vợ chồng nhà ngươi có phúc, tấm lòng đã thấu đến tận thiên đình. Nay trên trời có vị tiên nữ tên Giáng Kiều, nên Ngọc Hoàng cho giáng thế vào làm con nhà ngươi, ngươi nên cẩn thận chớ có để lộ.
Mười hai tháng sau, đến ngày 12 tháng 4 sinh được một người con gái, môi son má phấn, mắt phượng mày ngài, người thường không thể sánh được, cha mẹ vui mừng, nhớ điềm báo mộng ngày trước, không dám đặt tên, thường gọi là Đệ Nhất Nương Tử. Năm 12 tuổi cha mẹ đều mất, nàng nương nhờ người dì ở xã Đại Trạch. Năm 14 tuổi dì muốn gả chồng cho nàng nhưng nàng không thuận. Từ đó cắt tóc xuất gia quy y đạo phật. Một hôm nghe nói ở chùa Phật Tích có một vị thiền sư đức hạnh hơn người, nàng bèn xin vào học đạo. Trải qua vài tháng đã tinh thông phật pháp, thiền sư rất quý mến, từ đó lấy hiệu là Pháp Thông.
Từ khi nàng học được đạo bèn trở về thôn Xuân Lan dựng một ngôi chùa ở tại thôn để ở, ngày đêm trai giới tụng niệm chân kinh. Thường hai quê Xuân Lan và Đại Trạch, nàng đều ban phát tiền của giúp đỡ nhân dân, nên được dân chúng quý như phụ mẫu. Vào ngày 15 tháng 8 năm đó nàng tắm gội sạch sẽ, thay đổi y phục đến trước án thắp hương tụng niệm chân kinh. Bấy giờ đang là mùa thu, bỗng có đám mây đen che trên đầu nàng. Trong khoảnh khắc trời đất gió mưa kinh hoàng rồi thấy nàng biến mất (năm ấy nàng 18 tuổi). Sáng ra dân thôn Xuân Lan đến chùa thấy nàng đã hóa, chỉ còn bộ y phục cũ, nhân dân và tăng ni cảm động công đức của bà, thu dọn khăn áo mai táng, đắp tượng và viết thần hiệu là: Pháp Thông Phật, phụng sự tại chùa. Lúc đó xã Đại Trạch nghe thấy việc này, nhớ đến công đức của bà cũng lập một ngôi chùa ở bên cạnh. Từ đó hai xã cùng thờ cúng, rất linh ứng, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, giúp nước giúp dân.
Đến thời Trần, Ô Mà Nhi đem quân đến xâm phạm nước ta. Vua Trần Thánh Tông cử Trần Hưng Đạo làm đại nguyên soái dấy binh dẹp giặc. Bấy giờ Hưng Đạo Vương lệnh cho con là Trần Hưng Hồng tiến theo hướng đạo Kinh Bắc. Khi qua chùa Xuân Lan, Hưng Hồng bèn hành lễ cúng tế cầu âm phù giúp nước đánh giặc, khi bình được giặc Nguyên, sẽ tâu triều đình ban tặng để biểu thị anh linh. Tế xong, bấy giờ trời đã tối, Hưng Hồng trú binh tại đó. Nửa đêm bỗng trong chùa sáng rực, hương thơm bát ngát, thấy một vị tiên nữ từ trên trời giáng xuống, mình mặc áo vàng đi thẳng vào ngồi trên điện nói rằng: Thiếp là Đại Thánh Pháp Thông Phật, được Ngọc Hoàng sai xuống cùng với Tứ Pháp làm thần cai quản nơi này. Nay quốc gia có giặc Nguyên xâm phạm, lệnh cho quan tiến đánh, thiếp xin hiển ứng để âm phù, nói xong, liền biến mất. Hưng Hồng liền bái tạ rồi cất binh đến thẳng đồn giặc, chém được danh tướng Ô Mã Nhi, khải hoàn về kinh. Vua Trần liền gia phong mỹ tự là: Đại Thánh Pháp Thông Phật. Lệnh cho các quan đón sắc về thôn, ban cho nhân dân 100 xâu tiền, đúc tượng vàng. Chuẩn cho xã Phương Lan và xã Đại Trạch cùng phụng sự.
Ngày 12 tháng 4 là ngày sinh, theo lệ nhân dân xã Đại Trạch trước 1 ngày phải làm 1 mâm cỗ chay đến chùa thôn Xuân Lan đón tượng phật về chùa của bản xã làm lễ cúng tế. Đến ngày 14 lại đón tượng phật về chùa thôn Xuân Lan tạ lễ.
Chùa Hương Thủy được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật. (Quyết định số 295/QĐ-BT, ngày 12 tháng 2 năm 1994).
Nguồn: Phạm Văn Thưởng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét