Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Mặn mòi cá thu một nắng Vân Đồn

Vị thơm ngon, đậm đà của cá thu một nắng là đặc sản của huyện đảo và cũng là món quà nhiều du khách lựa chọn khi đến Vân Đồn.
Tới Vân Đồn, chắc hẳn nhiều du khách sẽ ấn tượng về bữa cơm dân dã mà tuyệt ngon với bát canh cua biển và đĩa cá thu một nắng rán vàng, đậm đà. Với người dân biển Vân Đồn, cá thu một nắng còn được gọi là cá thu héo, đã trở thành món ăn truyền thống, món quà đặc trưng mang hương vị mặn mòi của biển.
Theo những ngư dân giàu kinh nghiệm ở xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), cá thu là một trong số các loài cá ngon của biển. Cá thu nhiều thịt, ít xương, thịt có vị ngọt, giá trị dinh dưỡng cao. Xưa kia, cá thu là món ăn dân dã, khi cá tươi dùng không hết nên mang phơi khô, để dành cho những ngày mưa bão, giá rét… Ngày nay, người dân sáng tạo ra cách phơi héo để giữ được hương vị thơm ngon của cá.
ff
Cá thu một nắng bọc trong túi nhựa, bảo quản đông lạnh.
Tuy nhiên, để có sản phẩm cá thu một nắng ngon cũng không đơn giản. Thông thường, cá thu được thu mua và chế biến quanh năm nhưng nhiều và ngon nhất là vào tháng 9, 10 âm lịch. Để có được cá thu ngon, phải hợp đồng thu mua từ các tàu đánh bắt cá ở các ngư trường lớn, như: Bạch Long Vỹ, Cô Tô… "Nhiều gia đình đã đặt cá thu của các tàu cá tuyến khơi để thu mua về chế biến. Bởi nguyên liệu tươi ngon đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Cá tươi, các bộ phận phải còn nguyên, không bị sứt sát; mang còn hồng, sờ thớ thịt căng, rắn chắc, không bị mềm. Ngon nhất vẫn là những mẻ cá thu được ngư dân săn, bắn bằng tên dưới biển. Cá đạt độ lớn ít nhất 3kg, tốt nhất là loại 5-6kg” - bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 15 xã Hạ Long), hộ chế biến cá nhiều kinh nghiệm cho hay.
Cá tươi đưa về bỏ hết mang và ruột cá, rửa thật sạch tiết cá, kể cả những màng đen có trong khoang bụng rồi ngâm qua nước muối, để ráo. Cá thu thường khá to nên khi chế biến phải dùng dao dài, sắc, thái chéo thân, độ dày khoảng 2-3cm, vừa đẹp thớ thịt vừa ngon mắt, rồi đưa đi phơi nắng. “Cách làm cá thu héo nói chung khá đơn giản. Tuy nhiên, để cá ngon có độ mặn vừa phải và mang hương vị đặc biệt thì không hề dễ. Nó phụ thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm của người làm. Phải ướp, ngâm dung dịch muối hòa với nước đun sôi để nguội sao cho khiến cá vừa săn chắc, đậm đà, vừa bảo quản được lâu. Phơi nắng cũng là một kỹ thuật đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, không phơi nắng quá to sẽ khiến cá chảy mỡ làm vàng thớ thịt, ảnh hưởng tới hương vị, màu sắc sản phẩm. Tốt nhất là phơi cá trên phên, lật sau vài tiếng phơi, dưới nắng vừa phải, có gió biển hoặc heo may, cá sẽ nhanh khô, không tanh mà vẫn giữ được màu đẹp, vị thơm ngon. Để đuổi ong, ruồi bâu, tránh mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả nhất là phết thêm dầu cải, ớt và gia vị khác” - bà Nguyễn Thị Thơm cho biết thêm.
faf
Kiểm tra trọng lượng sản phẩm
Cá thu khô được nhiều hộ dân ở xã Hạ Long nhiều năm gắn bó với biển, có nhiều kinh nghiệm trong việc chế biến, bảo quản các sản phẩm tự tay làm. Cá thu héo bảo quản lạnh có thể giữ được vài tháng, dễ dàng vận chuyển đi xa. Cá thu héo chế biến được nhiều món ngon như: Rán vàng, sốt... mà vẫn giữ được hương vị của cá tươi.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện hầu hết các sản phẩm cá thu héo của các hộ dân ở xã Hạ Long đều sản xuất theo hình thức thủ công, sản lượng chưa cao. Các hộ dân cũng tự sắm trang thiết bị, tự tiêu thụ, chủ yếu bán cho người quen biết...
Hà Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét