Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Sắc Xuân, vị Tết từ sản phẩm OCOP

Trong tiềm thức văn hoá bao đời của cha ông ta, Tết gắn liền với “bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ”. Những năm tháng khó khăn, gần nhất là thời bao cấp, những thực phẩm trên là niềm mơ ước của bao người. Ngày nay, bên cạnh những ẩm thực truyền thống, các gia đình ở Quảng Ninh còn có thêm nhiều lựa chọn từ các sản phẩm OCOP để mâm cỗ ngày Tết thêm nhiều hương vị, hay làm phong phú thêm gói quà gửi người thân nơi xa.
Bánh chưng tím, thơm nức hương vị Tết
Ngày Tết, đến với các địa phương miền Đông của Quảng Ninh, mọi người sẽ được thưởng thức một loại bánh chưng độc đáo, đó là bánh chưng cơm lông Hải Hà.
Bên cạnh bánh chưng vuông, bánh chưng cơm lông Hải Hà tạo lên hương vị, màu sắc riêng có cho mâm cỗ ngày Tết
Bánh chưng cơm lông Hải Hà tạo nên hương vị, màu sắc cho mâm cỗ ngày Tết.
Theo các cụ cao niên, bánh chưng cơm lông là sáng tạo của người dân Hải Hà từ xưa khi lá cơm lông được dùng thay cho đỗ xanh hiếm, khó tìm. Đây là thứ lá phổ biến ở địa phương, có vị bùi dễ chịu, còn là vị thuốc. Lá cơm lông xay nhuyễn được rắc xen kẽ giữa lớp gạo, thịt và lớp gạo trên cùng. Bánh gói chặt tay, nhiều lớp, để chỉ chín bằng hơi nước, luộc 9-12h để vị bùi, thơm của lá, gạo nếp nhuyễn cùng vị ngậy của thịt mỡ, tạo nên hương vị riêng có.
Đặc biệt, lá cơm lông khi nấu chín sẽ có màu đỏ tía bắt mắt, chuyển màu đỏ sẫm khi nguội. Từng khoanh bánh tròn bày lên mâm cỗ như phối màu sinh động cho bức tranh mâm cỗ ngày Tết.
Ngọt ngào Cam Vân Đồn
Những năm gần đây, nhiều người biết đến Vân Đồn là quê hương của giống cam quý, ra trái, chín vàng vào mùa xuân, trồng ở vùng đồi núi Vạn Yên, trên đảo Bản Sen. Đây là sản phẩm OCOP được công nhận năm 2015, lấy thương hiệu "Cam Vân Đồn".
v
Cam Vạn Yên vào mùa chín
Theo những lão nông giàu kinh nghiệm, cam Vạn Yên là giống cam bản địa, có từ lâu đời, được lưu giữ như món quà quý của tổ tiên. Gần đây, cam Vạn Yên lại được "chắp cánh" vươn xa khi được các chuyên gia Viện Công nghệ rau quả Trung ương áp dụng quy trình trồng theo hướng VietGAP.
Với cam Sen còn đặc biệt hơn bởi đây là giống cam có trái to, ngọt, thơm chỉ sống trên núi đá ở xã đảo Bản Sen. Những ưu đãi về thổ nhưỡng, vị mặn mòi của biển và kinh nghiệm chăm sóc của người dân địa phương, cam Sen cho những trái to, bề ngoài như cam Bố Hạ nhưng nhẵn, ngon, ngọt hơn. Mỗi khi xuân về, cam Sen đơm trái, chín chĩu cành. Trái to 3-5 quả/kg, cá biệt có quả 0,5kg. Khi chín, cam ngọt, nhiều nước, vàng như mật.
Khi mùa xuân về cũng là lúc các vựa cam Sen, Vạn Yên vào mùa, chín vàng rực rỡ trên các sườn đồi, núi. Thật tuyệt khi tham quan, du xuân ngắm cảnh và chọn những món quà ý nghĩa, đẹp mắt cho người thân.
Khau nhục - "bản hòa ca" của 36 loại gia vị
5.jpg
Khau nhục, món ăn tuyệt ngon từ thịt ba chỉ, tô điểm thêm cho hương vị ngày Tết.
Ngược về miền Đông để thưởng thức một món ăn đặc sản dịp Tết của người dân nơi đây, đó là khau nhục. Không biết món ăn này có từ bao giờ, chỉ biết những nghệ nhân khéo tay đã tiếp nhận và sáng tạo món ăn này từ người Hoa. Từ lâu, khau nhục trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày lễ, Tết của người miền Đông.
Khau nhục (hay khâu nhục) được chế biến cầu kỳ từ thịt ba chỉ ba tầng nạc, ba tầng mỡ của con lợn ngon, luộc chín, rồi xăm kỹ phần bì để loại bỏ mỡ, phết mật ong cho ngấm rồi rán vàng trong chảo mỡ. Nhân khau nhục quyết định hương vị món ăn, được chế biến công phu từ thịt nạc ngon băm nhỏ, mộc nhĩ, nấm hương, tỏi, ngũ vị hương, thảo quả, hạt sen, húng lìu...
Theo những nghệ nhân cao tuổi, đúng vị khau nhục phải có 36 loại gia vị phối trộn với nhau. Tùy theo vùng miền, nhiều nơi còn thêm gia giảm. Tất cả được cho vào xào với nước địa liền, rồi rải đều quanh các miếng thịt được thái đều, xếp ngửa trên bát, cho vào hấp. Sau khoảng 2-3h hấp kỹ lửa nhỏ, người ta chỉ việc úp ngửa bát tạo khuôn tròn đẹp mắt trên đĩa.
Khau nhục Tiên Yên có lẽ là một sản phẩm nổi tiếng được nhiều người biết tới nhất. Hiện huyện đã hoàn thành đăng ký nhãn mác, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cho khau nhục.
Ngoài các sản phẩm trên, ngày càng có nhiều nông, đặc sản của các địa phương trong tỉnh được khoác "tấm áo mới" trong chương trình OCOP như: Rượu bâu, Hoa lan (Hoành Bồ), Nếp cái hoa vàng (Đông Triều), Mực một nắng (Cô Tô)... Đây đều là những sản phẩm, những món quà quê thơm ngon, mang thêm nhiều hương sắc cho ngày Tết cổ truyền.
Hà Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét