Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Muối groach - Độc đáo hương vị núi rừng

Groach (còn gọi là cỏ thơm) được người Jrai xem là một đặc sản trời ban vì vị ngon, hương thơm độc đáo. Dù khi còn khó khăn hay lúc no đủ, bữa ăn có chén muối groach vẫn được người Jrai yêu thích.
Đặc sản từ rừng

Tại gian hàng đặc sản địa phương trưng bày ở lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 có một loại gia vị với mùi thơm rất đặc biệt níu kéo du khách thưởng thức, đó là muối groach. Người làm ra loại gia vị có sức quyến rũ kỳ lạ ấy là chị Rơ Châm July (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai). Cùng chúng tôi theo chân chị July về nhà để được tận mục sở thị cách chế biến loại thức chấm truyền thống của người Jrai này còn có anh Rmah Che-người chuyên cung cấp nguồn cỏ thơm ở tận huyện Chư Pưh.
Cỏ thơm là nguyên liệu chính của muối cỏ. Ảnh: Thủy Bình

Là người từng trực tiếp đi lấy cỏ thơm, anh Rmah Che cho biết: “Mình biết về loại cỏ này từ lúc còn nhỏ. Lúc đấy, cỏ thơm nhiều lắm, mọc đầy ở ven ruộng. Người Jrai thời đấy còn khổ lắm, có cỏ thơm làm muối chấm cơm độn, củ khoai, lá mì giúp dễ dàng vượt qua cơn đói. Ngoài làm muối tươi, người Jrai thường làm muối khô để dành ăn quanh năm”.

Cỏ thơm có rễ chùm như cây lúa, lá nhỏ như cây kim, dài chừng 30-60 cm. Cỏ sinh sôi, phát triển từ tháng 8 đến tháng 12 ở bờ ruộng, đầm lầy hoặc ven suối. Cỏ thơm khi già có hoa nhỏ li ti màu tím, hạt nhỏ, chỉ cần đi ngang đã ngửi thấy mùi thơm nhẹ. Muối cỏ thơm có thể chế biến lúc cỏ đang tươi hoặc lúc khô đều được. Theo chị July, sau khi lấy cỏ về, chị thường phơi khô, treo chúc phần ngọn cỏ xuống dưới để không bị ẩm mốc. Tất cả các thành phần của cỏ thơm đều có thể làm muối. “Mình không có bí quyết gì, quy trình làm muối đơn giản lắm, chỉ sợ không còn cỏ mà làm thôi”-chị July chia sẻ.

Nói rồi, chị lấy một nắm muối hạt rang kỹ, lá hlah yăo (một loại lá được người Jrai dùng thay thế cho bột ngọt), ớt trái địa phương (có vị cay nồng đặc trưng) và cỏ thơm cho vào một chiếc cối, trộn đều và giã nhỏ. Chỉ trong phút chốc, mùi hương của cỏ thơm như được đánh thức, quyện cùng các loại gia vị khác làm thành hương thơm khó tả, kích thích vị giác mạnh mẽ. Muối thành phẩm có vị cay nồng của ớt, vị ngọt của lá hlah yăo, vị mặn của muối biển và hương thơm khó trộn lẫn của cỏ. Muối groach có thể dùng với tất cả các loại đồ ăn và trái cây nhưng ngon nhất vẫn là thịt nướng và thịt gác bếp.

Gia đình của chị July, anh Che xem muối groach như một gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Mặc dù mâm cơm có cá thịt cũng không thể thiếu chén muối dân dã, đậm đà hương vị này. Và để minh chứng, chị July đã đãi chúng tôi món thịt heo gác bếp chấm muối cỏ thơm. Miếng thịt heo gác bếp nướng qua than, xé nhỏ thành các sợi thịt mềm, ngọt; dĩa muối cỏ thơm được vắt thêm một ít chanh. Đưa miếng thịt chấm muối cỏ vào miệng, chậm rãi thưởng thức, ta cảm nhận được bao nhiêu là hương vị đậm đà khó quên.

Cỏ thơm hiếm dần
Chị Rơ Châm July giới thiệu các bước làm muối cỏ thơm. Ảnh: Thủy Bình

Muối cỏ thơm hiện rất được mọi người ưa chuộng. Minh chứng là tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018, chị July đã bán được hàng chục lọ muối cho du khách. Mỗi lọ muối 100 gram, chị bán với giá 35.000-40.000 đồng. Không chỉ bán trong dịp lễ hội mà hàng tuần, chị July đều làm muối groach để giao cho khách, nhiều lúc không có hàng để giao, phải đợi nguồn cỏ từ anh Rmah Che gửi lên. Là khách hàng quen thuộc, thường xuyên mua muối cỏ thơm để dùng, chị Siu HIn-giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) nhận xét: “Muối cỏ thơm mình đã ăn từ thuở bé, đến giờ vẫn ghiền. Đây còn là một món quà quý mà mình thường mua tặng bạn bè”.

Để có đủ lượng nguyên liệu cung ứng, ngoài thời gian đi lấy cỏ, anh Rmah Che cũng thu mua cỏ thơm của người dân với giá khá cao. Nhờ thế, người dân trong làng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. “Cỏ thơm hiện chỉ mọc những nơi cách xa nơi ở của con người. Những chỗ cỏ hay mọc trước đây bị nhiễm thuốc trừ sâu thì tuyệt nhiên không mọc lại. Hiện nay, chúng chỉ còn xuất hiện rải rác ở các vùng xa xôi của huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Pa”-anh Rmah Che cho biết.

Quen thuộc, gắn bó với cỏ thơm, chị July, anh Rmah Che đều rất tâm huyết với việc gìn giữ và lưu truyền cách làm loại muối đặc trưng này của người Jrai. Chị July cho biết: “Các nhà hàng ở TP. Pleiku có đặt đơn hàng muối groach nhưng mình không nhận vì loại muối này không có thường xuyên, do cỏ thơm ngày càng ít đi. Mình cũng đã thử lấy hạt cỏ thơm để trồng ở những vùng trũng, có nước hoặc sát bờ ruộng nhưng không thể nhân giống. Mình lo rằng, món muối cỏ này có thể sẽ biến mất. Đây là điều mình trăn trở suốt thời gian qua”.
Theo baogialai.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét