YBĐT - Không chỉ nổi tiếng với đá quý và những di tích, danh lam thắng cảnh, Lục Yên còn được biết đến với nhiều món ngon đặc sản nổi tiếng như vịt bầu Lâm Thượng, gà trống thiến, cá bỗng...
Vịt bầu Lục Yên thịt chắc, thơm ngon.
|
Từ thị trấn Yên Thế vượt hơn 15 km qua xã Yên Thắng, Mai Sơn là đến xã Lâm Thượng - nơi được coi là quê hương, nguồn gốc sản sinh ra nhiều sản vật nổi tiếng của huyện Lục Yên. Lâm Thượng những ngày này nhộn nhịp người vào ra, các thương lái và người dân cùng trao đổi mua bán thực phẩm phục vụ thị trường tết. Chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Vinh Dự ở thôn Bản Khéo là hộ chăn nuôi giỏi trên địa bàn.
Ngay trước ao nhà, đàn vịt bầu đang thả sức bơi lội, ông Dự phấn khởi bảo: "Thương lái đã đặt mua hết rồi đấy cô ạ! Loại vịt này hiếm lắm, chỉ có ở đây nuôi và cũng chỉ nuôi ở đây thịt mới ngon". Mà chẳng phải chỉ có giống vịt bầu nức tiếng ấy, ông Dự tiết lộ dưới ao còn đến vài tạ cá bỗng đặc sản. Còn phía sau nhà là khoảng vườn rộng gia đình ông dành trọn để nuôi gà, trong đó có đàn gà trống thiến lông óng mượt đang đến độ xuất bán.
Hôm ấy cũng là ngày sum họp cuối năm của gia đình ông Dự, con cháu về đông đủ, gia đình làm mâm cơm dâng lên ông bà, tổ tiên. Ông Dự bảo, ngày tết ở đây không thể thiếu ba món sản vật quê hương đó là: cá bỗng, gà trống thiến và vịt bầu hấp. Cùng ra vườn bắt chú gà thiến về làm thịt, ông Dự kể cho tôi nghe việc nuôi gà thiến mất rất nhiều thời gian. Thông thường, phải sau khi thiến gần một năm thì gà mới ngon thịt. Gà trống thiến là giống gà ta địa phương, được nuôi bằng ngô, sắn không ăn thức ăn công nghiệp.
Tay cầm con gà trống thiến vừa bắt, ông nói: "Một con gà trống thiến ngon là phải có chân, lông vàng óng, cựa dài tối thiểu từ 0,5cm trở lên”.
Mải trò chuyện, con gà trống thiến đã được người con trai ông Dự làm sạch từ lúc nào. Sau khi để ráo nước, gà được cho vào nồi nước lạnh vừa đủ ngập rồi đun lửa tới sôi lăn tăn, lửa luôn được giữ vừa đủ không để nước sôi sùng sục. Người con trai ông Dự giải thích, như vậy gà sẽ chín vừa tới, mềm, thơm, không bị nứt da. Khi luộc gà còn cho thêm 1 ít muối, 1 củ gừng, 1 củ hành nướng đã được đập dập để tăng thêm hương vị đậm đà, thơm ngon. Không như gà, công đoạn làm thịt vịt bầu có vẻ vất vả hơn.
Ông Dự vừa thoăn thoắt vặt lông vịt vừa giới thiệu: "Vịt bầu ngon nhất là chế biến món hấp, để giữ được hương vị ngọt, đậm đà của vịt thì khi mổ cũng phải mổ moi. Ngoài ra, vịt còn có thể chế biến các món luộc, om mẻ, hay om măng cũng rất ngon".
Con vịt được làm sạch cũng là lúc các loại gia vị như hành, tỏi, giềng, ớt, xả đã được chuẩn bị sẵn để tẩm ướp vịt. Vịt hấp được cho vào nồi xôi, nguyên tắc khi hấp cũng không được để lửa quá to, tầm 40 - 50 phút thì được. Ông Dự cũng lưu ý, gà thiến luộc và vịt bầu hấp xong phải để róc nước và bớt nóng thì khi chặt miếng mới ngon, đẹp mắt.
Riêng với cá bỗng, loại cá đặc sản có tiếng ở Lục Yên, gia chủ chỉ bắt làm thịt khi có công việc lớn trong gia đình hoặc đón tiếp khách quý. Cá bỗng chế biến được rất nhiều món ngon như: nấu canh chua, nướng, làm gỏi hoặc nộm, đặc biệt, vẩy cá có thể chiên giòn trở thành món nhắm mà cánh đàn ông thích nhất khi nhâm nhi cùng chút rượu cay nồng... Công đoạn chế biến cá bỗng cũng thật cầu kỳ từ đánh vẩy, lột bỏ da rồi lại lọc xương.
Ông Dự giải thích thêm, với công đoạn lột bỏ da cá thì phải dùng cật tre cuộn theo da cá để lột mà phải là người có bàn tay chắc, khỏe và khéo léo. Có rất nhiều món được chế biến từ cá bỗng nhưng với những người sành ăn thì nộm cá bỗng là món ngon nhất. Sau khi cá được lọc lấy phần thịt trắng phải lấy giấy bản thấm khô, thái lát mới mỏng, cho vào ngâm 10 phút trong nước cốt chanh và giềng đã được giã nhỏ. Chanh sẽ làm thịt cá chín, còn giềng loại bỏ mùi tanh, tạo vị thơm ngon cho cá. Đồng thời, xương cá được băm nhỏ, rang vàng, có tác dụng như thính, tạo mùi thơm, vị bùi và hút nước cho món nộm.
Sau gần hai tiếng đồng hồ, mâm cơm ngày cuối năm đã được chuẩn bị chu đáo. Bên bếp lửa, ánh than hồng xua tan cái lạnh, ngồi nhâm nhi chén rượu được ủ bằng men lá cay nồng, ăn một miếng vẩy cá chiên giòn rụm, thưởng thức các món ăn tuy quen mà lạ bởi nguồn thực phẩm đặc biệt, hương vị đặc biệt, bởi cách chế biến và bởi cả tình người ấm áp nơi đây.
Tạm biệt vùng đất Ngọc trong chiều cuối năm, đâu đó cánh đào thắm điểm tô giữa nền trời xanh, cây cối đâm chồi nảy lộc dưới làn gió khẽ đung đưa như vẫy tay gửi lời chào, lời mời trở lại một ngày hội xuân gần nhất. Câu ca trong bài hát "Yêu lắm Lục Yên quê mình" cứ mãi ngân nga:
"Đưa anh về bản em vui hát trong hội xuân
Đưa em về bản anh nâng chén rượu quê mình
Nhà sàn anh bên suối khúc khích tiếng trẻ thơ
Bên thềm nhà cỏ hoa hát ca đón bước em
Lục Yên mình đẹp như bức tranh trong nắng xuân…"
Lê Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét