Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Cá chai một nắng Cô Tô

Nạc thịt, giữ được vị thơm ngon, màu trắng hồng đặc trưng, cá chai một nắng Cô Tô là món ăn được nhiều thực khách yêu thích. Đây là sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện Cô Tô.
Đánh giá về sản phẩm này, ông Bùi Thế Tuân, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp (huyện Cô Tô), cho biết: Hải sản vùng biển Cô Tô rất phong phú và có hương vị thơm ngon rất riêng so với vùng biển khác. Đây là lợi thế để Cô Tô chế biến hải sản thành các sản phẩm đặc trưng. Từ trước tới nay, cá chai thường được người dân Cô Tô dùng tươi, chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Du khách khi đến Cô Tô cũng rất yêu thích các món ăn chế biến từ loại hải sản này.
Kiểm tra chất lượng, trọng lượng sản phẩm cá chai một nắng trước khi bán ra thị trường ở cơ sở sản xuất Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô).
Kiểm tra chất lượng, trọng lượng sản phẩm cá chai một nắng trước khi bán ra thị trường ở cơ sở sản xuất Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô).
Chị Phạm Thị Măng, khu 4, thị trấn Cô Tô - cơ sở có kinh nghiệm chế biến cá chai, chia sẻ: Với sự ưu ái, yêu thích của du khách, để bảo quản được cá tốt hơn mà lại lưu giữ được hương vị tự nhiên, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng chế biến sản phẩm cá chai một nắng. Du khách có thể dễ dàng mua về, vận chuyển đi xa làm quà tặng cho người nhà khi du lịch tới đảo.
Năm 2017, chị Măng bắt tay vào nghiên cứu quy trình chế biến, đặt nguồn nguyên liệu, thực hiện ý tưởng này. Để đảm bảo có sản phẩm ngon, đạt tiêu chuẩn, khâu lựa chọn nguyên liệu được chú trọng hàng đầu. Nguồn nguyên liệu phong phú là một trong những lợi thế khi chế biến cá chai một nắng.
Cá chai thường có rải rác quanh năm nhưng sản lượng lớn nhất là vụ cá tháng 4-5 âm lịch và vụ cá cuối năm, từ tháng 9-10 âm lịch. Đây cũng là những thời điểm cá nhiều, thịt béo, thơm ngon nhất trong năm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi ngon, gia đình chị Măng đã hợp đồng với các tàu đánh bắt, hướng dẫn chủ tàu chọn, bảo quản cá từ khi cá được đánh bắt đưa lên tàu. Vì thế, cá vào bờ sau chuyến đi biển được đảm bảo tươi ngon.
Cá chai tươi. Ảnh Internet
Cá chai tươi. Ảnh Internet
Cá được chọn chế biến phải là cá đạt trọng lượng nhất định, khoảng 20 con/kg, còn tươi, chắc thịt. Sau đó cá được đánh vẩy, bỏ ruột, rửa sạch bằng nước muối. Thợ lành nghề lựa những con cá béo, dày mình, dùng dao sắc, nhọn lọc dọc thân cá lấy phần thịt cá, bỏ xương và đầu. Cá được đem đi sấy hoặc phơi trên giàn inox đủ nắng. “Để giữ được vị tươi, ngon của cá, cần ướp và phơi đúng cách. Muối được dùng để ướp, ngâm cá phải là loại muối đã già, có độ tuổi khoảng 3 năm, đã hết độ chát, gắt. Cá được ngâm ở nồng độ nhất định, trong thời gian ngắn. Quan trọng nhất, cá được phơi dưới nắng vừa phải, có gió biển để nhanh khô, bề mặt se lại, cho tới khi trọng lượng cá giảm khoảng một nửa. Bằng kinh nghiệm và qua kết quả kiểm tra, cá đạt khoảng 45% độ ẩm là ngon và giữ được hương vị tốt nhất” - chị Phạm Thị Măng chia sẻ.
Nhờ quy trình chế biến hoàn toàn tự nhiên, kết hợp với điều kiện nắng, gió biển Cô Tô đã khiến sản phẩm cá chai giữ được màu trắng hồng, thớ nạc, ngon mắt, hương vị thơm ngon, chắc thịt.
Hà Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét