Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Chè bà Chăn

Mỗi vùng miền đều có những đặc trưng ẩm thực riêng. Chè bà Chăn, tên gọi thân thương của hàng chè ngọt lành gần 40 năm tuổi, nức tiếng ở TP Uông Bí đã in đậm trong ký ức nhiều người dân, du khách.
Bà Chăn năm nay đã 77 tuổi, gia đình bà sống ở khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh, TP Uông Bí. Bà bắt đầu bán chè từ năm 1981, đến nay gánh chè của bà Chăn đã gần 40 năm tuổi. Không hàng quán, không biển hiệu, gánh chè của bà chỉ vỏn vẹn vài nồi chè với mấy món quen thuộc như chè đỗ đen, chè đỗ xanh, chè trôi…. Vậy mà đối với nhiều người, gánh chè của bà như là cả một “thiên đường” ngọt lành đầy màu sắc. Những cốc chè đỗ đen mát lịm hay bát chè trôi dẻo bùi chính là những thức quà chiều đáng nhớ. Điều đặc biệt ở chè của bà Chăn chính là sự khác biệt trong chế biến. Chè của bà là sự đúc kết hàng chục năm kinh nghiệm, sự sáng tạo trong chế biến và sự chỉn chu, sạch sẽ... làm xiêu lòng khách. 
à
Bà Chăn kiểm tra kỹ bột và các nguyên liệu trước khi chế biến chè.
Khi còn nhỏ, chè của bà Chăn là món ăn ngon, có khi là phần thưởng của bố mẹ cho tôi khi được điểm 10. Những lúc ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ lựa chọn món chè đặc biệt nhất của bà, đó là chè loọc xoòng. Món chè có cái tên rất lạ với vị ngon tuyệt vời! Chè loọc xoòng là món chè có xuất xứ từ Thái Lan mà bà Chăn đã học được và sáng tạo thêm từ nguyên liệu có sẵn ở vùng quê Uông Bí: Gạo tẻ mộc toàn và dừa bánh tẻ ở địa phương. Chỉ từ hai nguyên liệu đơn giản là gạo tẻ và cốt dừa, dưới bàn tay chế biến của bà đã thành món quà vặt hấp dẫn. Gạo ngâm vừa đủ mềm, đem xay thành bột nước rồi nấu chín. Khi bột gạo đã chín thì được đổ vào khuôn để ép thành những sợi dài như sợi bún. Để tránh cho loọc xoòng không bị dính vào nhau, những phần bánh gạo sau khi luộc chín để nguội sẽ được ướp cùng với nước cốt dừa loãng gọi là nước dảo. Khi ăn cho loọc xoòng vào cốc, thêm đá vụn và chan nước cốt dừa cùng siro đường.
fg
Món chè chè loọc xoòng quán bà Chăn thoạt nhìn đơn giản nhưng chế biến cầu kỳ và hương vị tuyệt ngon
Nguyên liệu và cách nấu món chè loọc xoòng khá đơn giản nhưng để làm được chuẩn vị lại phải rất kỳ công. Bởi nấu bột gạo ra sao để không bị khê, sợi loọc xoòng vừa bóng, vừa dai nhưng vẫn tan trong miệng khi ăn? Tất cả những bí quyết ấy đã được bà Chăn chắt lọc trong mấy chục năm nấu chè. Nước cốt dừa để ăn kèm với chè cũng là một bí quyết của bà Chăn. Bà kiên quyết không dùng nước cốt dừa đóng lon vừa rẻ vừa tiện lợi mà phải tự tay chọn những quả dừa bánh tẻ để vắt lấy nước cốt tươi. Chè loọc xoòng có sự cân bằng giữa vị ngọt của đường, vị béo của cốt dừa, vị mát lành của của gạo. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nguyên liệu dưới bàn tay khéo léo của người nấu tạo nên món ăn vặt thanh thuần mà rất đã miệng, ăn nhiều cũng không thấy ngán.
Sau chừng ấy năm, món chè loọc xoòng của bà đã nức tiếng và được nhiều người đến học nấu. Nhờ đó có nhiều sáng tạo thú vị, nhiều quán thêm xôi vò hoặc ăn kèm với nhiều loại chè khác hay những loại thạch nhiều màu sắc.
Chúng tôi đã từng thử qua rất nhiều “phiên bản” của chè loọc xoòng, tôi thấy rằng mọi cải biến cho vừa với khẩu vị của thực khách đều là hợp lý. Nhưng tôi cũng tin chắc rằng, hương vị của món chè loọc xoòng truyền thống vẫn sẽ là một ký ức khó quên đối với nhiều người dân Uông Bí. Và chè của bà Chăn vẫn là món ngon đặc biệt nhất trong ký ức nhiều người.
Huyền Trang (CTV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét