Mọi người thường mua thịt mỡ về rán lấy mỡ, tóp mỡ bỏ đi. Nhưng người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu lại biến thịt mỡ thành món ngon, dễ ăn khi kho với gừng. Thịt mỡ kho gừng trở thành món không thể thiếu trong các bữa cỗ của người Dao Thanh Phán.
Thịt mỡ kho gừng không bắt mắt nhưng cực kì hấp dẫn, thơm ngon. |
Tôi nhớ mãi lần đầu được thưởng thức món thịt mỡ kho gừng. Lần đó, tôi nhận lời mời dự cỗ nhà mới của gia đình anh Phùn Dảu Thống (thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm, Bình Liêu). Trong những món ăn chính trên mâm cỗ có món thịt mỡ kho gừng. Vốn không mấy thích thú với những món chế biến từ thịt, đặc biệt là thịt mỡ nhưng bát thịt mỡ kho gừng trên mâm lại gây ấn tượng và lạ mắt nhất đối với tôi từ trước tới nay.
Nhìn những miếng thịt to bằng 2 ngón tay khiến tôi cũng như những người khách từ nơi khác đến không khỏi tò mò. Thấy tôi thắc mắc, bác Phùn Cắm Và - người dân tộc Dao Thanh Phán, đã gần 80 tuổi, ngồi cùng bàn giải thích: “Nhìn nó béo và trắng vậy thôi, chứ nó được ninh mấy tiềng đồng hồ mới lấy ra để ăn nên không béo như cháu nghĩ đâu. Nếu cháu đến đây ăn cỗ mà chưa được ăn miếng thịt mỡ nào thì coi như chưa được ăn cỗ của người Dao Thanh Phán. Miếng thịt càng mỡ, không dính tí nạc nào càng ngon cháu ạ”. Quả thật, khi ăn một miếng rồi, khách lạ như tôi lại muốn ăn thêm miếng nữa vì món ăn có một vị rất đặc biệt. Cũng theo bác Phùn Cắm Và, để nấu món ăn này đòi hỏi sự kỳ công, ngoài chọn được những miếng thịt vừa dày, vừa mỡ thì cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu như thịt, rượu, gừng, muối... với nhau.
Theo đó, sau khi được chọn kĩ lưỡng, thịt mỡ được đem về cạo sạch bì, rửa sạch và thái miếng bằng 2 đến 3 ngón tay. Gừng rửa sạch, giã nhỏ sau đó cho gừng, muối và rượu vào chảo, đậy vung lại rồi đun sôi khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó cho thịt béo đã thái vào chảo đun thêm 1 giờ nữa mới đem ra ăn. Một điểm đặc biệt là người Dao Thanh Phán nấu cỗ, cứ 80kg thịt mỡ sẽ cho khoảng 6,5kg muối, 15kg gừng, 10 lít rượu vào món ăn. Có lẽ đây chính là bí quyết để món ăn đạt được độ đậm đà và hương vị thơm ngon nhất.
Thịt béo kho gừng, một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu. |
Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao thì những món ăn giản dị dần trở thành đặc sản, là những hương vị mới lạ mà nhiều thực khách muốn được trải nghiệm. Món thịt mỡ kho gừng của người Dao Thanh Phán cũng vậy, nó đã trở thành món ăn độc đáo, lạ miệng mà mỗi du khách khi đến trải nghiệm cuộc sống của người Dao Thanh Phán nơi đây nên một lần nếm thử. Từng miếng thịt ngậy ngậy, nhưng lại không gây cảm giác béo, khi thưởng thức đem lại vị đậm đà, dậy hương thơm của rượu, gừng, vị cay cay nơi đầu lưỡi cân bằng, giảm được độ ngấy mà nếu đã được thưởng thức, bạn sẽ nhỡ mãi.
Hoàng Gái (Trungtâm TT&VH BìnhLiêu)
Vài nét về ẩm thực của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu
.
Ở Bình Liêu, người Dao Thanh Phán cư trú nhiều ở xã Đồng Văn. Họ thường ăn hai bữa chính trong ngày và một bữa phụ vào buổi sáng. Trong bữa ăn, đồng bào ăn cơm tẻ là chính và thỉnh thoảng ăn ngô thay cơm, bên cạnh cơm lúc nào cũng có một nồi cháo hoa để ăn kèm.
Thức ăn hàng ngày chủ yếu của người Dao Thanh Phán là rau, măng, bầu, bí, mướp, dưa .v.v. Với nhiều loại rau xanh, đồng bào có thể ăn tươi, xào, nấu canh hoặc đem muối dự trữ. Đồng bào ưa xào rau với mỡ động vật, đó cũng là một cách cung cấp calo cho cơ thể chống chọi với cái lạnh của mùa đông vùng núi.
Nếu phải lấy thức ăn đi theo lên nương, đồng bào thường xào với măng chua, làm như vậy thức ăn sẽ không bị ôi thiu trong tiết trời nóng.
Trước đây, do đường xá đi lại khó khăn, nhà cách xa trung tâm chợ nên đồng bào Dao Thanh Phán có nhiều cách để chế biến thức ăn dự trữ như thịt thính, thịt sấy khô, mắm thịt, mắm cá, thịt ướp chua.
Các món ăn của đồng bào Dao Thanh Phán được chế biến không chỉ có vai trò để ăn no mà còn có công dụng như bài thuốc. Một số món ăn được đồng bào chế biến cầu kì, tốn nhiều công sức, thời gian như: Thịt lợn nấu gừng, gà nấu rượu. Các món này có gia vị chính là gừng, đổ rượu ngập và đun liu riu trên bếp củi cho nhừ. Ăn thịt, đồng thời uống canh gà có gừng sẽ có tác dụng làm ấm cơ thể, khí huyết được thông.
Về bánh, ẩm thực của đồng bào Dao Thanh Phán có bánh chưng, bánh đường, bánh gio, xôi ngũ sắc với nguyên liệu chính là gạo nếp, còn những màu sắc đều được chế biến từ các loại cây, cỏ trong vườn, trên núi.
Hỗ trợ cho việc sử dụng lương thực là các cây có củ với nhiều loại như sắn, khoai sọ, khoai lang, trồng ở các nương đồi.
Đồ uống hàng ngày được đun từ các loại lá, rễ cây rừng, có loại ngọt, có loại hơi chát, màu đỏ hoặc màu vàng, sử dụng loại nước uống này rất tốt cho sức khỏe (thanh lọc thận, mát gan, thanh nhiệt). Người Dao Thanh Phán uống rượu sắn, rượu gạo, rượu ngô, rượu khoai lang, rượu đao ủ bằng men thảo dược, rượu ngâm chuối rừng, dứa dại, các loại rễ cây dược liệu.
Ngày nay, đồ ăn công nghiệp đã và đang chi phối nhiều bữa ăn hàng ngày ở các thành phố. Hãy thử một lần rời bỏ những hối hả, bận rộn của công việc để đến với bản người Dao Thanh Phán ở Đồng Văn, Bình Liêu để cảm nhận một cuộc sống thật chậm, tự mình chuẩn bị một bữa ăn với những nguyên liệu có sẵn trong vườn, ven rừng. Thưởng thức một bữa ăn thường ngày của đồng bào để cảm nhận sự mộc mạc đơn sơ, cảm nhận vị ngon và lành đã tạo nên sức sống bền bỉ cho những người con của núi.
Tô Đình Hiệu
(Trung tâm TTVH huyện Bình Liêu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét