Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Đền thờ Đức ông Hoàng Cần Thêm một điểm du lịch văn hoá, tâm linh ở Tiên Yên

Di tích lịch sử đền thờ Đức ông Hoàng Cần nằm ở thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí có ghi lại, Hoàng Cần là người địa phương, có công dẹp giặc giữ yên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Ông được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế, triều đình nhà Nguyễn phong tặng chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh thành hoàng. Nhân dân địa phương cũng kính trọng gọi ông là Đại Vương (ông quan to) và lập đền thờ cúng, còn gọi là miếu Đại Vương.
Đền thờ Đức ông Hoàng Cần tại thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.
Đền thờ Đức ông Hoàng Cần tại thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.
Đền thờ Đức ông Hoàng Cần quay hướng Đông Nam (hướng Nam là chính); kiến trúc kiểu chữ nhất (đại đường và hiên) có 3 gian, hai hồi bít đốc, tường xây gạch đỏ, mái xuôi lợp ngói tây, bộ vì kèo kết cấu bê tông chèn gạch. Gian chính của đền thờ Khâm Sai Tiết Chế Hoàng Cần. Gian phải của đền đặt ban thờ Tam toà Thánh Mẫu và ban thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Chúc, 70 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, đền thờ Đức ông Hoàng Cần được xây dựng chính thức từ năm nào thì đến nay dân trong vùng không ai biết chính xác, nhưng lưu truyền trong nhân dân thì đền được xây dựng vào đầu thời Nguyễn. Do trước đây nhân dân trong xã phải vào Cẩm Phả để thắp hương cúng lễ Đức ông Hoàng Cần, để tiện cho việc thờ cúng vào đầu thời Nguyễn, nhân dân xã Hải Lạng đã lập nên ngôi đền này. Lúc đầu đền chỉ là một am thờ nhỏ được làm bằng tranh tre nứa lá. Đến cuối thế kỷ 19, đền mới được xây dựng bằng gạch và lợp ngói âm dương. Trong những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ đang trong thời kỳ ác liệt nhất, một đơn vị bộ đội xăng dầu đã lấy đền làm trụ sở đóng quân để xây dựng đường ống xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Do những thăng trầm của lịch sử, trong một thời gian dài ngôi đền không được quan tâm, tu sửa và bảo quản. Năm 2012, chính quyền, nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm đã đóng góp nhân lực, vật lực tôn tạo lại ngôi đền thờ như hiện nay nhằm thể hiện lòng tri ân những bậc tiền nhân có công với dân, với nước.
Hàng năm, vào 15 tháng Giêng, nhân dân trong vùng tổ chức ngày lễ chính tại đền thờ Đức ông Hoàng Cần. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ, tri ân những ngày tháng Đức ông Hoàng Cần cùng thuộc hạ của ông trên đường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong lễ tế thần, thành hoàng, dân làng cầu thần, thành hoàng ban phúc, lộc, sức khoẻ, bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Ngoài lễ chính, tại đền còn có 4 ngày lễ khác vào các ngày 15-4 cầu nước chống hạn, cầu mùa màng tốt tươi; 15-7 lễ Vu lan báo hiếu ông bà, bố mẹ; 15-10 lễ cúng cơm mới, cầu may và 15-12 lễ tạ thần linh. Trong các ngày lễ này, dân làng đều chuẩn bị đóng góp lễ vật từ trước, mọi người cùng mang lễ vật tập trung tại sân đền để nấu đồ lễ dâng cúng thần - thành hoàng. Hiện UBND xã Hải Lạng (Tiên Yên) đã thành lập Ban Quản lý di tích đền thờ Đức ông Hoàng Cần. Ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng, thủ nhang của đền phải thay mặt dân làng hương khói tại đây.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tiên Yên cũng đã có tờ trình UBND tỉnh xin chủ trương lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đền thờ Đức ông Hoàng Cần với quy mô 8,9ha, tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và xã hội hoá, dự kiến được triển khai từ năm 2017. Đồng thời, đề nghị tỉnh công nhận đền thờ Đức ông Hoàng Cần là điểm du lịch địa phương.
Phương Thuý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét