Đã sống một phần đời trên biển nên vua Gia Long luôn quan tâm bảo vệ quốc gia từ phía biển, đề phòng bằng những hệ thống phòng thủ vùng biển cũng như việc tuần tra, khẳng định chủ quyền trên vùng biển, đảo. Đứng đầu phương án bố phòng này là cửa biển Đà Nẵng, nơi có vị trí đặc biệt về kinh tế và quân sự.
Đoàn đặc sứ Pháp đến Đà Nẵng xin bang giao năm 1824. (Nguồn: Lưu Trang (2005), Phố cảng Đà Nẵng từ 1802-1860, Nxb Đà Nẵng) |
Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ thời Minh Mạng đã cho biết diện mạo khá hoàn chỉnh của cương vực, lãnh thổ Việt Nam. Các cửa sông, cửa biển, tấn sở được ghi chép ở Nam Trung Bộ gồm Hải Vân, Câu Đê hải khẩu, Đại Cát, Đại Cát Mặc, Thị Nại, Xuân Đài…
Nhà nước thường xuyên tổ chức thăm dò, đo vẽ cửa biển, đường biển phục vụ cho vận tải và quân đội. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cửa biển, do quan Trấn thủ, Thủ ngự chỉ huy. Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết: Tháng giêng năm 1813, “hạ lệnh cho các trấn thủ dọc biển các địa phương đo những nơi các cửa biển sở tại, sâu nông rộng hẹp thế nào, hằng năm cứ đến mùa xuân mùa đông thì dâng đồ bản lên. Bộ Công sẽ đưa đồ bản cho các thuyền vận tải của thủy quân để cho biết đường thủy khó dễ thế nào”. Tháng 2-1815, sai đội Hoàng Sa do Phạm Quang Ảnh dẫn đầu ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển. Tháng 3-1816, “sai các dinh trấn, xem đo đường biển cách nhau xa gần bao nhiêu, vẽ bản đồ dâng lên và sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”. Tháng 6-1817, thuyền Mã Cao đậu Đà Nẵng, đem địa đồ đảo Hoàng Sa dâng lên. Thưởng cho 20 lạng bạc. Tháng 3-1820, Minh Mạng giao cho quan thủ ngự còn có nhiệm vụ “cắm tiêu” tại những cửa biển để hướng dẫn thuyền qua lại.
Như thế từ đầu việc xác định cương giới đã được ý thức rất sớm và đúng đắn.
Theo thống kê, tất cả các cửa biển của vùng Nam Trung Bộ đều được các vua Nguyễn đánh giá cao và tùy theo tình hình thực tế để bố trí phương án phòng bị. Đứng đầu phương án bố phòng này là cửa biển Đà Nẵng, nơi có vị trí đặc biệt về kinh tế và quân sự, cũng là nơi duy nhất Nhà nước dành để đón tàu thuyền phương Tây với hai pháo đài Điện Hải, An Hải cùng hệ thống thuyền chiến và lính thường trực.
Một trong những yếu tố tạo nên vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng của Đà Nẵng là tránh được bão tố, có thể vào nội địa qua sông Hàn; là tâm điểm của các chuyến hàng hải, nghỉ ngơi khi qua đại dương; là vị trí chiến lược, “yết hầu Thuận Quảng”. (Thời Minh Mạng, vua cho khắc hình tượng cửa biển Đà Nẵng vào Dụ Đỉnh, một trong Cửu Đỉnh của triều Nguyễn).
Nhà Nguyễn nhận ra điều đó, bởi Đà Nẵng không quá gần và không quá xa; vừa đủ để liên lạc với kinh đô và kinh đô cũng dễ kiểm soát hoạt động tàu thuyền cũng như ngoại giao không chính thức đối với phương Tây. Trên hết, Đà Nẵng vừa có vị trí quan trọng trong tự bản thân nó và gần kinh đô nên sự quan tâm bố phòng của nhà nước được ưu tiên với mức độ đặc biệt. Đó là một quá trình xây dựng lâu dài từ Gia Long đến Tự Đức với nhiều sức người sức của, thường xuyên tăng cường quân đội và vũ khí bố phòng mới tạo nên hệ thống phòng thủ “liên hoàn” ở cửa biển này.
Các cửa biển còn lại, theo ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Quốc sử quán triều Nguyễn, đều được chia đặt tấn thủ canh giữ. Điều này cho thấy nhà nước rất quan tâm đến vùng đất này và bố trí canh giữ tùy theo mức độ quan trọng của nó. Trong đó, các vùng trọng yếu thì có quân chính quy, các cửa biển nhỏ thì giao cho dân trong vùng phụ giữ, tùy theo mức độ quan trọng của cửa biển mà tăng cường hay thoái triệt lực lượng tại tấn sở. Riêng Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều đảo và quần đảo quan trọng nên được bố trí lực lượng chuyên nghiệp đặc biệt, vừa tuần phòng vừa canh giữ ngoài khơi.
Việc phòng thủ vùng biển ở các tỉnh hầu hết nhà nước đều giao quyền chủ động tác chiến cho địa phương, trong đó nhà nước giữ vai trò chỉ đạo. Ví như sự kiện năm 1834, được chép trong Minh Mệnh chính yếu, tập 3, tr.252: “Vua lấy cớ các đảo và bãi ở ngoài bể thuộc các địa phương có nhiều dân cư, chợt gặp giặc bể không lấy gì để chống giữ, mới sai Binh bộ truyền các tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát ở địa phương có hải phận, bắt dân sở tại phải đóng kiểu thuyền đi được nhẹ nhàng, phí tổn do nhà vua cấp phát. Lại cấp binh khí, súng ống và đạn dược để đề phòng lúc không ngờ”.
Hệ thống các đồn biển ngoài nhiệm vụ đóng giữ cửa biển còn có nhiệm vụ thông tin bằng việc treo cờ hay chạy trạm. Bên cạnh đó là hệ thống thuyền buôn, thuyền đánh cá của các địa phương cũng tham gia tích cực vào việc tuần tra, là tai mắt của nhà nước trong việc nắm bắt và thông báo tin tức trên biển.
Chính nó là cơ sở để những thông tin trên biển được chuyển về nhanh chóng chứ không phải chỉ bằng con đường chính quy.
LÊ TIẾN CÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét