Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Đường Bạch Đằng: Ba lần máu đỏ nhuộm dòng sông (phần 1)

Bạch Đằng vừa là tên đất, vừa là tên sự kiện lịch sử lừng danh, được cả nước dùng để đặt tên những đường phố giáp ranh với sông nước.

Mô tả ảnh.
Một góc đường Bạch Đằng, Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng, đường phố dài 2.550m, rộng 9m, chạy dọc theo bờ Tây sông Hàn, nối đường 3 tháng 2 với đường 2 tháng 9, từ năm 1955 được đổi tên thành Bạch Đằng; trước đó, thời thuộc Pháp, có tên là Quai Courbet (Quai: bến tàu, bến thuyền ven sông. Courbet: tên của một đô đốc Pháp).

Sông Bạch Đằng (Bạch Đằng Giang, hiệu là sông Vân Cừ) trong hệ thống sông Thái Bình, là một con sông chảy giữa hai huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng), đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Nam Triệu.

Trên dòng sông lịch sử này đã diễn ra ba trận thủy chiến của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược: Năm 938, Ngô Quyền giết Hoàng Thao, phá quân Nam Hán; năm 981, Lê Hoàn diệt quân Tống; năm 1288, Hưng Đạo Vương phá tan quân Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).

Chiến thuật chung của cả ba trận là dùng cọc lim vót nhọn, bí mật cắm ngầm ở nơi hiểm yếu trên dòng sông, mai phục thủy binh và bộ binh, rồi dụ địch vào nơi quyết chiến, chờ khi thủy triều xuống, dồn sức phản công. Trong đó, trận đánh quân Nguyên ngày 8-4-1288 đã đi vào lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta với quy mô lớn nhất, chiến thắng hào hùng nhất.

3 trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng cũng đã đi vào giai thoại với lòng tự hào dân tộc.

Giang Văn Minh (1573-1638) quê xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), đỗ Đình nguyên Thám hoa năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Ra làm quan, năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Vua Minh là Sùng Trinh, trước mắt bá quan văn võ và sứ thần các tiểu quốc khác, đã ngạo mạn ra câu đối cho sứ bộ nước ta: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục. (Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Câu này ngầm nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).

Giang Văn Minh đã ngạo nghễ đối lại: Đằng giang tự cổ huyết do hồng. (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ). Vế đối đã chỉnh chu, lại có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng, như một cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước.

Mất mặt, vua Minh nổi giận, thẳng tay ra lệnh mổ bụng Giang Văn Minh để xem gan sứ Việt bao lớn rồi cho khâm liệm và trả di hài về nước. Vua Lê Thần Tông vô cùng thương tiếc, thân hành làm lễ tế với lời điếu: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả thi vị thiên cổ anh hùng”. (Đi sứ không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bậc anh hùng ngàn thuở).

Chiến công trên Bạch Đằng Giang cũng đã đi vào lời thơ hùng tráng của Phạm Sư Mạnh đời Trần: Hung hung Bạch Đằng đào/ Tưởng tượng Ngô Vương thuyền. (Bạch Đằng cuồn cuộn sóng trào/ Tưởng thuyền Ngô Chúa hôm nào trên sông). Bài hát “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước cũng có đoạn: Đoàn quân Ngô thiện chiến, chém giết quân Hoằng Thao/ Đoàn quân Trần Quốc Tuấn, đánh thắng quân Thoát Hoan.

LÊ GIA LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét