Theo những khám phá khảo cổ học, thì trong khoảng thế kỷ VII-VIII sau công nguyên, trên đất cũ Tây Ninh, họ đã dựng lên hàng trăm ngôi tháp bằng gạch, mà ngày nay chỉ còn thấy dưới dạng những phế tích được dân địa phương gọi là "gò gạch" hoặc "gò tháp" hoặc mang tên Việt ngữ, Hán Việt hoặc Khơme, Chăm…
Di tích những "gò tháp" này có diện phân bố khá rộng và thường quy tụ thành những quần thể có số lượng từ vài ba gò đến hơn chục gò. Về phía bắc, trong địa phận huyện Tân Biên có quần thể gò tháp ở Rùm, gồm ba nền kiến trúc; ở Chót Mạt có hai nền kiến trúc. Nơi đất huyện Châu Thành, trong địa phận xã Thanh Điền có quần thể hơn chục gò tháp nằm dọc theo bờ phải rạch Tây Ninh, trên chiều dài khoảng 3km theo hướng bắc-nam; ở xã Biên Giới có cụm gò tháp Đái Xoài…, tại ấp Phước Thanh xã Phước Vĩnh, có quần thể gò nằm thành dãy dài theo hướng bắc-nam, cách con sông Vịnh-một chi lưu của sông Vàm Cỏ Đông khoảng 400m. Trên địa bàn huyện Bến Cầu, trong xã Tiên Thuận có một quần thể gò nằm ở bờ nam sông Vàm Cỏ, ngày nay có cái tên gọi Gò Chốt Mỹ, gò Bến Đình. Gò Tràm Lơn, gò ấp A, ấp B… trong hai xã Long Khánh - Long Thuận cũng có những quần thể gồm từ 3 đến 8 gò tháp. Trong huyện Trảng Bàng, đặc biệt tại các xã Phước Chỉ, Phước Lưu có quần thể gò tháp khá lớn, với cái tên cụ thể như Prasat Ankun (nay gọi là Bình Thạnh), Prasat Don Kup, Prasat Don thơm, Prasat to, Prasat An số 1, Prasat An số 2, Prasat Ia Ey, Phước Hưng… Ngoài ra ở các huyện khác cũng có những gò tháp nằm rải rác ở nhiều nơi như Gò Cảo Trảo (xã Cẩm Giang), Bàu Vừng (xã Phước Trạch), gò Phước Thạnh (xã Phước Thạnh) thuộc huyện Gò Dầu, gò Hiệp Ninh (Hoà Thành)…
Nhìn chung các quần thể gò tháp đều được dựng trên thềm đất xám phù sa cổ vững chắc, gần bờ sông Vàm Cỏ Đông hoặc cạnh những con rạch, con sông nhỏ, có dòng chảy đổ ra sông lớn Vàm Cỏ Đông… Những quần thể "gò tháp" ấy, vào thời bấy giờ, đều là những nơi thường xuyên có các sinh hoạt thờ cúng của cư dân trong vùng, trong từng địa phương… Ngày nay, phần lớn đều đã đổ nát, hoang phế, chỉ có hai địa điểm còn lưu tồn cấu trúc tháp thờ xưa ấy tuy không được vẹn toàn là địa điểm Chót Mạt phía bắc và địa điểm Binh Phú mạn nam tỉnh Tây Ninh.
Tại địa điểm Chót Mạt, nay thuộc địa phận ấp Mới xã Tân Phong (Tân Biên) theo khảo sát của khảo cổ học, nguyên từ đầu, có hai ngôi tháp, một lớn, một nhỏ. Ngôi tháp lớn được xây dựng bằng gạch cỡ lớn, bình diện móng hình chữ nhật, dài 6m25, theo hướng đông tây, với nhiều đường bẻ góc lớn. Tháp cao khoảng 8-9 mét, thân cao khoảng 5m50. Bốn mặt xây tường bằng gạch; ba mặt tây, bắc, nam có cột giả, cửa giả; riêng mặt phía đông có cửa đi vào trong lòng tháp. Cửa tháp có khung bằng đá, gồm hai cột trụ, kè trên ngạch cửa ở phía dưới, đỡ tấm mi cửa ở phía trên. Hai bên cột trụ có hai trụ gạch. Phía trên mi cửa có trán cửa xây thành hình cung như móng ngựa. Trên mặt tường khoảng giữa các cột trụ giả có phù điêu chạm nổi hình thần giữ đền (Dva-rapala). Hình các vị thần đã bị hư hỏng nhiều, không còn nguyên vẹn. Trên mặt tường phía đông chỉ còn lại phần chân của một vị thần với chiếc lao chống xiên giữa hai chân; ở mặt tường phía tây có hình vị thần cầm vương trượng (sceptre) có các đài và một vị thần cầm chiếc rìu (?); ở mặt tường phía bắc có vị thầân cầm chiếc lao và vị thần khác cầm ngà voi, còn mặt tường phía nam chỉ thấy một vị thần cầm cây đinh ba ở tay phải. Ngoài ra, trên các cột trụ có chạm hình hoa lá; trên trán cửa, mi cửa cũng được chạm trổ cầu kỳ bằng đồ án hoa văn những giây chuỗi, hoa lá, chuỗi vòng, khung rèn… thuộc phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ VIII của vùng đồng bằng Nam Bộ.
Trong phế tích của tháp nhỏ, trước đây có thu thập được một tượng thần Visnu bằng đá, đội mũ trụ, đứng vẹo hông, có khung hình vành móng ngựa đỡ phía sau, có bốn tay, hai tay trên cầm đĩa tròn hoặc bánh xe và con ốc, tay dưới bên trái cầm chuỳ, trên thân có chạm nếp trang phục và vạt túi được vẽ trên đùi phải. Ở tháp lớn cũng tìm thấy một bệ tượng bằng đồng thau. Hai sản phẩm tôn giáo này đều mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ thứ VIII sau công nguyên. Chúng đã cho biết rõ ràng địa điểm Chót Mạt, vào thời ấy là nơi có ngôi tháp thờ thần Visnu-một trong ba vị thần chính của của đạo Bà la môn.
Địa điểm thứ hai còn lưu tồn kiến trúc tháp có tên gọi là Prei Cetr hoặc Prasat Ankien, hoặc tháp Chàm, nay là Bình Thạnh. Tháp được khảo cổ học biết đến vào năm 1906. Nơi đây, từ ban đầu có dựng hai ngôi tháp trên một nền đất bằng phẳng hình chữ nhật, dài 70m, rộng 60m, theo hướng đông-tây, cao hơn mặt ruộng khoảng 1m lại có thêm một đền thờ phụ (gopura), cách tháp chính 40 mét trên đường trục chính đông tây, 2 bờ tường ở 2 bên đều thờ phụ và đường hào bao quanh có hình chữ nhật, nằm đúng hướng đông tây, có chiều dài 80m, chiều rộng 50m.
Tháp chính đã đổ nát từ lâu, đến năm 1938 chỉ còn bộ phận móng, cao khoảng 3 mét, nằm trong "gò nổi". Ngôi tháp thứ 2 nhỏ hơn, nằm về phía nam của tháp chính khoảng 15m (?). Sau khi phát hiện ra vào năm 1906, tháp này đã được tu sửa, gia cố vào năm 1938. Ngày nay, tháp còn bảo tồn tại chổ. Tháp xây dựng gạch cỡ khá lớn; móng có bình diện hình chữ nhật theo hướng đông tây, chiều dài khoảng 6m, chiều rộng khoảng 5m60 với nhiều đường bẻ góc. Tháp còn cao khoảng 7m, thân tháp thẳng đứng, tường có xây nhiều cột giả và ba cửa giả ở các mặt tây, nam và bắc. Riêng mặt tường phía đông có trổ cửa đi vào tháp. Cửa có bề ngang rộng 0m60, cao khoảng 1m76. Khung cửa làm bằng đá, gồm hai trụ dựng hai bên, một đà ngang đặt trên hai đầu trụ, có lổ ở hai đầu để tra cánh cửa. Trên đà có mi cửa, dưới đà có ngạch nằm ngang. Trên tường gian chính có ba khám thờ ăn sâu vào khoảng giữa ba vách tây, nam, bắc, có hình vòm cuốn, cách mặt nền khoảng 1 mét.
Trên mặt tường phía ngoài, ở hai bên cửa chính có xây phù điêu nổi hình hai bệ thờ chồng cao và trên mặt bệ thờ cao nhất có phù điêu hình người ngồi bên trong khám có hình vòm cuốn. Phía ngoài khám có hình phù điêu chạm hình ngọn lửa hoặc hình tia mặt trời cách điệu. Ngoài ra, trên móng nổi và trên các góc bề mặt vòm tháp có trang trí những khám hình vòm có hình người bán thân ở bên trong.
Tháp Bình Thạnh, hiện còn nguyên vẹn nhất, về bố cục, cấu trúc cũng như hình dáng khá giống với tháp Chót Mạt. Chúng là loại hình kiến trúc tôn giáo phổ biến vào thời ấy. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, di tích nền móng của loại kiến trúc này đã được phát hiện ở nhiều nơi. Đó là di tích "gò tháp" ở Vườn Dầu, ở Đái Xoài (Châu Thành), ở Rùm (Tân Biên), ở Tiên Thuận (Bến Cầu), ở Bùng Binh-Đôn Thuận, ở Gò Miễu (Trảng Bàng)… Di tích của những "gò tháp" này có phần đơn giản hơn, ít có đường bẻ góc. Đặc biệt, ở gò Cổ Lâm Tự (Châu Thành), kích thướt nền móng còn nhỏ hơn nữa và được xây thành hàng năm kế tiếp nhau như là những miếu nhỏ hoặc am kín.
Trong các tháp, đền miếu, sau khi xây cất xong, cư dân hồi bấy giờ còn dựng các tượng thần, vật thiêng, thậm chí có khi còn đem chôn cất dưới móng kiến trúc. Các vị thần và vật thiêng được thờ hầu như không có định chế chặt chẽ và thống nhất. Nếu lần theo những phát hiện của khảo cổ học thì thấy trong quần thể "gò tháp" Thanh Điền có số lượng tượng thờ vật thiêng nhiều nhất. Nơi đây, ngoài tượng thần Visnu với số lượng khá nhiều, còn có tượng Uma, Mahisvara, tượng nam thần, nữ thần, tượng linga, và các vật thiêng như bệ có dấu thiêng, bệ thờ, máng nước thiêng, bàn nghiền, tượng chim cùng bệ có minh văn cổ. Trong cụm "gò tháp" ở miền Tiên Thuận (Bến Cầu) có tượng thần Surya, thần Laksmi, bệ yoni… Ở các xã Phước Chỉ, Bình Thạnh (Trảng Bàng) trong các tháp số lượng tượng cũng khá nhiều dạng. Có tượng thần Laksmi ở Rừng Dầu hoặc Truông Dầu, có tượng thần Visnu trong gò tháp Prasat Don Thom, tượng nam thần và tượng linga ở Phước Hưng; tượng rắn thần Naga bằng đồng ở PreiCek (Bình Thạnh); có linga…, yoni ở Gò Miễu… Trong một vài "gò tháp" nằm riêng lẻ cũng đều thấy có tượng. Nhìn chung cư dân ở Tây Ninh thời ấy tôn thờ cả nam thần và nữ thần. Nam thần có Visnu, Siva, Surya; nữ thần có Laksmi và Uma Mahisvara. Trong đó, Visnu và Siva được thờ cúng nhiều nhất.
Thần Visnu có mặt ở các gò tháp Cổ Lâm Tự, Prasat Don Thom Prei Cek, Thái Hiệp Thành, gò Cao Sơn Tự Quốc Hưng. Những pho tượng thần Visnu thời bấy giờ ở Tây Ninh đều được tạc khá đẹp. Pho tượng ở gò Tháp Chót Mạt làm bằng sa thạch cao khoảng 55cm là tượng Visnu đội mũ trụ, đứng thẳng hơi vẹo hông, phía sau có vòng cung đỡ, mặt phương phi, mắt mở tự nhiên, mũi thẳng, mồm ngậm tự nhiên, ngực nở nang, thân vạm vỡ, đùi to khoẻ, đoạn cổ chân và bệ thờ bị mất, có 4 tay với hai tay trên cầm con ốc và bánh xe ( hoặc cái đĩa ), tay trái dưới cầm chày, tay phải dưới đã mất. Pho tượng này được coi là tác phẩm nghệ thuật thuộc nửa sau thế kỷ VIII.
Tượng thần Visnu ở gò tháp Prasat Don Thuân gồm có 3 chiều cao 0m30-0m49 làm bằng phiên thạch hoặc phiến sa thạch. Chúng đều là loại tượng Visnu đội mũ trụ, có giá đỡ bằng thanh ngang sau đầu, thanh đứng ở hai tay, mặt đầy đặn, thậm chí bầu bĩnh, mắt tự nhiên, mũi sống cao, mồm ngậm bình thường, ngực nở, chân đứng thẳng, hai bàn chân đều thẳng về phía trước, dáng nghiêm trang. Những pho tượng thần này đều là sản phẩm được tạc vào thế kỷ VII hoặc VIII sau công nguyên.
Thần Siva cũng là vị thần được thờ khá phổ biến, thường được thể hiện bởi linh vật linga, mukhalinga hoặc linga-yoni. Những linh vật có mặt ở nhiều nơi trong quần thể "gò tháp" Thanh Điền, Tiên Thuận, Phước Hưng, Bùng binh... Vị thần này được tôn thờ nhiều hình tượng khác nhau. Nếu ở dạng nhân thần thường có vẽ chạm con mắt thứ ba ở giữa trán, biểu trưng cho sự thông tuệ của thần và lối phục sức đầu thành búi tó dựng đứng mà từ ngữ khoa học gọi là mukuta. Song dạng phổ biến nhiều hơn là hình linh vật như linga hoặc mukhalinga hoặc linga-yoni.
Thần Surya là vị thần thứ 3 được cư dân nơi đây thờ phụng. Cho đến nay, tượng vị thần này chỉ mới thấy ở gò tháp Bến Đình, thuộc xã Tiên Thuận ( Bến Cầu); và ở Thái Hiệp Thành ( Hoà Thành ). Đây là vị thần được Thần Mặt Trời, vốn gốc gác có thể từ tín ngưỡng của các dân tộc vùng Iran- Batư. Hình ảnh vị thần này thường có màu tóc sáng, nước da màu đồng, trang phục như một chiến binh Iran, với đôi mắt đỏ, có hai hoặc bốn tay; hai tay trên cầm bông hoa, có vầng hào quang toả sáng sau lưng, thần đi đến mặt trời trên chiếc xe chỉ có một bánh được kéo bởi bảy con ngựa (hoặc một con ngựa bảy đầu), điều khiển bởi Aruma là con trai của thần chim Garuda.
Tượng thần Surya ở Tây Ninh và châu thổ sông Cửu Long (tại núi Ba Thê và tại gò Tháp Mười) có phong cách riêng, thể hiện ở đầu đội mũ trụ hình tròn hoặc đa giác) tai đeo bông, cổ đeo hạt chuỗi, mang áo thụng đến đầu gối, chân đi ủng.
Pho tượng thần Surya ở Tiên Thuận (Bến Cầu) đã mất phần cẳng và chân đế, hiện còn cao khoảng 0m39, ở tư thế đứng vẹo hông, đầu đội mũ trụ có gờ ở mép, tóc cuộn thành nhiều cụm đều nhau; sau đầu có vầng hào quang hình bầu dục có vạch thành tia tỏa ra xung quanh; mặt đầy đặn, bầu bĩnh, cân đối, dái tai dài có đeo vòng khuyên kiểu vòng hở, buông thõng trên vai, thân khoác áo thụng, có dây lưng được thể hiện bởi hai đường vạch song song. Hai cánh tay ở tư thế khép vào ngực; bàn tay đều gãy chỉ còn lại dấu sẹo tròn ở vị trí hai bên vai, tựa như trong tư thế cầm hai bông sen của tượng thần Surya ở Ba Thê (An Giang)
Pho tượng thần Surya ở Thái Hiệp Thành (Hòa Thành-Tây Ninh) cũng bị gãy mất phần cẳng chân và một cánh tay, hiện còn cao khoảng 0m515. Thần có dáng hình vạm vỡ, đầu đội mũ trụ, hơi rộng ở phía trên, bên dưới có vành vương miệng hẹp, gắn 10 viên ngọc nằm ở khoảng cách giữa 3 đóa hoa vàng . Mặt của thần vuông vắn, kiên nghị, mũi thẳng, mắt mở, gò má nhô cao, môi khép tự nhiên, sát trên môi có đường ria mép nhỏ đầy vẻ quý phái. Thân khoác áo thụng dài đến đầu gối, có thắt đai lưng bằng hai giải nổi tròn, cột ở khoảng trên rốn và buôn thả tự do tạo thành hình tựa như vạt áo xòe hình quạt với đường xếp tự nhiên. Trên cổ có đeo vòng kiềng khá rộng bản, ria ngoài có đường dăng tên hình tam giác nối tiếp nhau, tựa như tia mặt trời ở giữa có tấm lắc "hình thang".
Những pho tượng thần Surya ở Tây Ninh cũng như ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long được coi là sản phẩm nghệ thuật tôn giáo thời thế kỷ thứ VII-VIII, thậm chí có thể vào thế kỷ thứ VI.
Cùng với việc thờ Nam thần, bấy giờ, cư dân còn thờ Nữ thần. Trong đó, có thần Laksmi là vợ của thần Visnu và Uma-mahisvara là vợ của thần Siva
Nữ thần Laksmi có mặt ở Tiên Thuận, Rừng Dâu, được quan niệm là thần của sự thịnh vượng, của sắc đẹp. Thần được thể hiện một tay cầm một bông sen và một tay cầm trái cây ... Tượng thần Laksmi ở Tiên Thuận được tạc trong tư thế đứng vẹo hông khá rõ, cao khoảng 0m95. Đầu đội mũ trụ; mặt tươi cười, thân hình đẩy đà, bầu vú, những nếp da hằng trên thân và nếp áo trên hông được thể hiện bởi những đường vạch đơn giản, riêng phần trên của xà rông có hình núm thắt lưng được chạm hơi nổi, trên thân không mang đồ trang sức .
Nữ thần Uma makisvara (cũng có tên là Uma mahisasuri hoặc Uma mahissasuradami) có nghĩa là thần Uma chiến thắng quỷ trâu. Vị thần này tượng trưng cho tri thức vĩnh hằng, cho sức mạnh sáng tạo, và sự yên bình trong đêm tối . ở tượng này thường có chạm hình đầu sừng của quỷ trâu ở mặt trước bệ tượng, phía dưới chân thần Uma, vật tuỳ thân của vị thần này là thanh kiếm và tấm mộc.
Pho tượng ở Tiên Thuận (Bến Cầu) làm bằng sa thạch đen, đã mất phần chân dưới, hiên còn cao khoảng 25cm. Thần có dáng thấp lùn, mập mạp, có giá đỡ hình vành móng ngựa ở sau lưng.
Pho tượng thứ hai ở An Thành (Gò Dầu) cao khoảng 58cm , đầu đội mũ trụ có đường gờ nổi ở biên mũ; mặt đầy đặn, hiền từ, mắt mở hình hạnh nhân, dái tai dài đến vai đính vào cổ, bộ ngực hơi nở; trên thân khoác áo dài với đường nếp thẳng như phục sức của thần Visnu, song viền cổ lại giống áo samghati cua nhà sư. Vật tùy thân của thần giống như thần Visnu, tay phải phía trên cầm vật hình dĩa; tay phải phía dưới nâng quả cau, tay trái phia dưới cầm cái chùy, mặt trước bệ tượng có chạm hình đầu-sừng con quỷ trâu.
Những pho tượng Nam thần, Nữ thần ở đây đều bắt nguồn từ nghệ thuật tạc tượng tôn giáo cổ ấn Độ. Tuy nhiên, chúng đều là tượng tròn, mang nhiều dáng vẻ tự nhiên, gần gũi với hiện thực; phục sức giản dị, thân hình vạm vỡ, khoẻ mạnh, và thường tạc thêm khung hình vành móng ngựa làm giá đỡ phía sau tượng. Đấy là những sản phẩm, mà hầu như cho đến nay, thường chỉ phát hiện ở đất Tây Ninh và vùng ven châu thổ sông Cửu Long. Chắc chắc chúng la những tác phẩm điêu khắc do các nghệ nhân ở trung tâm tạc tượng ở vùng này làm ra .
Những nghệ nhân thời đó hẳn đã có hiểu biết khá sâu sắc về thần điện, về nghệ thuật tôn giáo ấn Độ. Tuy vậy, các vị thần được họ tuyển định và tạo tác nên hầu như đều mang sắc thái riêng rõ nét. Chúng liên hợp thành một thần diện mới, chỉ gồm vài vị thần của ấn Độ giáo. Trong đó, Visnu-Siva là hai vị thần chính; ngoài ra có thêm thần Surya, Laksmi và Uma-Mahisvara. Những vị thần này, theo quan niệm chung thời ấy, là biểu tượng của sự sáng tạo lớn lao, sự thông tụê mọi trí thức, của sức mạnh vô song, của vẽ đẹp hòan mỹ và của hòa bình, thịnh vượng.Đấy là những giá trị tinh thần, tư tưởng cao nhất của ấn Độ Giáo mà cư dân đương thời ở đất Tây Ninh- châu thổ sông Cửu Long tiếp thu, với hoài vọng vươn tới trong cuộc sống tinh thần và vật chất.
Họ tạc nhiều tượng thần, dựng tháp thờ khắp nơi, mà ngày nay còn lại di tích rõ ràng đã cho thấy những nổ lực lớn lao của họ trong quá trình phấn đấu vươn tới ước vọng cao đẹp đó; mặt khác, nó cũng thể hiện đời sống tinh thần, vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật, các hoạt động kinh tế-xã hội đã phát triển hơn thời trước rất nhiều.
Vào thời bấy giờ "nơi nơi có đền tháp, chốn chốn có thần linh”, tôn giáo Balamôn địa phương phát triển “thịnh vượng”. Tầng lớp tăng lữ, tu sĩ Balamôn giữ vai trò rường cột trong xã hội. Những bi kí thời ấy tìm thấy ở châu thổ sông Cửu Long (Ba Thê-Tháp Mười-Phú Vinh) cho biết khá cụ thể, về con người và cuộc sống tại chỗ, mà trong đó hẳn có bộ phận cư dân trên đất Tây Ninh. Trên những bi kí này có thể rút ra những thông tin về năm tháng hoặc tên của vị vua trị vì, tước vị và tên của những người quyên cúng; tên của vị thần, những tên của dân chúng hiến đất để cung phụng cho đến những khoảng liệt kê giá cả chi cho người đã nhượng lại đất cho đền, vị trí, phạm vi, sản lượng ruộng lúa cúng hiến, tên của những nô lệ được hiến với chỉ dẫn nghĩa vụ của họ; liệt kê vật phẩm được cấp cho các thần; liệt kê các loại đất khác giao cho các đền như các loại vườn cây trái, vườn cây cảnh; cây rau;... danh mục các đồ vật quý giá cúng cho các đền...
Từ nội dung các bi kí, có thể thấy rõ của cải cúng cho các đền, tài sản của các tăng lữ, tu sĩ Bàlamôn gần như chiếm phần lớn của toàn xã hội thời ấy. Trong đó, điền trang và nô lệ là tài vật quan trọng nhất. Điền trang lúc bấy giờ có quy mô rộng lớn, có nhiều dạng, nhiều phương thức kinh doanh khác nhau. Nếu theo phận sự của đông đảo nô lệ thì ngoài các ruộng trồng lúa, còn có vườn cây ăn trái, cây rau, cây cảnh, những ruộng mía, vườn cau, vườn dừa, vườn chuối, những đất chăn trâu thả bò, nuôi voi... Ngoài ra, người nô lệ còn làm nhiều công việc khác như đào hào, khai thác quặng mỏ, đúc tượng, tạc tượng, chạm trổ đồ trang sức, dệt vải, nấu nướng, và đảm đương cả việc hát múa, biểu diễn nhạc cụ... nghĩa là làm mọi việc theo yêu cầu của tầng lớp tăng lữ thống trị...
Vào thế kỷ thứ IX về sau với sự hình thành vương quốc Angco-Campuchia trên vùng trung lưu và vùng biển hồ sông Mêkông, vùng đồng bằng Nam bộ bị biến thành vùng tranh giành ảnh hưởng của các thế lực chính trị, các vương quốc lớn bấy giờ (Angco – Chămpa – Java), cộng đồng cư dân, nơi vùng đất một thời phát triển phồn vinh về kinh tế, đặc sắc và rực rỡ về văn hóa, phải lưu tán đến vùng đất trong nội địa hoặc phải dời đến những hải đảo xa xôi. Địa bàn Tây Ninh cũng là "vùng đệm” giữa các quốc gia cổ đại, nên cũng không tránh khỏi những cảnh tranh chấp của các quốc gia hay các tiểu quốc gia diễn ra trên vùng đất này. Và có lẽ vì vậy, cư dân ở đây cũng phải lưu tán đến những vùng đất khác... Những di tích của những cư dân tại chỗ vào thời này trên đất Tây Ninh, cho đến nay rất hiếm thấy. Một đứt đoạn thứ hai của văn hóa lịch sử diễn ra ở đây và kéo dài nhiều thế kỷ cho đến khi xuất hiện các cộng đồng dân cư mới, tồn tại và phát triển liên tục trên đất Tây Ninh cho đến tận ngày nay.
|