Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Bánh phồng cá linh còn linh hơn

SGTT.VN - Con cá linh mùa nước nổi tiếp tục góp dài thêm danh sách các sản vật quê mùa của người miền Tây Nam bộ với món bánh phồng cá linh tươi.



Phải thừa nhận con cá linh là một thứ phẩm vật trời cho chỉ riêng người miền Tây mà không nơi nào trên suốt dải nước Nam này có được. Không phải vậy, sao ai đi đâu cứ nhắc đến mùa nước nổi lại lay lắt nhớ về. Nào là cá linh nấu canh chua bần, cá linh kho mía, kho nước dừa, cá linh kho mắm chấm bông điên điển, cho tới bánh xèo cá linh non… Nhưng tới bánh phồng cá linh thì người viết phải thán phục óc sáng tạo có lẽ vô tận của các má, các chị ở miệt sông nước này. Những con cá linh non đầu mùa tươi rói, được cắt đầu làm sạch rồi cho vào cối quết thật nhuyễn. Cứ 1 ký cá thịt trộn đều với một tá lòng trắng trứng, 1,5 ký bột mì ngang, nêm các loại gia vị tỏi, hành, bột ngọt, nước mắm, muối đặc biệt là tiêu sọ… trộn đều. Gói chặt hỗn hợp như đòn bánh tét, bọc nilông kín đem hấp cách thuỷ. Sau khi để nguội, dùng dao cắt từng lát mỏng và phơi khô để ăn dần. Ăn miếng bánh phồng cá linh giòn xốp, béo mà không ngậy, mằn mặn và thơm mùi cá linh rất khác với bánh phồng làm bằng tôm, cua hay mực.
Tuy là “món của nhà nghèo”, nhưng bánh phồng cá linh không dễ kiếm, bởi cá linh non chỉ có đầu mùa nước và càng về sau sản lượng cũng giảm dần.
May mà những nhà khoa học ở An Giang và Cần Thơ từ nghiên cứu tập tính của cá linh, đã tạo ra được nguồn cá linh nuôi trái vụ – vì không thể cạnh tranh giá cá linh tự nhiên vào vụ từ tháng 8 đến tháng 10. Nhưng cá linh mà không gắn kết với mùa nước nổi thì có vẻ như nó chẳng lấy gì làm có duyên, chẳng còn cái linh khí của đất trời tự nhiên…
Như Trần - Ảnh: Thanh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét