Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Vai trò lịch sử của trường Nguyễn Đình Chiểu tại thành phố Mỹ Tho

Sau khi làm chủ toàn cõi Nam Kỳ, song song với việc tổ chức bộ máy cai trị, thực dân Pháp quan tâm đến vấn đề giáo dục. Mục đích của họ là muốn dùng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp thay thế chữ Hán và chữ Nôm để phổ biến nền văn hóa Pháp cho dân chúng Nam Kỳ để họ quên dần nền văn hóa cổ truyền của dân tộc; đồng thời đào tạo một số công chức phục vụ cho chế độ.  Với mục đích đó, sau khi ký hiệp ước Giáp Tuất 1874 với triều đình Huế, ngày 17/11/1874 Thống đốc Nam Kỳ Krantz ban hành Nghị định thành lập cơ quan giáo dục và ấn định đại cương tổ chức nền giáo dục công cộng toàn cõi, được bổ sung đầy đủ và cụ thể hơn bởi Nghị định ngày 17/3/1879 do Thống đốc J.Lafont ký, theo đó tại các tỉnh lỵ sẽ có một trường Tiểu học (école primaire) gọi là trường Tỉnh (école de province), chỉ dạy đến lớp Nhất (cours supérieur). Sau đó, học sinh tốt nghiệp muốn học lên cao phải lên Saigon thi vào trường Trung học D'Adran do các Sư huynh đạo Công giáo giảng dạy.
Mỹ Tho là một tỉnh lớn vừa rộng vừa đông dân, nhu cầu học hành của con em rất lớn, nhưng không phải ai cũng có đủ kinh tế để lên Saigon học. Trước bức xúc đó, phụ huynh học sinh đã đề đạt nguyện vọng lên Hội đồng hàng tỉnh thảo luận và biểu quyết, nhờ viên Tham biện chủ tỉnh đề nghị lên Soái phủ Saigon cho mở tại Mỹ Tho một trường Trung học. Do đó ngày 17/1/1879 Thống đốc Nam Kỳ là Thiếu tướng Hải quân đô đốc Bá tước Lafont, vị võ quan cai trị cuối cùng của Pháp ban hành Nghị định thành lập tại Mỹ Tho một trường Trung học giống như trường Trung học Chasseloup Laubat tại Saigon, gọi là Collège de Mỹ Tho. Như vậy ngày thành lập chính thức của trường Trung học Mỹ Tho là ngày 17/1/1879. (1)
Cơ sở của trường lúc đầu dùng chung với cơ sở của trường Tiểu học tỉnh gồm một dãy nhà trệt. Theo quy chế giáo dục lúc bấy giờ, nơi nào có trường tiểu học và trường trung học thì nhập chung thành một trường, đặt dưới quyền điều khiển của một viên hiệu trưởng chung cho cả 2 bậc học. Vị hiệu trưởng này kiêm luôn nhiệm vụ thanh tra học chánh đối với các trường Tiểu học ở các quận và các trường tổng (Ecole cantonale) trong tỉnh.
Chương trình học của bậc trung học (Deuxième degré) lúc bấy giờ chỉ học 3 năm. Giáo trình gồm có Pháp văn (văn phạm, tập đọc, tập viết, tường thuật, luận văn, dịch ngược, dịch xuôi, đặc biệt là dịch từ Việt văn ra Pháp văn và tập nói chuyện); số học (4 phép tính, phân số, quy tắc tam xuất, phép chiết khấu, phép tính lợi tức); hình học (đo diện tích và thể tích); địa lý (khái quát về 5 châu, đặc biệt học địa lý nước Pháp và các thuộc địa Pháp); tập vẽ. Về chữ Hán và quốc ngữ : học các sách Tứ thư (triển khai, diễn giải, lập luận, tường thuật bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ, lịch sử và địa lý Việt Nam).(2) Học sinh học hết chương trình sẽ dự kỳ thi cuối cấp. Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học gọi là Brevet Elémentaire, dùng để dự thi lên cấp 3 (Troisième degré) hoặc xin làm công chức hoặc giáo viên.  Năm học đầu tiên mở 2 lớp đệ nhất niên, có một vị hiệu trưởng người Pháp, 6 giáo sư người Pháp, một giáo sư dạy chữ Hán, 2 tư học người Việt (Instituteur) hạng nhất và một tư học hạng nhì. Các giáo sư người Pháp ở lại trong ngôi nhà của trường dành riêng cho họ. Ngày 14/6/1881 quyền Thống đốc Nam Kỳ Trentinian ban hành Nghị định đặt tên trường Trung học Mỹ Tho là Collège Le Myre de Vilers, tên của viên Thống đốc dân sự đầu tiên tại Nam Kỳ.(3) Năm 1920 xây thêm 2 dãy nhà lầu và các nhà phụ thuộc, vì số lượng học sinh đã tăng lên nhiều.
Muốn được vào học trường Collège de Mỹ Tho (Trung học Mỹ Tho), học sinh phải có văn bằng Tiểu học và phải trải qua một kỳ thi tuyển. Những học sinh giỏi có thể dự thi để hưởng học bổng toàn phần hay bán phần, với điều kiện trong hạn tuổi 12 đến 17. Nhà trường có tổ chức chế độ nội trú và bán trú cho học sinh theo điều 1 của Nghị định ngày 14/4/1886. Học sinh nội trú phải đóng cho nhà trường mỗi niên khóa là 30 đồng bạc, còn bán trú là 15 đồng, đóng thành 3 quý vào ngày mồng một tháng 4, tháng 8 và tháng 11.
Trường Trung học Mỹ Tho hoạt động được non 9 năm thì ngày 11/12/1889 Thống đốc Daniel ban hành Nghị định giải thể trường vì lý do thiếu hụt ngân sách kể từ 1/1/1890 cùng với tất cả các trường tỉnh Tiểu học. Các trường này đều cải biến thành trường tổng. Đầu năm học mới, học sinh cũ của trường Trung học Mỹ Tho được phân tháp vào 2 trường trung học Chasseloup Laubat và DDDDAdran ở Saigon. Số nhân viên của trường chỉ giữ lại 3 giáo sư người Pháp, 8 tư học người Việt và 2 giáo viên dạy chữ Hán.
Nhưng đến năm 1891 trường Trung học DDDDAdran giải thể, học sinh các tỉnh miền Tây lại không có chỗ học, buộc lòng chính quyền thuộc địa phải cho mở lại trường Trung học Mỹ Tho và vẫn mang tên  Collège Le Myre De Villers. Đến cuối năm 1898 có tình trạng là những học sinh được hưởng học bổng hầu hết là người ở tỉnh lỵ. Còn học sinh các trường tổng không đủ điều kiện kinh tế để tới thành phố ở trọ theo học. Để khắc phục tình trạng bất công đó đối với học sinh vùng nông thôn, ngày 18/11/1898 Thống đốc  Nam Kỳ ban hành một Thông tư thành lập một loại "học bổng gia đình" (bourses familiales) do ngân sách địa hạt đài thọ. Học bổng này cấp cho những học sinh giỏi ở xa tỉnh lỵ. Mỗi em được cấp 4-5 đồng bạc mỗi tháng và giao cho gia đình một thầy giáo nhận các em học sinh đó ở trọ nhà mình để đi học.
Niên khóa 1918-1919, chương trình học của trường được cải tổ theo Nghị định ngày 21/12/1917 của Toàn quyền Đông Dương. Theo quy chế này, bậc trung học (cấp 2) gọi là Cao đẳng Tiểu học (Enseignement Primaire Supérieur) có 4 lớp (tức 4 năm học). Giáo trình cũng nặng hơn. Học sinh học hết năm đệ tứ thì dự thi tốt nghiệp lấy bằng Cao đẳng Tiểu học hay bằng Thành chung (Diplôme ddddEtude Primaire Complémentaire Supérieur). Năm 1924 trường có đủ 4 lớp từ đệ nhất niên đến đệ tứ niên.
Sau ngày 23/9/1945 quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, trường tạm đóng cửa. Vào đầu niên khóa 1947-1948 mới mở cửa lại có 8 lớp, 10 giáo sư, thu nhận khoảng 300 học sinh của 7 tỉnh là Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc. Ngày 16/9/1953 trường được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu và chuyển thành trường trung học đệ nhất và đệ nhị cấp, đào tạo học sinh thi tốt nghiệp lấy văn bằng Tú tài. Năm 1958 lại xây thêm một dãy lầu nữa, gồm 10 phòng học, cải tạo dãy nhà trệt có từ năm 1879 thành một phòng thí nghiệm và 3 lớp học. Phòng thí nghiệm cũ đổi thành thư viện của trường. Trường vẫn phát triển không ngừng. Học sinh ngày một thêm đông. Từ trước học sinh nam nữ vẫn học chung. Đến năm 1958 số nữ sinh các lớp đã tăng lên con số đủ tách ra một trường riêng. Trường nữ được xây dựng ở góc đường Ngô Quyền-Hùng Vương (tức trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân - nay là trường THCS Lê Ngọc Hân). Từ đó nam sinh học riêng, nữ sinh học riêng. Năm 1961 trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu lại xây thêm 2 phòng học nữa. Năm 1968 trường có 2.786 học sinh, gồm 53 lớp từ đệ thất đến đệ nhất niên.
Sau 30/4/1975, trường được cán bộ giáo dục của chính quyền Cách mạng tiếp quản, vẫn mang tên trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu. Ngày nay, trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu ở thành phố Mỹ Tho cũng như bao nhiêu trường trung học khác ở khắp các tỉnh phía Nam đều có chung nhiệm vụ đào tạo lớp học sinh chuẩn bị bước  vào các trường cao đẳng hay đại học để trở thành những cán bộ chỉ huy, hoặc đi vào các trường chuyên nghiệp để trở thành những công nhân kỹ thuật có trình độ. Nhưng ngày xưa, dưới thời Pháp thuộc, việc học bị hạn chế. Cả Nam Kỳ, trừ thành phố Sài Gòn,  21 tỉnh mà chỉ có một trường Trung học Mỹ Tho. Thời gian lâu sau mới có trường Trung học Cần Thơ. Như thế đủ biết trường Trung học Mỹ Tho xưa tức trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu nay, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo trí thức có lòng yêu nước, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Dụng tâm của người Pháp khi cho mở trường Collège de Mỹ Tho cũng như những trường khác là muốn truyền bá nền văn hóa và văn minh của nước Pháp vào lớp thanh niên Việt Nam, để họ quên đi nguồn gốc cùng lịch sử hào hùng của dân tộc, để một lòng ngưỡng mộ nước Pháp, hết lòng trung thành với "mẫu quốc". Mặt khác họ muốn đào tạo một lớp công chức chỉ biết cúc cung tận tụy phục vụ bộ máy cai trị của người Pháp để được vinh thân phì gia. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Thực tế, người Pháp cũng đạt được phần nào mục đích của họ. Nhưng điều mà người Pháp không ngờ được là trường Collège de Mỹ Tho cũng đã đào tạo được những thanh niên nặng lòng yêu nước, thấy người nghĩ đến mình, biết coi thân phận làm dân nô lệ là quốc sỉ. Số thanh niên này đi học là để mở rộng kiến thức, tìm hiểu lịch sử và văn minh nhân loại, không phải để làm tay sai cho kẻ thù. Họ không màng danh lợi của kẻ thù ban cho, không quản tù tội hiểm nguy, đã hưởng ứng lời kêu gọi của các bậc đàn anh yêu nước, bí mật tham gia các tổ chức cách mạng trong trường, công khai bãi khóa, biểu tình. Họ tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, đưa Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến thành công. Họ làm cán bộ tham gia các Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến và lực lượng vũ trang từ ấp đến xã, huyện, tỉnh. Khi quân Pháp gây hấn ngày 23/9/1945 hòng trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa, rồi đến lượt đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam hòng thực hiện chế độ thực dân kiểu mới tại đây, họ đã tích cực tham gia kháng chiến, không quản hy sinh gian khổ, quyết đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Trường Collège de Mỹ Tho, nay là trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu sẽ mãi mãi hãnh diện với lịch sử là đã đào tạo và cung cấp cho Tổ quốc Việt Nam những đứa con ưu tú, kiên trung là cựu giáo viên của trường như các thầy Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Lê Văn Kiết, Phạm Thiều, là cựu học sinh của trường như Thủ tướng Phạm Hùng, các cán bộ cách mạng Đặng Minh Trứ, Lê Quang Thành, Trần Hữu Xoàng, Phan Văn Ba, Thái Sanh Hạnh, nhà giáo  Trương Công Trung, các bác sĩ  Trần Nam Hưng, Nguyễn Tấn Trung, các nhà văn Đoàn Giỏi, Hồ Biểu Chánh, Minh Lộc, các nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn, họa sĩ tài ba Nguyễn Sáng, nhà nghiên cứu Bằng Giang và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ khác trong các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị quân đội trên khắp các vùng đất nước.
--------------------  
(1) (3) - Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945. NXB  Khoa học Xã hội Hà Nội 1981 tập I trang 183.
(2) - Đây là lúc sơ khai của nền giáo dục thời Pháp thuộc, giáo trình còn nhẹ, vì trình độ Pháp văn của học sinh còn thấp, xin đừng nhầm với chương trình Trung học của Nghị định ngày 21-12-1917 của Toàn quyền Đông Dương.
Nguyễn Đình Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét