Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

THÁP CHÓT MẠT

   Khu đền tháp được xây dựng trên gò đất đắp cao giữa cánh đồng, ngày nay thuộc ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ngôi tháp mang tên Chót Mạt được xây dựng khoảng thế kỷ 8 đã được Bộ VHTT công nhận di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993.   
   Tháp Chót Mạt, được xây dựng bằng hai loại vật liệu chính là gạch khổ lớn cao 7 x 18 x 25cm và đá phiếm. Hình dáng của tháp gần giống như tháp của người Chăm ở các tỉnh miền Trung. Chân tháp rộng, các bức tường thẳng và dày, đỉnh tháp chọn, các vỉa gạch được xếp chồng khít lên nhau hầu như không có khe hở.

    Bình diện tháp hình vuông, mỗi cạnh 5m, tháp cao trên 10m, các mặt vách, tháp quay ra đúng hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt chính hướng Đông, trước mặt là bàu nước "hình vuông" cửa tháp đã sụp đổ nguyên phần vách chỉ còn lại những tấm mi cửa, gạch vụn nằm ngổn ngang ở mặt Đông. Do bị sụp đổ nên đã mất phần chiều cao của tháp.

    Ba mặt (Tây, Nam, Bắc) của tháp đều có cửa “giả” được xây nhô ra phía ngoài tường, trên bề mặt đều chạm nổi hình người, hoa lá cách điệu và những họa tiết trang trí tinh xảo, do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo nên.

    Tháp Chót Mạt là một trong ba đền tháp còn lại ở Nam Bộ (cùng với tháp Bình Thạnh – Trảng Bàng còn tương đối nguyên vẹn và tháp Vĩnh Hưng – Bạc Liêu). Ngoài ra các đền tháp cổ còn lại ở Tây Ninh đã trở thành phế tích trải dài dọc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, là đối tượng để nghiên cứu và giới thiệu của một nền văn minh từng phát triển trong qúa khứ . Đó là nền văn minh ÓC EO.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét